“Bài học 17 Tài Liệu dành cho Giảng Viên: Tìm Kiếm Hy Vọng trong Chiến Thắng của Chúa Giê Su Ky Tô trước Cái Chết,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên (năm 2023)
“Bài học 17 Tài Liệu dành cho Giảng Viên,” Tài Liệu về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm Trường Cửu của Ngài dành cho Giảng Viên
Bài Học 17 Tài Liệu dành cho Giảng Viên
Tìm Kiếm Hy Vọng trong Chiến Thắng của Chúa Giê Su Ky Tô trước Cái Chết
Chủ Tịch Dallin H. Oaks thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã dạy: “Sự Phục Sinh người chết là trụ cột vững chắc riêng cho đức tin của chúng ta. Nó bổ sung ý nghĩa cho giáo lý của chúng ta, [thêm] động lực cho hành vi của chúng ta, và [gia tăng] hy vọng cho tương lai của chúng ta” (“Đấng Cứu Rỗi Đã Làm Gì cho Chúng Ta?,” Liahona, tháng Năm năm 2021, trang 75). Trong bài học này, học viên sẽ thảo luận về tính xác thực của Sự Phục Sinh của Chúa và chia sẻ cách mà sự phục sinh đó mang đến hy vọng cho họ khi đối phó với những thử thách đi cùng với một thể xác hữu diệt.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Nhiều nhân chứng làm chứng về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô.
Anh chị em có thể bắt đầu lớp học bằng cách mời học viên viết một vài câu về lý do tại sao Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô lại quan trọng đối với cá nhân họ. Sau đó hãy dành thời gian để một số học viên chia sẻ trong các nhóm nhỏ hoặc với cả lớp. Anh chị em có thể hỏi ít nhất một trong các câu hỏi sau đây để đánh giá điều học viên có thể cần thảo luận chi tiết hơn trong bài học:
-
Tại sao thể xác của chúng ta lại vô cùng quan trọng đối với số mệnh vĩnh cửu của chúng ta? (Xin xem phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)
-
Điều gì sẽ xảy ra nếu không có sự phục sinh? (Xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:17–22 và 2 Nê Phi 9:8–9.)
-
Tại sao việc củng cố sự hiểu biết và chứng ngôn của anh chị em về Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô lại quan trọng? (Anh chị em có thể xem lại lời phát biểu của Chủ Tịch Ezra Taft Benson trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)
Cân nhắc việc trưng ra một bức hình Đấng Ky Tô phục sinh hiện đến cùng Ma Ri tại ngôi mộ. Cùng nhau đọc Giăng 20:14–18, và yêu cầu các học viên tưởng tượng xem Ma Ri cảm thấy ra sao khi trông thấy Chúa đã sống lại. Mời học viên chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, hoặc ấn tượng của họ.
Nhắc học viên nhớ rằng trong phần 1 của tài liệu chuẩn bị họ được mời chọn ra một lời kể của các nhân chứng về Đấng Ky Tô phục sinh và ghi lại những suy nghĩ và cảm nhận của họ về sự kiện này. Cho học viên thời gian để xem lại đoạn thánh thư của họ hoặc chọn một đoạn nếu cần. Sau đó yêu cầu họ lập thành các nhóm nhỏ và mời họ chia sẻ điều đã học được từ những câu chuyện họ đã nghiên cứu. Sau đó anh chị em có thể hỏi:
-
Những lời kể này về Sự Phục Sinh có thể ảnh hưởng như thế nào đến đức tin của một người nơi Chúa Giê Su Ky Tô?
Anh chị em có thể trưng bày tình huống sau đây: Hãy suy ngẫm cách anh chị em có thể trả lời một người bạn mà đã nói: “Tôi tin rằng Chúa Giê Su Ky Tô là một giảng viên và vị lãnh đạo tôn giáo tuyệt vời. Tôi chấp nhận những lời giảng dạy về đạo đức của Ngài, nhưng tôi không tin rằng Sự Phục Sinh thực sự đã xảy ra.”
Anh chị em có thể đặt ra một số câu hỏi sau đây như một phần của cuộc thảo luận:
-
Sứ Đồ Phao Lô có thể sẽ phản hồi câu nói này ra sao? (Anh chị em có thể muốn xem lại 1 Cô Rinh Tô 15:14, 17–22. Học viên có thể nhận ra các lẽ thật tương tự như sau: Sự Phục Sinh là thiết yếu đối với phúc âm của Chúa. Nhờ vào Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, mọi người đều sẽ được phục sinh.)
-
Tại sao Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô là trọng tâm của phúc âm của Ngài? Các lẽ thật nào về Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài được xác nhận bởi vì Ngài đã phục sinh? (Anh chị em có thể muốn xem lại lời phát biểu của Anh Cả D. Todd Christofferson trong phần 2 của tài liệu chuẩn bị.)
-
Anh chị em có những suy nghĩ và cảm xúc nào khi biết rằng nhờ Chúa Giê Su Ky Tô mà tất cả mọi người—kể cả anh chị em—sẽ được phục sinh? (Nếu thích, anh chị em cũng có thể chia sẻ những cảm nghĩ của mình về câu hỏi này.)
Phao Lô dạy rằng chúng ta có thể vui mừng nhờ có chiến thắng của Chúa Giê Su Ky Tô trước cái chết.
Hãy chia sẻ câu chuyện sau đây về Alisa, con gái của Anh Cả Paul V. Johnson trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:
Cách đây gần một năm, con gái chúng tôi là Alisa đã qua đời. Nó đã vật lộn với căn bệnh ung thư trong gần tám năm, với một số ca phẫu thuật, nhiều phương pháp trị liệu khác nhau, các phép lạ thú vị, và nỗi thất vọng sâu thẳm. Chúng tôi chứng kiến tình trạng sức khỏe của nó suy yếu dần khi nó sắp qua đời. Thật là đau đớn để thấy điều đó xảy ra với đứa con gái yêu quý của chúng tôi—đứa bé có đôi mắt trong sáng đã lớn lên trở thành một người phụ nữ, người vợ và người mẹ tuyệt vời, đầy tài năng. Tôi nghĩ rằng lòng tôi sẽ không nguôi đau khổ. (“Và Sẽ Không Có Sự Chết Nữa,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 121)
-
Anh chị em hoặc có một người nào đó mà anh chị em biết đã từng có những cảm nghĩ tương tự không? Nếu có, thì trong hoàn cảnh nào?
Mời học viên xem lại lời phát biểu của Anh Cả Johnson trong phần 3 của tài liệu chuẩn bị và 1 Cô Rinh Tô 15:52–55. Anh chị em có thể đề nghị họ tìm kiếm những lời giảng dạy mà có thể mang lại sự an ủi và hy vọng. Sau đó anh chị em có thể hỏi:
-
Làm thế nào giáo lý về Sự Phục Sinh mang lại niềm an ủi và hy vọng cho những người đang chống chọi với những căn bệnh gây suy nhược sức khỏe, những chấn thương làm thay đổi cuộc sống, những dị tật bẩm sinh hoặc cái chết của một người thân yêu? (Học viên có thể nhận ra một lẽ thật tương tự như sau: Chúng ta sẽ được phục sinh với thể xác không hư nát và bất diệt.)
-
Có khi nào sự hiểu biết rằng Sự Phục Sinh là có thật đã giúp anh chị em hoặc một người nào đó mà anh chị em biết không?
Cân nhắc việc chia sẻ thêm về kinh nghiệm của Alisa:
Alisa nghiên cứu các tỷ lệ sống sót của những người mắc loại bệnh ung thư giống như nó, và những con số này không [hề mang lại sự] khích lệ. Nó viết: “Nhưng có một cách chữa bệnh, vì vậy tôi không sợ. Chúa Giê Su đã chữa khỏi bệnh ung thư của tôi, và của bạn. … Tôi sẽ được mạnh khỏe hơn. Tôi vui vì biết được điều này.”
Chúng ta có thể thay thế từ ung thư với bất cứ căn bệnh thể chất, tinh thần, hoặc tình cảm nào khác mà chúng ta có thể gặp phải. Nhờ vào Sự Phục Sinh, những căn bệnh này cũng đã được chữa khỏi rồi. (“Và Sẽ Không Có Sự Chết Nữa,” Liahona, tháng Năm năm 2016, trang 122)
-
Chúng ta có thể học được điều gì từ những kinh nghiệm của Alisa và Anh Cả Johnson?
Cân nhắc hát bài thánh ca “Ngài Phục Sinh!” (Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang số 55).
Sau đó cho xem các câu hỏi sau đây, hoặc một số câu hỏi mà anh chị em cảm thấy có thể thích hợp hơn với học viên của mình, và mời học viên suy ngẫm và ghi lại những ý nghĩ, cảm nhận, và ấn tượng của họ.
-
Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Rỗi đã hoặc sẽ mang đến cho anh chị em sự bình an và hy vọng như thế nào khi đối mặt với những thử thách của cuộc sống trần thế?
-
Làm thế nào anh chị em có thể sử dụng điều đã học được về Sự Phục Sinh để củng cố chứng ngôn của mình hoặc chứng ngôn của một người khác?
Sau khi đã cho học viên đủ thời gian để viết và suy ngẫm, hãy khuyến khích một vài học viên chia sẻ điều họ đã viết.
Cho Buổi Học Lần Sau
Để khuyến khích sự chuẩn bị cho buổi học lần sau, anh chị em có thể gửi thông điệp sau đây cho học viên: Khi học tài liệu chuẩn bị cho bài học 18, hãy nghĩ về vai trò của ân điển trong cuộc sống của anh chị em.