Thư Viện
Bài học 139: Mặc Môn 5–6


Bài Học 139

Mặc Môn 5–6

Lời Giới Thiệu

Mặc Môn tiên tri rằng biên sử của ông sẽ ra đời trong những ngày sau cùng để thuyết phục những người đọc sách rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Ông khuyến khích những người sẽ đọc biên sử để hối cải và chuẩn bị cho sự phán xét của họ trước mặt Thượng Đế. Ở giữa dân của mình, Mặc Môn đã cân nhắc lại việc từ chức của ông với tư cách là vị chỉ huy quân đội Nê Phi, và rồi đồng ý lãnh đạo họ trong trận chiến một lần nữa. Tuy nhiên, dân chúng từ chối hối cải, và họ bị dân La Man đuổi theo cho đến khi toàn thể dân tộc Nê Phi bị tiêu diệt. Khi Mặc Môn nhìn quang cảnh này của cái chết và sự hủy diệt, thì ông than khóc cho sự sa ngã của dân ông và sự không sẵn lòng trở lại với Chúa Giê Su Ky Tô.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Mặc Môn 5:1–9

Mặc Môn quyết định chỉ huy quân đội Nê Phi một lần nữa, nhưng dân La Man chiến thắng

Hãy đề cập đến một thiên tai mà có thể là một mối đe dọa trong khu vực của các anh chị em—ví dụ, một trận động đất, sóng thần, núi lửa phun, hay bão biển. Yêu cầu học sinh tưởng tượng rằng họ đã được cảnh báo là thiên tai này này sẽ xảy ra trong cộng đồng của họ trong một vài ngày nữa.

  • Các em sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu?

Nhắc nhở học sinh rằng dân Nê Phi đối phó với mức độ nguy hiểm tương tự, nhưng thảm họa sắp xảy ra của họ là phần thuộc linh. Cũng nên nhắc các học sinh nhớ rằng dân Nê Phi đang có chiến tranh và vì sự tà ác của họ, Mặc Môn đã từ chối chỉ huy quân đội của họ (xin xem Mặc Môn 3:16).

Mời một học sinh đọc to Mặc Môn 5:1–2. Yêu cầu lớp học dò theo và nhận ra người nào mà dân Nê Phi đã tin là có thể giải thoát cho họ khỏi những hoạn nạn của họ.

  • Mặc dù sự thật là Mặc Môn có thể chỉ huy dân Nê Phi trong một trận chiến quân sự, nhưng tại sao Mặc Môn tin rằng mọi người sẽ không được giải thoát khỏi nỗi hoạn nạn?

  • Chúng ta có thể học được gì từ Mặc Môn 5:1–2 về nơi nào chúng ta phải tìm đến trước hết để được giúp đỡ trong cảnh hoạn nạn của chúng ta? (Chúng ta nên trước hết tìm đến Thượng Đế, là Đấng sẽ đáp ứng với những người hối cải và kêu cầu Ngài để giúp đỡ trong nỗi hoạn nạn của họ).

Tóm lược Mặc Môn 5:3–7 bằng cách giải thích rằng dưới sự lãnh đạo của Mặc Môn, dân Nê Phi đã đẩy lùi được một vài đợt tấn công của dân La Man. Nhưng cuối cùng dân La Man “đã chà đạp dân Nê Phi dưới chân chúng” (Mặc Môn 5:6). Khi dân Nê Phi rút lui, những người không thể chạy nhanh kịp đều bị hủy diệt.

Mời một học sinh đọc Mặc Môn 5:8–9. Yêu cầu lớp học tìm kiếm lý do của Mặc Môn về việc đã không viết một truyện ký đầy đủ về những điều ông đã thấy.

  • Tại sao Mặc Môn không đưa ra một phần mô tả đầy đủ về điều ông đã chứng kiến?

Mặc Môn 5:10–24

Mặc Môn giải thích rằng mục đích của biên sử Sách Mặc Môn là để thuyết phục dân chúng phải tin vào Chúa Giê Su Ky Tô

Mời một học sinh đọc to Mặc Môn 5:10–11. Yêu cầu lớp học dò theo và nhận ra một từ mà Mặc Môn đã sử dụng ba lần để mô tả cảm nghĩ của những người trong những ngày sau cùng khi họ đã học được về sự sa ngã của dân tộc Nê Phi. (Ông nói rằng chúng ta sẽ “buồn rầu”).

  • Các em thấy điều gì thật là buồn về truyện ký này?

Hướng sự chú ý của học sinh đến lời phát biểu của Mặc Môn trong Mặc Môn 5:11 rằng nếu dân của ông đã hối cải, thì họ sẽ “được ôm chặt trong cánh tay của Chúa Giê Su.”

  • Các em nghĩ việc “được ôm chặt trong cánh tay của Chúa Giê Su” có nghĩa là gì? (Các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng từ ôm chặt có nghĩa là được ghì chặt).

  • Cụm từ này dạy cho chúng ta điều gì về kết quả của sự hối cải của chúng ta? (Giúp học sinh nhận ra nguyên tắc sau đây: Qua sự hối cải, chúng ta có thể được “ôm chặt trong cánh tay của Chúa Giê Su.” Viết nguyên tắc này lên trên bảng).

Để giúp học sinh hiểu rõ hơn nguyên tắc này, hãy mời một trong số họ đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Kent F. Richards thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

“Tất cả những ai chịu đến có thể ‘được ôm chặt trong cánh tay của Chúa Giê Su.’ [Mặc Môn 5:11.] Tất cả những tâm hồn đều có thể được quyền năng của Ngài chữa lành. Tất cả những nỗi đau đớn có thể được xoa dịu. ‘Linh hồn [chúng ta] có thể được yên nghỉ’ nơi Ngài. [Ma Thi Ơ 11:29.] Hoàn cảnh trên trần thế của chúng ta có thể không thay đổi ngay lập tức, nhưng nỗi đau đớn, lo lắng, khổ sở và sợ hãi của chúng ta có thể biến mất trong sự bình an và hương liệu chữa lành của Ngài” (“Sự Chuộc Tội Chữa Lành Mọi Nỗi Đau Đớn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2011, 16).

Mời học sinh viết một câu trả lời cho một trong các câu hỏi sau đây trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư. (Các anh chị em có thể muốn viết những câu hỏi này lên trên bảng hoặc đọc chậm để học sinh có thể viết).

  • Các em đã cảm thấy “được ôm chặt trong cánh tay của Chúa Giê Su” vào lúc nào?

  • Các em có thể làm điều gì để hoàn toàn nhận được sự an ủi, bảo vệ, và tha thứ của Chúa?

Giải thích rằng Mặc Môn 5:12–13 chứa đựng lời tiên tri của Mặc Môn rằng những bài viết của ông sẽ được cất giấu và sau đó được cho ra đời để được tất cả mọi người đọc. Mời học sinh đọc thầm Mặc Môn 5:14–15 cùng tìm kiếm điều mà Chúa có ý định đối với những bài viết của Mặc Môn để làm cho dân chúng trong những ngày sau cùng. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đánh dấu các cụm từ quan trọng đối với họ.

  • Theo Mặc Môn 5:14–15, mục đích của Sách Mặc Môn là gì? (Hãy chắc chắn rằng học sinh bày tỏ rằng Sách Mặc Môn được viết ra để thuyết phục mọi người rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, để giúp Thượng Đế làm tròn giao ước của Ngài với gia tộc Y Sơ Ra Ên, và để giúp con cháu của dân La Man tin vào phúc âm một cách trọn vẹn hơn).

Khi học sinh trả lời rằng những bài viết của Mặc Môn là nhằm thuyết phục mọi người rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, hãy chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về điều này là mục đích chính của Sách Mặc Môn.

  • Mục đích chính này của Sách Mặc Môn ban phước cho những người đọc sách trong những phương diện nào?

  • Việc các em nghiên cứu Sách Mặc Môn đã giúp các em tin tưởng và yêu mến Chúa Giê Su Ky Tô trọn vẹn hơn như thế nào?

Hãy nêu ra rằng Sách Mặc Môn hiện đang giúp nhiều người hối cải và được “được ôm chặt trong cánh tay của Chúa Giê Su” nhưng cũng vẫn còn có rất nhiều người từ chối tin vào Đấng Ky Tô.

Ở trên bảng, bên cạnh nguyên tắc về sự hối cải mà các anh chị em đã viết trước đó trong bài học, hãy viết điều như sau: Nếu chúng ta từ chối hối cải … Mời một học sinh đọc to Mặc Môn 5:16–19, và yêu cầu lớp học tìm kiếm các kết quả của sự từ chối hối cải của dân Nê Phi. Yêu cầu học sinh sử dụng điều họ khám phá ra trong các câu này để hoàn tất câu ở trên bảng. Khi họ trả lời, các anh chị em có thể hỏi một số câu hỏi sau đây để giúp họ hiểu được các từ và cụm từ trong các câu này:

  • Các em nghĩ việc “sống không có Đấng Ky Tô và Thượng Đế trong thế gian này” có nghĩa là gì? (Mặc Môn 5:16). (Các câu trả lời có thể có nghĩa là sống mà không có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô hoặc Cha Thiên Thượng và không có ảnh hưởng và sự hướng dẫn thiêng liêng).

  • Trấu là cái vỏ mỏng ở bên ngoài của hạt thóc. Khi hạt thóc được thu hoạch, trấu bị loại bỏ. Các em nghĩ cụm từ “chẳng khác chi trấu bay trước gió” có nghĩa là gì? (Mặc Môn 5:16).

  • Việc ở trên một chiếc thuyền mà không có cách nào để kéo buồm hoặc lái thuyền và không có cái neo thì sẽ ra sao? (Xin xem Mặc Môn 5:18). Tình huống này tương tự như thế nào với tình huống của dân Nê Phi?

  • Những lời của Mặc Môn dạy chúng ta điều gì về những người từ chối hối cải? (Các câu trả lời của học sinh phải cho thấy rằng việc từ chối hối cải đưa đến việc bị mất sự hướng dẫn từ Chúa. Hoàn tất lời phát biểu ở trên bảng bằng cách viết lẽ thật sau đây: Nếu chúng ta từ chối hối cải thì Thánh Linh sẽ rút lui và chúng ta sẽ mất đi sự hướng dẫn của Chúa).

Yêu cầu học sinh yên lặng suy ngẫm việc họ đã trông thấy nguyên tắc này trong cuộc sống của họ hoặc trong cuộc sống của những người khác như thế nào.

Mời học sinh nhanh chóng xem lại Mặc Môn 5:11, 16–18 và hai nguyên tắc mà các anh chị em đã viết lên trên bảng.

  • Bằng lời riêng của chính mình, làm thế nào các em bày tỏ sự khác biệt giữa kết quả của việc chân thành hối cải và kết quả của việc từ chối hối cải?

Mời học sinh đọc thầm Mặc Môn 5:22–24 cùng tìm kiếm điều mà Mặc Môn đã khuyên nhủ những người trong những ngày sau phải làm. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đánh dấu những điều họ tìm thấy.

Làm chứng về lẽ thật của hai nguyên tắc trái ngược ở trên bảng.

Mặc Môn 6

Mặc Môn kể lại trận chiến cuối cùng của dân Nê Phi và than khóc cho sự hủy diệt của dân ông

Hãy hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Các em cảm thấy như thế nào trước cái chết của một người thân yêu là người đã trung tín suốt đời với Thượng Đế?

  • Các em có thể cảm thấy như thế nào trước cái chết của một người thân yêu là người đã suốt đời không tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế?

Giải thích rằng Mặc Môn cảm thấy vô cùng đau buồn trước cái chết của tất cả dân của ông vì ông biết họ chưa sẵn sàng để gặp Thượng Đế. Tóm lược Mặc Môn 6:1–6 bằng cách giải thích rằng dân La Man đã cho phép dân Nê Phi quy tụ lại tại xứ Cơ Mô Ra cho một trận chiến cuối cùng. Mặc Môn đã già, và ông biết rằng đây sẽ là “cuộc chiến đấu cuối cùng của dân [ông]” (Mặc Môn 6:6). Ông giao phó một vài biên sử thiêng liêng cho con trai Mô Rô Ni của ông, và ông cất giấu phần còn lại của các biên sử dưới ngọn Đồi Cơ Mô Ra. Ông ghi lại điều ông đã chứng kiến về cảnh hủy diệt cuối cùng của dân ông. Yêu cầu học sinh đọc thầm Mặc Môn 6:7–15 cùng suy nghĩ về cảm giác Mặc Môn có thể có khi ông viết những lời này.

  • Các em nghĩ tại sao dân Nê Phi chờ đợi cái chết với “vẻ sợ hãi khủng khiếp”? Mặc Môn 6:7).

Đọc to Mặc Môn 6:16–22 cho học sinh nghe trong khi họ dò theo trong thánh thư của họ. Sau đó yêu cầu họ viết trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về những ý nghĩ và ấn tượng đã đến với họ khi họ đọc và lắng nghe những câu này. Sau khi đủ thời gian, các anh chị em có thể muốn cho họ một cơ hội để chia sẻ một số ý nghĩ mà họ đã viết xuống.

Làm chứng với học sinh về tình yêu thương mà Cha Thiên Thượng, Chúa Giê Su Ky Tô, các vị tiên tri, các vị lãnh đạo, và các bậc cha mẹ đã dành cho họ. Khuyến khích họ thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và hối cải tội lỗi để họ có thể “được ôm chặt trong cánh tay của Chúa Giê Su” (Mặc Môn 5:11).

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Mặc Môn 5:11. “Được ôm chặt trong cánh tay của Chúa Giê Su”

Anh Cả Russell M. Nelson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích mối liên hệ giữa từ Sự Chuộc Tội và cụm từ “được ôm chặt trong cánh tay của Chúa Giê Su”:

“Ý nghĩa dồi dào được tìm thấy trong việc nghiên cứu từ sự chuộc tội trong các ngôn ngữ Xê Mít trong thời Cựu Ước. Trong tiếng Hê Bơ Rơ, từ cơ bản cho sự chuộc tội là kaphar, là một động từ có nghĩa là ‘bao phủ’ hoặc ‘tha thứ.’ Liên quan chặt chẽ với nhau là từ kafat,,trong tiếng Xy Ri và tiếng Ả Rập có nghĩa là ‘một cái ôm chặt’— chắc chắn là liên quan đến nghi lễ ôm ghì của người Ai Cập. Những câu thánh thư đề cập đến cái ôm ghì đó rất hiển nhiên trong Sách Mặc Môn. Một câu nói rằng ‘Chúa đã cứu chuộc linh hồn cha … ; cha đã nhìn thấy sự vinh quang của Ngài, và cha đang được bảo bọc vĩnh viễn trong vòng tay thương yêu của Ngài.’ [2 Nê Phi 1:15.] ] Một câu khác nói về niềm hy vọng vinh quang của việc chúng ta ‘được ôm chặt trong cánh tay của Chúa Giê Su.’Mặc Môn 5:11.]” (“The Atonement,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 34).

Mặc Môn 5:16. Khi Thánh Linh của Chúa bỏ đi

Chủ Tịch Harold B. Lee nói:

“Mặc Môn mô tả một số người, dân của ông, mà Thánh Linh của Chúa đã bỏ họ đi [xin xem 2 Nê Phi 26:11]. … Dường như rõ ràng đối với tôi điều mà ông nói không phải chỉ là không có khả năng để có được sự đồng hành hoặc ân tứ của Đức Thánh Linh, mà ông nói về ánh sáng đó của lẽ thật [Ánh Sáng của Đấng Ky Tô] mà mỗi một người sinh ra trên thế gian đã nhận được và sẽ không bao giờ ngừng phấn đấu với cá nhân, trừ khi họ mất ánh sáng đó qua sự phạm tội của mình” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1956, 108).

Mặc Môn 6:16–22. Đừng chối bỏ vòng tay mở rộng của Đấng Ky Tô

Mặc Môn than khóc về cái chết của dân ông và buồn rầu vì họ đã không thay đổi cách sống của họ. Ông nói rằng nếu họ bỏ qua một bên tính kiêu ngạo và hối cải tội lỗi của mình, thì cuộc xum họp của họ với Đấng Cứu Rỗi sẽ rất vui (xin xem Mặc Môn 6:17). Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mô tả niềm vui chúng ta sẽ cảm thấy nếu chúng ta đã tự chuẩn bị mình để đứng trước mặt Chúa trong Ngày Phán Xét:

“Chúng ta mong mỏi các phước lành tột bậc của Sự Chuộc Tội—để trở nên một với Ngài, để được ở nơi hiện diện thiêng liêng của Ngài, để được Ngài gọi bằng tên từng người một khi Ngài nồng nhiệt đón chúng ta về nhà với một nụ cười rạng rỡ, gật đầu ra hiệu cho chúng ta với vòng tay mở rộng để được bao bọc trong tình thương bao la của Ngài. Kinh nghiệm này sẽ vinh quang và cao quý biết bao nếu chúng ta có thể cảm thấy đủ xứng đáng để ở nơi hiện diện của Ngài! Sự ban cho không của sự hy sinh chuộc tội cao quý của Ngài cho mỗi người chúng ta là cách thức duy nhất mà chúng ta có thể được tôn cao để đứng trước mặt Ngài và trực tiếp trông thấy được Ngài. Sứ điệp lớn lao về Sự Chuộc Tội là tình thương yêu trọn vẹn mà Đấng Cứu Rỗi ban cho mỗi người và tất cả chúng ta. Đó là tình thương yêu đầy lòng thương xót, kiên nhẫn, ân điển, công bằng, nhịn nhục, và nhất là, sự tha thứ.

“Ảnh hưởng tà ác của Sa Tan sẽ hủy diệt bất cứ hy vọng nào mà chúng ta có trong việc khắc phục lỗi lầm của mình. Nó sẽ làm cho chúng ta cảm thấy rằng chúng ta đang lạc đường và không còn hy vọng. Ngược lại, Chúa Giê Su cúi xuống để nâng chúng ta lên. Qua sự hối cải của chúng ta và ân tứ của Sự Chuộc Tội, chúng ta có thể chuẩn bị để được xứng đáng đứng nơi hiện diện của Ngài” (“Sự Chuộc Tội: Niềm Hy Vọng Lớn Nhất của Chúng Ta,” Ensign, tháng Mười Một năm 2001, 20).