Viện Giáo Lý
Bài học 16 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chấp Nhận Sự Hy Sinh Chuộc Tội Vĩ Đại của Đấng Cứu Rỗi


“Bài học 16 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Chấp Nhận Sự Hy Sinh Chuộc Tội Vĩ Đại của Đấng Cứu Rỗi,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài học 16 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Bài Học 16 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Chấp Nhận Sự Hy Sinh Chuộc Tội Vĩ Đại của Đấng Cứu Rỗi

Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm trong kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng. Trong bài học này, học viên có thể gia tăng lòng biết ơn của họ về cái giá mà Chúa Giê Su Ky Tô đã trả để “chuộc tội lỗi cho tất cả nhân loại” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” ChurchofJesusChrist.org). Họ sẽ được mời suy ngẫm điều họ có thể thực hiện để làm cho sự hối cải thành một phần tập trung hơn vào Đấng Ky Tô và đầy hân hoan trong cuộc sống của họ.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Vì Sự Sa Ngã, chúng ta cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Hãy khuyến khích thiết lập một môi trường có lợi ích cho việc học hỏi thuộc linh. Chủ Tịch Boyd K. Packer dạy rằng “sự soi dẫn đến dễ dàng hơn trong các khung cảnh yên tĩnh” (“Reverence Invites Revelation,” Ensign, tháng Mười Một năm 1991, trang 21, 22). Môi trường học tập của anh chị em có ngăn nắp, sạch sẽ và thoải mái không? Những điều gì có thể khiến cho học viên xao lãng trong tiến trình học tập, và làm thế nào anh chị em có thể giảm thiểu những điều đó? Học viên có cảm thấy được chào đón khi họ đến không? Làm thế nào âm nhạc thiêng liêng hoặc hình ảnh liên quan đến phúc âm có thể giúp chuẩn bị cho việc học hỏi của học viên?

Anh chị em có thể bắt đầu lớp học bằng cách chia sẻ tình huống sau đây:

Logan biết ơn Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng không phải lúc nào anh ấy cũng cảm thấy cần Đấng Cứu Rỗi cấp thiết trong cuộc sống của mình. Anh ấy tin rằng mình là một người tốt, thường tuân giữ các lệnh truyền, phục vụ trong Giáo Hội, và không phạm phải bất cứ tội lỗi nghiêm trọng nào, nên Sự Chuộc Tội của Chúa không quan trọng trong hoàn cảnh của anh.

  • Anh chị em sẽ mô tả quan điểm của Logan về Sự Chuộc Tội của Chúa ra sao? Logan có thể đưa ra những giả định sai lầm nào về Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi?

  • Việc nghiên cứu Sự Sa Ngã có thể ảnh hưởng như thế nào đến cảm nghĩ của Logan về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su?

Cân nhắc trưng bày lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:

Chủ Tịch Ezra Taft Benson

Không một người nào biết đầy đủ và chính xác lý do tại sao mình cần Đấng Ky Tô cho đến khi người ấy biết và chấp nhận giáo lý về Sự Sa Ngã và ảnh hưởng của Sự Sa Ngã đối với toàn thể nhân loại. (A Witness and a Warning: A Modern-Day Prophet Testifies of the Book of Mormon [năm 1988], trang 33)

Hãy mời học viên tự mình liệt kê hoặc cùng làm với một người bạn về một số ảnh hưởng của Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va. (Học viên có thể tham khảo phần 1 của tài liệu chuẩn bị để được giúp đỡ.) Sau đó, anh chị em có thể mời họ chia sẻ điều họ tìm thấy với lớp học. Sau khi học viên chia sẻ, hãy cân nhắc giúp họ gia tăng sự hiểu biết bằng cách đặt ra một hoặc nhiều câu hỏi sau đây:

  • Tại sao tất cả mọi người, kể cả những người “tốt” và “vâng lời” như Logan, đều có nhu cầu cấp thiết và thường trực đối với Sự Chuộc Tội của Chúa? (Nếu hữu ích, hãy đọc 2 Nê Phi 9:7–9. Học viên có thể nhận ra một nguyên tắc tương tự như sau: Chỉ qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô chúng ta mới có thể khắc phục được trạng thái của cái chết thể xác và thuộc linh.)

  • Cái chết thể xác và thuộc linh có nghĩa là gì? (Nếu cần, hãy xem lại lời phát biểu của Anh Cả D. Todd Christofferson trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.) Anh chị em nghĩ tại sao Gia Cốp mô tả cái chết thể xác và thuộc linh là “con yêu quỷ ghê gớm”? (2 Nê Phi 9:10).

  • Anh chị em có những cảm nghĩ nào dành cho Đấng Cứu Rỗi, vì biết rằng Ngài là cách duy nhất để anh chị em có thể khắc phục cái chết thể xác và thuộc linh? (xin xem Mô Si A 3:17).

Chúa Giê Su Ky Tô đã chịu đau khổ trong Vườn Ghết Sê Ma Nê và trên thập tự giá để chúng ta có thể hối cải và được cứu chuộc.

Nhắc học viên nhớ rằng khi chuẩn bị cho lớp học, họ được mời đọc Mác 14:33–37, Lu Ca 22:43–44, và Giáo Lý và Giao Ước 19:18 cùng ghi lại những suy nghĩ và cảm nhận của họ. Cho học viên thời gian để xem lại các đoạn này. Sau đó yêu cầu họ lập thành các nhóm nhỏ và đưa cho họ tờ giấy phát tay sau đây.

Chúa Giê Su Ky Tô Chịu Đau Khổ để Cứu Rỗi Chúng Ta

Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu dành cho Giảng Viên—Bài Học 16

Hãy đọc qua các câu hỏi sau đây và tập trung vào những câu hỏi mà nhóm của anh chị em muốn thảo luận nhất.

  1. Anh chị em có suy nghĩ và cảm nhận gì về Đấng Cứu Rỗi khi suy ngẫm về nỗi đau khổ mà Ngài chịu thay cho mình? Sự sẵn lòng chịu đau khổ của Ngài dạy chúng ta điều gì về Ngài? (Cân nhắc đọc 1 Nê Phi 19:9.)

  2. Tại sao Cha Thiên Thượng rút đi Thánh Linh của Ngài khi Đấng Cứu Rỗi chịu đau khổ trên thập tự giá? (Cân nhắc ôn lại Mác 15:34 và lời phát biểu của Anh Cả Jeffrey R. Holland trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.) Làm thế nào điều đó có thể giúp chúng ta tưởng nhớ kinh nghiệm của Chúa trên thập tự giá khi chúng ta cảm thấy cô đơn, bị lãng quên, hoặc bị bỏ rơi?

  3. Làm thế nào một chứng ngôn về Sự Chuộc Tội của Chúa có thể giúp chúng ta khi chúng ta hoài nghi giá trị riêng của bản thân mình? (Anh chị em có thể ôn lại Giáo Lý và Giao Ước 18:10–11.) Việc tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài có thể ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta nhìn nhận tiềm năng và tương lai của mình?

  4. Chúng ta gửi thông điệp nào cho bản thân mình và Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta chọn hối cải? Tại sao Chúa cảm thấy vui khi chúng ta hối cải? (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 18:13).

  5. Nếu một người nào đó cảm thấy không chắc chắn về tính chân thật của Sự Chuộc Tội của Chúa, thì người ấy có thể làm gì để đạt được một chứng ngôn về Sự Chuộc Tội?

Chúa Giê Su Ky Tô Chịu Đau Khổ để Cứu Rỗi Chúng Ta

Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu dành cho Giảng Viên—Bài Học 16

tài liệu phát tay của giảng viên

Tùy thuộc vào nhu cầu của học viên của mình, anh chị em có thể mời họ chia sẻ điều mà họ ấn tượng trong các cuộc thảo luận. Hoặc anh chị em có thể tập trung vào giáo lý về sự hối cải bằng cách trưng ra hai câu sau đây. Mời học viên suy ngẫm xem họ cảm thấy liên quan đến câu nào nhất khi thấy được nhu cầu hối cải ở chính mình.

  1. Sự hối cải giống như một hình phạt cần tránh.

  2. Sự hối cải giống như một ân tứ thiêng liêng để vui vẻ chấp nhận.

Để giúp học viên suy ngẫm về thái độ của họ đối với sự hối cải, hãy cân nhắc đọc lên lời phát biểu của Chủ Tịch Russell M. Nelson trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị. Sau đó anh chị em có thể giúp học viên nhận ra lẽ thật này: “Khi được kết hợp với đức tin, sự hối cải cho chúng ta khả năng tiếp cận với quyền năng Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.” (“Chúng Ta Có Thể Làm Tốt Hơn và Trở Thành Người Tốt Hơn,” Liahona, tháng Năm năm 2019, trang 67). Rồi hỏi:

  • Trong những phương diện nào, đức tin và sự hối cải mở đường cho chúng ta tiếp cận quyền năng của Đấng Cứu Rỗi?

  • Chúng ta có thể làm gì để thấy sự hối cải là một ân tứ thiêng liêng và vui vẻ chấp nhận ân tứ đó?

Sau khi học viên trả lời, anh chị em có thể cho họ thời gian để viết một điều mà họ sẽ thực hiện để làm cho sự hối cải trở thành một phần vui vẻ và có ý nghĩa hơn trong cuộc sống của họ.

Nếu thời gian cho phép, anh chị em có thể mời một số học viên chia sẻ về cách mà sự hối cải đã giúp họ tiếp cận quyền năng thanh tẩy của Đấng Cứu Rỗi. Hãy nhắc nhở học viên đừng tiết lộ những tội lỗi trong quá khứ khi họ chia sẻ.

Cho Buổi Học Lần Sau

Để khuyến khích học viên chuẩn bị cho bài học 17, hãy cân nhắc gửi cho học viên sứ điệp và hình ảnh sau đây: Khi anh chị em học tài liệu chuẩn bị cho bài học 17, hãy suy ngẫm về tầm quan trọng của ngôi mộ trống của Đấng Cứu Rỗi.

Ngôi mộ trống của Chúa Giê Su Ky Tô