Viện Giáo Lý
Bài học 10 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Noi Theo Các Vị Tiên Tri Tại Thế của Chúa


“Bài học 10 Tài liệu dành cho Giảng viên: Noi Theo Các Vị Tiên Tri Tại Thế của Chúa”, Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên (năm 2019)

“Bài học 10 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Các Nền Tảng của Sự Phục Hồi, Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Bài học 10 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Noi Theo Các Vị Tiên Tri Tại Thế của Chúa

Lẽ thật nền tảng của phúc âm phục hồi là Chúa tiếp tục kêu gọi các vị tiên tri tại thế tiết lộ ý muốn và giáo lý của Ngài cho dân của Ngài. Bài học này được thiết kế để giúp củng cố các cam kết của học viên để noi theo các vị tiên tri của Chúa với lòng kiên nhẫn và với đức tin.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúa truyền lệnh cho các Thánh Hữu tuân theo lời khuyên dạy của vị tiên tri của Ngài.

Cho học viên xem tấm hình của Chủ Tịch của Giáo Hội và hỏi học viên họ nghĩ gì và cảm thấy điều gì khi xem tấm hình này.

Trưng ra lời phát biểu sau đây của Anh Cả Ulisses Soares thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ có trong tài liệu chuẩn bị:

Việc có được các vị tiên tri là dấu hiệu về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài. (Ulisses Soares, “Các Vị Tiên Tri Nói nhờ Quyền Năng của Đức Thánh Linh,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 99)

  • Trong những phương diện nào các vị tiên tri tại thế là dấu hiệu về tình yêu thương của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài? (Khuyến khích học viên nhớ lại những gì họ học được từ phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

Giải thích rằng vào ngày Giáo Hội được tổ chức, Tiên Tri Joseph Smith đã nhận được một điều mặc khải từ Chúa với một lệnh truyền và lời hứa với các tín hữu của Giáo Hội của Ngài. Cùng đọc với học viên Giáo Lý và Giao Ước 21:4-5 và tìm những điều Chúa đã truyền lệnh cho các tín hữu của Giáo Hội phải làm.

  • Chúng ta có thể nhận ra lẽ thật nào từ lệnh truyền của Chúa cho các Thánh Hữu? (Dùng những lời của học viên, hãy xác định một lẽ thật tương tự như sau: Chúa truyền lệnh cho chúng ta tiếp nhận những lời của vị tiên tri như thể từ chính miệng của Ngài phán ra với lòng kiên nhẫn và với đức tin.)

  • Tại sao đôi khi việc chấp nhận và tuân theo lời khuyên dạy của vị tiên tri cần phải có lòng kiên nhẫn và đức tin?

Mời học viên đọc kịch bản sau và thảo luận về các câu hỏi sau cùng cả lớp hoặc theo nhóm nhỏ:

Khi nói với bạn về một đại hội trung ương gần đây, bạn của các em nói với các em về những khó khăn của cô ấy khi phải chấp nhận một điều gì đó do một trong những người lãnh đạo Giáo Hội dạy. Cô ấy hỏi: “Tôi nên làm gì nếu tôi không đồng ý với một điều gì đó mà vị tiên tri đã dạy?”

  • Tại sao điều này có thể là một vấn đề nan giải cho tín hữu của Giáo Hội?

  • Các em có thể chia sẻ điều gì với bạn của mình để khuyến khích cô ấy hành động với lòng kiên nhẫn và với đức tin khi cô ấy tìm cách giải quyết mối bận tâm của mình? (Khuyến khích học viên nghĩ hoặc xem lại nếu cần những điều họ đã học được từ phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Điều gì đã giúp các em noi theo các vị tiên tri của Chúa với lòng kiên nhẫn và với đức tin? Hoặc các em đã học được gì từ một người trong gia đình hoặc người bạn mà các em đã nói tới trong câu hỏi này (như đã đề nghị trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị)?

Viết lên trên bảng (hoặc trưng bày) nguyên tắc còn dở dang sau đây: Khi chúng ta noi theo lời của các vị tiên tri của Chúa với lòng kiên nhẫn và với đức tin …

Cùng đọc với học viên Giáo Lý và Giao Ước 21:6 và tìm phước lành mà Chúa đã hứa vì noi theo các vị tiên tri của Ngài với lòng kiên nhẫn và với đức tin.

  • Các em nghĩ “các cổng ngục giới sẽ không thắng được các ngươi?” rằng Chúa sẽ “đánh tan quyền năng của bóng tối ra khỏi các ngươi”? và các tầng trời sẽ “rung chuyển vì lợi ích của các ngươi” có ý nghĩa là gì? (Viết những câu trả lời của học viên lên trên bảng dưới lời phát biểu về nguyên tắc còn dở dang.)

  • Một số lời dạy nào gần đây từ các vị tiên tri của Chúa có thể giúp bảo vệ chúng ta chống lại sức mạnh của bóng tối và khiến các tầng trời rung chuyển vì lợi ích của chúng ta? (Hãy cân nhắc chuẩn bị để chia sẻ một số ví dụ.)

  • Có khi nào sự sẵn lòng của các em để noi theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri với lòng kiên nhẫn và với đức tin đã dẫn đến những phước lành này?

Cho học viên thời gian để thành tâm suy ngẫm những gì họ có thể làm để noi theo các vị tiên tri của Chúa với lòng kiên nhẫn và với đức tin lớn lao hơn. Điều này có thể bao gồm suy nghĩ về cách thức họ có thể hành động theo những lời mời và lời khuyên gần đây của vị tiên tri một cách trọn vẹn hơn. Mời học viên ghi lại những ý nghĩ và ấn tượng đến với họ. Khuyến khích các em hành động theo những thúc giục họ nhận được từ Thánh Linh.

Các vị tiên tri của Chúa tiếp nhận điều mặc khải và tuyên bố giáo lý cho toàn thể Giáo Hội.

Mời học viên nhớ lại kinh nghiệm với Hiram Page và viên đá của ông từ những gì học được trong tài liệu chuẩn bị.

  • Điều mặc khải được cho là của Hiram Page đã gây ra vấn đề nào cho các tín hữu của Giáo Hội?

Nhắc các học viên nhớ rằng Hiram Page không chỉ tuyên bố là nhận được điều mặc khải cho Giáo Hội, mà những điều mặc khải được cho là của ông còn mâu thuẫn với giáo lý được dạy trong thánh thư và những điều mặc khải mà Joseph Smith đã nhận được trước đó. Những người đã chấp nhận những điều mặc khải của Hiram Page gồm có những người trong gia đình Whitmer và Oliver Cowdery.

Đọc Giáo Lý và Giao Ước 28:1–7, tìm kiếm lời giảng dạy của Chúa cho Oliver Cowdery và cho các tín hữu của Giáo Hội. Hãy chỉ ra rằng “những điều kín nhiệm” đã đề cập trong câu 7 ám chỉ “những lẽ thật thuộc linh chỉ biết được nhờ sự mặc khải mà thôi” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Kín Nhiệm của Thượng Đế, Những,” scriptures.ChurchofJesusChrist.org).

  • Chúng ta có thể học được các lẽ thật nào từ các câu này về ai là người có thể nhận được điều mặc khải cho toàn thể Giáo Hội? (Học viên có thể nhận ra nhiều lẽ thật, bao gồm những điều sau: Chỉ những người nắm giữ chìa khóa để lãnh đạo Giáo Hội mới có thẩm quyền nhận điều mặc khải và thiết lập giáo lý cho toàn thể Giáo Hội.)

  • Sự hiểu biết về lẽ thật này có thể giúp chúng ta tránh bị lừa gạt như thế nào?

Hãy giải thích rằng có sự nhất quán lớn trong giáo lý do các vị tiên tri đã được chọn của Chúa trong suốt lịch sử Giáo Hội. Tuy nhiên, một số tín hữu có thể tự hỏi phải làm gì khi họ thấy một lời phát biểu trong quá khứ của một vị lãnh đạo của Giáo Hội có vẻ không nhất quán với giáo lý được giảng dạy ngày nay.

  • Những nguyên tắc nào có thể hướng dẫn chúng ta nhận ra giáo lý của Chúa như đã được các vị tiên tri tại thế của Ngài giảng dạy? (Anh chị em có thể muốn mời học viên xem lại các lời phát biểu của Anh Cả D. Todd Christofferson và Neil L. Andersen trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị.)

Là một phần của cuộc thảo luận này, anh chị em có thể chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Russell M. Nelson:

Các em có thể không bao giờ hiểu hết mọi lời tuyên bố của một vị tiên tri tại thế. Nhưng khi biết một vị tiên tri là một vị tiên tri, thì các em có thể cầu nguyện lên Chúa với lòng khiêm nhường và đức tin cùng cầu xin sự làm chứng của mình về bất cứ điều gì mà vị tiên tri của Ngài đã tuyên bố. (Russell M. Nelson, “Hãy Sống Đúng Theo Tiềm Năng của Mình Là Những Người của Thiên Niên Kỷ,” Liahona, tháng Mười năm 2016, trang 31)

Hãy cân nhắc việc kết thúc bài học bằng cách chia sẻ chứng ngôn của anh chị em về các vị tiên tri tại thế và phước lành của việc noi theo họ với lòng kiên nhẫn và với đức tin.

Cho Buổi Học Lần Sau

Hãy giải thích rằng buổi học lần sau sẽ tập trung vào một chủ đề mà Chủ Tịch Russell M. Nelson đã đề cập đến là “thử thách lớn nhất, chính nghĩa lớn nhất và công việc lớn nhất trên thế gian ngày nay” (“Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” [buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], phụ bản của tạp chí New EraEnsign, trang 4–5, ChurchofJesusChrist.org; chữ in nghiêng trong bản gốc). Mời học viên học các tài liệu chuẩn bị cho buổi học lần sau và sẵn sàng thảo luận về những mục đích và các phước lành khi tham gia vào chính nghĩa lớn lao và công việc quy tụ Y Sơ Ra Ên.