“Bài Học 5 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học: Trở Thành Dân Giao Ước của Chúa,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)
“Bài Học 5 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên
Bài Học 5 Tài Liệu Chuẩn Bị cho Lớp Học
Trở Thành Dân Giao Ước của Chúa
Cần có một mức độ tin cậy và tình yêu thương lớn lao để ràng buộc bản thân anh chị em với một người nào đó trong một mối quan hệ giao ước. Và sự tin cậy đó được phát triển khi anh chị em hiểu hơn về nhau. Trong trường hợp lập các giao ước với Thượng Đế mà ràng buộc anh chị em với Ngài, Ngài đã biết rõ anh chị em và mong muốn ban cho anh chị em tất cả những gì Ngài có—trở nên giống như Ngài. Ngài mời gọi anh chị em tin cậy Ngài và bước vào con đường giao ước của Ngài. Anh chị em sẽ được ban phước dồi dào khi làm như vậy, vì “Con đường của Ngài là lối đi dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” ChurchofJesusChrist.org).
Phần 1
Đấng Giê Hô Va là ai, và tại sao tôi có thể tin cậy Ngài?
Tài liệu “Đấng Ky Tô Hằng Sống” dạy rằng “[Chúa Giê Su Ky Tô] là Đấng Giê Hô Va Vĩ Đại của Kinh Cựu Ước.” Danh xưng Đấng Giê Hô Va đến từ đâu, và danh xưng đó có thể dạy cho anh chị em điều gì về Đấng Cứu Rỗi?
Sau khi con cái Y Sơ Ra Ên làm nô lệ cho người Ê Díp Tô nhiều năm, Chúa kêu gọi Môi Se “dắt [họ] ra khỏi xứ Ê Díp Tô” (Xuất Ê Díp Tô Ký 3:10, cũng xem các câu 1–9). Môi Se cảm thấy không đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ này. Ông cầu vấn Chúa về danh Ngài để ông có thể nói cho dân Y Sơ Ra Ên về Đấng đã sai ông đến (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 3:11–13).
Danh xưng Đấng Tự Hữu có nghĩa là “Ngài tự hữu” hoặc “Ngài hiện hữu” và liên quan trực tiếp đến danh xưng Yahweh, hoặc Giê Hô Va trong tiếng Hê Bơ Rơ. Giê Hô Va có nghĩa là “Đấng Không Thay Đổi” (Bible Dictionary, “Jehovah”). Sự tôn kính mà họ cảm thấy đối với danh của Đấng Giê Hô Va là lý do mà dân Do Thái được đề cập trong lời tường thuật trong Kinh Tân Ước đã phản ứng dữ dội khi Chúa Giê Su Ky Tô phán với họ: “Trước khi chưa có Áp Ra Ham, đã có ta” (Giăng 8:58). Việc Đấng Ky Tô sử dụng từ “đã có ta” cũng giống như trong Xuất Ê Díp Tô Ký 3:14 khi Ngài phán: “Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.”
Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về lời phán của Đấng Cứu Rỗi:
Đây là một lời khẳng định rõ ràng và thẳng thắn về sự thiêng liêng mà bất cứ người nào đã từng hay có thể đưa ra. “Trước khi chưa có Áp Ra Ham, đã có ta là Giê Hô Va.” Có nghĩa là: “Ta là Đức Chúa Trời Toàn Năng; ĐẤNG HẰNG HỮU vĩ đại. Ta là tự hữu, Đấng Vĩnh Cửu. Ta là Thượng Đế của tổ phụ các ngươi. Tên ta là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Doctrinal New Testament Commentary [năm 1965], 1:464)
Phần 2
Cuộc sống của tôi có thể được ban phước qua những cách thức nào khi lập và tuân giữ các giao ước với Đấng Giê Hô Va?
Mặc dù Chúa, Đấng Giê Hô Va, là Đấng toàn năng và không thay đổi, nhưng Ngài và Cha Ngài vẫn mời gọi mỗi người chúng ta lập mối quan hệ giao ước với Hai Ngài. Mối quan hệ giao ước này gồm có các phước lành tiềm năng mà không thể nhận được bằng bất cứ cách nào khác.
Anh chị em có thể nhớ lại rằng một giao ước là “một sự thỏa thuận thiêng liêng giữa Thượng Đế và một người hoặc một nhóm người. Thượng Đế đặt ra những điều kiện cụ thể, và Ngài hứa ban phước cho chúng ta khi chúng ta tuân theo những điều kiện đó. Khi chọn không tuân giữ các giao ước, chúng ta không thể nhận được các phước lành, và trong một số trường hợp, chúng ta bị đoán phạt vì sự bất tuân của mình” (Gospel Topics, “Covenant,” topics.ChurchofJesusChrist.org).
Áp Ra Ham là tấm gương tuyệt vời về một người đã lập và tuân giữ các giao ước với Chúa. Mặc cho việc thờ phượng hình tượng và nêu gương xấu của nhiều người xung quanh ông, Áp Ra Ham vẫn mong muốn trở thành “một người theo đuổi sự ngay chính một cách nhiệt thành hơn” (Áp Ra Ham 1:2). Những ước muốn của Áp Ra Ham đã được tưởng thưởng khi Đấng Giê Hô Va lập giao ước với ông.
Giao ước Áp Ra Ham gồm có tất cả các phước lành vĩnh cửu đến từ phúc âm của Chúa, các giáo lễ chức tư tế và hôn nhân thượng thiên. Con đường này bắt đầu với giao ước được lập tại lễ báp têm và tiếp tục hướng đến đền thờ và xa hơn nữa khi chúng ta tuân theo các giao ước mình đã lập.
Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nói về giao ước Áp Ra Ham:
Các phước lành tột bậc của giao ước Áp Ra Ham đều được truyền giao trong đền thờ thánh. … Việc làm tròn giao ước Áp Ra Ham thời xưa chỉ có thể thực hiện được nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô. Chính Ngài là Đấng đã làm cho chúng ta có thể sống với Thượng Đế, với Ngài và với gia đình chúng ta vĩnh viễn. (Trong “Special Witnesses of Christ,” Ensign, tháng Tư năm 2001, trang 7)
Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và cân nhắc đánh dấu các phước lành đến từ việc bước đi trên con đường giao ước của Đấng Cứu Rỗi:
Con đường giao ước là gì? Đó là con đường dẫn đến vương quốc thượng thiên của Thượng Đế. … Trên suốt con đường giao ước (mà cũng kéo dài sang bên kia cuộc sống trần thế), chúng ta tiếp nhận tất cả các giáo lễ và các giao ước liên quan đến sự cứu rỗi và sự tôn cao.
Cam kết giao ước chính của chúng ta là để làm theo ý muốn của Thượng Đế “và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài trong mọi điều mà Ngài sẽ truyền lệnh cho chúng ta” [Mô Si A 5:5]. …
… Các giao ước Thượng Đế ban cho con cái Ngài có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ hướng dẫn chúng ta. Chúng ràng buộc chúng ta với Ngài, và khi ràng buộc với Ngài, chúng ta có thể khắc phục được mọi điều. …
… Thượng Đế ban cho một ân tứ hầu như không thể hiểu nổi để giúp người lập giao ước trở thành người tuân giữ giao ước: ân tứ Đức Thánh Linh. Ân tứ này là quyền để luôn luôn có được sự đồng hành, sự bảo vệ, và hướng dẫn của Thánh Linh. …
Trên con đường giao ước, chúng ta cũng tìm thấy các phước lành thiết yếu của sự tha thứ và sự thanh tẩy khỏi tội lỗi. …
Những người đi theo con đường giao ước cũng tìm thấy những phước lành đặc biệt trong nhiều cuộc quy tụ mà đã được Thượng Đế quy định. … Sự quy tụ thực sự các chi phái đã bị phân tán từ rất lâu của dân Y Sơ Ra Ên … hiện đang diễn ra với sự quy tụ dân giao ước vào Giáo Hội. … Còn có sự quy tụ hằng tuần của dân giao ước … để dự phần bánh và nước Tiệc Thánh để tưởng nhớ tới Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. …
Dân giao ước cũng quy tụ ở đền thờ, nhà của Chúa, để tiếp nhận các giáo lễ, các phước lành, và những điều mặc khải mà đặc biệt có sẵn ở đó. …
Cuối cùng, chỉ có đi theo con đường giao ước thì chúng ta mới thừa hưởng được các phước lành của Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp, các phước lành tột bậc của sự cứu rỗi và sự tôn cao mà chỉ có Thượng Đế mới có thể ban cho. (“Tại Sao Con Đường Giao Ước Là Cần Thiết,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 116, 118)