Thư Viện
Bài Học 31: 2 Nê Phi 11 và 16 


Bài Học 31 

2 Nê Phi 1116

Lời Giới Thiệu 

Trong 2 Nê Phi 11, Nê Phi bày tỏ tình yêu thương của ông đối với những lời của Ê Sai. Ông cũng làm chứng rằng Gia Cốp và Ê Sai đã thấy “Đấng Cứu Chuộc của tôi, cũng như tôi đã thấy Ngài vậy” (2 Nê Phi 11:2). 2 Nê Phi 16 chứa đựng câu chuyện về Ê Sai được thanh tẩy các tội lỗi của mình và được kêu gọi với tư cách là một vị tiên tri khi “thấy Chúa ngự trên ngôi” (xin xem 2 Nê Phi 16:1, 5–8). Cả Nê Phi lẫn Gia Cốp đã dạy giá trị của việc áp dụng những bài viết của Ê Sai cho bản thân chúng ta (xin xem 1 Nê Phi 19:23; 2 Nê Phi 6:5; 11:2), và Chúa đã phán: “những lời nói của Ê Sai thật vĩ đại thay!” (3 Nê Phi 23:1). 2 Nê Phi 11 chứa đựng một số lời giải thích của Nê Phi về việc ông gồm những lời tiên tri của Ê Sai vào biên sử của mình, do đó sẽ là một lời giới thiệu những lời của Ê Sai trong 2 Nê Phi 12–242 Nê Phi 25 là phần kết luận của các chương này, chứa đựng lời khuyên dạy của Nê Phi về cách hiểu những lời của Ê Sai (xem bài học 35 trong sách học này).

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy 

2 Nê Phi 11 

Nê Phi bày tỏ niềm vui của mình trong việc làm chứng rằng sự cứu rỗi là nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô mà ra 

Mời ba học sinh mỗi người im lặng viết một câu về điều gì đã xảy ra trong lần học trước. Đừng để cho họ so sánh hoặc thảo luận điều họ đang viết. Để minh họa lợi ích của việc có hơn một nhân chứng, hãy yêu cầu ba học sinh đọc to những câu của họ. Sau khi người học sinh thứ nhất đọc câu của mình, hãy hỏi lớp học xem điều đó có phải hoàn toàn tiêu biểu cho điều đã xảy ra trong lần học trước của họ không. Sau đó yêu cầu người học sinh thứ hai chia sẻ câu của người ấy, và hỏi xem điều đó có hoàn toàn tiêu biểu cho lớp học lần trước không. Sau khi người học sinh thứ ba đọc xong, cũng hãy hỏi câu hỏi giống như vậy.

  • Việc có nhiều nhân chứng có những lợi ích nào?

Giải thích rằng Chúa kêu gọi các vị tiên tri để làm nhân chứng của Ngài cho thế gian. Khuyến khích các học sinh suy ngẫm việc nghe các vị tiên tri làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô có ý nghĩa gì đối với họ.

Viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng: Bằng cách nghiên cứu chứng ngôn của các vị tiên tri về Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta có thể củng cố đức tin của mình nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hân hoan nơi Ngài.

Mời một học sinh đọc 2 Nê Phi 11:2–3.

  • Theo như các câu này, Nê Phi, Ê Sai và Gia Cốp đã cảm nhận được điều gì mà có thể làm cho họ trở thành các nhân chứng đặc biệt của Chúa Giê Su Ky Tô?

  • Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để có được một nhân chứng về Chúa Giê Su Ky Tô từ nhiều vị tiên tri? (Xin xem Mô Si A 13:33–35).

Mời các học sinh đọc lướt qua các dòng đầu tiên của mỗi câu trong 2 Nê Phi 11:4–6, tìm kiếm một cụm từ mà Nê Phi đã lặp lại trong mỗi câu.

  • “Hân hoan trong” một điều gì đó có nghĩa là gì? (Các anh chị em có thể giải thích rằng từ hân hoan gợi ý một cảm nghĩ sâu sắc hơn là chỉ thích hoặc thích thú về một điều gì đó. Từ này ngụ ý một kinh nghiệm vui vẻ và mãn nguyện).

Yêu cầu các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 11:4–7, nhận ra những điều làm cho Nê Phi hân hoan. Sau đó chia các học sinh ra thành những cặp. Yêu cầu các học sinh chia sẻ các cụm từ nào gây ấn tượng cho họ nhiều nhất và lý do tại sao. Cũng mời họ chia sẻ điều gì làm cho họ hân hoan hoặc dẫn dắt họ đến việc vui mừng về Chúa Giê Su Ky Tô.

Đọc to 2 Nê Phi 11:8, và yêu cầu các học sinh tìm kiếm lý do tại sao Nê Phi gồm những bài viết của Ê Sai vào biên sử của ông.

  • Nê Phi đã hy vọng dân của ông và các độc giả tương lai của Sách Mặc Môn sẽ cảm nhận được điều gì khi họ đọc những lời của Ê Sai?

Bản liệt kê sau đây đưa ra một số ví dụ về lý do tại sao Nê Phi gồm những bài viết của Ê Sai vào biên sử của ông:

  1. Ê Sai, cũng như Nê Phi và Gia Cốp, đã thấy Đấng Cứu Rỗi (xin xem 2 Nê Phi 11:2–3; xin xem thêm 2 Nê Phi 16:1–5, mà gồm có phần mô tả của Ê Sai về một khải tượng trong đó ông đã thấy Đấng Cứu Rỗi).

  2. Nê Phi đã hân hoan trong việc làm chứng về Đấng Ky Tô, và Ê Sai cũng làm chứng về Đấng Ky Tô (xin xem 2 Nê Phi 11:4, 6; xin xem thêm 2 Nê Phi 17:14 và 19:6–7, hai ví dụ về những lời tiên tri của Ê Sai về Đấng Cứu Rỗi).

  3. Nê Phi hân hoan trong các giao ước của Chúa (xin xem 2 Nê Phi 11:5). Những lời tiên tri của Ê Sai liên quan đến các giao ước của Chúa. Ví dụ, ông đã nói tiên tri về công việc đền thờ ngày sau (xin xem 2 Nê Phi 12:1–3).

Giải thích rằng trong bài học này và ba bài học kế tiếp, các học sinh sẽ học và thảo luận những lời của Ê Sai trong 2 Nê Phi 12–24. Hãy khuyến khích họ tìm kiếm các lẽ thật trong các chương này có thể củng cố chứng ngôn của họ về Đấng Cứu Rỗi và giúp họ hân hoan trong Ngài. Mời các học sinh chia sẻ một số câu họ ưa thích từ các chương này với những người trong gia đình và bạn bè của họ.

2 Nê Phi 16 

Ê Sai được kêu gọi để phục vụ với tư cách là một vị tiên tri 

Giải thích rằng lớp học sẽ nghiên cứu 2 Nê Phi 16 kế tiếp vì chương này chứa đựng lời tường thuật của Ê Sai về một khải tượng mà trong đó ông đã nhận được sự kêu gọi để làm một vị tiên tri. Để giúp các học sinh chuẩn bị để hiểu khải tượng này, hãy giải thích rằng những bài viết của Ê Sai gồm có lời lẽ đầy biểu tượng. Thánh thư đầy dẫy các biểu tượng, những điều tượng trưng và nghĩa bóng. Hãy nêu lên rằng trong một trong số các câu họ đã đọc trước đó, Nê Phi đã nói: “Tất cả những điều mà Thượng Đế đã ban cho loài người từ lúc thế gian mới được tạo dựng đều tượng trưng cho [Chúa Giê Su Ky Tô] vậy” (2 Nê Phi 11:4). Việc sử dụng các biểu tượng và tượng trưng là một cách mà thánh thư giảng dạy chúng ta về sứ mệnh cứu rỗi của Chúa.

Viết các từ và cụm từ sau đây lên trên bảng: vạt áo, các Sê Ra Phin (thiên thần); mỗi vị có sáu cánh, khói, cục than lửa đỏ.

Hỏi các học sinh rằng khi họ thấy hoặc nghe những lời này, những ý nghĩ nào đến với tâm trí của họ. Sau một cuộc thảo luận ngắn, giải thích rằng Ê Sai đã sử dụng những lời này trong lời tường thuật của ông về sự kêu gọi của ông để làm vị tiên tri của Thượng Đế. (Hãy cố gắng giúp các học sinh hiểu những ý nghĩa Ê Sai có ý muốn nói. Hãy cẩn thận không nên phân tích quá mức những ý nghĩa của lời lẽ đầy biểu tượng. Thay vì thế, hãy giúp các học sinh thấy sứ điệp của Ê Sai áp dụng vào cuộc sống của họ như thế nào).

Yêu cầu một học sinh đọc 2 Nê Phi 16:1. (Nếu các học sinh tiếp cận được với ấn bản Thánh Hữu Ngày Sau của Kinh Thánh Phiên Bản King James, các anh chị em có thể muốn yêu cầu họ giở đến Ê Sai 6, là phần có chứa đựng những cước chú và những giúp đỡ học hỏi mà sẽ gia tăng sự hiểu biết về các đoạn thánh thư được dạy trong bài học này).

Giải thích rằng trong câu này, từ vạt áo ám chỉ đuôi của một cái áo choàng.

Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 16:2–3. Giải thích rằng “Sê Ra Phin” là các thiên thần ở nơi hiện diện của Thượng Đế.

  • Sáu cánh của Sê Ra Phin có thể tượng trưng cho điều gì? (Các anh chị em có thể đề nghị các học sinh đọc Giáo Lý và Giao Ước 77:4 để có được lời mách nước. Hình ảnh các cánh là biểu tượng cho khả năng di chuyển và hành động).

  • Những từ nào chỉ thái độ của Sê Ra Phin đối với Chúa?

  • Các em đã cảm nhận được một thái độ tương tự đối với Thượng Đế vào lúc nào?

Yêu cầu một học sinh đọc to 2 Nê Phi 16:4Khải Huyền 15:8. Yêu cầu lớp học tìm kiếm ý nghĩa của cụm từ “đầy khói.” (Các anh chị em có thể cần giúp các học sinh hiểu rằng khói tượng trưng cho sự hiện diện, quyền năng và vinh quang của Chúa). Hãy cân nhắc việc đề nghị các học sinh viết Khải Huyền 15:8 ở lề trang thánh thư của họ bên cạnh 2 Nê Phi 16:4.

Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 16:5. Yêu cầu lớp học tìm kiếm các cụm từ bày tỏ cảm giác của Ê Sai như thế nào nơi hiện diện của Chúa. (Nếu có sẵn ấn bản Thánh Hữu Ngày Sau của Kinh Thánh Phiên Bản King James, hãy yêu cầu các học sinh tìm kiếm Ê Sai 6:5, cước chú ab.)

  • Các anh chị em nghĩ Ê Sai có ý nói gì khi ông nói: “Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy”? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng trong Ê Sai 6:5, từ xong đời được phiên dịch từ tiếng Hê Bơ Rơ có nghĩa là “khai trừ,” và cụm từ môi dơ dáy ám chỉ nhận thức của Ê Sai về các tội lỗi của ông và của dân ông. Ê Sai đã bày tỏ rằng ông cảm thấy không xứng đáng nơi hiện diện của Chúa).

Cho các học sinh một giây phút để suy ngẫm lý do tại sao Ê Sai có thể đã cảm thấy như vậy. Giải thích rằng có nhiều vị tiên tri đã bày tỏ rằng họ cảm thấy không thích đáng như thế nào khi nhận được sự kêu gọi của họ. Chủ Tịch Spencer W. Kimball mô tả cú điện thoại qua đó Chủ Tịch J. Reuben Clark Jr. trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã báo cho ông biết rằng ông đã được kêu gọi vào Nhóm Túc Số Mười Hai:

“‘Ôi, Anh Clark! Không phải tôi chứ? Anh không có ý nói là tôi chứ? Chắc hẳn là có một sự lầm lẫn nào đó rồi. Chắc hẳn có thể tôi đã không nghe đúng lời anh nói rồi.′ Điều này làm cho tôi ngã từ trên ghế xuống sàn nhà. …

“‘Anh Clark ôi! Dường như điều đó không thể nào có được đâu. Tôi rất yếu đuối, nhỏ nhoi, đầy giới hạn và không có khả năng’” (Edward L. Kimball and Andrew E. Kimball Jr., Spencer W. Kimball: Twelfth President of The Church of Jesus Christ of Latter-day Saints [1977], 189).

Hãy giúp các học sinh hiểu rằng một người ngay chính là Ê Sai đã cảm thấy “xong đời” và “dơ dáy” nơi hiện diện của Chúa. Ai trong chúng ta sẽ nghĩ là xứng đáng để đứng trước Thượng Đế?

Viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Chúng ta có thể được thanh tẩy khỏi sự không xứng đáng của mình nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô

Nếu có thể, hãy cho các học sinh một cục than hoặc một miếng củi cháy. Hỏi họ xem cục than hay củi cháy đó sẽ trông như thế nào nếu mới vừa được lấy ra khỏi lửa ?

  • Điều gì sẽ xảy ra cho một người chạm tay vào một cục than nóng?

Đọc to 2 Nê Phi 16:6–7. Yêu cầu các học sinh im lặng đọc dò theo, tìm kiếm kinh nghiệm của Ê Sai có liên quan đến một cục than lửa đỏ. (Nếu có sẵn một ấn bản Thánh Hữu Ngày Sau của Kinh Thánh Phiên Bản King James, hãy yêu cầu các học sinh giở đến Ê Sai 6:6, cước chú a,Ê Sai 6:7, cước chú ab.)

  • Theo như 2 Nê Phi 16:7, biểu tượng về việc vị thiên sứ chạm tay vào môi Ê Sai với cục than nóng có nghĩa là gì? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng cục than lửa đỏ là tượng trưng cho việc thanh tẩy. Khi vị thiên sứ trong khải tượng của Ê Sai chạm cục than vào môi ông, thì điều đó biểu tượng cho việc Chúa thanh tẩy Ê Sai về sự không xứng đáng của ông và tha thứ các tội lỗi của ông).

Cho các học sinh một giây lát để suy nghĩ về những lúc họ đã cảm nhận được quyền năng thanh tẩy của Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

Mời các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 16:8–13. Mời một học sinh tóm lược điều Chúa đã phán về giáo vụ của Ê Sai ở giữa dân chúng. (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng Chúa đã khuyên bảo Ê Sai rằng lời rao giảng của ông cho dân Y Sơ Ra Ên phản nghịch sẽ phần lớn bị bỏ qua nhưng ông phải tiếp tục rao giảng cho đến khi “đất trở nên tiêu điều hoàn toàn.” Nói cách khác, Chúa sẽ nhân từ tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi của Ngài qua các tôi tớ của Ngài “khi nào thời gian còn tồn tại, hay khi nào trái đất còn đứng vững, hay khi nào còn có một người trên mặt địa cầu này cần được cứu” [Mô Rô Ni 7:36]).

Giải thích rằng Ê Sai trở thành một nhân chứng hùng hồn của Chúa Giê Su Ky Tô và phúc âm của Ngài. Hãy làm chứng rằng Đấng Cứu Rỗi là có thật và có thể tha thứ các tội lỗi của chúng ta, và rằng khi chúng ta cảm nhận được quyền năng của Sự Chuộc Tội trong cuộc sống của mình, thì chúng ta cũng có thể là nhân chứng của Đấng Cứu Rỗi.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

2 Nê Phi 16:2–3. Các thiên thần có cánh không?

“Một thiên thần của Thượng Đế không bao giờ có cánh” (Joseph Smith, in History of the Church, 3:392). Vậy thì tại sao Ê Sai mô tả thiên thần có cánh? Anh Cả Bruce R. McConkie giải thích rằng điều mô tả đó là biểu tượng: “Việc các đấng thiêng liêng này được cho ông thấy là có cánh chỉ là biểu tượng cho ′quyền năng di chuyển, hành động, v.v.′ cũng như đối với trường hợp trong các khải tượng mà những người khác đã nhận được. (GLGƯ 77:4.)” (Mormon Doctrine, xuất bản lần thứ 2 [1966], 703).