Thư Viện
Bài học 140: Mặc Môn 7:1–8:11


Bài Học 140

Mặc Môn 7–8:11

Lời Giới Thiệu

Sau trận chiến cuối cùng giữa dân Nê Phi và dân La Man, Mặc Môn viết cho con cháu tương lai của những người trong Sách Mặc Môn về tầm quan trọng của việc biết họ là ai và họ phải làm gì để được cứu rỗi. Với tình yêu thương bao la dành cho con cháu tương lai của kẻ thù của ông, Mặc Môn đã dạy về tầm quan trọng của việc tuân theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô để mọi việc có thể “tốt đẹp cho [họ] vào ngày phán xét” (Mặc Môn 7:10). Sau khi Mặc Môn qua đời, chỉ còn lại một mình con trai Mô Rô Ni của ông để viết về sự hủy diệt của dân ông.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Mặc Môn 7

Trong chứng ngôn cuối cùng của Mặc Môn, ông khuyên nhủ con cháu của dân La Man tin vào Chúa Giê Su Ky Tô và tuân theo phúc âm của Ngài

Viết số 230.000 lên trên bảng. Hỏi học sinh xem họ có nhớ con số này liên quan như thế nào đến sự hủy diệt của dân Nê Phi không. (Đó là số binh sĩ Nê Phi đã chết trong trận chiến cuối cùng, được ghi lại trong Mặc Môn 6. Các anh chị em có thể muốn nhấn mạnh rằng các con số trong Mặc Môn 6:10–15 chỉ nhằm đề cập đến những người chiến đấu trong trận chiến, chứ không phải đến nhiều người khác đã bị giết chết vì trận chiến). Yêu cầu học sinh tưởng tượng rằng họ đã sống sót sau một trận đại chiến mà trong đó những người trong gia đình và bạn bè của họ đã bị giết chết và dân tộc của họ đã bị đánh bại. Cho họ một giây lát để suy nghĩ về điều họ có thể nói nếu họ viết một sứ điệp cho con cháu của những người giết chết những người thân yêu của họ và chiến thắng dân tộc của họ.

Mời học sinh đọc thầm Mặc Môn 7:1–4 cùng tìm kiếm một số lời nói cuối cùng của Mặc Môn dành cho con cháu của dân La Man.

  • Mặc Môn đã muốn cho các con cháu của dân La Man phải biết điều gì?

  • Các em thấy được các thuộc tính nào của Đấng Cứu Rỗi trong những lời nói của Mặc Môn cho các kẻ thù của ông?

Giúp học sinh hiểu rằng Mặc Môn đã dạy các con cháu của dân La Man những điều họ cần phải làm để được cứu rỗi. Ông đã có lòng bác ái đối với tất cả mọi người, ngay cả kẻ thù của mình.

Yêu cầu học sinh đọc thầm Mặc Môn 7:5, 8, 10 cùng nhận ra những điều Mặc Môn đã dạy các độc giả của ông phải làm. Yêu cầu học sinh chia sẻ những điều họ tìm thấy, và liệt kê các câu trả lời cùa họ ở trên bảng. Các anh chị em có thể muốn đề cập rằng những lời giảng dạy của Mặc Môn là các nguyên tắc phúc âm tương tự mà có thể đã cứu dân Nê Phi khỏi sự hủy diệt (xin xem Mặc Môn 3:2).

Mời một học sinh đọc to Mặc Môn 7:6–7. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm những điều Chúa ban cho tất cả mọi người chịu tin vào Ngài và chấp nhận phúc âm của Ngài. Sau khi học sinh báo cáo những điều họ đã tìm thấy, hãy khuyến khích họ viết lẽ thật sau đây bên cạnh Mặc Môn 7:6–7: Chúa ban sự cứu rỗi cho tất cả mọi người, và Ngài sẽ cứu chuộc những người chấp nhận các nguyên tắc và giáo lễ của phúc âm Ngài.

Viết câu hỏi sau đây lên trên bảng. Mời học sinh viết những câu trả lời của họ cho câu hỏi trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư.

Theo Mặc Môn 7:7, các phước lành dành cho những người được thấy là “vô tội” trước mặt Thượng Đế là gì?

Mời một vài học sinh chia sẻ điều họ viết xuống.

Mặc Môn 8:1–11

Sau khi Mặc Môn qua đời, con trai Mô Rô Ni của ông chỉ còn một mình để viết về sự hủy diệt của dân ông

Yêu cầu học sinh suy nghĩ về một thời gian mà họ chỉ còn một mình trong một tình huống thử thách đức tin của họ—có lẽ một tình huống trong đó họ có thể dễ dàng làm điều sai mà không ai thấy họ làm. Mời họ cân nhắc xem quyết tâm của họ để noi theo Đấng Cứu Rỗi và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài trong thời gian đó đã tăng lên, vẫn như vậy, hay là giảm bớt.

  • Tại sao một số người có thể chọn không trung tín khi họ chỉ có một mình trong một tình huống mà làm cho đức tin của họ bị thử thách?

  • Tại sao một số người có thể chọn để vẫn trung tín trong tình huống tương tự?

Giải thích rằng Mặc Môn bị giết chết sau khi trận chiến cuối cùng giữa dân Nê Phi và dân La Man, và con trai Mô Rô Ni của ông chỉ còn một mình, mà không có người nào trong gia đình hoặc bất cứ người dân nào của ông. Mời một học sinh đọc to lời của Mô Rô Ni trong Mặc Môn 8:1–9, và yêu cầu lớp học tìm kiếm những điều mô tả về hoàn cảnh của Mô Rô Ni. Yêu cầu họ báo cáo những điều họ tìm thấy.

  • Các em nghĩ các em có thể cảm thấy như thế nào nếu đang ở trong hoàn cảnh của Mô Rô Ni?

Bằng cách sử dụng những ngày tháng ở cuối các trang hoặc trong các phần tóm lược chương, hãy giúp học sinh thấy rằng thời gian từ khi những lời viết cuối cùng của Mặc Môn và thời gian mà Mô Rô Ni bắt đầu viết lên trên các bảng khắc là khoảng 16 năm. Sau đó mời học sinh xem một lần nữa Mặc Môn 8:1–4 để thấy điều mà Mô Rô Ni đã quyết tâm phải làm, mặc dù ông chỉ có một mình đã quá lâu. Yêu cầu họ báo cáo những điều họ tìm thấy. (Họ sẽ thấy rằng ông đã quyết tâm tuân noi theo cha của ông và viết lên trên các bảng khắc).

  • Chúng ta có thể học được các nguyên tắc nào từ sự vâng lời của Mô Rô Ni bất chấp hoàn cảnh của ông? (Khi học sinh chia sẻ ý kiến của họ, hãy nhấn mạnh lẽ thật sau đây: Ngay cả khi chỉ có một mình chúng ta, chúng ta cũng có thể chọn luôn luôn trung tín. Các anh chị em có thể muốn mời học sinh viết lẽ thật này trong thánh thư của họ bên cạnh Mặc Môn 8:1–4).

Nêu ra rằng Mô Rô Ni đã có một sứ mệnh độc đáo. “Chỉ còn một mình [ông] để viết lại thiên ký sự buồn thảm về sự hủy diệt của dân [ông]” (Mặc Môn 8:3). Mặc dù học sinh sẽ không gặp những hoàn cảnh giống y như thế nhưng họ cũng có thể phải đương đầu với tình huống mà họ chỉ có một mình và vẫn cần phải luôn trung tín. Họ cũng có thể gặp tình huống mà họ cảm thấy cô đơn ngay cả khi họ đang ở với những người khác—chẳng hạn như những lúc mà họ đang ở với những người không sống theo các tiêu chuẩn được Chúa và các vị tiên tri của Ngài thiết lập.

  • Các em có biết người nào đã trung tín ngay cả khi họ chỉ có một mình trong những hoàn cảnh khó khăn?

Khi học sinh trả lời câu hỏi này, hãy hỏi một số hoặc tất cả các câu hỏi để theo dõi này :

  • Người này hành động như thế nào trong những hoàn cảnh đó?

  • Cuối cùng người này được ban phước như thế nào vì đã làm điều Thượng Đế đã truyền lệnh người ấy phải làm?

  • Các tấm gương này giúp đỡ các em như thế nào?

Mời học sinh đọc thầm Mặc Môn 8:10–11. Yêu cầu họ nhận ra một cách mà Chúa hỗ trợ Mô Rô Ni và Mặc Môn trong những hoàn cảnh khó khăn mà họ đương đầu. (Chúa gửi Ba Người Nê Phi đến phục sự Mặc Môn và Mô Rô Ni; xin xem thêm 3 Nê Phi 28:25–26). Nhấn mạnh rằng nếu chúng ta trung tín với Thượng Đế trong những hoàn cảnh cô đơn hoặc khó khăn, thì Ngài sẽ giúp chúng ta vẫn luôn trung tín. Sử dụng các câu hỏi sau đây để thảo luận lẽ thật này:

  • Các em đã tuân theo một trong các giáo lệnh của Cha Thiên Thượng trong một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào lúc nào? Các em cảm thấy được ban phước như thế nào vì làm như vậy?

  • Tại sao các em nghĩ là điều quan trọng trong việc chuẩn bị bây giờ để có thể được trung tín trong những hoàn cảnh khó khăn trong tương lai?

Để khuyến khích học sinh luôn trung tín ngay cả trong những hoàn cảnh mà họ phải đứng một mình, hãy chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Thomas S. Monson:

Chủ Tịch Thomas S. Monson

“Trong cuộc sống hàng ngày của mình, đức tin của chúng ta gần như không thể nào tránh khỏi bị thử thách. Đôi khi chúng ta có thể thấy mình bị những người khác vây quanh và còn thuộc vào nhóm thiểu số hay ngay cả một mình đứng trước điều có thể chấp nhận và điều không thể chấp nhận. Chúng ta có can đảm về mặt đạo đức để bênh vực cho niềm tin của mình không, cho dù sẽ phải đứng một mình khi làm như thế? … Cầu xin cho chúng ta luôn luôn dũng cảm và sẵn sàng bênh vực cho điều mình tin, và nếu phải đứng một mình trong khi làm như thế, thì cầu xin cho chúng ta làm như vậy một cách dũng cảm, được củng cố bởi sự hiểu biết rằng trong thực tế chúng ta không bao giờ cô đơn một mình khi đứng với Cha Thiên Thượng” (“Dám Đứng Một Mình,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 60, 67).

Kết thúc bằng cách chia sẻ một kinh nghiệm mà Chúa đã ban phước cho các anh chị em vì đã trung tín trong một hoàn cảnh cô đơn hoặc khó khăn.

biểu tượng thông thạo thánh thưÔn Lại Phần Thông Thạo Thánh Thư

Viết từ khuyên nhủ lên trên bảng. Giải thích rằng từ khuyên nhủ có nghĩa là cố gắng thuyết phục người khác hành động trong một cách nào đó. Giải thích rằng những lời cuối cùng của Mặc Môn trong Mặc Môn 7 là một ví dụ hay về một lời khuyên nhủ. Đưa những tờ giấy cho học sinh và nói với họ rằng họ sẽ viết một lời khuyên nhủ dựa vào một trong các đoạn thánh thư ưa thích của họ trong Sách Mặc Môn. Ở phía trên đầu tờ giấy đó, yêu cầu học sinh viết: “Tôi muốn nói một hai lời cùng giới trẻ trong những ngày sau cùng.” Mời mỗi học sinh chọn một đoạn thánh thư thông thạo ưa thích và sau đó viết một lời khuyên nhủ cho giới trẻ trong những ngày sau cùng dựa vào đoạn thánh thư mà họ đã chọn. Lời khuyên nhủ của họ có thể gồm có một phần tóm lược các lẽ thật chính được tìm thấy trong đoạn thánh thư thông thạo, một lời giải thích về lý do tại sao các lẽ thật này là quan trọng đối với giới trẻ ngày nay, và một lời mời để hành động phù hợp theo các lẽ thật này. Những lời khuyên nhủ có thể kết thúc với một lời hứa giống như lời hứa trong Mặc Môn 7:7 hay Mặc Môn 7:10. Các anh chị em có thể yêu cầu một vài học sinh chia sẻ những lời khuyên nhủ họ đã viết xong với lớp học. Các anh chị em cũng có thể thu góp những lời khuyên nhủ này để sử dụng làm manh mối cho các sinh hoạt thánh thư thông thạo trong tương lai hoặc để trưng bày trong lớp học.

Xin lưu ý: Các anh chị em có thể sử dụng sinh hoạt này bất cứ lúc nào trong khi dạy bài học này. Ví dụ, các anh chị em có thể sử dụng sinh hoạt này ở cuối bài học, hoặc sau khi thảo luận Mặc Môn 7.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Mặc Môn 7. Lời khẩn nài cuối cùng của Mặc Môn là hãy tin vào Đấng Ky Tô

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ giải thích lời khẩn nài cuối cùng của Mặc Môn là hãy tin vào Đấng Ky Tô, một lời khẩn nài mà ông viết cho những người trong thời kỳ của chúng ta sau khi đã xem sự hủy diệt của toàn thể dân tộc của ông:

“Trong một lời nói một mình về cái chết, Mặc Môn đã vượt qua thời gian và không gian để nói với tất cả mọi người, nhất là ‘những người còn sót lại của gia tộc Y Sơ Ra Ên’ là những người sẽ đọc biên sử vĩ đại của ông vào một ngày nào đó. Những người ở khác thời gian và địa điểm phải học điều mà những người đang nằm trước mặt ông đã quên— rằng tất cả phải ‘tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, và tin rằng Ngài là Vị Nam Tử của Thượng Đế,.’ và rằng tiếp theo việc Ngài bị đóng đinh ở Giê Ru Sa Lem, ‘nhờ quyền năng của Đức Chúa Cha Ngài đã sống lại lại, … do đó Ngài đã chiến thắng được nấm mồ, và nọc chết đã bị nuốt trọn nơi Ngài.

“‘Và Ngài đã thực hiện sự phục sinh cho người chết, … và sự cứu chuộc cho thế gian loài người.’ Sau đó những người đã được cứu chuộc, nhờ vào Đấng Ky Tô, vui hưởng ‘một trạng thái hạnh phúc bất tận.’ [Mặc Môn 7:2, 5–7.] …

“‘Tin nơi Đấng Ky Tô,’ nhất là khi được đo lường với những hậu quả bi thảm như vậy nhưng có thể tránh được, là lời khẩn nài cuối cùng của Mặc Môn và niềm hy vọng duy nhất của ông. Đó là mục đích tột bậc của toàn bộ cuốn sách này mà sẽ đến với thế giới ngày sau mang tên ông” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 321–22).