“Bài học 23 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Sống với Hy Vọng khi Chúng Ta Chuẩn Bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)
“Bài Học 23 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên
Bài Học 23 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Sống với Hy Vọng khi Chúng Ta Chuẩn Bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô
Một số người nghĩ đến Ngày Tái Lâm của Chúa với nỗi sợ hãi và lo lắng. Những người khác thì lại hân hoan mong đợi. Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Không có điều gì củng cố ước muốn của tôi để nói về Đấng Ky Tô hơn việc tưởng tượng sự tái lâm của Ngài” (“Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 91). Khi anh chị em học, hãy suy ngẫm về những cảm nhận của anh chị em về sự tái lâm của Đấng Ky Tô và việc chuẩn bị với đức tin có thể gia tăng niềm hy vọng của anh chị em như thế nào.
Phần 1
Làm thế nào mà sự hiểu biết chính xác về Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi và sự trị vì trong thời kỳ ngàn năm của Ngài có thể mang đến cho tôi hy vọng và sự bình an?
Khi Ngài giảng dạy các môn đồ của Ngài trên Núi Ô Li Ve, Chúa Giê Su đã mặc khải các điềm triệu và tình trạng mà sẽ xảy ra trước Ngày Tái Lâm của Ngài. Đấng Cứu Rỗi phán rằng sẽ có các Đấng Ky Tô giả, tiên tri giả, chiến tranh, tiếng đồn về chiến tranh, nạn đói, bệnh dịch, động đất, sự bất chính, và các điềm triệu trên trời (xin xem Joseph Smith—Ma Thi Ơ 1:22–23, 28–30, 33).
Giống như các môn đồ thời xưa của Chúa, anh chị em có thể cảm thấy bối rối bởi các điềm triệu về sự trở lại của Ngài. Vào năm 1831, Tiên Tri Joseph Smith nhận được một điều mặc khải cung cấp quan điểm của Chúa về những điềm triệu này.
Điều quan trọng cần nhớ là các điềm triệu về Ngày Tái Lâm của Chúa cũng bao gồm các sự kiện xung quanh Sự Phục Hồi phúc âm của Ngài. Hãy nghĩ về sự ra đời của Sách Mặc Môn, sự phục hồi chức tư tế, các sứ đồ và tiên tri tại thế, công việc truyền giáo, công việc đền thờ và lịch sử gia đình, và sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên đang chuẩn bị chúng ta cho sự trở lại của Đấng Cứu Rỗi ra sao (xin xem Ma La Chi 4:5–6; Khải Huyền 14:6–7; 1 Nê Phi 21:13–26; 3 Nê Phi 21:1–11; Giáo Lý và Giao Ước 1:14, 17–18; 65).
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã làm chứng:
Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, sẽ thực hiện một số các công việc lạ lùng nhất của Ngài từ bây giờ cho đến khi Ngài tái lâm. (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96)
Thời Kỳ Ngàn Năm sẽ theo sau Sự Tái Lâm. Trong Thời Kỳ Ngàn Năm, “Đấng Ky Tô sẽ thân hành trị vì thế gian” (Những Tín Điều 1:10). Một điều mặc khải nhận được qua Tiên Tri Joseph Smith đã cho biết cuộc sống sẽ như thế nào trong Thời Kỳ Ngàn Năm.
Khi anh chị em nghĩ về sự tái lâm của Đấng Cứu Rỗi và việc Ngài trị vì trong thời kỳ ngàn năm, hãy suy ngẫm xem lời khuyên dạy sau đây của Anh Cả Ronald A. Rasband thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ có thể được áp dụng như thế nào vào cuộc sống của anh chị em:
Cho dù có bao nhiêu sự tà ác và hỗn loạn tràn ngập thế gian, nhưng chúng ta được hứa bởi sự trung tín hằng ngày của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô “sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết” [Phi Líp 4:7]. Và khi Đấng Ky Tô đến trong mọi quyền năng và vinh quang, thì sự tà ác, nổi loạn, và bất công sẽ chấm dứt. …
… Vâng, chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn, nhưng khi đang ở trên con đường giao ước thì chúng ta không cần phải sợ hãi. Tôi ban phước cho anh chị em để khi anh chị em ở trên con đường giao ước thì sẽ không bị bối rối bởi những hoàn cảnh đang xảy ra xung quanh chúng ta hoặc những rắc rối sẽ xảy ra cho anh chị em. … Tôi ban phước cho anh chị em để tin vào những lời hứa của Chúa Giê Su Ky Tô, rằng Ngài hằng sống và rằng Ngài đang trông nom, chăm sóc chúng ta và đứng bên cạnh chúng ta. (“Chớ Bối Rối,” Liahona, tháng Mười Một năm 2018, trang 19, 21)
Phần 2
Làm thế nào tôi có thể chuẩn bị tốt hơn cho bản thân mình và những người khác cho sự trở lại của Chúa?
Liên quan đến các điềm triệu về Sự Tái Lâm (xin xem Ma Thi Ơ 24), Đấng Cứu Rỗi đã dạy câu chuyện ngụ ngôn về mười người nữ đồng trinh. Truyện ngụ ngôn này dựa trên các phong tục cưới hỏi của người Do Thái. Chàng rể cùng với những người bạn thân của mình sẽ đến nhà cô dâu vào ban đêm để làm lễ cưới. Sau nghi lễ, những người tham dự lễ cưới sẽ đi đến nhà chú rể để ăn tiệc. Những khách mời tham dự đám cưới được yêu cầu mang theo đèn của mình để cho biết rằng họ là khách mời của bữa tiệc cưới.
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy rằng chàng rể tượng trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô, và những người nữ đồng trinh là các tín hữu của Giáo Hội của Ngài (xin xem “Chuẩn Bị cho Ngày Tái Lâm,” Liahona, tháng Năm năm 2004, trang 8).
Chúa phán điều này về những người đã được chuẩn bị cho tiệc cưới: “Những ai khôn ngoan và đã nhận được lẽ thật, và đã chọn Đức Thánh Linh làm đấng hướng dẫn của mình, và không bị lừa gạt—thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, những người ấy sẽ không bị đốn đi và ném vào lửa, nhưng sẽ đương nổi ngày ấy” (Giáo Lý và Giao Ước 45:57).
Chủ Tịch Nelson cũng nói về tầm quan trọng của việc chọn Đức Thánh Linh làm đấng hướng dẫn của chúng ta:
Trong những ngày phía trước, chúng ta sẽ không thể nào tồn tại được về mặt thuộc linh nếu không có ảnh hưởng dìu dắt, chỉ dẫn, an ủi và liên tục của Đức Thánh Linh. …
Tôi khẩn nài các anh chị em gia tăng khả năng thuộc linh của mình để nhận được sự mặc khải. (“Sự Mặc Khải cho Giáo Hội, Sự Mặc Khải cho Cuộc Đời Chúng Ta,” Liahona, tháng Năm năm 2018, trang 96)