“Bài học 2 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Củng Cố Chứng Ngôn của Chúng Ta về Đấng Ky Tô Hằng Sống,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)
“Bài học 2 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên
Bài Học 2 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Củng Cố Chứng Ngôn của Chúng Ta về Đấng Ky Tô Hằng Sống
Hãy tưởng tượng nỗi đau khổ và sầu muộn mà các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô chắc hẳn đã cảm thấy khi họ nhìn Ngài đau đớn và chết trên cây thập tự. Vì không hoàn toàn hiểu được sứ mệnh của Ngài, nên họ có thể cảm thấy hoang mang và cô độc khi đặt xác Ngài trong một ngôi mộ. Anh chị em có thể hình dung ra niềm vui và sự kinh ngạc của họ khi chỉ vài ngày sau họ thấy Ngài sống lại. Bây giờ họ có thể làm chứng rằng Ngài là Đấng Ky Tô hằng sống! Khi anh chị em học tài liệu này, hãy nghĩ về chứng ngôn của riêng mình về Đấng Ky Tô hằng sống và Ngài có ý nghĩa gì đối với anh chị em.
Phần 1
Câu nói “Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô” có ý nghĩa gì?
Vào lúc bắt đầu giáo vụ trần thế của Ngài, hai môn đồ của Giăng Báp Tít đã nghe Giăng nói về Chúa Giê Su: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời!” (Giăng 1:36). Khi nghe điều này, họ đã đi theo Chúa Giê Su. Một trong số họ, Anh Rê, tìm anh trai của mình là Si Môn Phi E Rơ và nói: “Chúng ta đã gặp … Đấng Ky Tô” (Giăng 1:41).
Lời tuyên bố Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô của Anh Rê rất quan trọng. Từ Đấng Ky Tô trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Đấng chịu xức dầu” và tương đương với từ Đấng Mê Si trong tiếng Hê Bơ Rơ. “Được sử dụng làm chức danh của một chức phẩm, [Đấng Ky Tô hoặc Đấng Mê Si] có nghĩa là Vua và Đấng Giải Cứu mà dân Do Thái đang nóng lòng trông đợi” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đấng Mê Si”).
Về sau trong giáo vụ của Ngài, Chúa Giê Su hỏi các môn đồ của Ngài rằng người ta nghĩ Ngài là ai. Họ đáp lại bằng tên của một vài vị tiên tri. Rồi Chúa Giê Su hỏi: “Còn các ngươi thì xưng ta là ai?” (Ma Thi Ơ 16:15).
Là Đấng Ky Tô, Chúa Giê Su đã “được Đức Chúa Cha xức dầu để làm người đại diện cho Đức Chúa Cha trong tất cả mọi việc thuộc về sự cứu rỗi nhân loại” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Đấng Chịu Xức Dầu”). Vì Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, nên Ngài là con đường duy nhất và danh của Ngài là danh duy nhất mà qua đó chúng ta có thể được giải thoát khỏi những hậu quả của tội lỗi và cái chết (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12; Mô Si A 3:17).
Anh chị em cũng có thể đọc hoặc lắng nghe bài hát “This Is the Christ,” một bài hát được viết bởi Chủ Tịch James E. Faust, người đã phục vụ trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Suy ngẫm về điều anh chị em có thể chia sẻ trong lớp học về những gì anh chị em nghĩ và cảm nhận về bài hát.
Phần 2
Các Sứ Đồ của Chúa có thể ảnh hưởng như thế nào đến chứng ngôn của tôi rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô?
Ở nhiều nơi trên thế giới, niềm tin vào thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô đang suy giảm (xin xem Neil L. Andersen, “Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 88). Có lẽ anh chị em đã chứng kiến một sự suy yếu đức tin ở nơi anh chị em đang sống, đã chứng kiến một người nào đó mà anh chị em yêu mến rời bỏ Đấng Cứu Rỗi và Giáo Hội của Ngài, hoặc chính anh chị em đã trải qua cuộc chiến của chính mình với sự hoài nghi.
Việc thiếu đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô không chỉ có trong thời kỳ của chúng ta. Ví dụ, ngay cả sau khi dân La Man và dân Nê Phi thấy “những điềm triệu và những điều kỳ diệu” về sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi, thì chẳng bao lâu dân chúng trở nên “bớt ngạc nhiên … và bắt đầu không tin tất cả những gì họ đã được nghe và thấy” (3 Nê Phi 2:1).
Để giúp mỗi người chúng ta với đức tin của mình nơi Ngài, Chúa đã kêu gọi Các Sứ Đồ làm nhân chứng đặc biệt của Ngài cho tất cả mọi người (xin xem Ma Thi Ơ 28:19–20; 3 Nê Phi 12:1; Giáo Lý và Giao Ước 107:23).
Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã dạy:
Chức vụ kêu gọi của họ là độc nhất vô nhị; họ là Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, được Ngài chọn lựa và ủy thác. Họ đã được truyền lệnh phải làm chứng về tính chân thật của việc Ngài hằng sống bởi quyền năng và thẩm quyền của chức vụ sứ đồ thánh. (“Special Witnesses of Christ,” Ensign, tháng Tư năm 2001, trang 4)
Phần 3
Cuộc sống của tôi có thể được thay đổi như thế nào qua việc nghiên cứu tài liệu “Đấng Ky Tô Hằng Sống”?
Vào ngày 1 tháng Một năm 2000, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã công bố chứng ngôn của họ về Đấng Cứu Rỗi trong một tài liệu gọi là “Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ” (có sẵn tại ChurchofJesusChrist.org).
Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về tài liệu lịch sử này:
Bản ″Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ″ đã được chuẩn bị từ trước khi chúng ta cần đến chứng ngôn này nhất. (“Đại Hội Trung Ương: Củng Cố Đức Tin và Chứng Ngôn,” Liahona, tháng Mười Một năm 2013, trang 7)
Chủ Tịch Russell M. Nelson cũng nhận xét:
Nhiều tín hữu vẫn ghi nhớ những lẽ thật trong chứng ngôn đó. Những người khác hầu như không biết là có chứng ngôn đó. Khi các anh chị em tìm hiểu thêm về Chúa Giê Su Ky Tô, tôi khuyên nhủ các anh chị em hãy nghiên cứu “Đấng Ky Tô Hằng Sống.” (“Nhận Được Quyền Năng của Chúa Giê Su Ky Tô trong Cuộc Sống của Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2017, trang 40)