Viện Giáo Lý
Bài Học 3 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tin Cậy Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Vị Lãnh Đạo Tiền Dương Thế của Chúng Ta


“Bài Học 3 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tin Cậy Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Vị Lãnh Đạo Tiền Dương Thế của Chúng Ta,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)

“Bài Học 3 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên

Bài Học 3 Tài Liệu dành cho Giảng Viên

Tin Cậy Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Cứu Rỗi và Vị Lãnh Đạo Tiền Dương Thế của Chúng Ta

Trong cuộc sống tiền dương thế, Cha Thiên Thượng đã dạy chúng ta về kế hoạch cứu rỗi của Ngài. Ở đó chúng ta đã có cơ hội để đứng lên hưởng ứng kế hoạch của Ngài và tán trợ Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Trong bài học này, học viên sẽ nhận ra những lý do tại sao chúng ta tin cậy Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và là Đấng lãnh đạo của chúng ta trong cuộc sống tiền dương thế. Học viên cũng sẽ suy ngẫm cách thức để đứng về phía Ngài trong cuộc chiến tiếp tục chống lại Sa Tan và các lực lượng của nó trong cuộc sống này.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Cải Thiện Việc Giảng Dạy và Học Hỏi của Chúng Ta

Hãy hỏi việc học tập của học viên. Đức tin của học viên có thể được củng cố khi họ được trao cơ hội để chia sẻ cách họ đã được ban phước qua việc hành động theo những lời mời được đưa ra trong buổi học trước. Khi được Đức Thánh Linh hướng dẫn, hãy tìm kiếm các cơ hội để hỏi về cách thức mà học viên đang áp dụng điều họ đang học.

Chúa Giê Su Ky Tô đã được chọn làm Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta từ lúc ban đầu.

Cùng với cả lớp, hãy dành ra một vài phút để nhận ra các lẽ thật đã được mặc khải về cuộc sống tiền dương thế của chúng ta. (Nếu cần, hãy yêu cầu học viên chọn phần 1 hoặc 2 của tài liệu chuẩn bị và ôn lại sơ lược phần đó. Học viên có thể nhận ra ít nhất một trong các lẽ thật sau đây: Trong Đại Hội Đồng, Cha Thiên Thượng đã trình bày kế hoạch cứu rỗi của Ngài để chúng ta có thể trở về nơi hiện diện của Ngài và trở nên giống như Ngài. Sự sẵn lòng của Chúa Giê Su Ky Tô để làm Đấng Cứu Rỗi của chúng ta là điều thiết yếu cho sự thành công của kế hoạch của Đức Chúa Cha. Trong cuộc sống tiền dương thế, Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng vĩ đại nhất và thông minh nhất trong tất cả các con cái của Cha Thiên Thượng.)

Khi cuộc thảo luận trong lớp của anh chị em mở rộng, hãy cân nhắc câu hỏi nào sau đây anh chị em có thể hỏi mà sẽ thích hợp nhất cho học viên của mình. (Xin lưu ý: Để thúc đẩy những kinh nghiệm cải đạo, có thể tốt hơn khi đặt ra ít câu hỏi hơn và có những cuộc thảo luận sâu hơn về một số đề tài nào đó, thay vì cố gắng đặt tất cả các câu hỏi được gợi ý.)

  • Làm thế nào sự hiểu biết về kế hoạch cứu rỗi có thể ban phước cho một người nào đó mà cảm thấy cuộc sống của họ không có ý nghĩa hoặc mục đích? (Anh chị em có thể xem lại lời phát biểu thứ hai của Anh Cả Robert D. Hales trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị.) Sự hiểu biết về kế hoạch cứu rỗi đã giúp anh chị em trong những lúc khó khăn như thế nào?

  • Tại sao một Đấng Cứu Rỗi lại cần thiết trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng? (Xin xem phần 1 của tài liệu chuẩn bị.)

  • Hãy suy ngẫm về cái giá cá nhân mà Chúa Giê Su Ky Tô đã trả để chuộc tội lỗi của chúng ta, anh chị em có những suy nghĩ hoặc cảm nghĩ gì về sự sẵn lòng của Ngài để trở thành Đấng Cứu Rỗi của chúng ta? (xin xem Môi Se 4:2).

  • Áp Ra Ham đã học được điều gì về tình trạng độc nhất vô nhị của Chúa Giê Su Ky Tô trong cuộc sống tiền dương thế? (Có thể hữu ích để dựa vào các lẽ thật được dạy trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.) Làm thế nào việc biết được sự vĩ đại trong tiền dương thế của Chúa Giê Su Ky Tô có thể giúp anh chị em tin cậy Ngài trong những thử thách mà anh chị em gặp phải?

Để kết thúc phần này của bài học, anh chị em có thể yêu cầu học viên tưởng tượng sẽ như thế nào khi họ có mặt trong Đại Hội Đồng lúc Cha Thiên Thượng trình bày kế hoạch cứu rỗi và Chúa Giê Su Ky Tô được chọn làm Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Mời một hoặc hai học viên chia sẻ những suy nghĩ và cảm nghĩ của họ.

Với sự giúp đỡ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể chiến thắng trận chiến với Sa Tan và những người đi theo nó.

Trưng bày hình ảnh đi kèm về Trận Chiến trên Thiên Thượng. Mời học viên chia sẻ về việc hình ảnh này có thể khác như thế nào với điều chúng ta biết từ sự mặc khải hiện đại về Trận Chiến trên Thiên Thượng. (Khuyến khích học viên dựa vào Môi Se 4:1–4, Khải Huyền 12:7–11, và lời phát biểu của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị.)

Hình Ảnh
St. Michael, the Archangel (Thánh Mi Chen, vị Thiên Sứ Thượng Đẳng), tranh do Gustave Doré họa

Khi học viên chia sẻ những hiểu biết sâu sắc của họ, hãy cân nhắc việc đặt ra những câu hỏi sau đây:

  • Tại sao Sa Tan phản nghịch? Những chiến thuật của nó trong Trận Chiến trên Thiên Thượng là gì? (xin xem Môi Se 4:1, 3–4; Khải Huyền 12:7–9). Nó sử dụng những chiến thuật này trong thời kỳ của chúng ta như thế nào?

  • Theo Khải Huyền 12:11, làm thế nào chúng ta thắng được trận chiến chống lại Sa Tan và những kẻ theo nó trong cuộc sống tiền dương thế? (Có thể bổ sung cho cuộc thảo luận của anh chị em bằng cách ôn lại lời phát biểu của Anh Ahmad S. Corbitt trong tài liệu chuẩn bị. Giúp học viên nhận ra lẽ thật sau đây và viết lẽ thật đó lên bảng: Giống như chúng ta đã làm trong cuộc sống tiền dương thế, chúng ta có thể chiến thắng quyền năng của Sa Tan qua đức tin nơi Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi và chứng ngôn của chúng ta về Ngài.)

  • Chứng ngôn của anh chị em về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài đã giúp anh chị em như thế nào trong trận chiến chống lại Sa Tan và những cám dỗ của nó? Anh chị em có thể làm gì để gia tăng sự tin cậy của mình vào khả năng của Đấng Cứu Rỗi để giúp anh chị em chiến thắng quyền năng của Sa Tan?

Để kết thúc lớp học, anh chị em có thể muốn trưng bày và đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jörg Klebingat thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

Hình Ảnh
Anh Cả Jörg Klebingat

[Trong Trận Chiến trên Thiên Thượng,] chúng ta, những người đã được trang bị với đức tin nơi Sự Chuộc Tội trong tương lai của Chúa Giê Su Ky Tô, được củng cố bởi chứng ngôn về vai trò thiêng liêng của Ngài, có được sự hiểu biết thuộc linh và lòng can đảm để sử dụng nó để bảo vệ thánh danh của Ngài, đã chiến đấu trên tiền tuyến của cuộc chiến ngôn từ này. Giăng đã dạy rằng các linh hồn dũng cảm đó, và những linh hồn khác, đã chiến thắng Lu Xi Phe ‘bởi huyết Chiên Con, và bởi lời làm chứng của mình’ (Khải Huyền 12:11, sự nhấn mạnh được thêm vào).

Vâng, lời hứa về một Đấng Cứu Rỗi và về một Vườn Ghết Sê Ma Nê và Đồi Sọ vấy máu đã thắng trong cuộc chiến tiền dương thế. Và lòng can đảm và chứng ngôn ở tiền dương thế của chúng ta, sự sẵn lòng của chúng ta để giải thích, lập luận và thuyết phục các linh hồn khác cũng đã giúp ngăn chặn làn sóng lan tràn của sự giả dối!

Sau khi hoàn tất thành công cuộc hành trình tiền dương thế với bổn phận bảo vệ Ngài, chúng ta trở thành nhân chứng về thánh danh của Ngài. Thật vậy, vì đã chứng tỏ bản thân chúng ta trong trận chiến và nhờ đó chắc chắn có được tấm lòng và lòng can đảm cho mình, về sau Chúa đã phán về chúng ta—những người trong gia tộc Y Sơ Ra Ên—“Các ngươi là kẻ làm chứng ta” (Ê Sai 43:10). Chúng ta hãy tự hỏi: Lời phán bảo này có còn đúng với chúng ta ngày nay không?” (Jörg Klebingat, “Defending the Faith,” Ensign, tháng Chín năm 2017, trang 49–50)

Hãy mời học viên suy ngẫm về lời phát biểu của Anh Cả Klebingat và xác định điều họ có thể làm để đứng về phía Chúa Giê Su Ky Tô trong thời kỳ của chúng ta. Anh chị em có thể mời họ ghi lại những suy nghĩ và ấn tượng của họ.

Cho Buổi Học Lần Sau

Trong tuần, anh chị em có thể muốn gửi lời mời sau đây cho học viên: Khi anh chị em đọc tài liệu chuẩn bị cho bài học 4 và suy ngẫm về những phép lạ của Sự Sáng Tạo, hãy cân nhắc việc gửi cho tôi, hoặc mang đến lớp học, một bức tranh về những tạo vật của Thượng Đế mà anh chị em thấy đặc biệt soi dẫn.

In