Viện Giáo Lý
Bài học 24 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tiên Tri Joseph Smith—Vị Tiên Kiến Chọn Lọc


“Bài học 24 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tiên Tri Joseph Smith—Vị Tiên Kiến Chọn Lọc,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)

“Bài học 24 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 24 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Tiên Tri Joseph Smith—Vị Tiên Kiến Chọn Lọc

Chúa đã mô tả Tiên Tri Joseph Smith là “vị tiên kiến chọn lọc”, người sẽ được dân của Ngài “hết mực kính trọng” (2 Nê Phi 3:7). Tuy nhiên, mặc cho mọi điều tốt lành mà Chúa đã làm qua Joseph Smith, Vị Tiên Tri vẫn có nhiều người chỉ trích mình. Bài học này sẽ chuẩn bị cho học viên phản ứng với đức tin trước những lời chỉ trích chống lại Joseph Smith và củng cố lòng tin chắc của họ rằng Chúa làm vinh hiển những người mà Ngài kêu gọi.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúa đã kêu gọi Joseph Smith trong sự yếu kém của ông và làm vinh hiển ông để trở thành vị tiên kiến chọn lọc.

Cho học viên xem bức vẽ sau đây về Joseph Smith thời trẻ.

If Any of You Lack Wisdom (Ví Bằng Trong Anh Em Có Kẻ Kém Khôn Ngoan), tranh do Walter Rane họa

Mời học viên chia sẻ các từ và cụm từ trong tiết 1 của tài liệu chuẩn bị mà mô tả Joseph cảm thấy như thế nào về khả năng của chính mình tại thời điểm ông được kêu gọi để giúp phục hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô.

Mời học viên nghĩ về những lúc họ cảm thấy quá sức chịu đựng hoặc không thích hợp để làm những gì mà Chúa hoặc tôi tớ của Ngài yêu cầu họ làm.

Giải thích rằng sự kêu gọi Joseph Smith của Chúa dạy một nguyên tắc mạnh mẽ có thể giúp chúng ta khi chúng ta cảm thấy yếu đuối hoặc không thích hợp để làm công việc của Chúa. Trong Sách Mặc Môn, tiên tri Lê Hi đã tường thuật lại một lời tiên tri của Giô Sép ở Ai Cập. Cả lớp cùng đọc 2 Nê Phi 3:6–11, 15, tìm kiếm các từ và cụm từ mà Chúa sử dụng để mô tả về một vị tiên tri tương lai là người cũng sẽ có tên là Joseph.

  • Các từ và cụm từ mà Chúa đã sử dụng để mô tả Joseph Smith và công việc mà Ngài sẽ giúp ông hoàn thành là gì?

  • Đấng Cứu Rỗi hứa sẽ đóng vai trò nào trong công việc mà Joseph được kêu gọi để thực hiện?

Cả lớp cùng đọc 2 Nê Phi 3:13Giáo Lý và Giao Ước 124:1, tìm kiếm xem Chúa đã mô tả Joseph Smith như thế nào. Yêu cầu học viên báo cáo điều họ đã tìm được.

  • Anh chị em nghĩ sự thông sáng của Chúa được thể hiện như thế nào bằng cách kêu gọi “những vật yếu kém của thế gian” để thực hiện công việc của Ngài? (Giáo Lý và Giao Ước 124:1).

  • Chúng ta có thể học được bài học nào từ việc Chúa kêu gọi Joseph Smith trong sự yếu kém của ông?

Cho học viên thấy nguyên tắc sau đây của Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và mời một học viên đọc to nguyên tắc đó:

Anh Cả Neal A. Maxwell

Một trong những sứ điệp lớn lao đến từ việc Chúa sử dụng Joseph Smith như “vị tiên kiến chọn lọc” trong những ngày sau là quả thật có hy vọng cho mỗi chúng ta! Chúa có thể kêu gọi chúng ta trong những yếu đuối của chúng ta nhưng làm vinh hiển chúng ta vì mục đích của Ngài. (Neal A. Maxwell, “A Choice Seer,” Ensign, tháng Tám năm 1986, trang 14; phần in nghiêng được thêm vào)

  • Làm thế nào mà nguyên tắc này có thể giúp những người gặp khó khăn với những yếu kém thuộc về bản chất con người mà họ quan sát thấy ở chính mình, các vị lãnh đạo Giáo Hội và các tín hữu khác?

  • Trong những lúc nào mà anh chị em đã cảm thấy Chúa làm vinh hiển những khả năng của anh chị em để làm công việc của Ngài mặc cho những yếu kém của anh chị em? Có khi nào anh chị em đã thấy Chúa làm điều này cho những người khác không?

  • Joseph Smith đã làm gì để nhận được quyền năng vững mạnh của Chúa? (Anh chị em có thể mời học viên xem lại lời phát biểu của Anh Cả Marcus B. Nash có trong tiết 1 của tài liệu chuẩn bị.)

Cho học viên thời gian để thành tâm cân nhắc và có lẽ là ghi lại những điều họ có thể làm để mời quyền năng của Chúa vào cuộc sống của họ để làm vinh hiển họ cho các mục đích của Ngài.

Tên của Joseph Smith sẽ “vừa là điều thiện lẫn điều ác được nói đến trong khắp mọi dân tộc”.

Giải thích rằng mặc cho mọi điều tốt lành mà Tiên Tri Joseph Smith đã thực hiện, ông vẫn có nhiều người phỉ báng và chỉ trích mình. Nhưng Joseph không lấy làm ngạc nhiên với điều này. Khi Mô Rô Ni lần đầu hiện đến cùng Joseph bấy giờ 17 tuổi, ông đã ban cho Joseph sự hiểu biết sâu sắc về tương lai của mình. Mời học viên đọc Joseph Smith—Lịch Sử 1:33 và tìm kiếm xem mọi người cảm nhận như thế nào về Joseph.

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ đoạn này? (Giúp học viên nhận ra lẽ thật sau đây: Tên của Joseph Smith sẽ vừa là điều thiện lẫn điều ác được nói đến trong khắp mọi dân tộc.)

  • Chúng ta thấy lời tiên tri này được ứng nghiệm trong những phương diện nào ngày nay?

Giải thích rằng Chúa đã an ủi Joseph trong suốt một trong những giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời ông khi bị cầm tù ở Liberty, Missouri. Mời học viên đọc Giáo Lý và Giao Ước 122:1-3 cùng tìm kiếm xem Chúa đã trấn an Joseph như thế nào.

  • Chúng ta có thể học được gì từ đoạn này về cách thức người trung tín hưởng ứng với Joseph Smith và giáo vụ đã được tiên đoán của ông? (Trong khi một số người có thể chế nhạo Joseph Smith, những người thanh khiết trong lòng sẽ không chống lại ông mà sẽ tìm kiếm những phước lành dành sẵn qua giáo vụ của ông.)

Yêu cầu học viên xem lại các lời phát biểu trong tiết 2 của tài liệu chuẩn bị từ những người đã biết Tiên Tri Joseph Smith và chia sẻ những lời phát biểu mà họ thấy ấn tượng.

  • Anh chị em có cảm nghĩ và chứng ngôn gì về Tiên Tri Joseph Smith?

Trưng ra lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và mời một học viên đọc to lên:

Anh Cả Neil L. Andersen

Những lời tiêu cực về Tiên Tri Joseph Smith sẽ gia tăng khi chúng ta đến gần Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi. Những lời nói chỉ đúng nửa sự thật và những lời lừa gạt tinh tế sẽ không giảm bớt. Sẽ có những người trong gia đình và bạn bè cần đến sự giúp đỡ của các anh chị em. (Neil L. Andersen, “Joseph Smith,” Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 30)

Thảo luận với cả lớp hoặc trong các nhóm nhỏ về cách thức học viên có thể giúp đỡ một người trong gia đình hoặc bạn bè quan tâm đến những lời phê bình góp ý tiêu cực mà họ đã nghe hoặc đọc về Tiên Tri Joseph Smith. Là một phần của cuộc thảo luận này, nhóm có thể muốn xem lại lời phát biểu của Anh Cả Andersen trong tiết 3 của tài liệu chuẩn bị. Các câu hỏi sau đây cũng có thể hữu ích để đưa vào thảo luận:

  • Tại sao anh chị em nghĩ rằng điều quan trọng là khuyến khích một người nào đó nghiên cứu các nguồn tài liệu đáng tin cậy cùng với việc mời người đó suy ngẫm và cầu nguyện khi tìm câu trả lời cho các câu hỏi về Joseph Smith và giáo vụ đã được tiên đoán của ông?

  • Anh chị em sẽ khuyến khích một người nào đó làm gì để đạt được một sự làm chứng thuộc linh hoặc củng cố chứng ngôn của họ về sứ mệnh thiêng liêng của Joseph Smith?

Hãy kết thúc bằng cách làm chứng về tầm quan trọng của việc nhận được một sự làm chứng thuộc linh từ Thượng Đế rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Ngài, được Chúa kêu gọi trong những sự yếu kém của ông và được làm vinh hiển để trở thành vị tiên kiến chọn lọc của Sự Phục Hồi.

Cho Buổi Học Lần Sau

Hỏi học viên xem họ đã từng bao giờ lo lắng hay cầu nguyện về các quyết định ảnh hưởng đến tương lai của họ hay không. Mời học viên học tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau. Trong đó, họ sẽ tìm hiểu về sự không chắc chắn mà Các Thánh Hữu đã trải qua sau cái chết của Joseph Smith và đức tin phi thường của họ khi đi theo một vị lãnh đạo mới vào vùng hoang dã. Mời học viên chuẩn bị để thảo luận với cả lớp những điều họ học được từ Các Thánh Hữu trong suốt giai đoạn thử thách này.