“Bài học 27 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sự Mặc Khải về Chức Tư Tế”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)
“Bài học 27 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên
Bài học 27 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Sự Mặc Khải về Chức Tư Tế
Anh chị em đã bao giờ tự hỏi hoặc được yêu cầu giải thích tại sao Các Thánh Hữu Ngày Sau người da đen gốc Châu Phi có lúc bị hạn chế được sắc phong chức tư tế và nhận các giáo lễ đền thờ không? Khi học, các anh chị em hãy nhận ra những điều chúng ta biết và không biết về các hạn chế cho chức tư tế và đền thờ. Tìm kiếm những lẽ thật có thể giúp các anh chị em hiểu rõ hơn về đề tài này và giải thích đề tài này cho những người khác một cách chính xác và thành tâm.
Tiết 1
Chúng ta biết gì về nguồn gốc của các hạn chế cho chức tư tế và đền thờ?
“Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc rằng: ‘tất cả đều như nhau trước mặt Thượng Đế,’ kể cả ‘da đen hay da trắng, nô lệ hay tự do, nam cũng như nữ’ (2 Nê Phi 26:33). Trong suốt lịch sử của Giáo Hội, những người thuộc mọi chủng tộc và dân tộc ở nhiều nước đã chịu phép báp têm và đã sống với tư cách là các tín hữu trung tín của Giáo Hội. Trong suốt cuộc đời của Joseph Smith, một vài nam tín hữu da đen của Giáo Hội đã được sắc phong chức tư tế. Lúc ban đầu trong lịch sử của Giáo Hội, các vị lãnh đạo Giáo Hội ngừng truyền giao chức tư tế cho những người nam da đen gốc Châu Phi. Các hồ sơ ghi chép của Giáo Hội không đưa ra lời giải thích rõ ràng nào về nguồn gốc của lối thực hành này” (phần giới thiệu Tuyên Ngôn Chính Thức 2).
Trong thời gian này, người nam và người nữ da đen cũng bị hạn chế được nhận các giáo lễ của đền thờ, nhưng họ vẫn được cho phép làm phép báp têm và nhận ân tứ của Đức Thánh Linh. Mặc dù còn nhiều điều chưa biết về nguồn gốc của các hạn chế cho chức tư tế và đền thờ, các vị tiên tri Ngày Sau, gồm có Brigham Young, David O. McKay và Harold B. Lee, đã dạy rằng sẽ đến lúc khi tất cả các tín hữu xứng đáng của Giáo Hội, bất kể chủng tộc nào đi nữa, sẽ có thể nhận được tất cả các phước lành của phúc âm (xin xem “The Long-Promised Day,” Ensign, tháng Sáu năm 2018, trang 34).
Trong những năm qua, một số vị lãnh đạo và tín hữu của Giáo Hội đã đề nghị lý do tại sao các hạn chế cho chức tư tế và đền thờ đã được lập ra. Tuy nhiên, những lời phát biểu này đưa ra theo các quan điểm chứ không tiêu biểu cho giáo lý của Giáo Hội.
Chủ Tịch Dallin H. Oaks của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, lúc đó chưa phải là một Vị Sứ Đồ khi các hạn chế cho chức tư tế và đền thờ được loại bỏ, đã nói về cảm nhận của ông trước sự mặc khải đã loại bỏ những hạn chế đó:
Tôi đã quan sát thấy nỗi đau đớn và tức giận của những người chịu đựng những hạn chế này và những người … tìm kiếm lý do [cho họ]. Tôi nghiên cứu các lý do được đưa ra vào lúc đó và không thể cảm nhận được sự xác nhận về lẽ thật của bất kỳ lý do nào trong số đó. Là một phần trong việc thành tâm nghiên cứu, tôi biết được rằng, nói chung, Chúa hiếm khi đưa ra lý do cho các lệnh truyền và chỉ dẫn mà Ngài ban cho các tôi tớ của Ngài. Tôi quyết định trung thành với các vị lãnh đạo tiên tri của chúng ta và cầu nguyện—như đã hứa từ khi bắt đầu những hạn chế này—rằng ngày đó sẽ đến khi tất cả mọi người được vui hưởng các phước lành của chức tư tế và đền thờ. (“President Oaks Remarks at Worldwide Priesthood Celebration,” Be One—Lễ Kỷ Niệm của Sự Mặc Khải về Chức Tư Tế, ngày 1 tháng Sáu năm 2018, newsroom.ChurchofJesusChrist.org)
Tiết 2
Hoàn cảnh nào dẫn đến sự mặc khải từ Chúa mở rộng chức tư tế cho mọi tín hữu nam xứng đáng của Giáo Hội và các phước lành đền thờ cho tất cả các tín hữu xứng đáng?
Năm 1964, Joseph William Billy Johnson ở Cape Coast, Ghana, đã đạt được một chứng ngôn về phúc âm phục hồi sau khi đọc Sách Mặc Môn và các tài liệu khác của Giáo Hội đã trao cho anh. Anh Johnson và những người khác gia nhập Giáo Hội đã gửi thư cho Chủ Tịch David O. McKay yêu cầu những người truyền giáo được gửi đến Châu Phi để làm phép báp têm cho anh và những người khác mà anh đã chia sẻ phúc âm. Chủ Tịch McKay trả lời rằng những người truyền giáo sẽ được gửi “theo kỳ định riêng của Chúa,” nhưng cho đến lúc đó, Anh Johnson nên tiếp tục học phúc âm và giúp đỡ những tín hữu của mình (trong E. Dale LeBaron, “Steadfast African Pioneer,” Ensign, tháng Mười Hai năm 1999, trang 45–49).
Mặc dù Anh Johnson không có cơ hội được làm phép báp têm vào thời điểm đó, anh và một vài người khác siêng năng rao giảng sứ điệp của phúc âm ở Ghana trong nhiều năm. Anh Johnson đã tổ chức một số giáo đoàn gồm những người tin và dẫn dắt họ trong các lễ nhịn ăn đều đặn, trong đó họ khẩn nài những người truyền giáo đến xứ sở của họ và thiết lập Giáo Hội cho họ (xin xem Elizabeth Maki, “‘A People Prepared’: West African Pioneer Preached the Gospel before Missionaries,” history.ChurchofJesusChrist.org).
Giống như những người tin ở Ghana, hàng ngàn người da đen gốc Châu Phi khác đã đạt được chứng ngôn về phúc âm phục hồi khi công việc truyền giáo lan truyền khắp thế gian trong thế kỷ 20. Các vị lãnh đạo của Giáo Hội đã được soi dẫn bằng đức tin của những cá nhân này và ước muốn mở rộng các phước lành của chức tư tế và đền thờ cho họ (xin xem Tuyên Ngôn Chính Thức 2).
Chủ tịch Spencer W. Kimball cảm thấy một ước muốn đặc biệt mạnh mẽ để giải quyết các hạn chế cho chức tư tế và đền thờ trong thời gian làm Chủ Tịch của Giáo Hội. Ông nhớ lại:
Tôi biết rằng có một điều gì đó ở trước chúng ta, điều vô cùng quan trọng đối với nhiều con cái của Thượng Đế. … Ngày qua ngày tôi ở một mình một cách vô cùng trang nghiêm và thành thật trong những căn phòng trên lầu đền thờ, và ở đó tôi đã dâng tâm hồn và những nỗ lực của mình để tiến hành chương trình này. Tôi muốn làm điều Ngài muốn. Tôi nói về chương trình đó với Ngài và thưa rằng: ‘Chúa hỡi, con chỉ mong muốn điều đúng đắn. … Chúng con chỉ mong muốn điều mà Ngài muốn, và chúng con sẽ không mong muốn điều đó cho đến khi Ngài mong muốn điều đó.” … Chúa đã nói rõ cho tôi biết phải làm gì. (Teachings of Presidents of the Church: Spencer W. Kimball (Năm 2006), trang 238–223.
Như trong Giáo Lý và Giáo Ước ghi lại, “điều mặc khải đã đến với Chủ Tịch Giáo Hội Spencer W. Kimball và đã được xác nhận cho các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội trong Đền Thờ Salt Lake vào ngày 1 tháng Sáu năm 1978” (phần giới thiệu Tuyên Ngôn Chính Thức 2).
Trong thông báo công khai của họ về sự mặc khải, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã tuyên bố:
Chúng tôi đã nhân danh những người này, những người anh em trung tín của chúng ta, bỏ ra nhiều giờ trong Căn Phòng Trên Lầu của Đền Thờ để thiết tha cầu khẩn Chúa ban cho sự soi dẫn thiêng liêng này.
Ngài đã nghe những lời cầu nguyện của chúng tôi, và bằng mặc khải, Ngài đã xác nhận rằng cái ngày được hứa từ lâu đã tới khi mà mỗi người nam trung thành và xứng đáng trong Giáo Hội đều có thể nhận được thánh chức tư tế, với quyền năng sử dụng thẩm quyền thiêng liêng của chức tư tế, và thụ hưởng cùng những người thân yêu của mình mọi phước lành đến từ chức tư tế, kể cả những phước lành của đền thờ. (Tuyên Ngôn Chính Thức 2)
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley, thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ vào lúc nhận được sự mặc khải, đã làm chứng về những gì xảy ra trong đền thờ ngày hôm đó:
Chúng tôi tham gia vào lời cầu nguyện trong những hoàn cảnh thiêng liêng nhất. Chính Chủ tịch Kimball đã lên tiếng trong lời cầu nguyện đó. … Có một bầu không khí linh thiêng và được thánh hóa trong căn phòng. Đối với tôi, như thể là một cổng kết nối được mở giữa ngai thiên thượng và vị tiên tri của Thượng Đế đang quỳ xuống khẩn nài cùng Các Anh Em của mình. Thánh Linh của Thượng Đế đã ở đó. Và bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, có một sự chắc chắn đến với vị tiên tri đó rằng điều mà ông đã cầu xin là đúng đắn, rằng thời điểm đã đến. …
Tất cả chúng tôi biết rằng thời điểm đã đến để thay đổi và quyết định này đến từ thiên thượng. Câu trả lời thật rõ ràng. Có một sự nhất trí hoàn hảo giữa chúng tôi về cảm giác nhận được và cả trong sự hiểu biết của chúng tôi. (“Priesthood Restoration,” Ensign, tháng Mười năm 1988, trang 69–70)
Tiết 3
Sự mặc khải này có ảnh hưởng gì đến Giáo Hội và mọi người trên khắp thế giới?
Vào cuối một ngày khó khăn, Anh Billy Johnson cảm thấy bị bắt buộc phải bật radio vào khoảng nửa đêm trước khi đi ngủ. Trong khi nghe radio, anh nghe tin rằng sự hạn chế cho chức tư tế đã được loại bỏ. Anh nhớ lại: “Tôi đã nhảy lên và bắt đầu khóc và vui mừng với những giọt nước mắt trong Chúa rằng giờ là lúc Chúa sẽ phái những người truyền giáo đến Ghana và đến các vùng khác của Châu Phi để nhận chức tư tế. … Tôi thực sự hạnh phúc.” Khi những người truyền giáo đến Ghana, họ tìm thấy một nhóm người đã chấp nhận phúc âm phục hồi. Anh Johnson cùng với khoảng 600 thành viên trong giáo đoàn của anh đã được làm phép báp têm. “Sau khi phục vụ với tư cách là chủ tịch đầu tiên của chi nhánh Cape Coast, [Anh] Johnson tiếp tục phục vụ với tư cách là chủ tịch giáo hạt, một người truyền giáo toàn thời gian và với tư cách là tộc trưởng của Giáo Khu Cape Coast Ghana (xin xem Elizabeth Maki, “‘A People Prepared’: West African Pioneer Preached the Gospel before Missionaries,” history.ChurchofJesusChrist.org).
Do sự mặc khải chấm dứt các hạn chế cho chức tư tế và đền thờ, ngày nay, những người truyền giáo thuyết giảng phúc âm ở nhiều quốc gia ở Châu Phi, kể từ đó các đền thờ được xây cất trên lục địa đó và hàng trăm ngàn người da đen gốc Châu Phi được nhận các giáo lễ phúc âm cho chính mình và cho tổ tiên đã qua đời của họ. Ngày nay, các tín hữu Giáo Hội da đen gốc Châu Phi có những đóng góp vô giá cho Giáo Hội trên khắp thế giới khi họ hợp nhất với Các Thánh Hữu và cố gắng trở thành “một trong Chúa Giê Su Ky Tô” (Ga La Ti 3:28).