Viện Giáo Lý
Bài học 18 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tiếp Nhận Ân Tứ về Ân Điển của Đấng Cứu Rỗi


“Bài học 18 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tiếp Nhận Ân Tứ về Ân Điển của Đấng Cứu Rỗi,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài học 18 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Bài Học 18 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Tiếp Nhận Ân Tứ về Ân Điển của Đấng Cứu Rỗi

Thánh thư dạy rằng chỉ qua “công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh” thì chúng ta mới có thể nhận được cuộc sống vĩnh cửu (2 Nê Phi 2:8). Trong bài học này, học viên sẽ giải thích sự cần thiết của ân điển của Đấng Cứu Rỗi đối với họ, chia sẻ những cách họ đã cảm nhận được ân điển của Ngài, và xác định điều họ có thể làm để trông cậy vào Ngài nhiều hơn.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Chúa và các tôi tớ của Ngài giảng dạy về sự cần thiết của ân điển.

Mời học viên tự liệt kê riêng một số nhu cầu và ước muốn lớn nhất của họ mà cần Thượng Đế giúp đỡ. Ví dụ, họ có thể liệt kê những cám dỗ hoặc tội lỗi mà họ muốn khắc phục, những yếu kém họ đang phải vật lộn, một thử thách hoặc quyết định mà họ đối mặt, một nhiệm vụ lớn lao mà họ cần trợ giúp để hoàn thành, hoặc các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà họ mong muốn phát triển. Hãy khuyến khích học viên ghi nhớ những ước muốn này khi họ thảo luận về ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô trong bài học.

Để đánh giá sự hiểu biết của học viên về ân điển, anh chị em có thể mời họ giải thích điều họ hiểu về ân điển của Chúa Giê Su Ky Tô và tìm hiểu xem họ có bất cứ câu hỏi nào không. Nếu cần, hãy trưng ra định nghĩa sau đây:

Ân điển là sự giúp đỡ hoặc sức mạnh thiêng liêng được ban cho chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. … Từ ân điển, như được sử dụng trong thánh thư, chủ yếu nói đến quyền năng làm cho có khả năng và sự chữa lành thuộc linh được cung ứng qua lòng thương xót và tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô. (Gospel Topics, “Grace,” topics.ChurchofJesusChrist.org)

Cân nhắc trưng ra hình ảnh sau đây về một cây nho. Giải thích rằng Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy truyện ngụ ngôn về gốc nho thật ngay trước khi đi đến Vườn Ghết Sê Ma Nê để thực hiện Sự Chuộc Tội của Ngài.

cây nho

Mời học viên xem lại Giăng 15:1–8, tìm kiếm điều mà những biểu tượng của gốc nho, cành nho và trái nho có thể dạy chúng ta ân tứ về ân điển thiêng liêng của Đấng Cứu Rỗi.

Cân nhắc đặt những câu hỏi sau đây để giúp học viên thấy được mối liên hệ giữa câu chuyện ngụ ngôn về gốc nho thật và ân điển:

  • Các biểu tượng của gốc nho, cành nho và trái nho tượng trưng cho điều gì? Chúng có thể dạy chúng ta điều gì về sự cần thiết của ân điển của Đấng Cứu Rỗi đối với chúng ta? (Anh chị em có thể giúp học viên nhận ra một nguyên tắc như sau: Khi ở trong Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể nhận được ân điển của Ngài để giúp chúng ta mang lại những việc làm tốt lành.)

  • Việc ở lại hoặc ở trong Đấng Ky Tô có thể là như thế nào? (Anh chị em có thể muốn xem lại lời phát biểu của Anh Cả Jeffrey R. Holland trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.) Điều gì đã giúp anh chị em tiếp tục kết nối với Đấng Cứu Rỗi? Một người cảm thấy bị chia cách khỏi Chúa Giê Su Ky Tô và ân tứ về ân điển của Ngài thì có thể làm gì?

Anh chị em có thể mời một hoặc hai học viên chia sẻ cảm nghĩ của họ đối với ân tứ về ân điển của Đấng Cứu Rỗi. Cân nhắc chia sẻ chứng ngôn của riêng anh chị em.

Chúng ta có thể nhận được ân điển của Chúa trong cuộc sống của mình.

Cân nhắc cho xem hình của một món quà và một khoản thanh toán được tìm thấy trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị. Mời học viên giải thích điều họ biết về ân điển của Đấng Ky Tô như một món quà hoặc một điều gì đó phải nỗ lực mới có được. (Học viên có thể dành ra một vài phút để xem lại phần 2 hoặc một số tài liệu “Muốn Thêm Thông Tin?” nếu cần. Nếu họ đã giải thích những ý này từ lúc bắt đầu bài học rồi, thì anh chị em có thể tiếp tục với các tình huống sau đây.)

Trưng ra và đọc to các tình huống sau đây.

Sakura cảm thấy rằng mình luôn luôn thiếu sót và chưa đủ tốt để xứng đáng với sự giúp đỡ của Chúa.

Tobias tin rằng trước khi anh ấy có thể nhận được sự giúp đỡ của Chúa để khắc phục thói nghiện hình ảnh sách báo khiêu dâm của mình, thì anh ấy phải làm mọi điều có thể để vượt qua nó.

Elena tin rằng những nỗ lực của bản thân là không đáng kể và thực sự không quan trọng khi so sánh với ân điển cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô.

Mời các học viên chia sẻ cách họ có thể trả lời cho Sakura, Tobias, and Elena. Hãy suy ngẫm xem anh chị em có thể đặt ra câu hỏi nào trong số những câu hỏi sau đây để giúp học viên gia tăng việc học hỏi của họ:

  • Người này có thể có quan niệm sai lầm nào đối với ân tứ về ân điển của Đấng Cứu Rỗi?

  • Một quan niệm sai lầm như thế có thể cản trở khả năng của người ấy để nhận được hoặc trông cậy vào ân điển của Đấng Cứu Rỗi ra sao?

  • Anh chị em có thể chia sẻ với người này lời giảng dạy hoặc nguyên tắc nào liên quan đến ân điển của Đấng Cứu Rỗi?

Cân nhắc liệt kê các lẽ thật mà học viên nhận ra lên trên bảng. Học viên có thể nhận ra các lẽ thật tương tự như sau: Ân điển là một ân tứ mà chúng ta không dùng công sức để có được mà chỉ nhận được khi thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và cố gắng sống theo phúc âm. Chúng ta có thể nhận được ân điển của Chúa trước, trong, và sau khi chúng ta bỏ ra nỗ lực tốt nhất của mình.

Nhắc học viên nhớ rằng họ đã được mời trong buổi học phần 3 của tài liệu chuẩn bị để tìm hiểu một câu chuyện thánh thư minh họa cách ân điển của Chúa có thể tác động trong cuộc sống của chúng ta. (Anh chị em có thể cho học viên thời gian để xem lại câu chuyện thánh thư mà họ đã chọn.) Hãy sắp xếp các học viên thành những nhóm nhỏ. Mời học viên giải thích đoạn thánh thư của họ và chia sẻ câu trả lời của họ cho ba câu hỏi trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị.

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Cho học viên thời gian để suy ngẫm. Một cách chúng ta có thể giúp học viên biết đem hết lòng mình tìm hiểu hơn là cho họ thời gian trong lớp để suy ngẫm hoặc viết về điều họ đã hiểu và cảm nhận. Sau đó chúng ta có thể mời họ suy ngẫm những hành động cụ thể nào họ nên thực hiện để áp dụng điều đã học được vào cuộc sống của mình.

Anh chị em có thể kết thúc lớp học bằng cách mời học viên xem lại các nhu cầu và ước muốn cá nhân mà họ đã liệt kê vào lúc bắt đầu lớp học. Cho họ thời gian để thành tâm suy nghĩ và ghi lại điều họ có thể làm để mời ân điển của Chúa đến dồi dào hơn trong cuộc sống của họ, tiến bước với đức tin, và trông cậy hoàn toàn hơn vào quyền năng thiêng liêng của Ngài.

Cho Buổi Học Lần Sau

Cân nhắc gửi đi thông điệp sau đây, hoặc một thông điệp riêng của anh chị em, cho học viên trước buổi học kế tiếp: Khi anh chị em học tài liệu chuẩn bị cho bài học 19, hãy nghĩ về một người nào đó mà anh chị em biết là cuộc sống của họ sẽ được ban phước nhờ có một sự hiểu biết rõ hơn về giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô dành cho những người trong thế giới linh hồn.