Bài Học Tự Học ở Nhà
3 Nê Phi 17–22 (Đơn Vị 26)
Lời Giới Thiệu
Bài học này có thể giúp học sinh hiểu được lòng dịu dàng và thương xót mà Đấng Cứu Rỗi cảm nhận đối với dân Ngài. Ngoài ra, khi học sinh xem lại lời khuyên dạy của Chúa phải cầu nguyện, họ có thể cân nhắc những cách để làm cho những lời cầu nguyện riêng cá nhân và chung gia đình của họ có ý nghĩa hơn.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
3 Nê Phi 17
Đấng Cứu Rỗi chữa lành người bệnh, cầu nguyện lên Đức Chúa Cha thay cho dân chúng, và ban phước cho con cái của họ
Mời học sinh nghĩ về người chu đáo nhất mà họ biết được. Sau đó hỏi: Các em đã nghĩ tới ai? Người này cho thấy tình yêu thương đối với những người khác và các em như thế nào?
Trưng bày hình Chúa Giê Su Chữa Lành dân Nê Phi (Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 83) và Chúa Giê Su Ban Phước cho Các Trẻ Em Nê Phi (Sách Họa Phẩm Phúc Âm số 84). Sau đó hỏi: Các em đã học được gì về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi dành cho dân chúng trong khi học Sách Mặc Môn trong tuần qua?
Viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Đấng Cứu Rỗi cảm thấy lòng trắc ẩn lớn lao đối với chúng ta. Ở bên dưới lời phát biểu này, viết câu tham khảo thánh thư sau đây: 3 Nê Phi 17:7, 9, 11, 15–17, 21, 24. Mời học sinh xem lại những câu này và chọn một câu mà đặc biệt cho thấy lẽ thật được viết trên bảng. Sau khi đã đủ thời gian, các anh chị em có thể muốn hỏi những câu hỏi sau đây:
-
Câu thánh thư mà các em đã chọn cho thấy rằng Đấng Cứu Rỗi cảm thấy lòng trắc ẩn lớn lao đối với chúng ta như thế nào?
-
Các em học được điều gì về Đấng Cứu Rỗi từ sự kiện rằng Ngài đã phục sự dân chúng “từng người một”? (3 Nê Phi 17:21).
-
Làm thế nào việc biết được lòng trắc ẩn của Đấng Cứu Rỗi có thể giúp các em thực hành đức tin lớn lao hơn nơi Ngài và cảm thấy tình yêu thương lớn lao hơn dành cho Ngài?
3 Nê Phi 18–19
Chúa Giê Su đã dạy dân chúng phải cầu nguyện lên Đức Chúa Cha luôn luôn và phải nhóm họp với nhau thường xuyên
Chia học sinh ra thành từng cặp, và yêu cầu mỗi cặp học sinh lập ra một bản liệt kê gồm có năm cám dỗ gay go nhất mà họ tin rằng giới trẻ đang đương đầu ngày nay. Khi họ đã làm xong, hãy mời từng cặp học sinh đọc 3 Nê Phi 18:15–20 và tìm kiếm lời khuyên dạy của Đấng Cứu Rỗi đã ban cho để khắc phục những cám dỗ. Yêu cầu một vài học sinh chia sẻ một nguyên tắc họ tìm thấy trong các câu này. Một nguyên tắc mà họ có thể nhận ra là nếu chúng ta tỉnh thức và luôn luôn cầu nguyện lên Đức Chúa Cha, thì chúng ta có thể cưỡng lại những cám dỗ của Sa Tan.
Hỏi học sinh những câu hỏi sau đây:
-
Các em nghĩ một người trẻ tuổi nên lưu ý đến điều gì để chống lại một trong những cám dỗ trên bản liệt kê của các em?
-
Một người trẻ tuổi có thể cầu nguyện về điều gì mà sẽ giúp mình chống lại một trong những cám dỗ trên bản liệt kê của các em? Làm thế nào việc cầu nguyện lên Cha Thiên Thượng giúp các em luôn vững mạnh?
Để giúp học sinh củng cố chứng ngôn của họ về việc cầu nguyện chung gia đình, hãy mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 18:21. Sau đó hỏi: Các em đã nhận được các phước lành nào từ việc cầu nguyện với gia đình của mình?
Mời một học sinh đọc câu chuyện sau đây của Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, là người đã nói về quyền năng của việc cầu nguyện chung gia đình:
“Việc cầu nguyện chung gia đình là một ảnh hưởng mạnh mẽ và nâng đỡ. Trong những ngày tăm tối của Đệ Nhị Thế Chiến, một trái bom nặng 500 pao đã rơi ở bên ngoài căn nhả nhỏ của Anh Patey, một người cha trẻ ở Liverpool, nước Anh, nhưng trái bom đã không nổ. Vợ của anh đã qua đời nên một mình anh nuôi nấng năm đứa con. Anh họp chúng lại vào lúc đầy nguy ngập này để gia đình cùng cầu nguyện. Họ ‘đều cầu nguyện … thiết tha và khi họ cầu nguyện xong, mấy đứa con nói: “Cha ơi, chúng ta sẽ được bình yên vô sự. Chúng ta sẽ được bình yên vô sự trong nhà mình đêm nay.”
“‘Và như thế họ đi ngủ, hãy thử tưởng tượng, với trái bom khủng khiếp đó đang nằm bên ngoài cửa, phân nửa ở bên dưới mặt đất.’ …
“‘Sáng hôm sau … cả xóm được di tản khỏi chỗ đó trong bốn mươi tám giờ đồng hồ và cuối cùng trái bom được lấy đi. …
“‘Trên đường về nhà Anh Patey hỏi người chỉ huy của Đội Phòng Không: “Vậy, các ông đã tìm thấy gì?”
“‘“Thưa Ông Patey, chúng tôi đến chỗ để trái bom ở bên ngoài cửa nhà ông và thấy là nó sẵn sàng để nổ bất cứ lúc nào. Nó không hư hỏng gì hết. Chúng tôi không hiểu lý do tại sao nó đã không nổ.’” Nhiều điều mầu nhiệm xảy đến khi gia đình cùng cầu nguyện chung” (“Đường Dây Liên Lạc của Sự Cầu Nguyện,” Ensign, tháng Năm năm 2002, 61).
Hỏi học sinh những câu hỏi sau đây, và nên nhạy cảm với các học sinh mà gia đình có thể không cùng cầu nguyện chung:
-
Các em có thể làm gì để giúp gia đình của mình cầu nguyện chung với nhau một cách thường xuyên và có ý nghĩa hơn?
-
Bằng cách nào các em đặt kế hoạch làm cho việc cầu nguyện của gia đình thành một ưu tiên trong gia đình tương lai của các em?
Giải thích rằng khi Đấng Cứu Rỗi trở lại vào ngày thứ hai để giảng dạy cho dân Nê Phi, như đã được ghi lại trong 3 Nê Phi 19, thì một lần nữa Ngài khuyên bảo các môn đồ Nê Phi phải cầu nguyện. Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 19:9, 13, và yêu cầu học sinh nhận ra điều các môn đồ đã cầu nguyện. Hỏi: Chúng ta có thể học được nguyên tắc nào từ kinh nghiệm của các môn đồ Nê Phi? (Sau đây là một cách để học sinh có thể diễn tả nguyên tắc này: Những ước muốn ngay chính và những lời cầu nguyện của chúng ta có thể làm cho chúng ta hội đủ điều kiện để được đầy dẫy Đức Thánh Linh).
Sau đó hãy hỏi học sinh: Khi nào các em đã chân thành mong muốn và cầu nguyện để có sự đồng hành của Đức Thánh Linh? Các anh chị em đã được ban phước như thế nào khi làm như vậy?
3 Nê Phi 20–22
Trong những ngày sau, Thượng Đế sẽ bắt đầu quy tụ gia tộc Y Sơ Ra Ên
Giải thích rằng sau khi dạy dân Nê Phi về sự cầu nguyện, Đấng Cứu Rỗi bắt đầu giảng dạy cho họ về việc quy tụ gia tộc Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau cùng. Mời một học sinh đọc 3 Nê Phi 21:9. Mời lớp học dò theo cùng tìm kiếm những từ mô tả việc làm của Chúa. Rồi sau đó hãy hỏi:
-
Các em nghĩ “một công việc vĩ đại và kỳ diệu” ám chỉ điều gì? (Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, mà gồm có sự ra đời của Sách Mặc Môn).
-
Theo ý kiến của các em, điều gì là vĩ đại và kỳ diệu về Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô?
Yêu cầu học sinh xem lại 3 Nê Phi 21:10–11 và suy nghĩ về người mà Chúa đã mô tả là “tôi tớ ta.” Hãy hỏi: Các từ hoặc cụm từ nào giúp các em biết rằng Chúa mô tả Tiên Tri Joseph Smith? Sau đó trưng bày hình Joseph Smith trong Ngục Thất Liberty (Sách Họa Phẩm Phúc Âm, số 97).
Hỏi: Thượng Đế đã cho thấy qua Joseph Smith rằng “sự thông sáng của [Ngài] lớn hơn sự xảo quyệt của quỷ dữ” như thế nào?
Để kết thúc, mời học sinh chia sẻ chứng ngôn của họ về Tiên Tri Joseph Smith và Sự Phục Hồi của phúc âm. Chia sẻ lời chứng của những điều này với các học sinh của mình. Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về những điều này với học sinh.
Đơn Vị Kế Tiếp (3 Nê Phi 23–30)
Mời học sinh tưởng tượng rằng Đấng Cứu Rỗi đã nói với họ rằng Ngài sẽ ban cho bất cứ điều gì họ mong muốn. Giải thích rằng khi họ học 3 Nê Phi 23–30 trong tuần tới, thì họ sẽ học về mười hai người đã có kinh nghiệm này và những điều họ cầu xin.