Thư Viện
Bài học 113: Hê La Man 13


Bài Học 113

Hê La Man 13

Lời Giới Thiệu

Một vài năm trước khi Đấng Cứu Rỗi giáng sinh, Chúa đã gửi một vị tiên tri người La Man tên là Sa Mu Ên đến thuyết giảng sự hối cải cho dân Nê Phi. Ông rao truyền cho dân Nê Phi ở Gia Ra Hem La về tin mừng cứu chuộc qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Ông cũng đương đầu với họ về việc họ bác bỏ các vị tiên tri và khuynh hướng của họ để tìm kiếm hạnh phúc trong sự bất chính. Ông cảnh báo họ về sự hủy diệt mà sẽ đến với họ nếu họ không hối cải.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Hê La Man 13

Sa Mu Ên cảnh báo dân Nê Phi về sự hủy diệt của họ nếu họ không hối cải

Trước khi lớp học bắt đầu, hãy chuẩn bị tờ giấy phát tay ở cuối bài học này. Các anh chị em có thể muốn cắt tờ giấy phát tay ra thành ba phần, với sự chỉ định của một nhóm trên mỗi tờ giấy. Ngoài ra trước khi lớp học bắt đầu, sao chép lại phần đại cương sau đây của Hê La Man 13 lên trên bảng.

Hê La Man 13:1–4. Chúa kêu gọi Sa Mu Ên người La Man thuyết giảng cho dân Nê Phi.

Hê La Man 13:5–23. Sa Mu Ên cảnh báo dân Nê Phi về sự hủy diệt mà sẽ xảy đến cho họ nếu họ không hối cải.

Hê La Man 13:24–39. Sa Mu Ên cảnh báo dân chúng về những hậu quả của việc bác bỏ các vị tiên tri và từ chối hối cải.

Sa Mu Ên Người La Man Đứng trên Tường Thành

Bắt đầu bài học bằng cách trưng bày hình Sa Mu Ên người La Man Đứng trên Tường Thành (62370; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 81). Hỏi học sinh xem họ có biết lý do tại sao dân Nê Phi muốn giết chết Sa Mu Ên không. Sau khi học sinh trả lời, hãy giải thích rằng Hê La Man 13–16 ghi chép câu chuyện về tiên tri Sa Mu Ên người La Man. Câu chuyện này rất độc đáo vì đây là lần duy nhất trong Sách Mặc Môn mà chúng ta học hỏi về một vị tiên tri người La Man đang kêu gọi dân Nê Phi phải hối cải. Trong thời gian này, dân La Man sống ngay chính hơn dân Nê Phi. Hãy tham khảo phần đại cương ở trên bảng để cho học sinh một cái nhìn khái quát ngắn gọn về Hê La Man 13.

Chia lớp học ra thành ba nhóm. (Nếu có thể, mỗi nhóm nên có số học sinh bằng nhau). Đưa cho mỗi học sinh một bản sao về chỉ định cho nhóm của mình (được tìm thấy ở phần cuối bài học). Nói cho học sinh biết là họ sẽ nghiên cứu riêng một phần của Hê La Man 13 và sau đó giảng dạy lẫn nhau điều họ đã học được. Yêu cầu mỗi học sinh chuẩn bị để giảng dạy các nguyên tắc từ đoạn thánh thư đã được chỉ định cho mình và chuẩn bị các câu trả lời cho các câu hỏi kèm theo. Cho học sinh sự lựa chọn để viết câu trả lời của họ. (Sinh hoạt này sẽ cho phép tất cả các học sinh tham gia và sẽ cung cấp một môi trường an toàn để học sinh có thể chia sẻ những cảm nghĩ, ý nghĩ và chứng ngôn với nhau).

Sau khi học sinh đã có đủ thời gian để nghiên cứu riêng, hãy chỉ định cho họ làm việc trong các nhóm ba người. Nếu có thể được, mỗi nhóm nên gồm có một học sinh đã nghiên cứu Hê La Man 13:1–7, 11, một người đã nghiên cứu Hê La Man 13:17–23, và một người đã nghiên cứu Hê La Man 13:24–33. Dành đủ thời gian cho mỗi học sinh để chia sẻ các câu trả lời của họ với các thành viên khác của nhóm. Trong lúc các cuộc thảo luận của nhóm nhỏ, hãy đi xung quanh lớp học và theo dõi những câu trả lời của học sinh. Khi thích hợp, hãy thêm những hiểu biết sâu sắc của các anh chị em vào các cuộc thảo luận mà các anh chị em nghe được.

Khi học sinh đã có thời gian để giảng dạy lẫn nhau, mời một vài người trong số họ chia sẻ với toàn thể lớp học một lẽ thật hay sự hiểu biết sâu sắc mà họ đã học được từ một học sinh khác trong lúc sinh hoạt.

Tóm lược Hê La Man 13:9–14 bằng cách giải thích rằng dân Nê Phi sẽ bị hủy diệt trong 400 năm (xin xem Hê La Man 13:9–10), và lý do duy nhất mà họ đã không bị hủy diệt chính là những người ngay chính vẫn còn sống ở giữa họ (xin xem Hê La Man 13:13–14). Làm chứng rằng Sa Mu Ên đã được Chúa gửi đến với dân Nê Phi, và ông đã nói điều Chúa đặt vào lòng của ông khi ông mời dân Nê Phi hối cải và trở lại cùng Chúa (xin xem Hê La Man 13:11).

Mời một học sinh đọc to Hê La Man 13:27–28. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm ra cách dân Nê Phi đã đáp ứng với các tiên tri giả.

  • Theo Sa Mu Ên, dân Nê Phi đã đáp ứng như thế nào với những người đã giảng dạy điều sai lạc? Các em nghĩ tại sao có một số người đã chấp nhận lời khuyên nhủ của ông và những người khác lại từ chối?

  • Những lời phát biểu và thái độ chúng ta đã đọc trong Hê La Man 13:27 là hiển nhiên như thế nào trong thời kỳ chúng ta?

Yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:

“Khi vị tiên tri cho biết điều chúng ta cần phải biết, nhưng chúng ta lại không muốn nghe, thì cách chúng ta phản ứng với những lời của ông là một thử thách về lòng trung tín của chúng ta” (“Fourteen Fundamentals in Following the Prophet” [bài nói chuyện tại buổi họp đặc biệt devotional BYU, ngày 26 tháng Hai năm 1980], 3–4, speeches.byu.edu).

  • Lời khuyên dạy nào từ các vị tiên tri có thể là khó khăn đối với một số người để tuân theo ngày nay?

  • Một ví dụ về lời khuyên dạy của vị tiên tri mà các em đã chọn để vâng theo là gì? Các em đã được ban phước như thế nào vì đã tuân theo lời khuyên dạy này?

Mời học sinh viết trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về một cách mà họ có thể cải thiện trong việc tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri tại thế.

Khi học sinh đã có đủ thời gian để viết, thì hãy yêu cầu một học sinh đọc to Hê La Man 13:33–37. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều mà dân Nê Phi không hối cải cuối cùng sẽ phải trải qua và điều họ sẽ nói về bản thân mình. Sau đó mời một học sinh khác đọc to Hê La Man 13:38. Yêu cầu lớp học tìm kiếm sự thật đáng buồn mà Sa Mu Ên đã tuyên bố về các thế hệ tương lai của dân Nê Phi.

  • Sa Mu Ên đã tuyên bố lẽ thật đáng buồn nào về các thế hệ tương lai của dân Nê Phi?

  • Các em nghĩ Sa Mu Ên có ý nói gì khi ông nói rằng “những ngày thử thách của [họ] đã trôi qua rồi”? (Các thế hệ tương lai của dân Nê Phi sẽ trì hoãn sự hối cải của họ cho đến khi quá muộn đối với họ để hối cải. Và vì họ sẽ không hối cải, nên tội lỗi của họ sẽ dẫn tới sự hủy diệt của họ).

  • Điều gì là sai trái với việc tìm kiếm “hạnh phúc bằng cách làm điều bất chính”? (Giúp học sinh thấy rằng hạnh phúc đích thật chỉ đến khi chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế).

  • Dân chúng tìm kiếm hạnh phúc trong việc làm điều bất chính bằng một số cách nào?

Nhắc nhở học sinh về các câu chuyện khác trong Sách Mặc Môn trong đó các cá nhân tiếp tục phản nghịch và tà ác cho đến khi họ trở nên cứng lòng đối với ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. (Các ví dụ gồm có La Man và Lê Mu Ên là những người đã trở nên “mất hết cảm giác” [1 Nê Phi 17:45] và từ chối lưu tâm đến lời của Thượng Đế, và Vua Nô Ê cùng dân ông, là những người đã từ chối hối cải bất chấp những lời cảnh báo của tiên tri A Bi Na Đi). Sa Mu Ên nhấn mạnh rằng việc dân Nê Phi từ chối hối cải sẽ dẫn đến sự hủy diệt dân của họ trong các thế hệ tương lai.

Giúp học sinh hiểu rằng đối với riêng mỗi cá nhân, có hy vọng cho tất cả những người chịu chọn hối cải. Qua sự hối cải, chúng ta có thể nhận được sự tha thứ của Chúa và ngăn ngừa chúng ta trở nên cứng lòng. Để giúp học sinh hiểu rằng chúng ta có thể sửa chỉnh cuộc sống của mình qua sự hối cải, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn:

“Trong lúc tham dự khóa huấn luyện để trở thành một phi công trưởng, tôi đã học cách lái máy bay để bay khoảng đường rất xa. Những chuyến bay trên các đại dương bao la, ngang qua các bãi sa mạc mênh mông, và bay từ lục địa này đến lục địa khác đều cần phải có sự hoạch định kỹ lưỡng để bảo đảm đi đến nơi đã định một cách an toàn. Một số chuyến bay thẳng này có thể kéo dài đến 14 tiếng đồng hồ và dài khoảng 14.500 cây số.

“Có một điểm quyết định quan trọng trong những chuyến bay dài như vậy được mọi người biết đến là điểm trở về an toàn. Cho tới điểm này, chiếc máy bay có đủ nhiên liệu để quay đầu lại và an toàn trở về phi trường nơi cất cánh. Nếu bay qua khỏi điểm trở về an toàn, thì người phi công đã bỏ lỡ cơ hội này và phải tiếp tục bay. Đó là lý do tại sao điểm này được nói đến là điểm không thể trở về.

“… Sa Tan muốn chúng ta nghĩ rằng khi chúng ta phạm tội thì chúng ta đã vượt qua ′điểm không thể trở về′—rằng đã quá trễ để thay đổi hướng đi của chúng ta. …

“… Để làm cho chúng ta mất hy vọng, cảm thấy khổ sở giống như nó, và tin rằng chúng ta không còn được tha thứ nữa, Sa Tan còn có thể dùng sai những lời trong thánh thư mà nhấn mạnh đến công lý của Thượng Đế để ngụ ý rằng không có lòng thương xót. …

″Đấng Ky Tô đến để cứu rỗi chúng ta. Nếu chúng ta đi sai đường, thì Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể cho chúng ta sự bảo đảm rằng tội lỗi không phải là điểm không thể trở về. Có thể có một sự trở về an toàn nếu chúng ta chịu tuân theo kế hoạch của Thượng Đế dành cho sự cứu rỗi của mình” (“Điểm Trở Về An Toàn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2007, 99).

  • Những lời nhận xét của Chủ Tịch Uchtdorf đem lại hy vọng như thế nào cho một người nào đó đã phạm tội?

Khuyến khích học sinh suy ngẫm các lẽ thật mà họ đã thảo luận. Khuyến khích học sinh làm theo bất cứ ấn tượng nào họ đã nhận được từ Đức Thánh Linh. Làm chứng rằng hạnh phúc sẽ đến với những người lưu ý đến lời mời gọi của Chúa để hối cải.

Xin lưu ý: Chuẩn bị các tờ giấy phát tay sau đây cho ba nhóm đã được mô tả trước đó trong bài học.

Nhóm 1—Hê La Man 13:1–7, 11

Các vị tiên tri nói những sứ điệp mà Thượng Đế đặt vào lòng của họ.

  1. Các em cảm thấy các câu nào giảng dạy lẽ thật này?

  2. Thượng Đế đã đặt sứ điệp nào vào lòng của Sa Mu Ên?

  3. Các em nghĩ tại sao có thể khó khăn đối với Sa Mu Ên để truyền đạt sứ điệp này?

  4. Sa Mu Ên đã hy vọng sứ điệp của ông sẽ có ảnh hưởng nào đến dân Nê Phi?

  5. Khi nào các em đã cảm thấy rằng cha, mẹ hoặc vị lãnh đạo Giáo Hội đã được soi dẫn để đưa ra một sứ điệp cho các em? Sứ điệp này đã ảnh hưởng đến các em như thế nào?

  6. Các em có thể tìm thấy thêm các lẽ thật nào trong những câu này?

Nhóm 2—Hê La Man 13:17–23

Khi chúng ta không tưởng nhớ tới Chúa, thì chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi tính kiêu ngạo và sự bất chính.

  1. Các em cảm thấy các câu nào giảng dạy lẽ thật này?

  2. Sa Mu Ên đã nói sự rủa sả nào sẽ giáng xuống dân Nê Phi nếu họ tiếp tục trong sự bất chính?

  3. Lòng ham mê của cải của dân Nê Phi đã dẫn đến các tội lỗi nào khác?

  4. Giới trẻ có thể để tâm vào một số điều gì dẫn đến tính kiêu ngạo và tội lỗi?

  5. Các em nghĩ tại sao là điều cần thiết để “nhớ đến Chúa, Thượng Đế của các người, về những gì Ngài đã ban phước cho các người”? (Hê La Man 13:22).

  6. Các em có thể tìm thấy thêm các lẽ thật nào trong những câu này?

Nhóm 3—Hê La Man 13:24–33

Nếu bác bỏ những lời của các vị tiên tri của Chúa, thì chúng ta sẽ cảm thấy hối tiếc và buồn phiền.

  1. Các em cảm thấy những câu nào giảng dạy lẽ thật này?

  2. Theo Sa Mu Ên, tại sao dân Nê Phi khước từ các vị tiên tri chân chính?

  3. Các em nghĩ tại sao một số người chấp nhận các tiên tri giả như Sa Mu Ên đã mô tả?

  4. Một số lời giảng dạy cụ thể của các vị tiên tri và sứ đồ tại thế là gì?

  5. Các vị tiên tri và sứ đồ tại thế đã cảnh báo chúng ta phải tránh xa một số “kẻ điên rồ và mù quáng hướng dẫn” nào (Hê La Man 13:29)?

  6. Các em có thể tìm thấy thêm các lẽ thật nào trong những câu này?

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Hê La Man 13:3. “Bất cứ những điều gì sẽ được đặt vào tim ông”

Tiên tri Sa Mu Ên đã không tự mình quyết định phải thuyết giảng điều gì cho dân Nê Phi. Chúng ta đọc trong Hê La Man 13:3 rằng ông đã giảng dạy “bất cứ những điều gì sẽ được đặt vào tim ông.” Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích về sự mặc khải như vậy đến với chúng ta thường xuyên nhất như thế nào:

″Sự mặc khải đến như là những lời nói chúng ta cảm nhận được hơn là nghe thấy. Nê Phi nói với hai anh em ương ngạnh của mình, là những người đã được một thiên sứ hiện đến: ″Các anh đã mất hết cảm giác, đến đỗi các anh không còn cảm thấy lời nói của vị ấy nữa.’ [1 Nê Phi 17:45; sự nhấn mạnh được thêm vào.]

“Thánh thư tràn đầy những lời như ′Bức màn che được cất khỏi tâm trí của chúng tôi, và mắt hiểu biết của chúng tôi được mở ra,’ [GLGƯ 110:1] hoặc ‘Ta đã soi sáng tâm trí ngươi,’ [GLGƯ 8:2] hay ‘Ta sẽ nói trong trí của ngươi và trong tâm của ngươi,’ [GLGƯ 6:15] hoặc ‘Hãy nói ra những ý nghĩ mà ta sẽ đặt trong lòng các ngươi.’ [GLGƯ 100:5.] Có hàng trăm câu thánh thư dạy về sự mặc khải” (“Personal Revelation: The Gift, the Test, and the Promise,” Ensign, tháng Mười Một năm 1994, 60).

Hê La Man 13:23–29. Noi theo vị tiên tri tại thế

Anh Cả M. Russell Ballard thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc noi theo các vị tiên tri và sứ đồ tại thế:

″Các anh chị em thân mến, xin hãy để ý đến những điều mà các vị lãnh đạo của Giáo Hội đã giảng dạy. Hãy áp dụng những lời giảng dạy mà sẽ giúp các anh chị em và gia đình của các anh chị em. Tất cả chúng ta, dù hoàn cảnh gia đình như thế nào, hãy mang vào nhà mình những lời giảng dạy của các vị tiên tri và các sứ đồ để củng cố mối quan hệ của chúng ta với nhau và với Cha trên Trời của chúng ta và với Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi hứa với các anh chị em trong danh của Chúa rằng nếu các anh chị em chịu lắng nghe không chỉ bằng tai mà còn bằng tấm lòng nữa, thì Đức Thánh Linh sẽ biểu lộ lẽ thật cho các anh chị em biết về những sứ điệp do [Chủ Tịch của Giáo Hội], các cố vấn của ông, các Sứ Đồ, và các vị lãnh đạo khác của Giáo Hội đưa ra. Thánh Linh sẽ thúc giục các anh chị em biết điều các anh chị em phải làm với tư cách là cá nhân và với tư cách là gia đình để noi theo lời khuyên dạy của chúng tôi, ngõ hầu chứng ngôn của các anh chị em có thể được củng cố và các anh chị em có được sự bình an và niềm vui” (“Các Ngươi Phải Tiếp Nhận Lời Nói của Hắn,” Liahona,, tháng Bảy năm 2001, 67).

Hê La Man 13:38. Hạnh phúc không thể được tìm thấy trong việc làm điều bất chính

Sa Mu Ên đã cảnh báo dân Nê Phi rằng nếu họ tiếp tục tìm kiếm hạnh phúc trong việc làm điều bất chính thì họ sẽ bị hủy diệt. Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng hạnh phúc chỉ đến qua sự ngay chính mà thôi:

″Các anh chị em có nhận thấy Sa Tan hoạt động như thế nào để ảnh hưởng đến tâm trí và mối cảm xúc với các hình ảnh nhảy múa, tiếng nhạc ầm ĩ, và sự kích thích quá mức cho mỗi giác quan không? Nó siêng năng cố gắng làm cho đời sống tràn đầy với hành động, thú giải trí, và sự kích thích để người ta không thể suy ngẫm về những hậu quả của những lời mời gọi đầy cám dỗ của nó. Hãy nghĩ về điều đó. Một số bị cám dỗ để vi phạm các giáo lệnh cơ bản nhất của Thượng Đế vì các hành động quyến rũ được mô tả là chấp nhận được. Các hành động được thực hiện để có vẻ trông hấp dẫn, thậm chí còn đáng ao ước. Dường như không có hậu quả nghiêm trọng, thay vì thế hiển nhiên là niềm vui và hạnh phúc lâu dài. Nhưng hãy nhận ra rằng niềm vui và hạnh phúc đó do quỷ dữ điều khiển. Kết quả của các quyết định cũng được điều khiển theo như ý muốn của quỷ dữ.

“Cuộc sống không phải là như vậy đâu. Vâng, quyền tự quyết về mặt đạo đức cho phép các anh chị em chọn điều các anh chị em muốn, nhưng các anh chị em không thể điều khiển kết quả của những sự lựa chọn đó. Không giống như những sáng tạo giả tạo của con người, Cha trên Trời quyết định hậu quả của những sự lựa chọn của các anh chị em. Sự vâng lời sẽ mang đến hạnh phúc, trong khi việc vi phạm các giáo lệnh của Ngài sẽ mang đến đau khổ” (“How to Live Well amid Increasing Evil,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, 102).

Hê La Man 13:38. “Vĩnh viễn quá muộn màng”

Chủ Tịch Spencer W. Kimball dạy:

″Đúng là nguyên tắc quan trọng về sự hối cải luôn luôn có sẵn, nhưng đối với kẻ ác và phản nghịch thì có những mối quan tâm nghiêm trọng về lời phát biểu này. Ví dụ, tội lỗi đã được tạo thành theo thói quen một cách quá đáng và đôi khi đẩy con người đến mức bi thảm không quay trở lại được. Nếu không có sự hối cải thì sẽ không có sự tha thứ, và nếu không có sự tha thứ thì tất cả các phước lành của thời vĩnh cửu sẽ có nguy cơ bị mất. Khi người phạm tội càng lún sâu hơn vào tội lỗi của mình, và lỗi lầm đã ăn sâu hơn và ý muốn thay đổi bị suy yếu, thì điều đó càng ngày càng trở nên gần như vô vọng, và người ấy càng trượt xuống dần cho đến khi người ấy không muốn leo lên lại hoặc người ấy đã mất đi khả năng làm như vậy” (The Miracle of Forgiveness [1969], 117).