Viện Giáo Lý
Bài học 17 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tiếp Tục Trung Tín bất chấp Sự Chống Đối và Thống Khổ


“Bài học 17 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tiếp Tục Trung Tín bất chấp Sự Chống Đối và Thống Khổ”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)

“Bài học 17 Tài Liệu dành cho Giảng Viên”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 17 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Tiếp Tục Trung Tín bất chấp Sự Chống Đối và Thống Khổ

Trong khoảng thời gian từ năm 1837 đến năm 1839, Các Thánh Hữu đã trải qua một tinh thần bội giáo đe dọa ở Kirtland, Ohio và sự ngược đãi tàn bạo ở Missouri. Bài học này sẽ giúp học viên xác định làm thế nào họ có thể hướng đến, đặt lòng tin cậy và trông cậy trọn vẹn hơn vào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong những lúc gặp khó khăn và sự chống đối.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Một số tín hữu ở Kirtland, Ohio, rời bỏ Giáo Hội, trong khi những người khác vẫn luôn trung tín.

Bắt đầu bài học bằng cách yêu cầu học viên mô tả những người họ biết đã phản ứng như thế nào với những thử thách khó khăn trong cuộc sống của họ. Anh chị em cũng có thể hỏi họ học được gì từ các ví dụ như vậy.

Mời học viên suy ngẫm về những thử thách mà họ hoặc người thân yêu của họ hiện đang trải qua và xem xét Chúa có thể dạy họ điều gì hôm nay về việc phản ứng với những thử thách đó.

  • Một số nỗi khó khăn và thử thách mà Các Thánh Hữu thời kỳ đầu đã trải qua ở Ohio là gì? (Anh chị em có thể chỉ dẫn học viên tham khảo tài liệu chuẩn bị để giúp họ ghi nhớ.) Chúng ta có thể học được điều gì từ những người bị ảnh hưởng bởi các thử thách ở Ohio?

Nhắc nhở học viên rằng vào mùa hè năm 1837, Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là Thomas B. Marsh đã đi từ Missouri đến Kirtland để gặp gỡ với các thành viên trong nhóm túc số đó và với Tiên Tri Joseph Smith.

  • Thomas B. Marsh đã gặp phải một số khó khăn và mối bận tâm nào trước khi ông đến Kirtland?

Giải thích rằng sau khi Thomas B. Marsh và Joseph Smith gặp nhau và giải quyết những khác biệt của họ, Vị Tiên Tri đã nhận được một điều mặc khải từ Chúa ngỏ cùng Thomas. Mời học viên đọc thầm hoặc xem lại Giáo Lý và Giao Ước 112:10–15, tìm kiếm lời khuyên bảo và các nguyên tắc mà Chúa đã dạy Thomas B. Marsh và các thành viên khác trong Nhóm Túc Số Mười Hai. Mời các học viên chia sẻ và thảo luận điều họ đã tìm được.

Nếu cần, giúp học viên nhận ra và thảo luận một nguyên tắc ở câu 13 bằng cách hỏi một số câu hỏi sau đây:

  • Chúa đã hứa Ngài sẽ làm gì cho những người trong Nhóm Túc Số Mười Hai Vị không chọn chai đá trong lòng khi họ gặp thử thách về đức tin? (Sau khi học viên trả lời, hãy trưng bày nguyên tắc sau đây hoặc viết nguyên tắc này lên trên bảng: Nếu chúng ta không chai đá trong lòng khi gặp thử thách về đức tin thì Chúa sẽ ở bên cạnh chúng ta và giúp sự cải đạo của chúng ta được sâu đậm hơn.)

  • Một số người có thể chai đá trong lòng như thế nào khi gặp thử thách về đức tin? Những nguy hiểm khi làm như vậy là gì?

  • Khi nào học viên đã thấy một người nào đó phản ứng với một thử thách đức tin với sự mềm lòng và tinh thần cởi mở? Học viên đã nhận thấy điều gì xảy đến với người đó khi họ phản ứng theo cách này?

Tiên Tri Joseph Smith được ban phước vì sự trung tín của ông giữa các thử thách tại Ngục Thất Liberty.

Trưng bày câu hỏi sau đây: Tại sao Thượng Đế cho phép những điều xấu xảy đến với người tốt?

Hỏi học viên xem họ đã từng bao giờ tự hỏi hay được hỏi câu hỏi này không. Giải thích rằng Joseph Smith đã hỏi một câu hỏi tương tự sau khi bị cầm tù bất công tại Liberty, Missouri. Khi học viên thảo luận về kinh nghiệm của Joseph, hãy mời họ cân nhắc xem họ sẽ trả lời như thế nào nếu một người bạn hỏi họ câu hỏi đó.

Hãy trưng bày tấm hình sau đây về Ngục Thất Liberty:

Hình Ảnh
Liberty Jail Winter (Mùa đông ở Ngục Thất Liberty), tranh do Al Rounds họa
Hình Ảnh
Bản sao Ngục Thất Liberty

Yêu cầu học viên thuật lại các sự kiện dẫn đến việc Joseph Smith bị cầm tù ở Ngục Thất Liberty. (Nếu cần, chỉ dẫn học viên xem lại phần 3 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Joseph Smith và những người khác đã phải chịu đựng những điều kiện như thế nào trong Ngục Thất Liberty?

Hãy nhắc học viên nhớ rằng Tiên Tri Joseph Smith đã trải qua hơn bốn tháng ở Ngục Thất Liberty trong mùa đông lạnh tê tái. Mời một học viên đọc to Giáo Lý và Giao Ước 121:1–3. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm các câu hỏi mà Vị Tiên Tri đã hỏi trong lá thư thành tâm này.

  • Các câu hỏi này có thể tiết lộ cảm giác gì của Joseph Smith vào thời điểm đó?

  • Làm thế nào mà khoảng thời gian này có thể là một thử thách đức tin của Joseph?

Nhắc học viên nhớ rằng khi ở trong ngục thất, Joseph Smith đã gửi hai lá thư đến Giáo Hội. Chia các học viên ra thành những nhóm nhỏ. Mời họ xem lại hoặc đọc Giáo Lý và Giao Ước 121:7–10; 122:7–9 rồi chia sẻ các cụm từ và nguyên tắc nổi bật đối với họ.

Sau khi đã thấy có đủ thời gian rồi, mời một vài học viên chia sẻ một cụm từ hoặc nguyên tắc họ đã thảo luận với nhóm của họ. Cân nhắc việc trưng bày hoặc viết các nguyên tắc hoặc cụm từ này lên trên bảng. Một số nguyên tắc học viên nhận ra có thể được bày tỏ hoặc tóm tắt theo các cách sau đây: Khi chúng ta hướng đến Chúa và trông cậy vào Ngài trong suốt các thử thách của mình, Ngài sẽ ban phước cho chúng ta với điều mặc khải, sự an ủi và sự khích lệ. Nếu chúng ta vẫn luôn trung tín, sự thống khổ và nghịch cảnh có thể mang lại kinh nghiệm cho chúng ta và vì lợi ích của chúng ta.

  • Làm thế nào mà các nguyên tắc và cụm từ học viên đã nhận ra có thể giúp một người nào đó đang trải qua nghịch cảnh hoặc thử thách đức tin?

Là một phần của cuộc thảo luận này, anh chị em có thể trưng ra lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và mời một học viên đọc to lời này.

Anh chị em có thể có những kinh nghiệm thiêng liêng, có tính chất mặc khải, giảng dạy sâu sắc với Chúa trong những trải nghiệm khủng khiếp nhất của cuộc đời mình—trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, khi đang phải chịu đựng những điều bất công nhất, khi phải đối phó với những sự việc kỳ quặc và đối lập không thể vượt qua được mà anh chị em từng gặp phải. …

… Những bài học về mùa đông năm 1838–1839 dạy chúng ta rằng mọi kinh nghiệm đều có thể trở thành kinh nghiệm cứu chuộc nếu chúng ta vẫn gắn bó với Cha Thiên Thượng qua khó khăn đó. Những bài học khó khăn này dạy chúng ta rằng sự bất hạnh tột cùng của con người là cơ hội của Thượng Đế, và nếu chúng ta khiêm nhường và trung tín, nếu chúng ta vững tin và không nguyền rủa Thượng Đế vì những vấn đề của chúng ta, Ngài có thể biến những ngục thất bất công, vô nhân tính và làm suy nhược của cuộc sống chúng ta thành các đền thờ—hoặc ít nhất là thành một hoàn cảnh mà có thể mang lại sự an ủi và mặc khải, sự đồng hành thiêng liêng và sự bình an. (Jeffrey R. Holland, “Lessons from Liberty Jail,” Ensign, tháng Chín năm 2009, trang 28)

  • Học viên nghĩ các thử thách có thể trở thành kinh nghiệm “cứu chuộc” có nghĩa là gì?

  • Làm thế nào mà việc trung tín chịu đựng những thử thách của cuộc sống có thể giúp chúng ta trở nên giống như Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Một số cách mà học viên đã hướng đến và trông cậy trọn vẹn hơn vào Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô trong các thử thách mà đã thử đức tin của học viên là gì? Học viên đã học được điều gì khi làm như vậy?

Mời học viên chia sẻ với bạn cùng lớp về việc họ sẽ trả lời câu hỏi mà anh chị em đã trưng bày trước đó như thế nào về lý do tại sao Thượng Đế cho phép những điều xấu xảy ra với con cái của Ngài.

Sau đó mời học viên cân nhắc việc trưng bày các từ và cụm từ mà họ chọn từ các đoạn thánh thư đã thảo luận trước đó ở những nơi họ có thể nhìn thấy thường xuyên, để ghi nhớ hoặc chia sẻ các từ và cụm từ đó trên mạng xã hội. Làm chứng rằng khi chúng ta hướng về Đấng Cứu Rỗi trong những thử thách của mình, Ngài sẽ ban cho chúng ta sự bình an, an ủi chúng ta và giúp sự cải đạo của chúng ta được sâu đậm hơn.

Cho Buổi Học Lần Sau

Khi anh chị em kết thúc lớp học, hãy cân nhắc việc giải thích rằng một trong những tổ chức phụ nữ lớn nhất thế giới hiện nay là Hội Phụ Nữ mà đã được Tiên Tri Joseph Smith thành lập năm 1842. Cho học viên biết rằng khi họ chuẩn bị cho buổi học lần sau, họ sẽ có cơ hội tìm hiểu thêm về cách thức và lý do tại sao tổ chức toàn cầu này đã được thành lập. Khuyến khích học viên chuẩn bị chia sẻ điều họ đã học được.

In