Viện Giáo Lý
Bài học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đền Thờ Kirtland và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế


“Bài học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đền Thờ Kirtland và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (Năm 2019)

“Bài học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 16 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đền Thờ Kirtland và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế

Christ Appears in the Kirtland Temple (Đấng Ky Tô Hiện Đến trong Đền Thờ Kirtland), tranh do Walter Rane họa

Lệnh truyền của Thượng Đế để xây cất một “ngôi nhà của Thượng Đế” (Giáo Lý và Giao Ước 88:119) là một phần thiết yếu của Sự Phục Hồi phúc âm. Các tín hữu thời kỳ đầu của Giáo Hội sẵn lòng ban phát tất cả những gì họ có để nhận được phước lành đã hứa là “được ban cho quyền năng từ trên cao” (Giáo Lý và Giao Ước 38:32). Trong khi học, anh chị em hãy tìm kiếm những phước lành đã đến qua sự sẵn lòng hy sinh của Các Thánh Hữu để xây cất Đền Thờ Kirtland.

Tiết 1

Tôi có thể học được gì từ những hy sinh của Các Thánh Hữu thời kỳ đầu để xây cất Đền Thờ Kirtland?

Trong điều mặc khải nhận được vào ngày 27 và ngày 28 tháng Mười Hai năm 1832, Chúa đã truyền lệnh cho Các Thánh Hữu phải xây cất một đền thờ ở Kirtland, Ohio.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 88:119.

Liên quan đến lệnh truyền này, Tiên Tri Joseph Smith đã viết: “Đây là lời của Chúa phán cùng chúng ta, và chúng ta phải tuân theo; phải, với sự giúp đỡ của Chúa, chúng ta sẽ tuân theo: vì theo điều kiện của sự tuân theo của chúng ta, Ngài đã hứa với chúng ta nhiều sự việc lớn lao; phải, ngay cả một cuộc viếng thăm từ các tầng trời để làm cho chúng ta vinh dự với sự hiện diện của Ngài.” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [Năm 2007], trang 445).

Eliza R. Snow

Eliza R. Snow, là người đã sống ở Kirtland khi đền thờ được xây cất, nhớ lại:

Chị Eliza R. Snow

Có rất ít Các Thánh Hữu, và hầu hết họ rất nghèo; và, nếu không phải vì sự cam đoan mà Chúa đã phán, và vì lệnh truyền rằng một ngôi nhà cần phải được xây cất cho danh Ngài, … thì một nỗ lực hướng tới việc xây cất Đền Thờ đó, trong hoàn cảnh vào lúc bấy giờ, sẽ được tất cả những người liên quan cho là ngớ ngẩn. …

Với rất ít tiền bạc và vật tư, mà chỉ có trí tuệ và sức khỏe, kết hợp với niềm tin vững chắc vào Thượng Đế, những người đàn ông, phụ nữ và thậm chí là cả trẻ em, đã làm việc hết sức; …nghị lực của họ được khơi dậy bởi viễn cảnh của việc dự phần vào phước lành đến từ một ngôi nhà được xây cất theo sự hướng dẫn của Đấng Tối Cao và được Ngài chấp nhận. (Trong Eliza R. Snow, an Immortal [Năm 1957], trang 54, 57)

Một thử thách khác cũng làm chậm tiến độ xây cất đền thờ:

Mùa xuân và mùa hè năm 1834 là thời kỳ khó khăn của việc xây cất đền thờ vì hầu hết những người đàn ông trong vùng đã đi cùng Joseph Smith đến Missouri trong Trại Y Sơ Ra Ên. … Lúc đàn ông đi, phụ nữ tiếp tục công việc xây cất. Một số người làm nề, những người khác lái xe ngựa và kéo đá, và vẫn có những người khác khâu vá, kéo sợi và đan để làm quần áo cho công nhân. (Lisa Olsen Tait và Brent Rogers, “A House for Our God,” Revelations in Context [Năm 2016], trang 170)

Để hỗ trợ Các Thánh Hữu trong nỗ lực xây cất đền thờ, Chúa đã mặc khải cho “Joseph Smith và các cố vấn của ông trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn một khải tượng khác thường mà trong đó họ nhìn thấy những đồ án chi tiết cho ngôi đền thờ. Về sau, Frederick G. Williams, Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, thuật lại:

Joseph [Smith] nhận được lời của Chúa để ông mang hai cố vấn của mình, [Frederick G.] Williams và [Sidney] Rigdon, đến trước Chúa, và Ngài sẽ chỉ cho họ thấy đồ án hay mô hình của căn nhà sẽ được xây. Chúng tôi quỳ xuống, kêu cầu Chúa, và tòa nhà hiện ra trong tầm nhìn, tôi là người đầu tiên thấy nó. Rồi tất cả chúng tôi đều cùng thấy nó. Sau khi chúng tôi nhìn kỹ bên ngoài, thì tòa nhà dường như đến thẳng chúng tôi. (Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, trang 293)

Kirtland Temple (Đền Thờ Kirtland), tranh do Walter Rane họa

Một trong những người đã hy sinh rất nhiều để xây cất Đền Thờ Kirtland là một người cải đạo tên là John Tanner:

[John] “nhận được một ấn tượng bởi giấc mơ hoặc khải tượng lúc đêm, rằng ông … phải đi ngay đến Giáo Hội” ở Kirtland. Vào buổi sáng ngày Giáng Sinh, ông đã bán đi tài sản của mình—một vài nông trại trù phú, một khách sạn và vườn cây ăn quả—đưa gia đình đông đúc và một vài người hàng xóm vào xe kéo và đi qua quãng đường năm trăm dặm để đến Kirtland vào Chủ Nhật, tháng Một năm 1835.

Thực sự là anh ấy rất được cần đến. Khoản vay thế chấp của lô đất đền thờ sắp đến hạn phải trả và theo một số bản báo cáo, Tiên Tri Joseph nghèo khó và một số anh em đã cầu nguyện để được giúp đỡ.

John Tanner đã không hề do dự. Ông đã cho Vị Tiên Tri vay hai ngàn đô la Mỹ và giữ giấy hẹn trả nợ của Vị Tiên Tri, cho ủy ban đền thờ vay mười ba ngàn đô la Mỹ, ký một giấy cho vay ba mươi ngàn đô la Mỹ với Vị Tiên Tri và những người khác để mua hàng hóa ở New York, và thực hiện “sự hiến tặng hào phóng” cho việc xây cất đền thờ. (Leonard J. Arrington, “The John Tanner Family,” Ensign, tháng Ba năm 1979, trang 46)

Chủ Tịch Thomas S. Monson giải thích lý do tại sao Các Thánh Hữu Ngày Sau sẵn lòng hy sinh để xây cất đền thờ và thờ phượng Chúa trong các tòa nhà thánh này:

Chủ Tịch Thomas S. Monson

Một mức độ hy sinh nào đó đã từng gắn liền với việc xây cất đền thờ và tham dự đền thờ. Vô số tín hữu đã lao nhọc và vất vả để nhận được các phước lành được tìm thấy trong đền thờ của Thượng Đế dành cho mình cũng như gia đình mình.

Tại sao có rất nhiều người sẵn lòng hy sinh nhiều như vậy để nhận được các phước lành của đền thờ? Những người hiểu được các phước lành vĩnh cửu đến từ đền thờ đều biết rằng không có một sự hy sinh nào quá lớn lao, không có một cái giá nào quá cao, không có nỗi vất vả nào quá khó khăn để nhận được các phước lành đó. (Thomas S. Monson, “Đền Thờ Thánh—Ngọn Hải Đăng cho Thế Gian,” Liahona, tháng Năm năm 2011, trang 92)

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Anh chị em có thể học được gì từ tấm gương và sự hy sinh của Các Thánh Hữu thời kỳ đầu trong việc xây cất Đền Thờ Kirtland?

Tiết 2

Làm thế nào mà các chìa khóa của chức tư tế được các sứ giả thiên thượng trao trong Đền Thờ Kirtland có thể ban phước cho cuộc sống của tôi ngày nay?

Thượng Đế đã tưởng thưởng cho sự hy sinh của Các Thánh Hữu trong việc xây cất Đền Thờ Kirtland với vô số biểu hiện thuộc linh vào những ngày trước và sau khi lễ cung hiến (xin xem Saints: The Story of the Church of Jesus Christ in the Latter Days, tập 1, The Standard of Truth, 1815–1846 [Năm 2018], trang 232–235, 237–239).

Nhiều Thánh Hữu đã làm chứng rằng các nhân vật thiên thượng đã có mặt trong lúc làm lễ cung hiến.

Eliza R. Snow nhớ lại: “Các nghi lễ cung hiến đó có thể được thuật lại, nhưng không có lời lẽ nào của con người có thể mô tả những biểu hiện thiên thượng của cái ngày đáng ghi nhớ đó. Các thiên sứ đã hiện ra cho một vài người thấy, trong khi tất cả những người tham dự/có mặt đều có cảm giác về sự hiện diện thiêng liêng, và mỗi tấm lòng tràn đầy ‘niềm vui không xiết kể và vinh hiển’” [xin xem 1 Phi E Rơ 1:8].

Buổi chiều đó, khi Vị Tiên Tri tụ họp với khoảng 400 người mang chức tư tế trong đền thờ, thì có “một tiếng động nghe giống như tiếng gió thổi mạnh tràn đầy Đền Thờ, và tất cả giáo đoàn cùng một lúc đứng dậy, được một quyền năng vô hình tác động.” Theo lời Vị Tiên Tri, thì có “nhiều người bắt đầu nói nhiều thứ tiếng và nói tiên tri; những người khác trông thấy khải tượng vinh quang; và tôi đã nhìn thấy Ngôi Đền Thờ đầy dẫy các thiên sứ, và tôi đã nói về sự kiện đó cho giáo đoàn.”(Những Lời Giảng Dạy: Joseph Smith, trang 331).

Những biểu hiện thuộc linh quan trọng nhất đã xảy ra vào ngày Chủ Nhật Phục Sinh, ngày 3 tháng Tư năm 1836, một tuần sau khi đền thờ được cung hiến. Trong khi họ đang cầu nguyện trong đền thờ, một khải tượng đã mở ra cho Joseph Smith và Oliver Cowdery và Chúa Giê Su Ky Tô hiện ra. Ngài tuyên phán rằng Ngài chấp nhận đền thờ và hứa sẽ trút các phước lành xuống Các Thánh Hữu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:1–10).

Vision in the Kirtland Temple (Khải Tượng trong Đền Thờ Kirtland), tranh do Gary E. Smith họa

Theo sau chuyến viếng thăm đó là sự xuất hiện của các sứ giả thiên thượng, những người đã trao các chìa khóa cần thiết của chức tư tế để hoàn thành công việc của Thượng Đế trong những ngày sau cùng. Anh chị em có thể đánh dấu trong các đoạn sau đây ai đã hiện đến cùng Joseph và Oliver và họ đã trao những chìa khóa nào vào tay các vị lãnh đạo Giáo Hội:

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 110:11.

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith giải thích:

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith

Môi Se nắm giữ các chìa khóa của sự quy tụ Y Sơ Ra Ên. Ông dẫn dắt dân Y Sơ Ra Ên ra khỏi Ai Cập vào xứ Ca Na An. Trong gian kỳ này, ông được chỉ định đến phục hồi những chìa khóa đó cho sự quy tụ hiện đại. (Joseph Fielding Smith, Church History and Modern Revelation [Năm 1953], 2:48)

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 110:12.

“Một người tên là Ê Li A quả thật đã sống trên trần thế vào thời của Áp Ra Ham, là người đã trao gian kỳ phúc âm của Áp Ra Ham cho Joseph Smith và Oliver Cowdery. … Chúng tôi không có thông tin cụ thể về chi tiết cuộc sống trần thế hay giáo vụ của ông” (Bible Dictionary trong bản Kinh Thánh Các Thánh Hữu Ngày Sau bằng tiếng Anh, “Elias”).

Anh Cả Bruce R. McConkie giải thích tại sao Ê Li A hiện ra trong Đền Thờ Kirtland:

Anh Cả Bruce R. McConkie

Ê Li A mang trở lại “phúc âm của Áp Ra Ham”, tức giao ước Áp Ra Ham vĩ đại mà bởi đó người trung tín nhận được những lời hứa về sự tiến triển vĩnh cửu, những lời hứa rằng qua hôn nhân thượng thiên dòng dõi vĩnh cửu của họ sẽ đông như cát trên bãi biển hoặc như sao trên trời. (Bruce R. McConkie, “The Keys of the Kingdom,” Ensign, tháng Năm năm 1983, trang 22)

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 110:13–16.

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã dạy:

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith

Quyền năng gắn bó được ban cho Ê Li, là quyền năng ràng buộc chồng với vợ, và con cái với cha mẹ cho thời tại thế và vĩnh cửu. Đó là quyền năng ràng buộc đã tồn tại trong mỗi giáo lễ Phúc Âm. … Chính bởi quyền năng này mà tất cả các giáo lễ thuộc về sự cứu rỗi được ràng buộc, hoặc gắn bó, và đó là sứ mệnh của Ê Li để đến, và phục hồi quyền năng đó. (Joseph Fielding Smith, Elijah the Prophet and His Mission [Năm 1957], 5)

Sự hiện đến của Tiên Tri Ê Li trong Kinh Cựu Ước đã làm tròn những lời hứa của Chúa qua Tiên Tri Ma La Chi và được Mô Rô Ni nhắc lại với Tiên Tri Joseph Smith khi ông hiện ra lần đầu tiên trong phòng ngủ của Joseph vào ngày 21 tháng Chín năm 1823.

biểu tượng, học tập

Học Tập để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 2 (xin xem thêm Ma La Chi 4:5–6).

biểu tượng, suy ngẫm

Suy Ngẫm để Chuẩn Bị cho Lớp Học

Trong những phương diện nào anh chị em được ban phước bởi các chìa khóa và quyền năng của chức tư tế mà Môi Se, Ê Li A và Ê Li đã ban cho Tiên Tri Joseph Smith và Oliver Cowdery trong Đền Thờ Kirtland? Cuộc sống của anh chị em sẽ khác biệt ra sao nếu các chìa khóa này của chức tư tế không được phục hồi?