“Bài học 12 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Tìm Kiếm Lẽ Thật Thuần Khiết trong Những Lời Giảng Dạy của Chúa Giê Su Ky Tô,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)
“Bài học 12 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên
Bài Học 12 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Tìm Kiếm Lẽ Thật Thuần Khiết trong Những Lời Giảng Dạy của Chúa Giê Su Ky Tô
Việc sống trong thời đại kỹ thuật số đã cho chúng ta khả năng tiếp cận tuyệt vời với lượng thông tin chưa từng có. Tuy nhiên, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhận xét: “Một trong những tai họa của thời kỳ chúng ta là có quá ít người biết phải tìm lẽ thật ở đâu” (“Lẽ Thật Thuần Khiết, Giáo Lý Thuần Khiết và Sự Mặc Khải Thuần Khiết,” Liahona, tháng Mười Một năm 2021, trang 6). Khi anh chị em nghĩ về các thông điệp và tiếng nói khác nhau đang tranh giành sự chú ý của mình, hãy suy ngẫm về cách Chúa Giê Su Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài là nguồn gốc của lẽ thật thanh khiết tối thượng và có quyền năng để hướng dẫn, củng cố, và biến đổi cuộc sống của anh chị em (xin xem Giăng 14:6).
Phần 1
Làm thế nào mà những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô có thể cải thiện cuộc sống của tôi?
Sau khi Ngài Phục Sinh, Chúa Giê Su đã đi cùng với hai môn đồ đang hành trình đến Em Ma Út. Họ không nhận ra rằng Ngài là Đấng Ky Tô phục sinh. Trong khi họ bước đi, Chúa Giê Su đã giảng dạy từ thánh thư ý nghĩa của sứ mệnh thiêng liêng của Ngài. (Xin xem Lu Ca 24:13–27.)
Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy với “thẩm quyền của Thượng Đế” chứ không giống như các thầy thông giáo và người Pha Ri Si (Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 7:37. Khi Ngài giảng dạy tại quê hương Na Xa Rét của Ngài, dân chúng “đều cảm động về sự dạy dỗ của Ngài; vì Ngài dùng quyền phép mà phán” (Lu Ca 4:32). Nhưng mặc dù Chúa đã giảng dạy với quyền năng, một số người đã thấy những lời giảng dạy và giáo lý của Ngài quá khó khăn và đã chọn không noi theo Ngài. Vào một dịp như vậy, Chúa đã hỏi Các Sứ Đồ của Ngài: “Còn các ngươi, cũng muốn lui chăng?” (Giăng 6:67; xin xem thêm Giăng 6:68–69).
Trong thời đại của mình, chúng ta cũng có thể cảm thấy bị thử thách bởi những lời giảng dạy và giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô. Thỉnh thoảng, chúng ta còn có thể cảm thấy bị cám dỗ để “rút lui.” Việc chỉ nghe những lời của Ngài sẽ không đủ để tiếp tục trung tín trong suốt cuộc sống của mình.
Sau khi giảng dạy cho một người Pha Ri Si tên là Ni Cô Đem các lẽ thật phúc âm quan trọng, Chúa đã phán: “Kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng, hầu cho các việc của mình được bày tỏ ra, vì đã làm trong Đức Chúa Trời” (Giăng 3:21, sự nhấn mạnh được thêm vào).
Trong một dịp khác, trong khi giảng dạy tại đền thờ, Chúa Giê Su phán: “Nếu ai khứng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, thì sẽ biết đạo lý ta có phải là bởi Đức Chúa Trời, hay là ta nói theo ý ta” (Giăng 7:17; sự nhấn mạnh được thêm vào). Về sau, khi Chúa Giê Su nêu gương phục vụ cho các môn đồ của Ngài bằng cách rửa chân cho họ, Ngài đã phán: “Ví bằng các ngươi biết những sự nầy, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo” (Giăng 13:17, sự nhấn mạnh được thêm vào).
Khi giải thích tầm quan trọng của việc hành động theo những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô, Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói:
“Rồi sao nữa?” Tôi nghĩ đó là điều mà Đấng Cứu Rỗi đã trả lời ngày này qua ngày khác như là một yếu tố không thể tách rời được trong lời giảng dạy và thuyết giảng của Ngài. Những bài giảng và những lời khuyên nhủ của Ngài sẽ vô ích nếu cuộc sống thực sự của các môn đồ của Ngài không thay đổi.
“Rồi sao nữa?” Anh chị em và tôi biết rằng có quá nhiều người đã không liên kết điều họ nói là họ tin với cách họ thực sự sống cuộc sống của họ. (“Teaching, Preaching, Healing,” Ensign, tháng Giêng năm 2003, trang 37)
Phần 2
Những lời giảng dạy nào của Chúa là thiết yếu nhất cho sự cứu rỗi của tôi?
Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:
Tất cả các lẽ thật đều đáng để biết. Có một số lẽ thật thì hữu ích hơn, nhưng vẫn có các lẽ thật đáng để biết nhất. (“Truths Most Worth Knowing” [Buổi họp đặc biệt devotional của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội dành cho những người thành niên trẻ tuổi, ngày 6 tháng Mười Một năm 2011], ChurchofJesusChrist.org)
Chúng ta có thể tìm đến Đấng Cứu Rỗi để được hướng dẫn về điều có thể đáng để biết nhất. Sau khi Ngài Phục Sinh, Chúa Giê Su Ky Tô đã hiện đến cùng nhiều người, kể cả Mười Hai Vị Sứ Đồ của Ngài. Ngài ra lệnh cho Mười Hai Vị đi thuyết giảng phúc âm của Ngài cho tất cả mọi người. Ngài cũng bảo đảm rằng những ai tin vào phúc âm của Ngài và chịu phép báp têm thì sẽ được cứu. (Xin xem Mác 16:15–16.)
Khi Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến cùng dân Nê Phi, Ngài đã dạy họ ý nghĩa của phúc âm của Ngài và lý do mà phúc âm thiết yếu cho sự cứu rỗi của họ.
Anh Daniel K Judd, cựu Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Trường Chủ Nhật, đã nói:
Mặc dù phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bao gồm tất cả mọi lẽ thật, nhưng không phải tất cả mọi lẽ thật đều có giá trị bằng nhau. Đấng Cứu Rỗi đã dạy rõ rằng phúc âm của Ngài, đầu tiên và trước hết, là sự hy sinh cứu chuộc của Ngài. Phúc âm của Ngài cũng là lời mời gọi để tiếp nhận các phước lành của Sự Chuộc Tội qua đức tin nơi Đấng Ky Tô, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, và trung tín kiên trì đến cùng. …
… Là điều thiết yếu để chúng ta nuôi dưỡng những người mà chúng ta giảng dạy và hướng dẫn bằng cách chú trọng vào các giáo lý … thay vì dành ra thời giờ quý báu cho các đề tài và nguồn tài liệu ít quan trọng hơn. (“Được Nuôi Dưỡng bằng Lời Nói Tốt Lành của Thượng Đế,” Liahona, tháng Mười Một năm 2007, trang 93–94)
Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, lúc đó là Đệ Nhị Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã đưa ra lời khuyên bảo sau đây:
Nếu anh chị em từng nghĩ rằng phúc âm không mang lại lợi ích nhiều cho mình, thì tôi mời anh chị em hãy quay lại, nhìn vào cuộc sống của mình, và đơn giản hóa vai trò môn đồ của mình. Hãy tập trung vào các giáo lý cơ bản, nguyên tắc, và cách áp dụng của phúc âm. Tôi hứa rằng Thượng Đế sẽ hướng dẫn và ban phước cho anh chị em trên con đường dẫn tới một cuộc đời đầy ý nghĩa, và nhất định phúc âm sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho anh chị em. (“Phúc Âm Rất Có Lợi Ích!,” Liahona, tháng Mười Một năm 2015, trang 22)