Thư Viện
Mô Rô Ni


Lời Giới Thiệu Sách Mô Rô Ni

Tại sao chúng ta học sách này?

Khi học sinh học sách Mô Rô Ni, họ có thể nhận được sức mạnh từ các tấm gương mạnh mẽ và những lời giảng dạy của Mô Rô Ni và cha của ông là Mặc Môn. Họ sẽ học về các giáo lễ và những thực hành cơ bản của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô; tầm quan trọng của sự thực hiện những việc làm ngay chính với chủ ý thực sự; cách xét đoán giữa điều thiện với điều ác; mối quan hệ giữa đức tin, hy vọng và lòng bác ái; và sự cứu rỗi của trẻ thơ. Các học sinh cũng sẽ đọc lời khuyên nhủ của Mô Rô Ni về việc nên cầu nguyện để tự mình biết được rằng Sách Mặc Môn là chân chính (xin xem Mô Rô Ni 10:3–5) và “hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32).

Ai viết sách này?

Mô Rô Ni đã viết sách này, trong đó gồm có những lời của riêng ông, những lời của Chúa Giê Su Ky Tô cho mười hai môn đồ Nê Phi của Ngài (xin xem Mô Rô Ni 2), và những lời của cha ông là Mặc Môn (xin xem Mô Rô Ni 7–9). Trước khi dân Nê Phi bị hủy diệt, Mô Rô Ni đã phục vụ ở giữa họ với tư cách là vị chỉ huy quân sự và một vị lãnh đạo Giáo Hội (xin xem Mặc Môn 6:12; Mô Rô Ni 8:1). Giống như các tác giả và những người biên soạn quan trọng khác của Sách Mặc Môn, Mô Rô Ni là một nhân chứng của Đấng Cứu Rỗi. Ông làm chứng: “Tôi đã thấy Chúa Giê Su, và Ngài đã đối diện nói chuyện với tôi.” (Ê The 12:39). Mô Rô Ni đã trung tín với chứng ngôn của ông, từ chối việc chối bỏ Đấng Ky Tô trong thời gian dân La Man đang giết hết mọi người dân Nê Phi không chịu chối bỏ Ngài (xin xem Mô Rô Ni 1:1–3). Năm 1823, khoảng 1.400 năm sau khi hoàn tất biên sử Sách Mặc Môn, Mô Rô Ni hiện đến cùng Tiên Tri Joseph Smith với tư cách là một nhân vật phục sinh và cho Joseph biết rằng biên sử này đã được chôn giấu trong một ngọn đồi gần nhà của ông (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:29–35). Vào lúc đó và theo định kỳ trong bốn năm kế tiếp, Mô Rô Ni chỉ dẫn Joseph Smith “liên quan tới những gì Chúa sắp làm, và những phương cách và thể thức mà vương quốc của Ngài sẽ được điều hành trong những ngày sau cùng” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:54).

Sách này viết cho ai và tại sao?

Mô Rô Ni nói: “Tôi lại viết thêm vài điều, mà có lẽ sẽ có giá trị đối với các đồng bào của tôi là dân La Man, một ngày nào đó trong tương lai” (Mô Rô Ni 1:4; xin xem thêm Mô Rô Ni 10:1). Ông cũng tuyên bố rằng ông đã nói ″với tất cả các nơi tận cùng của trái đất,″ cảnh báo rằng tại rào phán xét của Thượng Đế, tất cả sẽ chịu trách nhiệm về những lời ông đã viết (xin xem Mô Rô Ni 10:24, 27). Để chuẩn bị cho sự kiện này, Mô Rô Ni đã mời tất cả mọi người “đến cùng Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 10:30, 32).

Sách này được viết ra khi nào và ở đâu?

Mô Rô Ni có lẽ đã viết và biên soạn sách này giữa những năm 401 Sau Công Nguyên và 421 Sau Công Nguyên (xin xem Mặc Môn 8:4–6; Mô Rô Ni 10:1). Ông không nói là ông đã ở đâu khi viết sách này—chỉ nói là ông đi lang thang bất cứ nơi nào ông có thể đi vì sự an toàn của mạng sống ông (xin xem Mô Rô Ni 1:1–3).

Một số đặc điểm nổi bật của sách này là gì?

Sách này cung cấp chi tiết về những chỉ dẫn của Chúa Giê Su Ky Tô cho mười hai môn đồ Nê Phi của Ngài khi Ngài ban cho họ quyền năng để truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh (xin xem Mô Rô Ni 2; xin xem thêm 3 Nê Phi 18:36–37). Sách cũng bao gồm những chỉ dẫn duy nhất trong Sách Mặc Môn về việc thực hiện các lễ sắc phong chức tư tế và những lời cầu nguyện được sử dụng trong giáo lễ Tiệc Thánh (xin xem Mô Rô Ni 3–5). Các đặc điểm khác của sách này gồm có những lời giảng dạy của Mặc Môn về việc phân biệt điều thiện với điều ác (xin xem Mô Rô Ni 7:12–19), việc phục sự của các thiên sứ (xin xem Mô Rô Ni 7:29–39), lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 7:44–48), và sự cứu rỗi của trẻ thơ (xin xem Mô Rô Ni 8). Sách cũng bao gồm phần mô tả của Mặc Môn về tình trạng suy đồi của dân Nê Phi và dân La Man trước khi trận chiến cuối cùng của họ tại Cơ Mô Ra (xin xem Mô Rô Ni 9). Mô Rô Ni bao gồm những lời giảng dạy riêng của ông về các ân tứ của Thánh Linh (xin xem Mô Rô Ni 10:8–26). Ông cũng ghi lại một lời mời gọi được tìm thấy trong Mô Rô Ni 10:3–5, là một đóng góp chủ yếu cho Sách Mặc Môn. Đề cập đến đoạn này, Chủ Tịch Gordon B. Hinckley giải thích rằng Sách Mặc Môn “là cuốn sách duy nhất chứa đựng trong nó một lời hứa rằng qua quyền năng thiêng liêng người đọc có thể biết chắc chắn về lẽ thật của sách” (“A Testimony Vibrant and True,” Ensign, tháng Tám năm 2005, 4).

Đại Cương

Mô Rô Ni 1–6 Trong khi đi lang thang vì sự an toàn của mạng sống của mình, Mô Rô Ni ghi lại các giáo lễ và những thực hành của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô. Những điều này gồm có việc truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh, thực hiện các lễ sắc phong chức tư tế, thực hiện Tiệc Thánh, và việc hội đủ điều kiện cho phép báp têm. Mô Rô Ni cũng thảo luận về việc nuôi dưỡng phần thuộc linh của các tín hữu Giáo Hội cũng như các mục đích của các buổi họp Giáo Hội và cách tiến hành các buổi họp này.

Mô Rô Ni 7 Mô Rô Ni ghi lại một bài giảng được Mặc Môn đưa ra. Mặc Môn là người đã dạy về Ánh Sáng của Đấng Ky Tô, tầm quan trọng của việc làm những hành động ngay chính với chủ ý thực sự, phân biệt sự khác biệt giữa điều thiện và điều ác, giữ vững mọi điều tốt lành, và mối quan hệ giữa đức tin, hy vọng, và lòng bác ái.

Mô Rô Ni 8–9 Mô Rô Ni ghi lại thư của Mặc Môn giải thích lý do tại sao trẻ thơ không cần phép báp têm và mô tả sự tà ác ghê gớm ở giữa dân Nê Phi và dân La Man.

Mô Rô Ni 10 Mô Rô Ni khuyên nhủ tất cả những ai sẽ đọc Sách Mặc Môn nên cầu nguyện để biết được lẽ trung thực của sách này, để không chối bỏ quyền năng và ân tứ của Thượng Đế, và đến cùng Đấng Ky Tô và được toàn thiện trong Ngài.