“Bài học 25 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Cố Gắng Trở Thành một Môn Đồ Trung Tín của Chúa Giê Su Ky Tô,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)
“Bài học 25 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên
Bài Học 25 Tài Liệu dành cho Giảng Viên
Cố Gắng Trở Thành một Môn Đồ Trung Tín của Chúa Giê Su Ky Tô
Việc trở thành một môn đồ trung tín của Chúa Giê Su Ky Tô xứng đáng với mọi nỗ lực vì “con đường của Ngài là lối đi dẫn đến hạnh phúc trong cuộc sống này và cuộc sống vĩnh cửu trong thế giới mai sau” (“Đấng Ky Tô Hằng Sống: Chứng Ngôn của Các Sứ Đồ,” ChurchofJesusChrist.org). Trong bài học này, học viên sẽ nhận ra điều Chúa đòi hỏi nơi các môn đồ của Ngài. Họ cũng sẽ cân nhắc điều họ có thể làm để trở thành một môn đồ đầy cam kết và trung tín hơn của Chúa Giê Su Ky Tô.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Chúa Giê Su Ky Tô mời gọi chúng ta làm môn đồ của Ngài.
Cân nhắc việc trưng ra một bức hình Chúa Giê Su đang rửa chân cho Các Sứ Đồ của Ngài, và yêu cầu một hoặc hai học viên chia sẻ cảm nghĩ của họ nếu Đấng Cứu Rỗi rửa chân của họ.
Anh chị em có thể trưng ra các câu hỏi sau đây và yêu cầu học viên suy ngẫm trong một phút:
-
Tôi có thể học được điều gì về các thuộc tính của Đấng Cứu Rỗi từ những hành động của Ngài đối với Các Sứ Đồ? Làm thế nào tôi có thể học theo các đức tính này của Đấng Ky Tô tốt hơn?
Giải thích rằng những loại câu hỏi này là những loại câu hỏi mà chúng ta có thể tự hỏi bản thân khi cố gắng trở thành các môn đồ tốt hơn của Chúa Giê Su Ky Tô. Một môn đồ của Đấng Ky Tô là một người noi theo Đấng Cứu Rỗi và sống theo những lời giảng dạy của Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 41:5). Sau khi Đấng Cứu Rỗi rửa chân cho Các Sứ Đồ của Ngài, Ngài đã dạy họ thêm về vai trò môn đồ.
Mời học viên xem lại Giăng 13:14–17, 34–35; 14:15 và hoàn tất câu sau đây: Một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô …
Mời một số học viên chia sẻ những câu đã hoàn tất của họ, mà có thể bao gồm các cụm từ như “phục vụ người khác,” “yêu thương người khác,” và “tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.” Khi học viên trả lời, anh chị em có thể đặt thêm những câu hỏi, chẳng hạn như sau:
-
Người nào trong thánh thư hoặc trong cuộc sống riêng của anh chị em minh chứng cho loại vai trò môn đồ này? Tấm gương của người đó đã ảnh hưởng đến anh chị em như thế nào?
Anh chị em có thể trưng ra hoặc đưa cho học viên một bản tự đánh giá sau đây.
Sau khi học viên đã có thời gian để ghi lại những câu trả lời của họ, hãy mời họ dành ra một vài phút để suy ngẫm điều họ học được từ sự tự đánh giá này.
Chia sẻ với học viên rằng Đấng Cứu Rỗi đã mời một người trai trẻ giàu có tự đánh giá anh ta. Mời một học viên tóm lược câu chuyện về người trai trẻ này (xin xem phần 2 của tài liệu chuẩn bị).
-
Tại sao câu hỏi “Còn thiếu chi cho tôi nữa?” lại quan trọng? (Ma Thi Ơ 19:20). Tại sao việc đặt ra câu hỏi này là điều quan trọng đối với tất cả các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô?
Mời học viên đọc Mác 10:21, tìm kiếm cách Mác mô tả những cảm nghĩ của Đấng Cứu Rỗi về người trai trẻ giàu có này.
-
Làm thế nào việc cảm nhận được tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi có thể giúp anh chị em khi khám phá ra một điều gì đó mà anh chị em cần phải thay đổi?
-
“Hãy vác thập tự giá [của anh chị em]” và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là gì? (Anh chị em có thể muốn xem lại Bản Dịch Joseph Smith, Ma Thi Ơ 16:25–26 [trong Phụ Lục Bản Dịch Joseph Smith] và lời phát biểu của Anh Cả Ulisses Soares từ phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)
Sau đó anh chị em có thể yêu cầu học viên xem lại lời phát biểu của Anh Cả Larry R. Lawrence trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị. Sau đó trưng ra các câu hỏi sau đây, và mời học viên ghi lại những suy nghĩ của họ về câu hỏi mà họ thấy là thích hợp nhất:
-
Điều gì đang ngăn cản anh chị em tiến triển về phần thuộc linh?
-
Làm thế nào anh chị em có thể cho Chúa thấy ước muốn của anh chị em để mang thập tự giá của mình và noi theo Ngài?
-
Có bất cứ điều gì anh chị em cảm thấy mình cần phải hy sinh vào lúc này để trở thành một môn đồ tốt hơn của Chúa Giê Su Ky Tô không?
Chúa củng cố các môn đồ của Ngài.
Anh chị em có thể trưng ra lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch James E. Faust và mời học viên tìm kiếm các phước lành đã được hứa cho những người sẵn lòng trả cái giá của vai trò môn đồ:
Nhiều người nghĩ rằng cái giá để làm môn đồ quá đắt và quá nặng nề. Đối với một số người, điều đó gồm có việc từ bỏ quá nhiều. Nhưng cây thập tự không nặng nề như vậy. Qua sự vâng lời, chúng ta có được nhiều sức mạnh lớn lao hơn để mang nó.
“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ.
“Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ.
“Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng” (Ma Thi Ơ 11:28–30). (James E. Faust, “Vai Trò Môn Đồ,” Liahona, tháng Mười Một năm 2006, trang 22)
Anh chị em có thể yêu cầu học viên làm việc với một người bạn theo cặp hoặc trong các nhóm nhỏ và yêu cầu họ ôn lại Rô Ma 8:16–18, 28, 35, 38–39. Mời họ tìm kiếm các lẽ thật mà có thể giúp đỡ khi họ đối phó với những thử thách của vai trò môn đồ. (Học viên có thể nhận ra các lẽ thật như sau: Nếu là các môn đồ trung tín, thì chúng ta có thể trở thành những người đồng kế tự với Chúa Giê Su Ky Tô và được vinh quang với Ngài. Nếu chúng ta yêu mến Thượng Đế, thì tất cả mọi điều sẽ hiệp lại làm lợi ích cho chúng ta.)
Khi học viên chia sẻ các lẽ thật họ đã tìm thấy, hãy cân nhắc việc hỏi những câu hỏi sau đây:
-
Làm thế nào việc tin rằng chúng ta có thể trở thành người đồng kế tự với Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp chúng ta tiếp tục là các môn đồ trung tín? (Anh chị em có thể ôn lại 2 Nê Phi 9:18. Có thể là điều quan trọng để nêu ra rằng một người đồng kế tự nhận được phần thừa hưởng ngang bằng với một người khác [xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:50, 55–59; 84:38].)
-
Tình yêu mến của anh chị em dành cho Thượng Đế và tình yêu thương của Ngài dành cho anh chị em đã hỗ trợ anh chị em như thế nào trên con đường làm môn đồ đầy khó khăn?
Để kết thúc lớp học, anh chị em có thể chia sẻ chứng ngôn của mình về các nguyên tắc của vai trò môn đồ mà anh chị em đã thảo luận với cả lớp.