Thư Viện
Bài Học 154: Mô Rô Ni 6


Bài Học 154

Mô Rô Ni 6

Lời Giới Thiệu

Khi Mô Rô Ni sắp hoàn thành những bài viết của ông trên các bảng khắc, ông đã giải thích về một số điều kiện để cho các cá nhân chịu phép báp têm vào Giáo Hội. Sau đó ông vạch ra trách nhiệm của các tín hữu Giáo Hội để chăm sóc cho nhau. Ông cũng giải thích về mục đích của các buổi họp Giáo Hội và nhấn mạnh đến sự cần thiết để các buổi họp Giáo Hội phải được thực hiện bởi ảnh hưởng của Đức Thánh Linh.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Mô Rô Ni 6:1–3

Mô Rô Ni đặt ra những điều kiện về phép báp têm

Yêu cầu học sinh hãy tưởng tượng ra mình có một đứa em bảy tuổi và sẽ lên tám trong một vài tháng nữa. Cũng yêu cầu họ hãy tưởng tượng rằng cha mẹ của họ đã yêu cầu họ dạy một bài học trong buổi họp tối gia đình về cách chuẩn bị cho lễ báp têm. Mời một vài học sinh cho biết họ sẽ dạy những điều gì để giúp em của họ chuẩn bị để được báp têm.

Giải thích rằng Mô Rô Ni 6 ghi lại phần mô tả của Mô Rô Ni về những điều kiện về phép báp têm. Mời học sinh đọc thầm Mô Rô Ni 6:1–3, tìm kiếm những điều kiện đòi hỏi về phép báp têm. Sau đó mời học sinh chia sẻ điều họ đã tìm thấy. Hãy cân nhắc việc đặt ra những câu hỏi sau đây:

  • Các em nghĩ việc những người muốn được báp têm phải đưa ra “những thành quả chứng minh rằng họ xứng đáng được báp têm” có nghĩa là gì? (Họ phải sống và tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế, cho thấy rằng họ đã sẵn sàng để lập và tuân giữ giao ước báp têm).

  • Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để một cá nhân có “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” trước khi chịu phép báp têm? (Các em có thể muốn giải thích rằng cụm từ “một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” ám chỉ lòng khiêm tốn và sự sẵn sàng của một người để hối cải và tuân theo các lệnh truyền của Chúa).

Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 6:3, và yêu cầu lớp học nhận ra điều chúng ta giao ước phải làm tại lễ báp têm. Các học sinh nên nhận ra lẽ thật sau đây: Qua phép báp têm, chúng ta giao ước sẽ mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô và phục vụ Ngài đến cùng. (Các em có thể muốn yêu cầu học sinh nhớ lại điều họ đã học trong bài học trước về ý nghĩa của việc mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô).

  • Từ kinh nghiệm của các em, tại sao một người muốn được báp têm cần có một quyết tâm để phục vụ Chúa Giê Su Ky Tô đến cùng?

  • Các em đã làm gì để duy trì và củng cố quyết tâm của mình để phục vụ Chúa?

Mô Rô Ni 6:4

Mô Rô Ni giải thích cách chăm sóc và nuôi dưỡng phần thuộc linh của các tín hữu Giáo Hội

Nói cho học sinh biết rằng sau khi mô tả những điều kiện về phép báp têm, Mô Rô Ni đã giải thích điều gì đã được thực hiện trong thời kỳ của ông để giúp những người mới được báp têm vẫn luôn trung tín với giao ước của họ. Mời học sinh đọc thầm Mô Rô Ni 6:4, tìm kiếm điều các tín hữu Giáo Hội đã làm để giúp đỡ những người mới cải đạo. Yêu cầu học sinh báo cáo điều họ tìm thấy. Viết những câu trả lời của các em lên trên bảng.

Yêu cầu học sinh tóm tắt điều Mô Rô Ni 6:4 dạy về trách nhiệm của chúng ta đối với các tín hữu khác của Giáo Hội, nhất là tín hữu mới. (Ví dụ, học sinh có thể trả lời như sau: Chúng ta có trách nhiệm phải nhớ tới các tín hữu khác của Giáo Hội và nuôi dưỡng họ về phần thuộc linh bằng lời nói của Thượng Đế. Họ cũng có thể nói rằng chúng ta nên giúp đỡ nhau để liên tục cảnh giác bằng lời cầu nguyện và rằng chúng ta nên giúp nhau tin cậy vào Đấng Cứu Rỗi và sự Chuộc Tội của Ngài).

  • Làm thế nào chúng ta có thể làm tròn trách nhiệm của mình để nhớ tới nhau?

  • Làm thế nào chúng ta nuôi dưỡng lẫn nhau bằng “lời nói tốt lành của Thượng Đế”?

  • Các phước lành nào đến từ việc được nuôi dưỡng bằng lời nói của Thượng Đế?

Đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Anh Cả Jeffrey R. Holland

“Hầu hết mọi người không đến nhà thờ chỉ để tìm kiếm một vài sự kiện phúc âm mới hoặc để gặp bạn bè cũ, mặc dù tất cả điều đó đều quan trọng. Họ đến tìm kiếm một kinh nghiệm thuộc linh. Họ muốn sự bình an. Họ muốn củng cố đức tin của họ và tái lập hy vọng của họ. Nói tóm lại, họ muốn được nuôi dưỡng bằng lời nói tốt lành của Thượng Đế, được củng cố bằng các quyền năng của thiên thượng. Những người trong chúng ta được kêu gọi để nói chuyện hoặc giảng dạy hay lãnh đạo đều có bổn phận phải giúp cung cấp điều đó, với hết khả năng của mình” (“A Teacher Come from God,” Ensign, tháng Năm năm 1998, 26).

Yêu cầu học sinh xem xét những người đang hoặc đã nỗ lực để nhớ tới và nuôi dưỡng họ về phần thuộc linh. Ví dụ, hỏi họ xem có bao giờ nghĩ về tất cả những người đã cầu nguyện cho họ, chuẩn bị bài học cho họ, khuyến khích họ trong hoạt động tích cực của họ trong Giáo Hội, và giúp họ vượt qua những thử thách mà họ đã trải qua. Mời một vài học sinh chia sẻ cách họ đã được ban phước nhờ vào một người nào đó đã nhớ tới họ và nuôi dưỡng họ bằng lời nói của Thượng Đế. Các anh chị em có thể cân nhắc việc cho học sinh thời gian để viết thư cám ơn những người đã có các nỗ lực giúp đỡ họ.

Yêu cầu học sinh cân nhắc các cá nhân cụ thể mà Chúa có thể muốn họ nhớ tới hoặc nuôi dưỡng. Mời học sinh viết trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư điều họ có thể làm để làm tròn các trách nhiệm của mình đối với các tín hữu khác của Giáo Hội. Khuyến khích họ hãy đặc biệt chú ý đến nhu cầu của các tín hữu mới.

Mô Rô Ni 6:5–9

Mô Rô Ni mô tả các mục đích của các buổi họp Giáo Hội và cách tiến hành các buổi họp

Yêu cầu các học sinh hãy tưởng tượng rằng mỗi người trong số họ là một người cha hay mẹ của một thiếu niên hay thiếu nữ, mà trong vài tuần trước đã nói rằng em ấy không muốn đi nhà thờ vì dường như điều đó là vô nghĩa và nhàm chán. Mời học sinh cân nhắc điều họ có thể nói để khuyến khích đứa con niên thiếu ấy đi nhà thờ và cách họ có thể giúp em ấy hiểu được lý do đúng để tham dự nhà thờ thường xuyên.

Viết lời phát biểu dở dang sau đây lên trên bảng:

Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta phải nhóm họp với nhau thường xuyên để …

Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 6:5–6. Yêu cầu lớp học dò theo và tìm kiếm những cách để hoàn tất lời phát biểu trên bảng. Khi học sinh báo cáo điều họ tìm thấy, hãy viết những câu trả lời của họ lên trên bảng. Những câu trả lời của họ có thể bao gồm các lẽ thật sau đây:

Là các tín hữu Giáo hội, chúng ta phải nhóm họp với nhau thường xuyên để nhịn ăn và cầu nguyện.

Là các tín hữu Giáo Hội, chúng ta phải nhóm họp với nhau thường xuyên để củng cố lẫn nhau về phần thuộc linh.

Là các tín hữu Giáo hội, chúng ta phải nhóm họp với nhau thường xuyên để dự phần Tiệc Thánh nhằm tưởng nhớ đến Chúa Giê Su Ky Tô.

Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ một phần bức thư của một người bạn đã học cách tìm thấy niềm vui trong việc tham dự nhà thờ:

Anh Cả Dallin H. Oaks

“Cách đây nhiều năm, tôi đã thay đổi thái độ của mình về việc đi nhà thờ. Tôi không còn đi nhà thờ vì lợi ích của tôi nữa, mà để nghĩ về những người khác. Tôi cố gắng chào hỏi những người ngồi một mình, chào mừng những người khách đến tham dự, … tình nguyện trong một công việc chỉ định. …

“Nói tóm lại, tôi đi nhà thờ mỗi tuần với ý định phải tích cực, chứ không tiêu cực, và tạo ra một sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của các tín hữu. Do đó, việc tôi tham dự các buổi họp nhà thờ đã trở nên thú vị và thỏa mãn rất nhiều” (trích dịch trong “Sự Phục Vụ Vô Vị Kỷ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2009, 96).

Khi các anh chị em nghĩ về những nhu cầu của học sinh trong lớp học của mình, hãy cân nhắc việc yêu cầu một số hoặc tất cả các câu hỏi sau đây để giúp họ phân tích và áp dụng các nguyên tắc mà họ nhận ra từ Mô Rô Ni 6:5–6:

  • Những kinh nghiệm nào đã dạy các em về tầm quan trọng của việc cầu nguyện và nhịn ăn với các tín hữu của tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của mình?

  • Các em nghĩ rằng việc chúng ta phải “nói với nhau về sự an lạc của tâm hồn mình” có nghĩa là gì? (Mô Rô Ni 6:5). Chúng ta làm điều này ở nhà thờ bằng cách nào?

  • Kinh nghiệm của chúng ta ở nhà thờ có thể được ảnh hưởng như thế nào nếu chúng ta tham dự với ước muốn để củng cố phần thuộc linh của những người khác?

  • Một số điều chúng ta có thể tuởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh là gì? Làm thế nào việc dự phần Tiệc Thánh có thể giúp chúng ta tưởng nhớ tới Ngài trong suốt mỗi tuần?

  • Làm thế nào việc đi nhà thờ vì các mục đích chúng ta đã thảo luận có thể giúp để “giữ [chúng ta] đi con đường đúng”? (Mô Rô Ni 6:4). Các em có thể làm điều gì để khuyến khích những người trẻ tuổi khác tham dự các buổi họp Giáo Hội?

Hãy đọc to lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Joseph Fielding Smith:

Chủ Tịch Joseph Fielding Smith

“Không có nơi nào trong Si Ôn dành cho người phạm tội ương ngạnh. Có một nơi dành cho người phạm tội biết hối cải, dành cho người tránh sự bất chính và tìm kiếm cuộc sống vĩnh cửu và ánh sáng của Phúc Âm” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1915, 120).

Sau đó hãy mời học sinh đọc thầm Mô Rô Ni 6:7–8, tìm kiếm điều mà các vị lãnh đạo Giáo Hội trong thời kỳ của Mô Rô Ni đang “nghiêm nhặt gìn giữ.” Mời học sinh báo cáo điều họ học được. Các em có thể muốn giải thích rằng trong câu này, cụm từ “bị xóa bỏ” ám chỉ việc bị khai trừ. Nếu các tín hữu Giáo Hội phạm tội nặng và không hối cải, họ có thể bị khai trừ, hoặc đánh mất tư cách tín hữu của họ trong Giáo Hội và các phước lành của các giao ước của họ.

  • Một số điều nào mà các vị lãnh đạo Giáo Hội làm ngày nay để giúp chúng ta tránh tình trạng bất chính?

  • Theo Mô Rô Ni 6:8, lời hứa nào được ban cho chúng ta nếu chúng ta thành tâm hối cải những tội lỗi của mình? (Nếu chúng ta càng hối cải và chân thành tìm kiếm sự tha thứ thì chúng ta sẽ được tha thứ).

Yêu cầu học sinh cân nhắc các cơ hội mà họ có để cảm nhận Đức Thánh Linh trong các buổi họp thường xuyên của Giáo Hội vào ngày Chủ nhật (ví dụ, trong khi cầu nguyện, trong lễ Tiệc Thánh, trong khi các tín hữu đưa ra các bài nói chuyện hoặc giảng dạy, trong khi hát những bài thánh ca, hoặc trong khi suy ngẫm về một câu thánh thư trong một bài học). Mời một học sinh đọc to Mô Rô Ni 6:9. Yêu cầu lớp học dò theo và nhận ra vai trò nào Đức Thánh Linh nên có trong các buổi họp của chúng ta.

  • Lẽ thật nào chúng ta học được từ Mô Rô Ni 6:9 về cách tiến hành các buổi họp Giáo Hội? (Các buổi họp Giáo Hội phải được thực hiện bằng quyền năng của Đức Thánh Linh).

  • Khi nào các em cảm thấy rằng một buổi họp Giáo Hội được hướng dẫn bởi quyền năng của Đức Thánh Linh?

Để giúp học sinh hiểu lẽ thật này áp dụng như thế nào với tất cả các khía cạnh của các buổi họp Giáo Hội của chúng ta, hãy yêu cầu họ tự tưởng tượng ra mình đang ở trong vị thế của những người trong các tình huống sau đây. (Các anh chị em có thể muốn viết những điều này lên trên bảng trước khi lớp học băt đầu hoặc chuẩn bị một tờ phát tay). Mời học sinh giải thích nguyên tắc họ đã nhận ra trong Mô Rô Ni 6:9 có thể được áp dụng như thế nào trong mỗi tình huống này.

  1. Các em được yêu cầu để đưa ra một bài nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.

  2. Các em đã được yêu cầu hoạch định một phần trình diễn âm nhạc cho một buổi lễ Tiệc Thánh sắp tới.

  3. Các em đang ngồi trong một buổi họp chứng ngôn và cảm thấy được thúc giục để chia sẻ chứng ngôn của mình, nhưng các em không chắc về điều các em nên nói.

Nhắc học sinh nhớ rằng trước đó trong bài học, các anh chị em đã yêu cầu họ suy nghĩ về điều cha mẹ có thể nói để khuyến khích một thiếu niên hay thiếu nữ tham dự nhà thờ. Để kết luận bài học này, hãy hỏi học sinh điều họ đã nghĩ rằng họ có thể chia sẻ. Sau đó hãy chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về các phước lành của việc tham dự nhà thờ và bất cứ các nguyên tắc nào khác các anh chị em đã thảo luận ngày hôm nay.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Mô Rô Ni 6:2. “Một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối”

Anh Cả D. Todd Christofferson thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích ý nghĩa của việc dâng lên Chúa một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối cho Chúa:

“Khi tìm kiếm phước lành của việc cải đạo, các em có thể dâng lên Chúa món quà của tấm lòng đau khổ, hay là hối cải, và tâm hồn thống hối, hay là biết tuân phục. Thật ra, đó là món quà của bản thân các em—con người hiện tại của các em và con người mà các em sẽ trở thành” (“Đến Khi Ngươi Đã Cải Đạo,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, 12).

Mô Rô Ni 6:4. “Được quyền năng của Đức Thánh Linh … tẩy sạch”

Chúng ta nhận được quyền năng thánh hóa của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi qua sự đồng hành của Đức Thánh Linh (xin xem 3 Nê Phi 27:19–20; Mô Rô Ni 6:4). Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích:

“Tội lỗi được xá miễn không phải trong nước báp têm, như chúng ta nói theo nghĩa bóng, mà là khi chúng ta nhận được Đức Thánh Linh. Chính Đức Thánh Linh của Thượng Đế xóa bỏ tình trạng xác thịt và mang chúng ta vào một trạng thái ngay chính. Chúng ta trở nên trong sạch khi thực sự nhận được sự giao tiếp và đồng hành của Đức Thánh Linh. Đó là khi tội lỗi, cặn bã và điều ác bị đốt cháy ra khỏi linh hồn chúng ta thể như bị lửa đốt. Phép báp têm của Đức Thánh Linh là báp têm bằng lửa” (A New Witness for the Articles of Faith [1985], 290; xin xem thêm trang 239).

Mô Rô Ni 6:4. Bổn phận của chúng ta để nuôi dưỡng lẫn nhau

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã chia sẻ kinh nghiệm sau đây:

“Tôi đã trông thấy nhiều người chăn đã cho chiên của mình ăn. Một người là chủ tịch của một nhóm túc số thầy trợ tế. Một trong các thành viên trong nhóm túc số của người ấy sống gần nhà tôi. Cậu bé hàng xóm đó chưa bao giờ tham dự một buổi họp nhóm túc số, cũng như chưa bao giờ làm bất cứ điều gì cùng với các thành viên trong nhóm túc số của em. Người cha ghẻ của em không phải là tín hữu, và mẹ của em không đi nhà thờ.

“Chủ tịch đoàn nhóm túc số thầy trợ tế của em họp hội đồng vào một buổi sáng Chủ Nhật. Trong buổi họp chủ tịch đoàn của mình, những người chăn 13 tuổi đó đã nhớ đến em thiếu niên này là đứa chưa bao giờ đến họp. Chúng nói về việc em ấy cần điều mà chúng đã nhận được biết bao. Người chủ tịch chỉ định người cố vấn của mình theo đuổi con chiên đang lạc đường ấy.

“Tôi biết em cố vấn đó, và tôi biết em ấy rất nhút nhát, và tôi biết công việc chỉ định ấy là rất khó khăn, vì thế tôi kinh ngạc quan sát qua cửa sổ phía trước nhà của tôi trong khi em cố vấn lê bước ngang qua nhà tôi, đi lên con đường dẫn đến căn nhà của em thiếu niên chưa bao giờ đến nhà thờ. Người chăn đút hai tay vào túi của mình. Mắt em ấy nhìn xuống đất. Em bước đi chậm rãi, giống như cách các anh em thường bước đi nếu các anh em không chắc là mình muốn đến nơi mà mình đang đi đến. Trong vòng 20 phút, em ấy đi trở lại trên con đường cùng với người thầy trợ tế lạc lối bước đi bên cạnh em. Cảnh đó tái diễn trong mấy ngày Chủ Nhật nữa. Rồi em thiếu niên mà đã đi lạc lối và được tìm lại dọn nhà đi nơi khác.

“… Nhiều năm sau, tôi đang tham dự một đại hội giáo khu, tại một lục địa cách rất xa căn phòng mà chủ tịch đoàn ấy đã họp hội đồng. Một người đàn ông tóc bạc đến gặp tôi và nói nhỏ: ‘Cháu nội của tôi sống trong tiểu giáo khu của anh cách đây nhiều năm.’ Với giọng nói dịu dàng, người ấy kể cho tôi nghe về cuộc sống của em thiếu niên ấy. Và rồi ông hỏi tôi có thể tìm thấy người trợ tế mà đã bước đi chậm rãi trên con đường đó không. Và ông muốn biết tôi có thể cám ơn em ấy và cho em ấy biết rằng cháu nội của ông, hiện giờ đã trưởng thành, vẫn còn nhớ điều đó” (“Tỉnh Thức với Ta,” Ensign, tháng Năm năm 2001, 38–39).

Mô Rô Ni 6:4. Củng cố những người mới cải đạo

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley đã khuyến khích tất cả các tín hữu Giáo Hội, kể cả giới trẻ, nên nuôi dưỡng và củng cố những người gia nhập Giáo Hội:

“Không phải là điều dễ dàng để trở thành tín hữu của Giáo Hội này. Trong hầu hết các trường hợp, điều này liên quan đến việc từ bỏ các thói quen cũ, từ bỏ bạn bè và những người quen biết cũ, và bước vào một xã hội mới, khác biệt và có phần khắt khe.

“Với số lượng người cải đạo ngày càng gia tăng, chúng ta phải thực hiện một nỗ lực càng ngày càng lớn để phụ giúp họ khi họ tìm thấy con đường của họ. Mỗi người trong số họ đều cần ba điều: một người bạn, một trách nhiệm, và sự nuôi dưỡng bằng ‘′lời nói tốt lành của Thượng Đế’ (Mô Rô Ni 6:4). Chúng ta có bổn phận và cơ hội để cung cấp những điều này. …

“Đây là một công việc cho tất cả mọi người. Đây là một công việc cho các thầy giảng tại gia và các giảng viên thăm viếng. Đây là một công việc cho giám trợ đoàn, cho các nhóm túc số chức tư tế, cho Hội Phụ Nữ, cho các thiếu niên và thiếu nữ, thậm chí Hội Thiếu Nhi.

“Mới Chủ Nhật tuần rồi, tôi đang ở trong buổi họp nhịn ăn và chứng ngôn. Một cậu con trai 15 hoặc 16 tuổi đứng trước giáo đoàn và nói rằng em đã quyết định sẽ chịu phép báp têm.

“Sau đó, từng đứa con trai một, các cậu bé trong nhóm túc số các thầy giảng bước đến máy vi âm để bày tỏ tình yêu thương đối với người con trai đó, nói với em đó rằng em đó đang làm điều đúng, và bảo đảm với em đó rằng chúng sẽ hỗ trợ và giúp đỡ em đó. Thật là một kinh nghiệm tuyệt vời để nghe các thiếu niên đó nói lên những lời cám ơn và khuyến khích cho người bạn của mình” (“Converts and Young Men,” Ensign, tháng Năm năm 1997, 47–48).