Thư Viện
Bài Học 33: 2 Nê Phi 17–20


Bài Học 33

2 Nê Phi 17–20

Lời Giới Thiệu

Trong 2 Nê Phi 17–20, Nê Phi ghi lại câu chuyện về Ê Sai cố gắng thuyết phục vua Giu Đa và dân của ông tin cậy nơi Chúa thay vì những liên minh của thế gian. Bằng cách sử dụng các dấu hiệu và biểu tượng, Ê Sai đã nói tiên tri về những sự kiện trong thời kỳ của mình, sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, và sự hủy diệt của người tà ác vào Ngày Tái Lâm của Chúa.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

2 Nê Phi 17–18; 19:1–7

Những người dân trong vương quốc Giu Đa không đặt sự tin cậy của họ vào Chúa Giê Su Ky Tô

Bắt đầu lớp học bằng cách yêu cầu các học sinh cố gắng liệt kê càng nhiều càng tốt các danh hiệu mô tả về Chúa Giê Su Ky Tô. Viết những câu trả lời của họ lên trên bảng. Rồi mời họ đọc 2 Nê Phi 17:14. Thêm danh hiệu Em Ma Nu Ên vào bản liệt kê ở trên bảng, hoặc khoanh tròn danh hiệu ấy nếu đã có ở trên bảng rồi. Mời các học sinh tìm kiếm ý nghĩa của danh này trong Ma Thi Ơ 1:23 hoặc trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư.

  • Ý nghĩa của danh hiệu Em Ma Nu Ên là gì? (“Thượng Đế ở với chúng ta.”)

Hãy nêu lên rằng ý nghĩa tột bậc của lời tiên tri của Ê Sai về Em Ma Nu Ên nằm trong Ma Thi Ơ 1:18–25. Mời một học sinh đọc to đoạn này.

  • Lời tiên tri của Ê Sai về Em Ma Nu Ên đã được ứng nghiệm như thế nào?

  • Khi nào các em đã thấy được sự thật tế về Chúa là Em Ma Nu Ên, hoặc “Thượng Đế ở với chúng ta,” trong cuộc sống của mình?

Giải thích rằng 2 Nê Phi 19:6–7 là một trong những lời tiên tri nổi tiếng nhất về Đấng Cứu Rỗi. Đọc to đoạn này. Hãy nêu lên rằng đoạn này chứa đựng vài danh hiệu dành cho Chúa Giê Su Ky Tô. (Nếu bất cứ danh hiệu nào trong các danh hiệu này chưa có ở trên bảng, thì hãy thêm chúng vào bản liệt kê).

  • Danh hiệu nào trong số các danh hiệu này mô tả đúng nhất cảm nghĩ của các em về Đấng Cứu Rỗi? Tại sao?

Trước khi giảng dạy phần còn lại của bài học này, các anh chị em hãy đưa ra cho các học sinh một bối cảnh lịch sử nào đó về 2 Nê Phi 17–18. Giải thích rằng các chương này thường nói đến ba nước nhỏ—Giu Đa, Y Sơ Ra Ên, và Sy Ri—và các vua của họ, cũng như Đế Quốc A Si Ri mà đã tìm cách xâm chiếm ba nước nhỏ hơn này. Nếu các học sinh có ấn bản Thánh Hữu Ngày Sau của Kinh Thánh, thì có thể hữu ích để họ giở đến các bản đồ 1, 3 và 5 cho thấy các vùng địa lý đã được đề cập đến trong các chương này. Các anh chị em cũng có thể muốn giúp các học sinh hiểu văn cảnh của những chương này bằng cách trưng bày biểu đồ sau đây (được phỏng theo Victor L. Ludlow, Isaiah: Prophet, Seer, and Poet [1982], 140). Tham khảo biểu đồ đó nếu cần trong suốt bài học.

Quốc gia

Giu Đa

Sy Ri

Y Sơ Ra Ên

Thủ phủ

Giê Ru Sa Lem

Đa Mách

Sa Ma Ri

Lãnh thổ hoặc bộ lạc chính

Giu Đa

A Ram

Ép Ra Im

Người lãnh đạo

A Cha (vua), thuộc gia tộc Đa Vít

Rê Xin (vua)

Phê Ca (vua), con trai của Rê Ma Lia

Viết sự liên kết lên trên bảng.

  • Một sự liên minh là gì? (Những câu trả lời có thể gồm có một sự liên kết, liên hiệp, hiệp ước, hoặc công ước).

  • Vì một số lý do nào một quốc gia có thể tìm cách liên minh với các quốc gia khác?

Giải thích rằng trong thời gian giáo vụ của Ê Sai trong vương quốc Giu Đa, các vua Y Sơ Ra Ên và Sy Ri muốn Vua A Cha của nước Giu Đa liên minh với họ để chống lại đế quốc A Si Ri hùng mạnh. Khi Vua A Cha từ chối, thì Y Sơ Ra Ên và Sy Ri tấn công Giu Đa trong một nỗ lực ép buộc phải liên minh và đặt một người cai trị khác lên ngôi của Giu Đa (xin xem 2 Nê Phi 17:1, 6). 2 Nê Phi 17–18 mô tả lời khuyên nhủ mà tiên tri Ê Sai đã đưa ra cho Vua A Cha khi nhà vua cố gắng quyết định cách bảo vệ Giu Đa chống lại những đe dọa của Y Sơ Ra Ên, Sy Ri và A Si Ri.

Mời một học sinh đọc 2 Nê Phi 17:1–2.

  • Các em nghĩ “lòng vua [A Cha] cũng như dân chúng kinh động như cây trong rừng bị gió lay” có nghĩa là gì? (A Cha và dân chúng sợ hãi và không biết chắc phải làm gì sau khi Y Sơ Ra Ên và Sy Ri tấn công họ).

Giải thích rằng vì sợ Y Sơ Ra Ên và Sy Ri, nên A Cha cân nhắc việc lập liên minh với A Si Ri để bảo vệ vương quốc của mình (xin xem 2 Các Vua 16:7). Ê Sai nói cho A Cha biết rằng nếu ông (A Cha) đặt đức tin của ông nơi Chúa thay vì lập liên minh chính trị, thì Chúa sẽ bảo vệ vương quốc Giu Đa.

Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 17:3–8. (Nếu có sẵn ấn bản Thánh Hữu Ngày Sau của Kinh Thánh Phiên Bản King James, thì hãy mời các học sinh đọc Ê Sai 7:4, cước chú a. Nếu không có sẵn ấn bản đó, thì hãy giải thích rằng cụm từ đuôi đuốc có khói ám chỉ một ngọn đuốc đang cháy dở. Chúa đã chủ yếu phán rằng: “Đừng kinh hoảng trước cuộc tấn công. Hai vua đó còn lại rất ít thực lực.” Y Sơ Ra Ên và Sy Ri đã tận dụng sức mạnh của họ. Chẳng bao lâu nữa họ sẽ bị A Si Ri tiêu diệt và sẽ không còn là sự đe dọa cho Giu Đa nữa).

Yêu cầu vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ 2 Nê Phi 17:9, 17–25. Trong khi họ đọc, hãy yêu cầu lớp học nhận ra điều Chúa đã tiết lộ sẽ xảy ra cho dân Giu Đa nếu họ trông cậy vào những sự liên minh chính trị thay vì tin cậy nơi Chúa.

  • Theo như các câu này, điều gì sẽ xảy ra nếu A Cha không chịu tin cậy nơi Chúa? (Giu Đa sẽ bị hủy diệt).

Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 17:10–12. (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng khi Ê Sai chỉ dẫn cho A Cha cầu xin một dấu hiệu, thì ông đang thật sự khuyến khích A Cha tìm kiếm lời khuyên dạy của Chúa về vấn đề của A Cha. Khi A Cha từ chối, ông nói rằng ông không cần sự giúp đỡ của Thượng Đế và rằng ông có ý định trông cậy vào óc xét đoán của mình mà thôi).

Mời một học sinh đọc 2 Nê Phi 17:13–14. Chỉ dẫn cho các học sinh một lần nữa lưu ý đến từ Em Ma Nu Ên trong 2 Nê Phi 17:14 và ý nghĩa của từ đó là, “Thượng Đế ở với chúng ta.”

  • Tại sao là điều quan trọng đối với A Cha để muốn Thượng Đế ở với mình trong lúc nước ông bị khủng hoảng?

  • Tại sao là điều quan trọng đối với chúng ta để tìm đến Chúa thay vì chỉ trông cậy vào sự khôn ngoan của mình?

Đọc to 2 Nê Phi 18:5–8 cho các học sinh nghe. Khi đọc câu 6, các anh chị em hãy giải thích rằng từ Si Ô Lê đôi khi ám chỉ Chúa Giê Su Ky Tô. Khi đọc câu 8, các anh chị em hãy giải thích rằng cụm từ “ngập lên tận cổ” bằng cách nêu lên rằng qua khỏi đầu, hoặc thủ phủ của Giu Đa là Giê Ru Sa Lem. Ê Sai nói tiên tri rằng dân A Si Ri sẽ tiến đến tường thành của Giê Ru Sa Lem—nói cách khác, cổng thành. Lời tiên tri này đã được ứng nghiệm khi 185.000 quân A Si Ri tiến đến tấn công Giê Ru Sa Lem, đã ngừng lại tại tường thành. Chúa bảo vệ dân Ngài bằng cách gửi một thiên sứ đến hủy diệt đạo quân đang tấn công. (Xin xem 2 Các Vua 19:32–35).

Hãy mời các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 18:9–10, tìm kiếm lời cảnh cáo của Chúa cho những người đang liên kết với nhau để đánh lại Giu Đa.

  • Những hậu quả dành cho những người chiến đấu chống lại Giu Đa sẽ là gì?

  • Theo 2 Nê Phi 18:10, tại sao những nước này sẽ bị hủy diệt?

Nhắc các học sinh nhớ rằng Vua A Cha sợ sự đe dọa của Y Sơ Ra Ên và Sy Ri, và ông đã nghĩ tới việc liên kết các lực lượng với A Si Ri. Mời các học sinh im lặng đọc 2 Nê Phi 18:11–13.

  • Chúa đã nói gì về việc Giu Đa cần kết đảng (với A Si Ri)?

  • Ê Sai bảo dân chúng phải đặt sự tin cậy của họ vào ai?

Để giúp các học sinh áp dụng những chương này trong cuộc sống của họ, hãy hỏi:

  • Những nguy hiểm về việc đặt sự tin cậy của mình vào những quyền lực và ảnh hưởng thế gian thay vì vào Chúa là gì? (Khuyến khích các học sinh suy nghĩ về những tình huống mà có thể cám dỗ họ đưa ra những quyết định dựa vào nỗi sợ hãi).

  • Các em đã tìm đến Thượng Đế vào lúc nào để có được sức mạnh khi bị cám dỗ vào lúc ban đầu để tìm đến những nguồn giúp đỡ khác? Thượng Đế đã giúp các em như thế nào? Các em đã học được gì từ kinh nghiệm ấy?

Làm chứng rằng Thượng Đế sẽ ở với chúng ta khi chúng ta tin cậy nơi Ngài, ngay cả trong những lúc khó khăn và sợ hãi. (Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng).

2 Nê Phi 19:8–21; 20:1–22

Ê Sai mô tả sự hủy diệt kẻ tà ác vào Ngày Tái Lâm

Hãy tóm lược văn cảnh lịch sử của 2 Nê Phi 19–20 bằng cách giải thích rằng A Cha đã khước từ lời khuyên bảo của Ê Sai và chọn lập liên minh với A Si Ri (xin xem 2 Các Vua 16:7–20). Giu Đa trở thành một nước chư hầu, nộp cống cho A Si Ri để được bảo vệ chống lại sự đe dọa của Sy Ri và Y Sơ Ra Ên. Như Ê Sai đã tiên tri, cuối cùng A Si Ri đã xâm chiếm các vương quốc nhỏ hơn này—Đa Mách (Sy Ri) vào năm 732 Trước Công Nguyên và Sa Ma Ri (Y Sơ Ra Ên) vào năm 722 Trước Công Nguyên. A Si Ri cũng đã giày xéo tất cả xứ Giu Đa, ngoại trừ Giê Ru Sa Lem, vào năm 701 Trước Công Nguyên.

Giải thích rằng khi A Si Ri đã xâm chiếm Sy Ri và Y Sơ Ra Ên và vây hãm thủ phủ của Giu Đa, là Giê Ru Sa Lem, A Cha không còn là vua của Giu Đa. Lúc bấy giờ Ê Xê Chia, một vị vua ngay chính đã lên ngôi. Vì Ê Xê Chia đặt sự tin cậy của ông nơi Chúa nên Chúa đã bảo vệ thành Giê Ru Sa Lem chống lại cuộc vây hãm của quân đội A Si Ri. Vào ban đêm, một thiên sứ của Chúa đánh trại quân A Si Ri. Vào buổi sáng, người ta thấy 185.000 quân trong quân đội A Si Ri nằm chết (xin xem 2 Các Vua 19:34–35; 2 Sử Ký 32:21; Ê Sai 37:36).

Những lời tiên tri của Ê Sai trong 2 Nê Phi 19–20 tập trung vào những hình phạt mà sẽ giáng xuống Y Sơ Ra Ên và Giu Đa bởi bàn tay của A Si Ri. Ê Sai cảnh cáo Y Sơ Ra Ên rằng sự hủy diệt và cảnh tù đày sẽ sớm giáng xuống họ, và ông báo trước một cuộc tấn công vào Giu Đa về sau. Những lời tiên tri về Đấng Mê Si trong 2 Nê Phi 17–18 đã được khai triển thêm trong 2 Nê Phi 19–20. Lời tiên tri về Em Ma Nu Ên được bàn rộng ra trong 2 Nê Phi 19 khi Ê Sai hứa về ánh sáng mới và người lãnh đạo mới: Ê Xê Chia về phương diện lịch sử và Đấng Mê Si về phương diện tiên tri. Đây là ví dụ về một lời tiên tri với hai điều ứng nghiệm. Đây cũng là một ví dụ về một biểu tượng, có nghĩa rằng một sự kiện dùng làm một lời tiên tri về một sự kiện tương lai. Lời tiên tri của Ê Sai về sự hủy diệt A Si Ri trong 2 Nê Phi 20 là một loại hủy diệt kẻ tà ác vào Ngày Tái Lâm.

Viết những câu tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng: 2 Nê Phi 19:12, 17, 21; 20:4. Yêu cầu các học sinh nhận ra một cụm từ được lặp lại trong các câu này. Viết cụm từ này lên trên bảng. “Vì tất cả những điều này mà cơn giận dữ của Ngài không nguôi, nhưng tay Ngài vẫn còn giơ ra.”) Giải thích rằng những câu này là về các hậu quả đến với những người phản nghịch chống lại Chúa và từ chối hối cải. Những câu này bày tỏ việc Chúa không hài lòng đối với những người tiếp tục sống trong tội lỗi.

Giải thích rằng trong các đoạn thánh thư khác, những từ tương tự được sử dụng để biểu lộ lòng thương xót của Chúa đối với những người chịu hối cải. Mặc dù Ngài là một Thượng Đế của sự công bình, nhưng Ngài cũng có lòng thương xót vô tận đối với những người chịu đến cùng Ngài. Mời một học sinh đọc to 2 Nê Phi 28:32. Rồi đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Đối với tất cả các anh chị em nào nghĩ rằng mình đã bị lạc đường hay không còn hy vọng, hoặc những người nghĩ rằng mình đã phạm quá nhiều lỗi lầm nghiêm trọng quá lâu, đối với mỗi anh chị em nào nghĩ rằng mình đã bị lâm nạn nơi nào đó trên cánh đồng lạnh lẽo của cuộc đời và đã làm hư hại chiếc xe kéo tay của mình trong cuộc sống, thì đại hội này lặp lại lời sứ điệp mà đã được lặp đi lặp lại nhiều lần của Đức Giê Hô Va: ′Tay ta còn giơ ra′ [xin xem Ê Sai 5:25; 9:17, 21]. ′Ngài phán: ′Ta sẽ đưa tay ra cho chúng, [nhưng chúng] vẫn chối bỏ ta; tuy nhiên, ta sẽ thương xót chúng… nếu chúng biết hối cải mà đến cùng ta; vì tay ta vẫn đưa ra suốt ngày, Đức Chúa Trời Muôn Quân phán vậy′ [2 Nê Phi 28:32]. Lòng thương xót của Ngài tồn tại vĩnh viễn và bàn tay của Ngài vẫn còn dang ra. Tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô là của Ngài, là lòng bác ái không bao giờ hư mất, lòng trắc ẩn đó bền bỉ ngay cả khi tất cả sức mạnh khác mất đi [xin xem Mô Rô Ni 7:46–47]” (“Các Vị Tiên Tri Lại Đến Trong Xứ,” Ensign, tháng Mười Một năm 2006, 106–7).

Mời các học sinh phát biểu bằng lời riêng của họ về lẽ thật họ học được từ những câu này. (Hãy chắc chắn các học sinh hiểu rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Thượng Đế của sự phán xét và thương xót. Lòng thương xót của Ngài được dành cho những người hối cải và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài).

  • Các em sẽ áp dụng nguyên tắc này trong cuộc sống của mình như thế nào?

Ê Sai đã thấy trước rằng trong những ngày sau cùng dân của Chúa sẽ trở lại cùng Ngài và không còn trông cậy vào những mối liên kết tội lỗi để có được sự an toàn và bình an. (Nếu các học sinh tiếp cận được với ấn bản Thánh Hữu Ngày Sau của Kinh Thánh Phiên Bản King James, hãy mời họ đọc Ê Sai 10:20, cước chú c, và giải thích ý nghĩa của từ cậy. Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng, trong văn cảnh này, từ cậy có nghĩa là dựa vào, tin cậy vào, hoặc đặt tin tưởng vào một điều gì đó hay một người nào đó. Đảm bảo với các học sinh rằng khi chúng ta đặt tin tưởng nơi Chúa, thì chúng ta không cần phải sợ những sự đoán phạt mà sẽ đến với dân cư trên thế gian cho đến Ngày Tái Lâm.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

2 Nê Phi 19:6–7. “Quyền cai trị sẽ phủ trên vai Ngài”

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã viết rằng mặc dù chúng ta thường liên kết lời tiên tri của Ê Sai trong 2 Nê Phi 19:6–7 với sự giáng sinh của Đấng Ky Tô, nhưng lời tiên tri đó cũng được ứng nghiệm vào thời kỳ Ngàn Năm:

“Sự kiện rằng quyền cai trị sẽ cuối cùng phủ trên vai Ngài khẳng định rằng điều mà một ngày nào đó tất cả thế gian sẽ nhìn nhận rằng Ngài là Chúa của các chúa và Vua của các vua, rồi một ngày nào đó sẽ đích thân cai trị thế gian và Giáo Hội của Ngài” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 80).

Anh Cả Holland cũng giải thích về ý nghĩa của nhiều danh hiệu khác nhau của Chúa Giê Su Ky Tô trong những câu này:

“Là ′Đấng Mưu Luận Tuyệt Diệu,′ Ngài sẽ là Đấng trung gian, Đấng biện hộ, bênh vực cho chính nghĩa của chúng ta trong tòa án trên thiên thượng.

“Dĩ nhiên, như Ê Sai đã nói, Đấng Ky Tô không những là một Đấng trung gian mà còn là Đấng phán xét nữa [xin xem Mô Si A 3:10; Mô Rô Ni 10:34; Môi Se 6:57]. Chính là trong vai trò phán xét đó mà chúng ta có thể tìm ra được ý nghĩa càng lớn lao hơn trong lời nói được lặp lại của A Bi Na Đi rằng ′Chính Thượng Đế′ sẽ xuống cứu chuộc dân Ngài [Mô Si A 13:28; xin xem thêm Mô Si A 13:34; 15:1; An Ma 42:15]. Điều đó như thể có vị quan tòa trong phòng xử án vĩ đại trên thiên thượng, không muốn nhờ ai đó mà chính bản thân mình chịu gánh nặng của những người phạm tội đang đứng trước vành móng ngựa, cởi áo quan tòa của mình ra và đi xuống thế gian để đích thân chịu những cú quất roi của họ. Khái niệm về Đấng Ky Tô là Đấng phán xét đầy lòng thương xót cũng tuyệt mỹ và tuyệt vời như khái niệm về Đấng Ky Tô là Đấng mưu luận, trung gian và biện hộ.

“‘Thượng Đế toàn năng’ truyền đạt một điều gì đó về quyền năng của Thượng Đế, sức mạnh, tính vạn năng và ảnh hưởng không thể chế ngự được của Ngài. Ê Sai thấy Ngài luôn luôn có thể khắc phục được những ảnh hưởng của tội lỗi và sự phạm giới trong dân Ngài và chiến thắng vĩnh viễn những kẻ sẽ đàn áp con cái Y Sơ Ra Ên.

“‘Đức Chúa Cha Vĩnh Viễn’ nhấn mạnh đến giáo lý cơ bản rằng Đấng Ky Tô là một Đức Cha—Đấng Sáng Tạo vô số thế giới, Đức Cha của sinh mạng đuợc phục hồi qua Sự Phục Sinh, Đức Cha của cuộc sống vĩnh cửu vì các con trai và con gái được sinh ra trong thể linh của Ngài, và Đấng hành động thay cho Đức Chúa Cha (Ê Lô Him) qua việc được trao cho thẩm quyền thiêng liêng. Tất cả mọi người nên tìm cách được Ngài sinh ra và trở thành các con trai và con gái của Ngài [xin xem Mô Si A 5:7].

“Cuối cùng, với cụm từ ‘Hoàng Tử Bình An,’ chúng ta hân hoan khi Vua sẽ đến, sẽ không còn chiến tranh trong lòng con người hoặc ở giữa các quốc gia của thế giới nữa. Đây là vị vua bình an, vua của Sa Lem, thành phố mà sau này trở thành Giê Ru Sa Lem. Đấng Ky Tô sẽ mang bình an đến cho những người chấp nhận Ngài trên thế gian trong bất cứ thời đại nào mà họ đang sống, và Ngài sẽ mang bình an đến cho tất cả những nguời trong vương quốc vinh quang trong thời kỳ ngàn năm và sau thời kỳ ngàn năm của Ngài” (Christ and the New Covenant, 80–82).