“Bài học 28 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Đứng Lên làm Nhân Chứng cho Chúa Giê Su Ky Tô,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)
“Bài Học 28 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên
Bài Học 28 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Đứng lên làm Nhân Chứng cho Chúa Giê Su Ky Tô
Chứng ngôn của anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô đã được ảnh hưởng như thế nào qua việc tham gia vào khóa học này? Anh chị em đã học được điều gì từ Đức Thánh Linh khi anh chị em hành động trong đức tin bằng cách nghiên cứu tài liệu chuẩn bị, tham gia vào các cuộc thảo luận trong lớp học, và làm theo những sự thúc giục thuộc linh? Khi anh chị em chuẩn bị cho buổi học trước, hãy suy ngẫm ý nghĩa của việc đứng lên làm nhân chứng cho Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Si A 18:9).
Phần 1
Làm thế nào tôi có thể củng cố chứng ngôn của mình về Đấng Cứu Rỗi?
Khi anh chị em nghĩ về chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô, hãy nhớ rằng mỗi người chúng ta đều đạt được một chứng ngôn theo cách riêng. Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf, khi còn là cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã dạy:
Có một số tín hữu của Giáo Hội có được chứng ngôn chắc chắn và rất mạnh mẽ. Những người khác vẫn còn đang gặp khó khăn để tự mình biết. Giáo Hội là một ngôi nhà cho tất cả mọi người cùng đến, bất kể sức mạnh của chứng ngôn của họ như thế nào đi nữa. (“Nhận Được một Chứng Ngôn về Ánh Sáng và Lẽ Thật”, Liahona, tháng Mười Một năm 2014, trang 22)
Nếu anh chị em cảm thấy không chắc chắn về chứng ngôn của mình về Đấng Cứu Rỗi hoặc cảm thấy rằng chứng ngôn đó không mạnh mẽ lắm, thì hãy nhớ rằng “chứng ngôn gia tăng dần dần qua những kinh nghiệm. Không ai nhận được chứng ngôn trọn vẹn cùng một lúc” (Gospel Topics, “Testimony,” topics.ChurchofJesusChrist.org).
Hãy nhớ lại kinh nghiệm của An Ma Con. Khi còn trẻ, ông đã đi tìm cách phá hoại Giáo Hội của Chúa. Sau khi một thiên sứ hiện đến cùng ông, ông đã hối cải và chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Si A 27:8–24). Mặc dù sự hiện đến này chắc chắn đã ảnh hưởng đến An Ma, nhưng đó không phải là nguồn gốc cơ bản cho chứng ngôn của ông. Về sau trong cuộc sống của ông, trong khi giảng dạy dân chúng trong xứ Gia Ra Hem La, An Ma đã chia sẻ cách ông có được chứng ngôn của mình về Chúa Giê Su Ky Tô.
Khi suy ngẫm về chứng ngôn của mình, anh chị em hãy tìm kiếm niềm vui trong điều anh chị em biết, hy vọng, hoặc tin tưởng về Đấng Cứu Rỗi. Sau đó hãy thành tâm cân nhắc điều các anh chị em có thể làm để xây dựng trên nền móng đó, cho đến khi nó trở thành một lời làm chứng chắc chắn. Anh Cả Uchtdorf đã dạy:
Nguồn gốc của sự hiểu biết chắc chắn và sự tin chắc vững vàng này là sự mặc khải thiêng liêng: “vì sự làm chứng cho Đức Chúa Giê Su là đại ý của lời tiên tri” (Khải Huyền 19:10).
Chúng ta nhận được chứng ngôn này khi Đức Thánh Linh nói với tinh thần bên trong chúng ta. Chúng ta sẽ nhận được một sự tin chắc êm nhẹ và vững vàng mà sẽ là nguồn chứng ngôn và tin chắc [cho] chúng ta bất luận văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ hoặc xã hội kinh tế của chúng ta. Những sự thúc giục này của Thánh Linh, thay vì chỉ là lý giải của con người mà thôi, mà sẽ còn là nền tảng thật sự mà chứng ngôn của chúng ta sẽ được xây đắp trên đó.
Nòng cốt của chứng ngôn này sẽ luôn luôn là đức tin và sự hiểu biết về Chúa Giê Su Ky Tô và sứ mệnh thiêng liêng của Ngài, là Đấng đã phán về Ngài trong thánh thư: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống” (Giăng 14:6). (“Quyền Năng của Chứng Ngôn Cá Nhân,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 38)
Phần 2
Chứng ngôn của tôi về Chúa Giê Su Ky Tô có thể ban phước cho người khác như thế nào?
Hãy nghĩ về chứng ngôn của anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô. Bạn bè, gia đình, và những người khác mà anh chị em tiếp xúc có biết cảm nghĩ của anh chị em về Ngài không? Anh chị em có sẵn sàng để trả lời những câu hỏi về Đấng Cứu Rỗi với đức tin và chứng ngôn không? (xin xem 1 Phi E Rơ 3:15). Anh chị em có mời những người khác đến và tìm hiểu về Chúa Giê Su Ky Tô cho chính họ không? (xin xem Giăng 1:39).
Khi anh chị em nghĩ về ảnh hưởng mà chứng ngôn của anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô có thể có đối với những người khác, hãy suy ngẫm lời khuyên dạy sau đây của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
Với những người xung quanh mình, chúng ta hãy cởi mở hơn, sẵn lòng hơn để nói về Đấng Ky Tô. Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói: “Các môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô sẵn lòng đứng lên, mạnh dạn lên tiếng và khác biệt với mọi người trên thế gian. …
… Chúng ta hãy ân cần làm chứng về đức tin của mình nơi Đấng Ky Tô. Nếu một ai đó chia sẻ một vấn đề trong cuộc sống cá nhân của mình thì chúng ta có thể nói: “John, Mary à, anh chị biết rằng tôi tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi đã nghĩ về một điều Ngài từng nói mà có thể giúp đỡ anh chị.”
Hãy cởi mở hơn trên các mạng truyền thông xã hội trong việc nói về sự tin cậy của anh chị em nơi Đấng Ky Tô. …
Đôi khi, một số người đồng Ky Tô Hữu của chúng ta không hiểu rõ về tín ngưỡng và động cơ của chúng ta. Chúng ta hãy chân thành vui mừng cùng họ trong đức tin chung của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nơi các câu thánh thư trong Kinh Tân Ước mà tất cả chúng ta đều yêu thích. …
Trong khi thế gian ít nói về Chúa Giê Su Ky Tô hơn, chúng ta hãy nói nhiều về Ngài hơn. Khi bản chất của chúng ta với tư cách là các môn đồ của Ngài được thể hiện thì nhiều người xung quanh chúng ta sẽ được chuẩn bị để lắng nghe. Khi chúng ta chia sẻ ánh sáng mình nhận được từ Ngài thì ánh sáng của Ngài và quyền năng cứu rỗi siêu việt của Ngài sẽ tỏa sáng trên những người sẵn sàng mở lòng. (“Chúng Ta Nói về Đấng Ky Tô,” Liahona, tháng Mười Một năm 2020, trang 90)