Viện Giáo Lý
Bài học 20 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sự Thờ Phượng và Các Giáo Lễ Đền Thờ


“Bài học 20 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Sự Thờ Phượng và Các Giáo Lễ Đền Thờ,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)

“Bài học 20 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 20 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Sự Thờ Phượng và Các Giáo Lễ Đền Thờ

Khi Đền Thờ Nauvoo đang được xây dựng, Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng: “Giáo Hội không thể được tổ chức một cách trọn vẹn … cho đến khi Đền Thờ được hoàn tất” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [Năm 2007], trang 446). Mục đích của bài học này là giúp học viên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của các giáo lễ đền thờ và mời họ cải thiện mức độ thường xuyên (nếu hoàn cảnh cho phép) và chất lượng của việc thờ phượng đền thờ của họ.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúa đã phục hồi các giáo lễ cứu rỗi của đền thờ qua Tiên Tri Joseph Smith.

Trưng bày một tấm hình đền thờ mà học viên sẽ nhận ra. Mời một vài học viên đã vui hưởng việc thờ phượng trong đền thờ chia sẻ xem họ cảm nhận như thế nào khi bước vào ngôi nhà của Chúa. Anh chị em cũng có thể hỏi họ cảm nhận như thế nào khi rời khỏi đền thờ.

CẢI THIỆN VIỆC GIẢNG DẠY VÀ HỌC HỎI CỦA CHÚNG TA

Hãy đặt những câu hỏi khuyến khích cách áp dụng. Mời học viên trả lời những câu hỏi khuyến khích cách áp dụng. Loại câu hỏi như thế này có thể đóng một vai trò thiết yếu trong việc giúp học viên nhận ra các lẽ thật đã được thảo luận áp dụng như thế nào trong tình huống hiện tại của họ cũng như cân nhắc cách thức họ có thể áp dụng trong tương lai (xin xem Việc Giảng Dạy và Học Hỏi Phúc Âm [Năm 2012], 5.1.4).

Hãy giải thích rằng sau khi Các Thánh Hữu ổn định cuộc sống của họ tại Nauvoo, Illinois, Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được một lệnh truyền phải xây cất một đền thờ. Như với Đền Thờ Kirtland, nhiệm vụ này đòi hỏi những sự hy sinh to lớn từ Các Thánh Hữu. Khi Đền Thờ Nauvoo đang được xây dựng, Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng: “Giáo Hội không được tổ chức trọn vẹn … cho đến khi Đền Thờ được hoàn tất” (Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, trang 446).

  • Anh chị em nghĩ tại sao Sự Phục Hồi Giáo Hội của Đấng Cứu Rỗi không trọn vẹn nếu không có một đền thờ? (Anh chị em có thể nhắc học viên chia sẻ một số điều họ đã học được từ việc nghiên cứu tài liệu chuẩn bị.)

Giải thích rằng trong một điều mặc khải truyền lệnh cho Các Thánh Hữu xây dựng Đền Thờ Nauvoo, Chúa đã mặc khải lý do tại sao ngôi đền thờ này sẽ rất quan trọng đối với Các Thánh Hữu. Ngài giải thích rằng việc thanh tẩy, xức dầu, thực hiện phép báp têm cho người chết và các giáo lễ khác thuộc về nhà thánh của Ngài. Mời học viên dành một vài phút học Giáo Lý và Giao Ước 124:31, 34, 40–41, 55 và tìm kiếm xem Chúa đã hứa ban phước cho dân Ngài trong các đền thờ như thế nào.

Yêu cầu học viên báo cáo điều họ tìm thấy. Sử dụng lời của học viên, trưng ra hoặc viết một lẽ thật lên bảng tương tự như sau: Trong đền thờ, Chúa ban phước cho chúng ta với các giáo lễ thiết yếu để chúng ta có thể được ban mão triều thiên với sự tôn vinh, sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu.

  • Trong những phương diện nào anh chị em nghĩ các giáo lễ đền thờ chuẩn bị chúng ta cho sự tôn vinh, sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu?

Cửa Hàng Gạch Đỏ

Cho xem một bức tranh Cửa Hàng Gạch Đỏ của Joseph ở Nauvoo và yêu cầu học viên giải thích những điều họ biết về sự phục hồi lễ thiên ân trong đền thờ. Mời học viên xem lại tiết 2 của tài liệu chuẩn bị nếu cần.

  • Anh chị em học được gì về các phước lành của lễ thiên ân trong tiết 3 của tài liệu chuẩn bị?

Khi thảo luận về lễ thiên ân, anh chị em hãy cân nhắc đặt một số câu hỏi theo dõi được liệt kê dưới đây. Nêu lên rằng khi chúng ta nói về đền thờ, Anh Cả Bednar đã dạy rằng chúng ta không được “tiết lộ hay mô tả các biểu tượng đặc biệt liên quan đến các giao ước mà chúng ta tiếp nhận trong các nghi lễ đền thờ thiêng liêng”, nhưng chúng ta “có thể thảo luận các mục đích căn bản của đền thờ và giáo lý cùng các nguyên tắc đi kèm với các giáo lễ và giao ước đền thờ” (“Được Chuẩn Bị để Thu Nhận Mọi Điều Cần Thiết,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 103).

  • Ân tứ của lễ thiên ân bao gồm những gì? (Xin xem tiết 3 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Mối quan hệ giữa các giáo lễ và giao ước là gì?

  • Khi học tài liệu chuẩn bị, anh chị em đã học được gì về các giao ước chúng ta lập trong lễ thiên ân?

  • Anh chị em nghĩ tại sao Chúa muốn dân Ngài phải được làm lễ thiên ân trong đền thờ?

Cân nhắc cho học viên một hoặc hai phút để chia sẻ những suy nghĩ của họ với học viên ngồi cạnh về các câu hỏi sau đây có trong phần cuối của tài liệu chuẩn bị:

  • Anh chị em sẽ đề nghị một người nào đó chuẩn bị những gì để nhận lễ thiên ân của người ấy? Tại sao đền thờ và các giáo lễ đền thờ lại quan trọng đối với cá nhân anh chị em?

Sự thờ phượng đền thờ mời quyền năng và những phước lành của Chúa vào cuộc sống của chúng ta.

Đền Thờ Kirtland

Nhắc học viên rằng Đền Thờ Kirtland là ngôi đền thờ đầu tiên được hoàn thành trong gian kỳ của chúng ta. Mục đích của đền thờ này khác với những đền thờ tiếp theo— ngôi đền thờ này đã cung cấp một nơi để Chúa khôi phục sự hiểu biết và các chìa khóa của chức tư tế cho việc thờ phượng đền thờ trong tương lai. Trong lời cầu nguyện cung hiến của đền thờ đó, Joseph Smith đã cầu xin Chúa ban các phước lành nhất định cho những người thờ phượng trong đền thờ. Mời học viên xem lại Giáo Lý và Giao Ước 109:13, 22–26 và tìm kiếm các phước lành mà họ có thể nhận được qua việc thờ phượng trong đền thờ.

  • Theo như các câu này, chúng ta có thể nhận được những phước lành nào khi thờ phượng trong đền thờ? (Hãy cân nhắc liệt kê các câu trả lời của học viên lên trên bảng và yêu cầu họ giải thích tại sao những phước lành này lại quan trọng đối với họ. Anh chị em có thể giúp học viên nhận ra một nguyên tắc tương tự như sau: Khi chúng ta thờ phượng trong đền thờ của Chúa, Ngài sẽ ôm chúng ta trong cánh tay bằng quyền năng và sự bảo vệ của Ngài.)

Thảo luận với học viên những lý do tại sao chúng ta cần quyền năng và sự bảo vệ của Chúa trong thời kỳ chúng ta. Mời học viên hỏi một người trong gia đình hoặc bạn bè những phước lành cụ thể nào mà người ấy đã cảm nhận được qua sự thờ phượng và các giáo lễ đền thờ để chia sẻ những điều họ học được (xem lời mời ở cuối tiết 1 trong tài liệu chuẩn bị). Anh chị em cũng có thể mời học viên làm chứng về các phước lành mà họ đã cảm nhận qua việc thờ phượng đền thờ của chính họ.

Trưng bày và đọc cùng với học viên lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson:

Chủ Tịch Russell M. Nelson

Tôi khẩn nài với anh chị em hãy thành tâm cân nhắc cách anh chị em sử dụng thời gian của mình. … Nếu anh chị em ở không xa một đền thờ, tôi khuyến khích anh chị em nên tìm cách để có một cuộc hẹn thường xuyên với Chúa—để ở trong nhà thánh của Ngài—rồi sau đó giữ cuộc hẹn đó với sự chính xác và niềm vui. Tôi hứa với anh chị em rằng Chúa sẽ mang những phép lạ Ngài biết anh chị em cần khi anh chị em hy sinh để phục vụ và thờ phượng trong đền thờ của Ngài. (Russell M. Nelson, “Trở Thành Các Thánh Hữu Ngày Sau Gương Mẫu,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 114)

Để giúp học viên suy nghĩ sâu sắc về cam kết của họ trước Chúa và kinh nghiệm của chính họ với đền thờ, hãy trưng bày các câu hỏi sau đây và mời học viên suy ngẫm những câu hỏi áp dụng vào hoàn cảnh hiện tại của họ. Cho học viên đủ thời gian để suy nghĩ và có lẽ là ghi lại những ấn tượng của họ.

  1. Có những điều gây xao lãng hoặc vấn đề về sự không xứng đáng nào làm tôi không thể đến được đền thờ hay không? Tôi cần phải làm gì để loại trừ các trở ngại này?

  2. Chúa có thể muốn tôi phải hy sinh những gì để nhận được nhiều phước lành hơn dành sẵn qua việc thờ phượng đền thờ?

  3. Làm thế nào tôi có thể làm cho sự thờ phượng của mình trong đền thờ có ý nghĩa hơn?

  4. Trong những phương diện nào Chúa có thể muốn tôi phải giúp những người khác cảm nhận được các phước lành của đền thờ?

Cho Buổi Học Lần Sau

Nêu lên rằng trong buổi học tiếp theo, học viên sẽ có cơ hội thảo luận về giáo lễ đền thờ cao quý của hôn nhân vĩnh cửu. Khuyến khích học viên đọc kỹ tài liệu chuẩn bị cho bài học 21 và cân nhắc tại sao hôn nhân và gia đình lại quan trọng đến như vậy trong kế hoạch hạnh phúc của Cha Thiên Thượng.