Thư Viện
Bài học 129: 3 Nê Phi 20


Bài Học 129

3 Nê Phi 20

Lời Giới Thiệu

Vào ngày thứ hai của giáo vụ của Ngài ở giữa dân Nê Phi, Chúa Giê Su Ky Tô một lần nữa thực hiện Tiệc Thánh cho dân chúng. Ngài làm chứng rằng các giao ước và những lời hứa của Đức Chúa Cha sẽ được làm tròn trong những ngày sau cùng. Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ, và tất cả các dân tộc của thế gian sẽ được phước.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

3 Nê Phi 20:1–9

Đấng Cứu Rỗi thực hiện Tiệc Thánh cho dân chúng một lần nữa

Để bắt đầu bài học, hãy giải thích rằng các anh chị em muốn các thiếu niên và các thiếu nữ trong lớp học trả lời các câu hỏi riêng biệt. Mời một vài thiếu niên nắm giữ Chức Tư Tế A Rôn nói cho lớp học biết về trách nhiệm của mình về việc chuẩn bị, ban phước, hoặc chuyền Tiệc Thánh. Giúp họ chia sẻ những cảm nghĩ của họ về việc thực hiện các bổn phận này bằng cách hỏi họ những câu hỏi sau đây:

  • Việc giúp thực hiện Tiệc Thánh có ý nghĩa gì đối với các em?

  • Bằng cách nào các em cho Chúa thấy rằng các em hiểu được tính chất thiêng liêng của giáo lễ này?

Hãy giúp một vài thiếu nữ chia sẻ những cảm nghĩ của họ về tính thiêng liêng của Tiệc Thánh bằng cách hỏi họ những câu hỏi sau đây:

  • Các em cảm thấy như thế nào khi nhìn thấy các thiếu niên xứng đáng đang thực hiện Tiệc Thánh?

  • Các em làm gì trong khi thực hiện Tiệc Thánh mà cho thấy rằng các em hiểu được tính chất thiêng liêng của giáo lễ này?

Giải thích rằng trong ngày thứ hai của giáo vụ của Ngài ở giữa dân Nê Phi, Đấng Cứu Rỗi và các môn đồ của Ngài đã thực hiện Tiệc Thánh cho dân chúng lần thứ hai. Mời học sinh thầm đọc 3 Nê Phi 20:1. Hãy nêu ra câu sau đây: “Ngài bảo họ chớ nên ngừng cầu nguyện trong lòng.”

  • “Chớ ngừng cầu nguyện” trong lòng mình có nghĩa là gì đối với các em?

Yêu cầu một học sinh đọc to 3 Nê Phi 20:3–5.

  • Các em nghĩ việc cầu nguyện trong lòng của mình có thể ảnh hưởng như thế nào đến kinh nghiệm dự phần Tiệc Thánh hàng tuần của các em?

  • Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để tiếp tục tập trung vào Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh?

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 20:8. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm điều mà bánh và rượu tượng trưng. (Có thể là điều hữu ích để giải thích rằng thực hành hiện nay của Giáo Hội là sử dụng nước thay vì rượu. [Xin xem GLGƯ 27:2.])

  • Bánh và nước Tiệc Thánh tượng trưng cho điều gì? (Thể xác và máu của Đấng Cứu Rỗi).

Các em có thể muốn đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả James E. Talmage thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ để giúp học sinh hiểu được ý nghĩa tượng trưng về lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để ăn thịt Ngài và uống huyết Ngài:

Việc ăn thịt và uống máu của Đấng Ky Tô là đã và đang tin tưởng cùng chấp nhận Ngài là Vị Nam Tử thật sự của Thượng Đế và Đấng Cứu Rỗi của thế gian, và tuân theo các lệnh truyền của Ngài. Chỉ qua những phương tiện này Thánh Linh của Thượng Đế mới có thể trở thành một phần vĩnh cửu của từng người, thậm chí còn là chất liệu của thực phẩm mà người ấy ăn được đồng hóa với các mô trong cơ thể của người ấy” (Jesus the Christ, xuất bản lần thứ ba [1916], 342; những chữ nghiêng được thêm vào).

  • Việc dự phần bánh và nước tượng trưng cho điều gì?

  • Theo 3 Nê Phi 20:8, Chúa Giê Su Ky Tô đã hứa gì với những người dự phần Tiệc Thánh? (Tâm hồn của họ sẽ được no đủ).

Để giúp học sinh hiểu được ý nghĩa của tâm hồn họ được no đủ, hãy yêu cầu họ suy nghĩ về số lượng bánh và nước mà họ thường ăn và uống khi dự phần Tiệc Thánh. Rồi sau đó hỏi:

  • Nếu đang đói và khát, thì các em sẽ được no đủ bởi những số lượng này không?

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 20:9, và hỏi lớp học:

  • Một nguyên tắc mà chúng ta có thể học được từ những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi trong 3 Nê Phi 20:8–9là gì? (Học sinh có thể sử dụng những từ khác nhau, nhưng họ cần nhận ra nguyên tắc sau đây: Nếu xứng đáng dự phần Tiệc Thánh, thì chúng ta có thể được đầy dẫy Đức Thánh Linh).

Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Yêu cầu lớp học lắng nghe cách chúng ta có thể được phước khi chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh:

Anh Cả Dallin H. Oaks

“Chúng ta hãy làm cho bản thân mình hội đủ điều kiện đối với lời hứa của Đấng Cứu Rỗi mà qua việc dự phần Tiệc Thánh, chúng ta sẽ ‘được no đủ’ (3 Nê Phi 20:8; xin xem thêm 3 Nê Phi 18:9), câu này có nghĩa là chúng ta sẽ được ‘dẫy đầy Thánh Linh’ (3 Nê Phi 20:9). Thánh Linh đó—Đức Thánh Linh—là Đấng an ủi của chúng ta, Đấng định hướng của chúng ta, Đấng giao tiếp của chúng ta, Đấng thông dịch của chúng ta, Đấng làm chứng của chúng ta, và Đấng thanh tẩy của chúng ta—Đấng hướng dẫn và Đấng thánh hoá hữu hiệu cho cuộc hành trình trên trần thế của chúng ta hướng tới cuộc sống vĩnh cửu.

“… Từ hành động dường như nhỏ nhặt của việc tái lập các giao ước báp têm của chúng ta một cách có ý thức và nghiêm túc mang đến một sự đổi mới của các phước lành của phép báp têm bằng nước và bằng Thánh Linh, để chúng ta có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng. Theo cách này, tất cả chúng ta sẽ được hướng dẫn, và theo cách này tất cả chúng ta đều có thể được thanh tẩy” (“Always Have His Spirit,” Ensign, tháng Mười Một năm 1996, 61).

  • Một số cách nào chúng ta có thể được ban phước khi được đầy dẫy Thánh Linh?

  • Khi nào việc dự phần Tiệc Thánh đã giúp các em được đầy dẫy Đức Thánh Linh?

Làm chứng về các phước lành các em đã nhận được từ việc dự phần Tiệc Thánh và được đầy dẫy Thánh Linh. Khẳng định rằng việc cầu nguyện trong lòng của chúng ta là một cách mà chúng ta có thể chuẩn bị để dự phần Tiệc Thánh và được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Khuyến khích học sinh dành thời gian để cầu nguyện trước khi dự phần Tiệc Thánh.

3 Nê Phi 20:10–46

Đấng Cứu Rỗi dạy dân Nê Phi về các giao ước mà sẽ được làm tròn trong những ngày sau cùng

Mời học sinh viết trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư một phần mô tả vắn tắt về các đức tính quan trọng nhất của họ. Sau khi họ đã làm xong, hãy mời họ nhìn vào các loại đức tính họ đã tập trung vào. Các đức tính đó có phải là các đặc tính của cơ thể không? Các đặc điểm cá nhân? Các đức tính thuộc linh? (Nếu có thời giờ, các anh chị em có thể mời một vài học sinh đọc điều họ đã viết). Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ, và yêu cầu lớp học lắng nghe ông nói điều gì nên là điều định rõ nguồn gốc của một người:

Anh Cả David A. Bednar

“Các anh em có thể thích nghe nhạc, thể thao hoặc giỏi về máy móc, và một ngày nào đó các anh em có thể làm kinh doanh hoặc có một nghề nghiệp hay làm nghệ thuật. Cho dù các sinh hoạt và nghề nghiệp như vậy có thể quan trọng đến đâu chăng nữa, thì chúng cũng không định rõ chúng ta là ai. Đầu tiên và trước hết, chúng ta là những linh thể. Chúng ta là [con cái] của Thượng Đế và là dòng dõi của Áp Ra Ham” (“Trở Thành một Người Truyền Giáo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 47).

  • Anh Cả Bednar xác định chúng ta là ai bằng cách nào? Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để chúng ta thấy bản thân mình “đầu tiên và trước hết” là các linh thể và là con cái của Thượng Đế?

Hãy nêu ra rằng ngoài việc nói rằng chúng ta là con cái của Thượng Đế, Anh Cả Bednar còn nói rằng chúng ta là dòng dõi của Áp Ra Ham. Giải thích rằng cụm từ “dòng dõi của Áp Ra Ham” có thể ám chỉ những người là con cháu thật sự của Áp Ra Ham. Cụm từ này cũng có thể ám chỉ những người, bằng cách chấp nhận và tuân theo các luật pháp và các giáo lễ của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, nhận được phúc âm trọn vẹn, các phước lành của chức tư tế, và cùng những lời hứa và các giao ước mà Thượng Đế đã lập với Áp Ra Ham.

Cho học sinh biết rằng trong phần còn lại của 3 Nê Phi 20, họ sẽ học những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi cho dân Nê Phi về các giao ước và những lời hứa đã lập với Áp Ra Ham và con cháu ông (gia tộc của Y Sơ Ra Ên). Ngài phán rằng họ có thể học về các giao ước này bằng cách nghiên cứu những lời của Ê Sai. Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 20:11–12. Yêu cầu lớp học dò theo cùng, tìm kiếm những điều Đấng Cứu Rỗi đã phán sẽ xảy ra khi những lời của Ê Sai đã được ứng nghiệm. Sau khi học sinh báo cáo những điều họ đã tìm thấy, các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng những lời của Ê Sai sẽ được ứng nghiệm trong những ngày sau cùng.

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 20:13, và yêu cầu học sinh nhận ra cách Cha Thiên Thượng sẽ làm tròn các giao ước của Ngài với gia tộc Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau cùng như thế nào. Yêu cầu học sinh tóm lược các lẽ thật họ đã học được từ 3 Nê Phi 20:11–13. (Những câu trả lời của học sinh có thể khác nhau, nhưng họ cần phải nhận ra lẽ thật sau đây: Chúa sẽ làm tròn giao ước của Ngài để quy tụ gia tộc Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau cùng. Hãy cân nhắc việc viết lẽ thật này lên trên bảng).

  • Theo 3 Nê Phi 20:13, những người thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên sẽ đạt được sự hiểu biết nào như là một phần thiết yếu của cuộc quy tụ này? (Họ sẽ đạt được “sự hiểu biết Chúa, Thượng Đế của họ, là Đấng đã cứu chuộc họ.”)

Để giúp học sinh thấy được việc tiến đến một sự hiểu biết về Chúa Giê Su Ky Tô là một phần thiết yếu của sự quy tụ Y Sơ Ra Ên, hãy yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Mời học sinh lắng nghe xem sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên bao gồm điều gì.

“Sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên gồm có việc tin tưởng và chấp nhận cùng sống phù hợp với tất cả những gì Chúa đã có lần ban cho dân chọn lọc thời xưa của Ngài. Điều này gồm có việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, sự hối cải, chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ của Đức Thánh Linh, và tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế. Điều này gồm có việc tin tưởng phúc âm, gia nhập Giáo Hội và vào vương quốc. Điều này gồm có việc tiếp nhận thánh chức tư tế, được làm lễ thiên ân trong những nơi thánh thiện với quyền năng từ trên cao, và nhận được tất cả các phước lành của Áp Ra Ham, Y Sác và Gia Cốp, qua giáo lễ của hôn nhân thượng thiên. Và điều này cũng có thể gồm có việc quy tụ vào một nơi hoặc xứ thờ phượng đã được chỉ định” (A New Witness for the Articles of Faith [1985], 515).

  • Việc tin tưởng và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô là một phần thiết yếu của việc quy tụ Y Sơ Ra Ên như thế nào?

Tóm lược 3 Nê Phi 20:14–22. Giải thích rằng Đấng Cứu Rỗi đã dạy cho dân Nê Phi rằng là một phần của sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên, và trong việc làm tròn giao ước của Chúa với Áp Ra Ham, Cha Thiên Thượng đã ban cho con cháu của Lê Hi vùng đất nơi họ cư ngụ như là một sự thừa hưởng. Ngài cũng giải thích một cách khác mà dân Nê Phi được ban phước với tư cách là con cái của giao ước. Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 20:23–24 cùng tìm kiếm người mà Môi Se đã tiên tri sẽ ban phước cho gia tộc Y Sơ Ra Ên. Sau khi học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, hãy mời họ đọc thầm 3 Nê Phi 20:25–26. Yêu cầu họ nhận ra cách con cháu của Lê Hi đã được ban phước nhờ vào giao ước của Chúa đã lập với Áp Ra Ham. Khi học sinh báo cáo những điều họ đã tìm thấy, hãy nhấn mạnh rằng Cha Thiên Thượng đã gửi Chúa Giê Su Ky Tô đến thăm các con cháu của Lê Hi và giải cứu họ khỏi tội lỗi “vì [họ] là con cái của giao ước.”

  • Chúng ta được ban phước như thế nào bởi các giao ước mà chúng ta lập với Cha Thiên Thượng?

Mời một học sinh đọc to 3 Nê Phi 20:27 và yêu cầu lớp học định ra một trách nhiệm mà đi kèm với các giao ước chúng ta lập với Chúa.

  • Một khi chúng ta đã lập các giao ước với Chúa, thì trách nhiệm của chúng ta đối với những người khác trên khắp thế gian là gì? (Học sinh nên nhận ra lẽ thật sau đây: Là dòng dõi của Áp Ra Ham, chúng ta có trách nhiệm đối với giao ước để ban phước cho tất cả mọi người trên thế gian. Hãy cân nhắc việc viết lẽ thật này lên trên bảng).

  • Các em nghĩ làm thế nào chúng ta có thể là một phước lành cho tất cả mọi người trên thế gian? (Nếu các anh chị em đã viết câu giáo lý đó lên trên bảng, thì hãy thêm vào đó những lời này “ bằng cách chia sẻ phúc âm với họ.”)

Tóm lược 3 Nê Phi 20:29–46 bằng cách giải thích vắn tắt rằng ngoài việc giảng dạy cho dân Nê Phi về các phước lành và trách nhiệm của họ với tư cách là con cái của giao ước, Đấng Cứu Rỗi đã khẳng định rằng đất thừa hưởng của dân Do Thái sẽ là Giê Ru Sa Lem. Ngài trích dẫn những lời tiên tri của Ê Sai đã biết trước về thời kỳ mà dân Do Thái sẽ được phục hồi lại đất thừa hưởng của mình sau khi họ tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong danh của Ngài.

Để kết thúc, hãy yêu cầu một học sinh đọc to 3 Nê Phi 20:46. Mời học sinh dò theo và nhận ra một cách họ có thể ban phước cho cuộc sống của một người khác với phúc âm trong tuần tới. Hoạch định để theo dõi với học sinh trong một lớp học tương lai để cho họ có một cơ hội báo cáo về những kinh nghiệm của họ. Làm chứng về tầm quan trọng của việc làm tròn trách nhiệm của chúng ta để giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

3 Nê Phi 20:16. “Như sư tử con ở giữa các bầy chiên”

Khi đề cập đến những lời dạy trong 3 Nê Phi 20:16, Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy:

“Những lời này của Chúa chúng ta cùng dân Nê Phi đã được trích dẫn từ Mi Chê 5:8–9 và ám chỉ đến những nơi hoang vu và sự đốt cháy cuối cùng mà sẽ hủy diệt kẻ tà ác vào Ngày Tái Lâm. Ngoại trừ một số ít người là các tín đồ khiêm nhường của Đấng Ky Tô, dân Ngoại sẽ không chịu hối cải. Họ sẽ vui thú trong những điều khả ố và tội lỗi của họ đối với phúc âm phục hồi, và họ sẽ bị đốt cháy bởi sự rực rỡ của ngày giáng lâm của Chúa chúng ta trong khi người ngay chính—ở đây được gọi là dân còn sót lại của Gia Cốp—sẽ đương nổi ngày đó. Và sau đó, theo hình ảnh của vị tiên tri, sẽ như dân còn sót lại của Y Sơ Ra Ên đánh bại kẻ thù của họ như một con sư tử con ở giữa các bầy chiên” (The Millennial Messiah: The Second Coming of the Son of Man [1982], 248).

3 Nê Phi 20:26. Con cái của giao ước

Anh Cả Russell M. Nelson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về các phước lành của việc biết rằng chúng ta là con cái của giao ước:

“Khi biết rằng mình là con cái của giao ước, chúng ta biết mình là ai và Thượng Đế trông mong điều gì nơi chúng ta. Luật pháp của Ngài được ghi vào lòng chúng ta. Ngài là Thượng Đế của chúng ta và chúng ta là dân của Ngài. Các con cái cam kết với giao ước thì luôn trung tín, ngay cả trong lúc nghịch cảnh. Khi giáo lý đó được gieo sâu vào lòng chúng ta, thì ngay cả nọc của cái chết cũng dễ chịu đựng và sức chịu đựng thuộc linh của chúng ta được củng cố” (“Các Giao Ước,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 88).

3 Nê Phi 20:26–27. Làm tròn giao ước của Áp Ra Ham

Anh Cả Russell M. Nelson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói về một cách chúng ta có thể giúp làm tròn giao ước của Áp Ra Ham:

“Trách nhiệm của chúng ta là giúp làm tròn giao ước của Áp Ra Ham. Con cháu của chúng ta là dòng dõi được tiền sắc phong và được chuẩn bị để ban phước cho tất cả mọi người trên thế gian. Đó là lý do tại sao bổn phận chức tư tế gồm có công việc truyền giáo. Sau khoảng 4.000 năm mong đợi và chuẩn bị, thì đây là ngày đã được định tức là phúc âm phải được mang đến cho các sắc tộc trên thế gian. Đây là thời gian quy tụ đã được hứa cho dân Y Sơ Ra Ên. Và chúng ta được tham gia! Thật là phấn khởi, phải không? Chúa đang trông cậy vào chúng ta và các con trai của chúng ta—và Ngài vô cùng biết ơn các con gái của chúng ta—chúng xứng đáng phục vụ với tư cách là những người truyền giáo trong thời kỳ trọng đại này của sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên” (“Các Giao Ước,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 88).

3 Nê Phi 20:27. Các [anh] em có bổn phận phải chia sẻ phúc âm

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ khẳng định bổn phận của chúng ta để chia sẻ phúc âm với những người khác:

“Các anh em và tôi, ngày hôm nay và mãi mãi, phải ban phước cho tất cả mọi dân tộc trong mọi quốc gia trên thế gian. Các anh em và tôi, ngày hôm nay và mãi mãi, phải làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và công bố sứ điệp về Sự Phục Hồi. Các anh em và tôi, ngày hôm nay và mãi mãi, phải mời gọi tất cả mọi người tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi. Việc rao truyền phúc âm không phải là một bổn phận bán thời gian của chức tư tế. Đó không phải chỉ là một sinh hoạt mà chúng ta tham gia trong một thời gian giới hạn hoặc một chỉ định mà chúng ta phải hoàn tất với tư cách là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Đúng hơn, công việc truyền giáo là một cách biểu lộ về cá tính và di sản thuộc linh của chúng ta. Chúng ta đã được tiền sắc phong trong cuộc sống tiền dương thế và sinh ra đời để làm tròn giao ước và lời hứa mà Thượng Đế đã lập với Áp Ra Ham. Chúng ta hiện diện nơi đây trên thế gian vào thời điểm này để làm vinh hiển chức tư tế và để rao giảng phúc âm. Đó là việc chúng ta là ai, và đó là lý do mà chúng ta hiện diện nơi đây—ngày hôm nay và mãi mãi” (“Trở Thành một Người Truyền Giáo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 47).