Viện Giáo Lý
Bài học 4 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Giáo Lý của Sự Mặc Khải


“Bài học 4 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Giáo Lý của Sự Mặc Khải,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)

“Bài học 4 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 4 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Giáo Lý của Sự Mặc Khải

Chúa đã tiết lộ những lẽ thật quan trọng về giáo lý của sự mặc khải cho Joseph Smith và những người khác vào thời kỳ đầu của Sự Phục Hồi. Bài học này được thiết kế để giúp học viên gia tăng khả năng nhận được sự mặc khải và dễ nhận ra hơn khi nào Đức Thánh Linh phán cùng họ.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúa tiết lộ các nguyên tắc mặc khải cho Joseph Smith và Oliver Cowdery.

CẢI THIỆN VIỆC GIẢNG DẠY VÀ HỌC HỎI CỦA CHÚNG TA

Nuôi dưỡng một môi trường học tập đầy yêu thương, tôn trọng và có mục đích. Khi học viên biết rằng họ được giảng viên của họ và các học viên khác quý trọng và tôn trọng thì họ sẽ rất có thể sẵn sàng để học hỏi hơn khi đến lớp học. Sự tán thành mà học viên cảm thấy từ nhau có thể làm mềm lòng, giảm bớt nỗi sợ hãi và giúp họ chia sẻ kinh nghiệm và cảm nghĩ với cả lớp.

Cho học viên xem câu hỏi sau: Tình huống, quyết định hoặc câu hỏi hiện tại mà các em muốn được hướng dẫn và được mặc khải từ Cha Thiên Thượng là gì?

Mời học viên suy ngẫm về câu hỏi và viết xuống những ý nghĩ của họ. Sau khi đã có đủ thời gian rồi, mời một vài học viên chia sẻ điều họ đã viết với cả lớp nếu điều đó không quá riêng tư.

Để giúp học viên hiểu được sự liên quan của bài học này với cuộc sống của họ, hãy giải thích các kết quả mong muốn được mô tả trong phần giới thiệu của bài học này.

Cho học viên xem hình ảnh sau đây và hỏi:

Ân Tứ và Quyền Năng của Thượng Đế, tranh do Joshua Dennis họa
  • Hoàn cảnh nào đã khiến Oliver Cowdery trợ giúp Joseph Smith trong việc phiên dịch Sách Mặc Môn? (Nếu cần, hãy mời học viên rút ra bài học từ phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Sự mặc khải đã ảnh hưởng như thế nào đến quyết định của Oliver trong việc phụ giúp Joseph?

Hãy nhắc học viên nhớ rằng để đáp ứng mong muốn của Oliver trong việc giúp phiên dịch Sách Mặc Môn, Chúa đã dạy ông về việc nhận được mặc khải. Mời một học viên đọc to Giáo Lý và Giao Ước 8:1-3. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm các lẽ thật mà Oliver cần hiểu để nhận được mặc khải để phiên dịch.

CẢI THIỆN VIỆC GIẢNG DẠY VÀ HỌC HỎI CỦA CHÚNG TA

Nhận ra các nguyên tắc và giáo lý. Các nguyên tắc và giáo lý được xác định rõ ràng sẽ giúp học viên nhìn ra lẽ thật theo cách đơn giản và thích hợp. Nếu có thể, hãy khuyến khích học viên khám phá và chia sẻ các nguyên tắc và giáo lý từ những gì họ đang học. Việc viết hoặc cho học viên xem các nguyên tắc, hoặc yêu cầu học viên lưu ý đến những lẽ thật trong thánh thư, sẽ giúp học viên suy ngẫm sâu hơn và nhận được mặc khải về cách thức họ có thể áp dụng.

  • Chúng ta có thể học được lẽ thật gì từ các câu này về việc tìm kiếm và nhận được mặc khải? (Học viên có thể nhận ra một số lẽ thật, bao gồm những lẽ thật sau đây: Chúa phán vào tâm trí và tấm lòng chúng ta qua quyền năng của Đức Thánh Linh.)

  • Dựa trên việc học tập và kinh nghiệm riêng cá nhân của anh chị em, một số cách thức nào Chúa có thể phán vào tâm trí của chúng ta? vào tấm lòng của chúng ta? (Liệt kê các câu trả lời của học viên lên trên bảng. Nếu cần, hãy mời học viên xem lại các đoạn thánh thư và lời dẫn giải họ đã học được từ phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Các em nghĩ tại sao Chúa chọn cách truyền đạt cho chúng ta qua tâm trí lẫn tấm lòng của chúng ta? (Hãy khuyến khích học viên rút ra bài học từ những gì họ đã học được và suy ngẫm trong quá trình học và chuẩn bị cá nhân.)

Hãy giải thích rằng trong khi Oliver cố gắng phiên dịch, ông gặp khó khăn để nhận được sự mặc khải cần thiết để tiếp tục. Joseph và Oliver cầu vấn Chúa để biết tại sao Oliver đã gặp khó khăn như vậy. Mời học viên đọc thầm Giáo Lý và Giao Ước 9:7–9 cùng tìm khuôn mẫu mà Chúa đã dạy cho Oliver về cách thức nhận được mặc khải.

  • Chúa đã tiết lộ khuôn mẫu nào cho Oliver mà có thể giúp chúng ta nhận được và nhận ra sự mặc khải? (Sự mặc khải thường đến sau khi nghiên cứu các câu hỏi và vấn đề xuất hiện trong tâm trí chúng ta, đưa ra kết luận và sau đó cầu vấn Thượng Đế xem kết luận của chúng ta có đúng không.)

Giải thích rằng Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói rằng “cảm giác hừng hực trong lòng” có thể biểu hiện “một cảm giác thoải mái và thanh thản” (“Teaching and Learning by the Spirit,” Ensign, tháng Ba năm 1997, trang 13).

Mời học viên chia sẻ những ý nghĩ của họ liên quan đến các câu hỏi và lời mời gọi sau đây từ tài liệu chuẩn bị của họ:

  • Tại sao các em nghĩ rằng Chúa kỳ vọng chúng ta phải suy ngẫm các vấn đề trong tâm trí chúng ta như một phần của việc tìm kiếm sự mặc khải?

  • Bạn bè hoặc người trong gia đình đã dạy cho các em điều gì về việc mời gọi và nhận được mặc khải? Các em có thể học được gì từ các kinh nghiệm của riêng mình về việc mời gọi và nhận được mặc khải?

Xin lưu ý: Sinh hoạt sau đây nhằm cung cấp cho học viên đủ thời gian để cân nhắc những gì họ đang học và áp dụng vào thực tế. Nếu cần, điều chỉnh bài học để tạo cho học viên nhiều thời gian suy ngẫm, viết, đọc hoặc cầu nguyện.

Mời học viên suy ngẫm và viết trong vài phút về những điều họ đã học được về sự mặc khải và những điều này liên quan như thế nào đến những suy nghĩ mà họ đã viết ra vào lúc bắt đầu lớp học. Hoặc, họ có thể cầu nguyện thầm để được hướng dẫn về những gì họ viết ra. Anh chị em cũng có thể cho học viên xem lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson và mời học viên đọc thầm lời phát biểu đó, cùng tìm kiếm những cách thức bổ sung mà họ có thể mời gọi sự mặc khải.

Hãy cầu nguyện trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô về những mối bận tâm, những sợ hãi, những yếu kém của anh chị em—vâng, những gì anh chị em khát khao trong lòng. Và rồi lắng nghe! Viết xuống những ý nghĩ đến với tâm trí anh chị em. Ghi lại những cảm giác của mình và hành động theo những điều mà anh chị em được thúc giục. Khi anh chị em lặp lại tiến trình này ngày này qua ngày khác, theo năm tháng, anh chị em sẽ “tăng trưởng theo nguyên tắc mặc khải” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [năm 2007], trang 132). …

Tôi khẩn nài anh chị em hãy gia tăng khả năng thuộc linh hiện tại của mình để nhận được sự mặc khải cá nhân. …

Không có gì mở được các tầng trời giống như sự tổng hợp bao gồm sự thanh khiết được gia tăng, sự vâng lời chính xác, việc tìm kiếm thiết tha, việc hằng ngày nuôi dưỡng lời của Đấng Ky Tô trong Sách Mặc Môn, và thời gian thường xuyên được cam kết dành cho công việc đền thờ và lịch sử gia đình. (Russell M. Nelson, “Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 95)

Sự Phục Hồi phúc âm cung cấp một khuôn mẫu để nhận được mặc khải.

Hãy nêu ra rằng các nguyên tắc mặc khải mà Joseph Smith và Oliver Cowdery đã học được đã được tiết lộ cho họ theo thời gian tùy theo hoàn cảnh nảy sinh và các câu hỏi họ đặt ra. Điều này minh họa một lẽ thật quan trọng mà Chúa đã dạy trong một số điều mặc khải.

Mời ba học viên lần lượt đọc to Giáo Lý và Giao Ước 42:61; 50:24; 98:12. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều các đoạn này dạy về cách Chúa mặc khải lẽ thật và ý muốn của Ngài cho chúng ta.

  • Các em sẽ tóm tắt một lẽ thật mà những câu này dạy về việc nhận được sự mặc khải từ Chúa như thế nào? (Sử dụng lời của học viên, trưng ra hoặc viết một lẽ thật lên bảng tương tự như sau: Chúa mặc khải lẽ thật cho chúng ta “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một”.)

Hãy nhắc học viên nhớ rằng trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị, họ đã học về những mẫu mực của việc nhận được mặc khải từ Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Mời học viên chia sẻ điều nổi bật đối với họ từ những lời giảng dạy của ông. Anh chị em cũng có thể hỏi họ làm thế nào các phép loại suy của ông liên quan đến sự mặc khải có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn lẽ thật được trưng ra hoặc viết trên bảng.

  • Làm thế nào mà việc hiểu được lẽ thật này có thể giúp một người nào đó mà cảm thấy là mình không nhận được câu trả lời hoặc hướng dẫn từ Chúa?

  • Các em đã có kinh nghiệm nào với câu trả lời hoặc hướng dẫn xuất hiện dần dần theo thời gian?

Hãy kết thúc bằng cách làm chứng hoặc mời bất kỳ học viên nào muốn làm chứng về các lẽ thật về sự mặc khải đã được dạy trong bài học.

Cho Buổi Học Lần Sau

Hỏi học viên xem họ nghĩ các phép lạ lớn lao nhất của Sự Phục Hồi có thể là gì. Mời học viên học tài liệu chuẩn bị cho bài học lần sau về sự ra đời của Sách Mặc Môn và xem xét các phép lạ liên quan đến việc giữ gìn, phiên dịch và xuất bản Sách Mặc Môn.