Thư Viện
Bài Học 121: 3 Nê Phi 11:18–41


Bài Học 121

3 Nê Phi 11:18–41

Lời Giới Thiệu

Sau khi dân Nê Phi đã tiến lên và sờ vào các vết thương trên tay, chân và hông của Đấng Cứu Rỗi thì Chúa ban cho Nê Phi và những người khác quyền năng để làm phép báp têm và thực hiện các chức năng khác của chức tư tế. Đấng Cứu Rỗi cũng cảnh báo dân chúng phải tránh tranh cãi và hứa rằng những người sống theo giáo lý của Ngài sẽ thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

3 Nê Phi 11:18–27

Chúa Giê Su Ky Tô ban cho Nê Phi và những người khác quyền năng để làm phép báp têm

Trước khi lớp học bắt đầu, hãy viết các câu hỏi sau đây lên trên bảng: Ai có thể làm phép báp têm cho tôi? Phép báp têm được thực hiện như thế nào?

Nếu các anh chị em dạy một hoặc vài học sinh mới gần đây gia nhập Giáo Hội, thì các anh chị em có thể bắt đầu bài học này bằng cách yêu cầu họ chia sẻ một số kinh nghiệm của họ trong khi học hỏi về Giáo Hội. Hỏi họ xem họ đã có tự hỏi về các câu trả lời cho hai câu hỏi ở trên bảng không khi họ quyết định chịu phép báp têm.

Các anh chị em cũng có thể bắt đầu bài học này bằng cách mời học sinh tưởng tượng rằng một trong những người bạn của họ mới gần đây đã quyết định gia nhập Giáo Hội và hỏi họ hai câu hỏi ở trên bảng. Yêu cầu học sinh giải thích cách họ có thể trả lời những câu hỏi này. Hoặc các anh chị em có thể muốn mời hai học sinh đóng diễn một cuộc thảo luận giữa một tín hữu Giáo Hội và người bạn của họ bằng cách sử dụng những câu hỏi này.

Nhắc nhở học sinh rằng trong bài học trước, họ đã học về sự hiện đến của Chúa Giê Su Ky Tô cùng một nhóm người Nê Phi. Chúa Giê Su Ky Tô đã mời gọi họ tự chứng kiến Sự Phục Sinh và thiên tính của Ngài bằng cách sờ tay vào vết thương ở tay, chân và bên hông Ngài. Giải thích rằng ngay sau kinh nghiệm này, Đấng Cứu Rỗi đã dạy cho dân chúng giáo lý của Ngài, đó là phải tin tưởng nơi Ngài, chịu phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh.

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 11:18–22. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm các câu trả lời cho câu hỏi Ai có thể làm phép báp têm cho tôi? Yêu cầu một học sinh viết các câu trả lời lên trên bảng dưới câu hỏi. Mặc dù học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần nhận ra lẽ thật sau đây: Phép báp têm phải được thực hiện bởi một người nắm giữ thẩm quyền thích hợp. (Nếu ý kiến này chưa được viết lên trên bảng, thì các anh chị em có thể muốn thêm vào bản liệt kê các câu trả lời).

Để giúp học sinh hiểu rõ thêm về lẽ thật này, các anh chị em có thể giải thích vắn tắt rằng phép báp têm chỉ có thể được thực hiện bởi một người nắm giữ chức phẩm thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn (xin xem GLGƯ 20:46) hoặc bởi một người đã được ban cho Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (xin xem GLGƯ 20:38–39; 107:10–11). Ngoài ra, người này phải hành động dưới sự hướng dẫn của một vị lãnh đạo chức tư tế là người nắm giữ các chìa khóa của chức tư tế cần thiết để cho phép thực hiện giáo lễ này (chẳng hạn như một vị giám trợ, chủ tịch chi nhánh, hoặc chủ tịch phái bộ truyền giáo).

  • Các em nghĩ tại sao Chúa đòi hỏi giáo lễ báp têm phải được thực hiện bởi một người nắm giữ chức tư tế được ủy quyền?

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 11:23–27. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm các câu trả lời cho câu hỏi Phép báp têm được thực hiện bằng cách nào? Yêu cầu một học sinh viết các câu trả lời của họ lên trên bảng dưới câu hỏi đó.

  • Điều gì được thực hiện trong một lễ báp têm nếu những lời của giáo lễ này không được nói đúng hoặc nếu người chịu phép báp têm không được dìm mình hoàn toàn dưới nước? (Giáo lễ được lặp lại). Chúng ta có thể học được lẽ thật nào từ điều này? (Mặc dù học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần nhận ra lẽ thật sau đây: Phép báp têm phải được thực hiện theo cách Chúa đã quy định. Các anh chị em có thể muốn viết lời phát biểu này lên trên bảng).

  • Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để phép báp têm được thực hiện một cách chính xác theo cách Chúa đã quy định?

Để giúp học sinh cảm nhận được tầm quan trọng của các lẽ thật các anh chị em đã thảo luận trong 3 Nê Phi 11:18–27, các anh chị em có thể muốn hỏi một số câu hỏi sau đây:

  • Các em có những cảm nghĩ nào khi được báp têm? Việc biết được rằng các em được làm phép báp têm bởi một người đang nắm giữ thẩm quyền thích hợp và theo cách thức do Chúa quy định có ý nghĩa gì đối với các em?

  • Gần đây các em có chứng kiến một lễ báp têm không? Các em đã có những cảm nghĩ nào?

Nếu có bất cứ học sinh nào của các anh chị em nắm giữ chức phẩm thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn, hãy hỏi:

  • Việc biết rằng các em có thẩm quyền làm phép báp têm ảnh hưởng đến các em như thế nào? (Các anh chị em có thể muốn tìm hiểu xem có bất cứ học sinh nào trong lớp học của các anh chị em đã có cơ hội để làm phép báp têm cho một người nào đó. Nếu có, mời họ chia sẻ điều họ cảm thấy và học được trong kinh nghiệm đó của họ).

Các anh chị em có thể muốn chia sẻ kinh nghiệm và cảm nghĩ của mình về giáo lễ báp têm thiêng liêng.

3 Nê Phi 11:28–30

Chúa Giê Su Ky Tô cảnh báo rằng sự tranh chấp là thuộc về quỷ dữ

Viết từ tranh chấp lên trên bảng.

  • Tranh chấp là gì? (Tranh luận, xung đột hay tranh cãi).

Mời học sinh liệt kê ngắn gọn trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư một số tình huống hay sinh hoạt mà trong đó có thể gây ra tranh chấp. Sau khi học sinh đã có đủ thời gian để viết, hãy yêu cầu một học sinh đọc to 3 Nê Phi 11:28–30. Mời lớp học dò theo cùng nhận ra điều mà một số người Nê Phi tranh chấp với nhau.

  • Một số người Nê Phi hiển nhiên đã tranh chấp với nhau về điều gì? (Giáo lễ báp têm [xin xem thêm 3 Nê Phi 11:22] và giáo lý của Đấng Ky Tô).

  • Theo 3 Nê Phi 11:29 thì tinh thần tranh chấp từ đâu mà ra? (Viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Tinh thần tranh chấp không thuộc vào Thượng Đế, mà thuộc vào quỷ dữ. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đánh dấu lẽ thật này trong 3 Nê Phi 11:29).

  • Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để tránh việc tranh chấp khi thảo luận phúc âm với những người khác? Tại sao việc tranh luận là cách sai lầm để giảng dạy phúc âm? (Học sinh có thể đưa ra một loạt các câu trả lời khác nhau, nhưng hãy chắc chắn là họ hiểu rằng khi chúng ta tranh chấp hay tranh luận với người khác về phúc âm, thì Đức Thánh Linh sẽ không còn hiện diện để giúp chúng ta giảng dạy hoặc làm chứng về lẽ thật trong lòng của những người chúng ta đang giảng dạy nữa).

Để nhấn mạnh đến một hậu quả quan trọng của sự tranh chấp, hãy viết lên trên bảng lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích học sinh viết lời phát biểu đó trong thánh thư của họ bên cạnh 3 Nê Phi 11:29. (Lời phát biểu này được tìm thấy trong “What I Want My Son to Know before He Leaves on His Mission,” Ensign, tháng Năm năm 1996, 41).

“Khi có tranh chấp, Thánh Linh của Chúa sẽ rời khỏi bất kể ai là người có lỗi” (Chủ Tịch James E. Faust).

  • Khi nào các em đã cảm thấy Thánh Linh của Chúa rời khỏi vì sự tranh chấp? Làm thế nào các em biết được là Thánh Linh đã rời khỏi?

Nêu ra rằng lời phán của Đấng Cứu Rỗi về sự tranh chấp trong 3 Nê Phi 11:30: “Giáo lý của ta là những việc như vậy phải được hủy bỏ.”

  • Bằng cách nào chúng ta có thể “hủy bỏ” sự tranh chấp và tranh cãi? (Các câu trả lời có thể gồm có những điều sau đây: Chúng ta có thể tìm cách làm người hòa giải [xin xem 3 Nê Phi 12:9]. Chúng ta có thể cầu nguyện để có được sự khôn ngoan và lòng kiên nhẫn để khắc phục sự tranh chấp. Chúng ta có thể cố gắng tránh những tình huống mà trong đó chúng ta có thể bị cám dỗ để tranh chấp với những người khác).

  • Khi nào các em đã cảm thấy được phước vì các nỗ lực của các em để tránh hoặc khắc phục sự tranh chấp?

  • Làm thế nào việc ghi nhớ những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 11:29–30 có thể giúp đỡ các em khi thấy mình bị lâm vào trong một tình huống tranh cãi hoặc có thể trở thành tranh cãi?

Các anh chị em có thể muốn chia sẻ một kinh nghiệm của các anh chị em khi cảm thấy được phước vì những nỗ lực của các anh chị em để tránh hoặc khắc phục sự tranh chấp. Để khuyến khích học sinh áp dụng điều họ đã học được từ 3 Nê Phi 11:28–30, hãy mời họ tham khảo lại bản liệt kê các tình huống hay sinh hoạt mà trong đó họ có thể có khuynh hướng rơi vào tình huống tranh chấp. Mời họ đặt ra và viết xuống một mục tiêu về cách họ sẽ cố gắng tránh hoặc khắc phục sự tranh chấp trong một tình huống hay sinh hoạt họ đã liệt kê.

3 Nê Phi 11:31–41

Chúa Giê Su Ky Tô tuyên phán giáo lý của Ngài

Để chuẩn bị cho học sinh học 3 Nê Phi 11:31–41, hãy viết điều sau đây lên trên bảng:

Action

Mời học sinh nói vắn tắt với một người bạn cùng lớp một điều họ đã làm gần đây mà dẫn đến một kết quả tích cực và giải thích kết quả đó là gì. Các anh chị em cũng có thể yêu cầu họ nói về một điều họ đã làm hay thấy mà dẫn đến một hậu quả tiêu cực. (Hãy lưu ý học sinh không nên chia sẻ bất cứ điều gì mà có thể không thích hợp hoặc quá riêng tư).

Đọc to 3 Nê Phi 11:31 cho lớp học nghe. Giải thích rằng phần còn lại của 3 Nê Phi 11 chứa đựng lời tuyên phán của Chúa Giê Su Ky Tô về giáo lý của Ngài cho dân Nê Phi. Chương này cũng nêu ra những kết quả của việc chấp nhận hay bác bỏ giáo lý của Ngài.

Viết các đoạn tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng: 3 Nê Phi 11:32–34; 3 Nê Phi 11:35–36; 3 Nê Phi 11:37–38; 3 Nê Phi 11:39–40. Chia học sinh ra thành từng cặp, và chỉ định mỗi cặp nghiên cứu một trong các đoạn thánh thư. Yêu cầu họ nhận ra các hành động và kết quả mà Chúa Giê Su đã dạy. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh so sánh những lời giảng dạy này với tín điều thứ tư).

Sau khi học sinh đã có đủ thời gian để nghiên cứu, hãy yêu cầu một vài người trong số họ báo cáo các hành động và kết quả mà họ đã tìm thấy trong các câu thánh thư được chỉ định cho họ. Mời họ viết những câu trả lời của họ lên trên bảng dưới Hành Động hoặc Kết Quả. Khi học sinh báo cáo về mỗi đoạn, hãy hỏi những câu hỏi tương ứng ở bên dưới.:

Đối với các cặp học sinh đã được chỉ định cho 3 Nê Phi 11:32–34, hãy hỏi:

  • Bằng cách nào Đức Thánh Linh giúp chúng ta tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Cha Thiên Thượng? ( Đức Thánh Linh làm chứng về Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô). Khi nào Đức Thánh Linh đã làm chứng với các em về sự thực tế và tình yêu thương của Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô?

Đối với các cặp học sinh đã được chỉ định cho 3 Nê Phi 11:35–36, hãy hỏi:

  • Theo những câu thánh thư này, bằng cách nào việc chọn tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô mời ảnh hưởng của Đức Thánh Linh vào cuộc sống của chúng ta?

Đối với các cặp học sinh được chỉ định cho 3 Nê Phi 11:37–38, hãy hỏi:

  • Các em đã thấy điều gì tương tự giữa 3 Nê Phi 11:373 Nê Phi 11:38?

  • Các thuộc tính tốt của một trẻ nhỏ là gì? Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để ″trở thành như trẻ nhỏ″?

Đối với các cặp đã được chỉ định cho 3 Nê Phi 11:39–40, hãy hỏi:

  • Những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi trong những câu này nhấn mạnh như thế nào về tầm quan trọng của sự lựa chọn của chúng ta để tuân theo hoặc không tuân theo giáo lý của Ngài?

Yêu cầu học sinh tóm lược những hành động chính mà Chúa Giê Su Ky Tô đã dạy rằng chúng ta cần phải làm để được vào vương quốc thượng thiên. Học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần phải bày tỏ lẽ thật sau đây: Để được vào vương quốc thiên thượng, chúng ta phải hối cải, tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, chịu phép báp têm và tiếp nhận Đức Thánh Linh. Các anh chị em có thể muốn kết thúc bằng cách chia sẻ chứng ngôn của mình về lẽ thật này. Khuyến khích học sinh sống theo giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô để họ sẽ có thể thừa hưởng vương quốc của Thượng Đế. Các anh chị em cũng có thể muốn nhắc nhở họ phải cố gắng với các mục tiêu của họ để tránh và khắc phục sự tranh chấp.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

3 Nê Phi 11:19–22. Chúa Giê Su Ky Tô đã ban cho Nê Phi thẩm quyền để làm báp têm

Tại sao tiên tri Nê Phi và những người khác cần phải nhận được thẩm quyền để làm báp têm khi họ đã thực hiện giáo lễ đó trước khi Đấng Cứu Rỗi đến? Hãy cân nhắc việc chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

″Mặc dù những người Nê Phi này có thẩm quyền để làm báp têm trong gian kỳ Mosaic thời xưa, nhưng Đấng Ky Tô đã gọi Nê Phi tiến ra để xác nhận thẩm quyền chức tư tế của ông để làm phép báp têm trong gian kỳ phúc âm mới, và có lẽ cùng lúc để sắc phong cho ông chức vụ sứ đồ. Sau đó Ngài gọi một nhóm khác tiến ra, chỉ dẫn cho họ cách làm báp têm và lưu ý rằng sẽ ′không còn có sự tranh luận nào′ xảy ra giữa họ về giáo lý quan trọng này nữa″ (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 259–60).

3 Nê Phi 11:28 SA. Đừng tranh cãi về các điểm của giáo lý

Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích lý do tại sao là điều quan trọng để Các Thánh Hữu Ngày Sau phải tránh việc tranh cãi:

“Vì quyền năng … ở trong Thánh Linh của Chúa, nên chúng ta chớ bao giờ trở nên thích tranh cãi khi chúng ta thảo luận về đức tin của mình. Như hầu hết mỗi người truyền giáo đều biết, việc tranh luận về Kinh Thánh luôn luôn làm cho Thánh Linh rút lui. Đấng Cứu Rỗi đã phán: ′Kẻ nào còn tinh thần tranh chấp thì kẻ đó không thuộc về ta’ (3 Nê Phi 11:29). Việc các tín hữu Giáo Hội phản ứng theo một cách thức không giống như Đấng Ky Tô đối với những lời chỉ trích rằng Giáo Hội không phải là Ky Tô giáo là điều đáng tiếc hơn! Cầu xin cho những cuộc chuyện trò của chúng ta với những người khác luôn luôn được đánh dấu bằng trái của Thánh Linh—‘lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, [và] tiết độ’ (Ga La Ti 5:22–23)” (“Sự Can Đảm của Ky Tô Hữu: Cái Giá để Làm Môn Đồ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 73).

3 Nê Phi 11:33–34. Giáo lễ báp têm là thiết yếu

Tiên Tri Joseph Smith đã dạy rằng giáo lễ báp têm là thiết yếu để bước vào vương quốc của Thượng Đế:

″Phép báp têm là một dấu hiệu cho Thượng Đế, các thiên sứ, và thiên thượng biết rằng chúng ta làm theo ý muốn của Thượng Đế, và không có cách nào khác dưới gầm trời mà theo đó Thượng Đế đã chỉ định cho loài người phải đến với Ngài để được cứu rỗi, và bước vào vương quốc của Thượng Đế, ngoại trừ đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, và phép báp têm để được xá miễn các tội lỗi, và bất cứ đường lối nào khác đều là vô ích; sau đó các [anh chị] em có lời hứa về ân tứ Đức Thánh Linh” (Teachings of Presidents of the Church: Joseph Smith [2007], 91).