Thư Viện
Bài Học 11: 1 Nê Phi 7


Bài Học 11

1 Nê Phi 7

Lời Giới Thiệu

1 Nê Phi 7 gồm có các tấm gương về sự dâng hiến của Nê Phi lên Thượng Đế. Nê Phi vâng lời khi Chúa truyền lệnh cho ông và các anh của ông trở lại yêu cầu Ích Ma Ên và gia đình của Ích Ma Ên cùng đi theo họ vào vùng hoang dã để họ có thể kết hôn và nuôi dạy con cái. Ngay cả khi La Man và Lê Mu Ên chống lại Nê Phi và cố gắng giết ông, ông vẫn luôn trung tín và cố gắng giúp họ cũng trung tín.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

1 Nê Phi 7:1–5

Chúa truyền lệnh cho Nê Phi phải trở lại Giê Ru Sa Lem để tìm kiếm Ích Ma Ên và gia đình của Ích Ma Ên

Trưng bày hình một cặp vợ chồng và con cái của họ. (Các anh chị em có thể muốn sử dụng hình của gia đình mình).

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 7:1–2 .

  • Chúa truyền lệnh cho các con trai của Lê Hi làm gì? Chúng ta có thể học được lẽ thật nào từ lệnh truyền này? (Hãy chắc chắn rằng các học sinh hiểu là Chúa truyền lệnh cho chúng ta kết hôn và nuôi dạy con cái trong Ngài.)

Hãy nhắc các học sinh nhớ rằng Nê Phi và các anh của ông sẽ mất vài ngày để di chuyển khó khăn qua vùng hoang dã để trở lại Giê Ru Sa Lem.

  • Tại sao hôn nhân và gia đình quan trọng đến mức Nê Phi và các anh của ông trở lại Giê Ru Sa Lem để gặp gỡ Ích Ma Ên và gia đình của Ích Ma Ên?

Trước khi tiếp tục, các anh chị em có thể muốn đưa cho mỗi học sinh một bản “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới” hoặc yêu cầu họ giở đến bản tuyên ngôn trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ.

Yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây từ “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới.” Mời các học sinh lắng nghe kỹ và nhận ra điều mà các vị tiên tri ngày sau đã tuyên bố về tầm quan trọng của hôn nhân.

“Chúng tôi, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Hội Đồng Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, long trọng tuyên bố rằng hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn và gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của con cái Ngài” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Ensign, tháng Mười Một năm 2010, 129).

Mời một vài học sinh chia sẻ điều họ học được từ lời phát biểu này. Hãy chắc chắn là họ hiểu rằng gia đình là trọng tâm kế hoạch của Đấng Sáng Tạo dành cho số mệnh vĩnh cửu của chúng ta. Nhấn mạnh rằng đây là lý do mà Chúa đã truyền lệnh cho Nê Phi và các anh của ông phải mời gia đình của Ích Ma Ên cùng đi với họ. Cũng giải thích rằng một trong những lý do quan trọng nhất về hôn nhân là mang con cái xuống thế gian.

  • Các em nghĩ việc nuôi dạy con cái “trong Chúa” có nghĩa là gì? 1 Nê Phi 7:1.

Sau khi các học sinh đã trả lời câu hỏi này rồi, hãy khuyến khích họ lắng nghe thêm những khái niệm trong khi các anh chị em đọc lời phát biểu sau đây từ bản tuyên ngôn về gia đình. Nếu họ đã có bản tuyên ngôn của họ rồi, thì các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng họ nên đánh dấu những từ và cụm từ quan trọng đối với họ.

“Chúng tôi tuyên bố rằng lệnh truyền của Thượng Đế cho con cái của Ngài là phải sinh sôi nẩy nở và làm cho đầy dẫy trái đất, thì vẫn còn hiệu lực. …

“… Cha mẹ có bổn phận thiêng liêng là nuôi nấng con cái mình trong tình thương và sự ngay chính, cung cấp những nhu cầu vật chất và thuộc linh cho chúng, dạy dỗ chúng biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau, tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và là những công dân biết tuân theo các luật pháp ở bất cứ nơi nào chúng sinh sống. Những người chồng và những người vợ—những người mẹ và những người cha—sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Thượng Đế trong việc hoàn thành các bổn phận này” (“Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” 129).

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 7:3–5.

  • Câu chuyện trong 1 Nê Phi 7:3–5 là một tấm gương về lẽ thật trong 1 Nê Phi 3:7 như thế nào? (Giúp các học sinh thấy rằng Chúa đã chuẩn bị đường lối cho Nê Phi và các anh của ông để vâng theo lệnh truyền là phải kết hôn và sinh con cái).

  • Giới trẻ có thể chuẩn bị như thế nào từ bây giờ để kết hôn và “nuôi dạy” con cái trong phúc âm?

1 Nê Phi 7:6–15

Khi đương đầu với sự phản nghịch của La Man và Lê Mu Ên, Nê Phi làm chứng về quyền năng của Chúa để dẫn dắt họ đến vùng đất hứa

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 7:6–7.

  • Tại sao La Man, Lê Mu Ên, và vài người con của Ích Ma Ên nổi loạn trong cuộc hành trình của họ trong vùng hoang dã?

Khuyến khích các học sinh nghĩ về điều họ có thể nói với La Man, Lê Mu Ên và các con trai và con gái nổi loạn của Ích Ma Ên để thuyết phục họ tiếp tục cuộc hành trình đến vùng đất hứa. Rồi yêu cầu các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 7:8–12 và nhận ra những câu hỏi mà Nê Phi đã hỏi La Man và Lê Mu Ên.

  • Nê Phi đã chia sẻ các lẽ thật nào khi ông đặt ra những câu hỏi này? (Ông nhắc các anh của ông về các phước lành họ đã nhận được từ Chúa và về khả năng của Chúa để tiếp tục ban phước cho họ theo đức tin của họ).

  • Tại sao là điều quan trọng cho chúng ta để ghi nhớ các lẽ thật này?

Mời các học sinh đọc 1 Nê Phi 7:13–15 và nhận ra hậu quả nếu La Man, Lê Mu Ên cùng các con trai và con gái nổi loạn của Ích Ma Ên đã trở lại Giê Ru Sa Lem.

1 Nê Phi 7:16–22

Nê Phi được Chúa giải thoát

Giải thích rằng sau khi Nê Phi đã nhắc La Man và Lê Mu Ên về sự hủy diệt mà sẽ đến với những người ở Giê Ru Sa Lem, họ trở nên tức giận ông.

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 7:16. Yêu cầu lớp học tưởng tượng họ đang ở trong tình cảnh của Nê Phi.

  • Các em cảm thấy như thế nào nếu các em đang ở trong tình thế của Nê Phi? Các em sẽ làm gì?

Hãy nêu lên rằng Nê Phi đã đáp ứng tình thế này bằng cách cầu nguyện để được giúp đỡ. Yêu cầu một học sinh đọc to lời cầu nguyện của Nê Phi 1 Nê Phi 7:17–18.

  • Nê Phi cầu nguyện về điều gì? Các em thấy điều gì quan trọng về lời cầu nguyện của ông?

Trong khi các học sinh chia sẻ những câu trả lời của họ, hãy chắc chắn họ thấy rằng Nê Phi đã cầu xin được giải thoát “thể theo đức tin [của ông].” Cũng nêu lên rằng khi ông cầu xin được giải thoát khỏi tay các anh của mình, ông đã cầu xin Thượng Đế củng cố ông để ông có thể lo liệu vấn đề. Giải thích rằng việc cầu nguyện trong đức tin có nghĩa rằng chúng ta cầu nguyện với sự tin cậy nơi Chúa và với sự sẵn lòng để hành động. Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Anh Cả David A. Bednar

“Nê Phi là một tấm gương của một người biết, hiểu và trông cậy vào quyền năng trợ giúp của Đấng Cứu Rỗi. … Xin hãy lưu ý đến lời cầu nguyện của Nê Phi trong câu 17: ‘Hỡi Chúa, thể theo đức tin con đặt nơi Ngài, xin Ngài giải thoát con ra khỏi tay các anh con; phải, xin Ngài ban cho con sức mạnh để con có thể bứt được những mối dây này đang trói buộc con’ (sự nhấn mạnh được thêm vào).

“… Điều đặc biệt thú vị đối với tôi là Nê Phi đã không cầu nguyện để tình thế của ông được thay đổi. Thay vì thế, ông đã cầu nguyện để có được sức mạnh để thay đổi tình thế của mình. Và tôi xin đề nghị rằng ông đã cầu nguyện chính xác theo cách này vì ông biết, hiểu và đã cảm nhận được quyền năng Chuộc Tội có thể thực hiện được của Đấng Cứu Rỗi” (“Trong Sức Mạnh của Chúa” [bài nói chuyện trong buổi họp đặc biệt devotional tại trường Brigham Young University, ngày 23 tháng Mười năm 2001], 4, speeches.byu.edu).

Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng Thượng Đế đáp ứng những lời cầu nguyện thể theo đức tin của chúng ta. Hãy nêu lên rằng trong tình thế này, Thượng Đế đã đáp ứng lời cầu nguyện của Nê Phi gần như ngay lập tức. Tuy nhiên, những lời cầu nguyện không phải luôn luôn được đáp ứng theo cách này. Cha Thiên Thượng đáp ứng những lời cầu nguyện theo kỳ định của Ngài, theo cách riêng của Ngài và theo ý muốn của Ngài. Cho các học sinh cơ hội để làm chứng về quyền năng của lời cầu nguyện bằng cách hỏi họ câu hỏi sau đây:

  • Các em đã cầu nguyện trong đức tin và nhận được sức mạnh hoặc sự giúp đỡ từ Chúa, ngay lập tức hoặc một thời gian sau đó vào lúc nào? (Các anh chị em có thể muốn chia sẻ một kinh nghiệm các anh chị em đã có với nguyên tắc này).

Nói cho các học sinh biết rằng sau khi Nê Phi được giải thoát khỏi dây trói buộc của mình, các anh của ông đã cố gắng tấn công ông một lần nữa. Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 7:19–20.

  • Ai đã thuyết phục La Man và Lê Mu Ên phải ngừng cố gắng giết chết Nê Phi?

Hãy nêu lên rằng những lời cầu nguyện và nhu cầu của chúng ta thường được đáp ứng qua những hành động trung tín của những người khác. Trong khi lớp học của các anh chị em nghiên cứu các câu còn lại của 1 Nê Phi 7, hãy mời các học sinh lưu ý cách Nê Phi đáp ứng với các anh của mình ngay cả sau khi tất cả những gì họ đã làm cho ông. Yêu cầu họ suy nghĩ về câu hỏi sau đây mà không trả lời to:

  • Các em đã đáp ứng như thế nào khi những người khác cố gắng làm tổn thương các em?

Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 7:21. Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng các học sinh nên đánh dấu lời phát biểu của Nê Phi về sự tha thứ.

  • Chân thành tha thứ có nghĩa là gì? (Nếu các học sinh không biết chắc, thì hãy giải thích từ chân thành có nghĩa là thành thật và thẳng thắn).

  • Nê Phi đã khuyên nhủ các anh của ông nên làm gì? Tại sao lời khuyên này rất quan trọng?

Hãy làm chứng rằng việc tìm kiếm sự tha thứ và việc tha thứ những người khác mang đến tình đoàn kết và sự bình an. Mời các học sinh suy nghĩ về những tình huống trong gia đình của họ cần đến sự tha thứ.

  • Tại sao sự tha thứ là quan trọng đặc biệt trong gia đình chúng ta?

  • Hãy nghĩ về một thời gian mà các em tha thứ cho một người trong gia đình hoặc khi một người trong gia đình tha thứ cho các em. Điều này đã ảnh huởng như thế nào đến mối liên hệ của các em và tinh thần trong nhà của các em?

Hãy kết thúc bằng cách nhắc các học sinh nhớ rằng Chúa đã truyền lệnh cho Nê Phi và các anh của ông phải kết hôn và có gia đình và rằng Chúa cũng đòi hỏi như vậy vào ngày nay. Cũng làm chứng rằng Chúa đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta và ban cho chúng ta sức mạnh để khắc phục những khó khăn của mình thể theo đức tin của chúng ta nơi Ngài. Mời họ cân nhắc cách họ có thể áp dụng một trong các nguyên tắc đó trong bài học ngày hôm nay để giúp đỡ gia đình họ.

biểu tượng thông thạo thánh thưÔn Lại Phần Thông Thạo Thánh Thư

Xin lưu ý: Những chỗ ôn lại phần thông thạo thánh thư được tìm thấy trong suốt quyển sách học này. Những phần này giới thiệu nhiều phương pháp khác nhau mà các anh chị em có thể sử dụng để giúp các học sinh thường xuyên ôn lại các câu thánh thư thông thạo.

Bài học này đủ dài để có thể có đủ thời giờ làm sinh hoạt ôn lại phần thông thạo thánh thư sau đây. Các anh chị em có thể điều khiển sinh hoạt vào lúc bắt đầu lớp học, như là lúc nghỉ giữa những phần của bài học, hoặc vào lúc cuối giờ học. Hãy chắc chắn giữ cho sinh hoạt này được ngắn để dành thời giờ cho bài học. Đối với những sinh hoạt ôn lại khác, xin xem phần phụ lục.

Khi các học sinh có thể tìm ra các đoạn thánh thư thông thạo một cách dễ dàng và hiểu ý nghĩa, nội dung và cách áp dụng của chúng, thì họ sẽ tự tin hơn trong việc học tập riêng của họ, khả năng của họ để áp dụng các nguyên tắc phúc âm, và trong những cơ hội của họ để giảng dạy từ thánh thư. Hãy cân nhắc lời tuyên bố sau đây của Chủ Tịch Howard W. Hunter: “Chúng tôi hy vọng rằng không một học sinh nào của các anh chị em sẽ rời lớp học của các anh chị em một cách sợ hãi hoặc ngượng ngùng hay xấu hổ đến nỗi họ không thể tìm ra sự giúp đỡ vì họ không biết thánh thư đủ rõ để tìm ra các đoạn thích hợp” (“Eternal Investments” [bài nói chuyện cùng các nhà giáo dục tôn giáo CES, ngày 10 tháng Hai năm 1989], 2, si.lds.org).

Để giúp các học sinh trở nên quen thuộc với vị trí của các đoạn thánh thư thông thạo, hãy mời họ tham khảo chỗ đánh dấu phần thông thạo thánh thư, tìm ra năm đoạn thánh thư thông thạo đầu tiên trong thánh thư của họ, và đọc những đoạn này. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích các học sinh đánh dấu các đoạn thánh thư thông thạo theo cách riêng để họ sẽ có thể dễ dàng tìm ra các đoạn này.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

1 Nê Phi 7:2. Ích Ma Ên thuộc vào dòng dõi Ép Ra Im

Sách Mặc Môn đôi khi nói đến “ta sẽ lấy gậy của Giô Sép” (Ê Xê Chi Ên 37:19) hoặc “gậy của Ép Ra Im” (GLGƯ 27:5). Lê Hi là con cháu của Ma Na Se (xin xem An Ma 10:3) và Ích Ma Ên là con cháu của Ép Ra Im (xin xem Erastus Snow, Deseret News, ngày 18 tháng Tám năm 1882). Những lời tiên tri của Gia Cốp (xin xem Sáng Thế Ký 48:16; 49:22) được ứng nghiệm khi Ích Ma Ên (con cháu của Ép Ra Im) đến lục địa Châu Mỹ với Lê Hi (con cháu của Ma Na Se).

1 Nê Phi 7:3–5. Tầm quan trọng của hôn nhân

Chủ Tịch Howard W. Hunter đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lễ hôn phối đền thờ.

“Lễ hôn phối đền thờ cũng giống như phép báp têm là một lệnh truyền của Chúa. Như phép báp têm là thiết yếu cho việc thu nhận vào Giáo Hội, lễ hôn phối đền thờ cũng thiết yếu cho sự tôn cao của chúng ta nơi hiện diện của Thượng Đế. Đó là một phần số mệnh của chúng ta. Chúng ta không thể làm tròn mục tiêu tột bậc của mình mà không có giáo lễ đó.

“Đừng mãn nguyện với bất cứ điều gì kém hơn.

“Các anh chị em sẽ không chấp nhận một phép báp têm theo hình thức thế gian phải không?

“Thượng Đế có phương thức báp têm của Ngài—bằng cách dìm mình xuống nước bởi một người nắm giữ thẩm quyền này.

“Vậy thì các anh chị em sẽ chấp nhận một hôn nhân theo hình thức thế gian không?

“Ngài cũng có phương thức hôn nhân của Ngài: Đó là lễ hôn phối đền thờ” (Teachings of Howard W. Hunter, do Clyde J. Williams [1997] biên tập, 131–32; xin xem thêm GLGƯ 131:1–4).

1 Nê Phi 7:15. “Nếu các anh mong muốn trở lại Giê Ru Sa Lem thì các anh cũng sẽ bị diệt vong”

Nê Phi đã cảnh báo các anh của ông và những người trong gia đình Ích Ma Ên rằng họ sẽ bị diệt vong nếu họ trở lại Giê Ru Sa Lem. Lịch sử cho thấy rằng Nê Phi đã nói đúng. Một vài năm sau khi gia đình của Lê Hi và Ích Ma Ên rời bỏ Giê Ru Sa Lem, dân Ba Bi Lôn đã bao vây thành này. Theo như Kinh Thánh, một cuộc vây hãm khoảng 18 tháng làm cho dân chúng ở Giê Ru Sa Lem không có thức ăn, thành bị “làm lủng một lỗ nơi vách tường thành,” và quân của Vua Sê Đê Kia chạy tán loạn (xin xem 2 Các Vua 25:1–7). Sau đó dân Ba Bi Lôn phá hủy đền thờ và bắt đi nhiều người đến Ba Bi Lôn làm phu tù. Nếu La Man, Lê Mu Ên và những người khác trở lại Giê Ru Sa Lem thì họ đã bị tù đày hoặc chết rồi (xin xem 2 Nê Phi 1:4). Nhưng vì họ chọn đi theo Lê Hi và Nê Phi, nên thay vì thế họ đã vui hưởng trái cây và mật ở xứ Phong Phú (xin xem 1 Nê Phi 17:3–6) và nhận được đất thừa hưởng (xin xem 2 Nê Phi 1:5). Ngoài ra, Chúa còn thương xót dòng dõi ngày sau của La Man và Lê Mu Ên nên ban phước cho họ với phúc âm (xin xem 2 Nê Phi 4:7–9).