Thư Viện
Bài Học 46: Gia Cốp 5:1–51


Bài Học 46

Gia Cốp 5:1–51

Lời Giới Thiệu

Trong khi giảng dạy cho dân ông, Gia Cốp đã trích dẫn chuyện ngụ ngôn về cây ô liu lành và cây ô liu dại, mà đã được một vị tiên tri tên là Giê Nốt đưa ra đầu tiên và được gồm vào trong các bảng khắc bằng đồng. Gia Cốp sử dụng chuyện ngụ ngôn này để giảng dạy rằng Chúa sẽ tìm cách mang sự cứu rỗi đến cho tất cả loài người—ngay cả những người trong số dân giao ước của Ngài đã rời bỏ Ngài. Vì chương Gia Cốp 5 khá dài, nên chương này được chia ra làm hai bài học.

Những Đề Nghị Cách Giảng Dạy

Gia Cốp 5:1–14

Gia Cốp trích dẫn Giê Nốt là người đã so sánh gia tộc Y Sơ Ra Ên với một cây ô liu lành

Hãy cân nhắc việc bắt đầu bài học này bằng cách đọc những ví dụ sau đây về những người trẻ tuổi thắc mắc về sự sẵn lòng của Chúa để tha thứ các tội lỗi của họ:

  • Một thanh niên nắm giữ chức tư tế nhiễm một thói quen tội lỗi. Người ấy tin rằng những người khác có thể được tha thứ, nhưng lại không tin rằng Chúa sẽ chấp nhận sự hối cải của mình.

  • Một thiếu nữ vi phạm một giáo lệnh. Người ấy trải qua cảm giác tội lỗi, cảm thấy khó chịu đối với bản thân mình, và không tin rằng Chúa vẫn còn yêu thương mình.

Mời các học sinh suy ngẫm câu hỏi sau đây nhưng không trả lời ra thành tiếng:

  • Các em có bao giờ tự hỏi về sự sẵn lòng của Chúa để tha thứ cho các em về các tội lỗi của các em không?

Giải thích rằng Gia Cốp đã tiên tri rằng dân Do Thái sẽ chối bỏ Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Gia Cốp 4:15). Ông cũng dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ tiếp tục lao nhọc cho sự cứu rỗi dân Ngài ngay cả sau khi họ chối bỏ Ngài (xin xem Gia Cốp 4:17–18). Để minh họa lẽ thật này, Gia Cốp đã trích dẫn một chuyện ngụ ngôn đã được một vị tiên tri tên là Giê Nốt đưa ra. Một câu chuyện ngụ ngôn sử dụng các ký tự biểu tượng, đồ vật và hành động để giảng dạy các lẽ thật. Trong khi nghiên cứu về câu chuyện ngụ ngôn này, các học sinh có thể học được các bài học quan trọng về sự sẵn lòng của Chúa Giê Su Ky Tô để giúp những người rời bỏ Ngài.

Mời một học sinh đọc to Gia Cốp 5:1–2, và yêu cầu lớp học tìm kiếm ai là người mà Giê Nốt đang ngỏ lời cùng (gia tộc Y Sơ Ra Ên). Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng khi tiên tri Gia Cốp trong Kinh Cựu Ước lập giao ước với Chúa, thì Chúa đã thay đổi tên của ông là Y Sơ Ra Ên. Cụm từ ″gia tộc Y Sơ Ra Ên″ ám chỉ con cháu của Gia Cốp và tất cả những người đã chịu phép báp têm và lập giao ước với Chúa.

  • Ai trong lớp học này là người thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng tất cả các tín hữu đã chịu phép báp têm của Giáo Hội đều là phần tử của gia tộc Y Sơ Ra Ên. Họ là phần tử trong câu chuyện ngụ ngôn trong Gia Cốp 5).

Mời một học sinh đọc to Gia Cốp 5:3. Yêu cầu lớp học tìm kiếm điều mà Giê Nốt đã sử dụng trong câu chuyện ngụ ngôn của ông để tượng trưng cho gia tộc Y Sơ Ra Ên. Sau khi các học sinh báo cáo điều họ tìm thấy, hãy giải thích rằng các cây ô liu rất có giá trị ở Y Sơ Ra Ên thời xưa vào lúc Giê Nốt sống ở đó. Trái ô liu được dùng làm thức ăn, và dầu ô liu được dùng để nấu ăn, làm thuốc chữa bệnh và nhiên liệu cho đèn. Cây ô liu cần phải được chăm sóc rất kỹ để sinh trái tốt. Nêu lên rằng trong câu chuyện ngụ ngôn này, cây ô liu lành mọc trong một vườn nho, tượng trưng cho thế gian.

  • Theo Gia Cốp 5:3, điều gì bắt đầu xảy ra với cây ô liu lành? Sự tàn tạ của cây ô liu tượng trưng cho điều gì? (Khuyến khích các học sinh sử dụng cước chú 3d để trả lời cho câu hỏi này).

  • Sự bội giáo là gì? (Rời bỏ Chúa và phúc âm của Ngài).

Mời các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 5:4–6. Yêu cầu họ suy nghĩ ai là chủ vườn nho và những hành động tỉa xén, vun xới và chăm bón của ông có thể tượng trưng cho điều gì. Rồi yêu cầu họ giải thích điều họ nghĩ những biểu tượng này tượng trưng cho điều gì. (Các anh chị em có thể cần phải giúp họ hiểu rằng người chủ vườn nho tượng trưng cho Chúa Giê Su Ky Tô. Việc tỉa xén, vun xới và chăm bón tượng trưng cho các nỗ lực của Chúa để giúp chúng ta nhận được các phước lành về Sự Chuộc Tội của Ngài và các nỗ lực của các vị tiên tri để giảng dạy và kêu gọi con người hối cải).

Mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

″Câu chuyện ngụ ngôn này do Gia Cốp thuật lại là từ lúc đầu nhằm nói về Đấng Ky Tô. … Ngay cả như Chúa của vườn nho và những người làm công cố gắng để củng cố, tỉa xén, làm thanh khiết, và nói cách khác là làm cho cây cối của họ sinh sản ra thành một đại cương lịch sử trong một chương về sự phân tán và quy tụ của Y Sơ Ra Ên, thì ý nghĩa sâu xa hơn về Sự Chuộc Tội ủng hộ và củng cố những sự lao nhọc của Chúa và họ” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 165).

Để giúp các học sinh thấy cách câu chuyện ngụ ngôn này minh họa mối quan tâm của Chúa đối với họ như thế nào, hãy giảng dạy cho họ biết rằng họ có thể thay thế tên của họ vào những chỗ ám chỉ các cây ô liu. Các anh chị em có thể cho thấy điều này bằng cách đưa ra ví dụ sau đây từ Gia Cốp 5:7: “Ta rất đau buồn nếu phải mất [tên của các em].” Giải thích rằng khi chúng ta thêm tên của mình vào Gia Cốp 5 trong những chỗ đầy ý nghĩa và thích hợp, thì chúng ta có thể biết thêm về mối quan tâm của Chúa dành cho chúng ta.

Trưng ra biểu đồ sau đây. Giải thích rằng biểu đồ này liệt kê ý nghĩa của các biểu tượng trong câu chuyện ngụ ngôn của Giê Nốt. (Các anh chị em có thế muốn sao chụp biểu đồ này làm tờ giấy phân phát hoặc yêu cầu các học sinh sao chép lại biểu đồ này vào nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ)

Gia Cốp 5: Câu Chuyện Ngụ Ngôn về Cây Ô Liu Lành và Cây Ô Liu Dại

Biểu Tượng

Ý Nghĩa Có Thể

Cây ô liu lành

Gia tộc Y Sơ Ra Ên, dân giao ước của Thượng Đế

Vườn nho

Thế gian

Sự tàn tạ

Tội lỗi và sự bội giáo

Chúa và chủ vườn nho

Chúa Giê Su Ky Tô

Tỉa xén, vun xới, và chăm bón

Các nỗ lực của Chúa để giúp con người nhận được các phước lành về Sự Chuộc Tội của Ngài

Tôi tớ của chủ vườn nho

Các vị tiên tri của Chúa

Các nhánh

Các nhóm người

Cây ô liu dại

Dân ngoại—những người đã không lập giao ước với Chúa. Về sau trong câu chuyện ngụ ngôn, cây ô liu thiên nhiên trở thành dại, tượng trưng cho những phần tử của gia tộc Y Sơ Ra Ên đã sa ngã vào sự bội giáo.

Ghép và trồng các cành cây

Sự phân tán và quy tụ của dân giao ước của Chúa. Ngoài ra, việc ghép các cành cây dại vào cây ô liu lành tượng trưng cho sự cải đạo của những người trở thành một phần của dân giao ước của Chúa.

Đốt các cành cây

Những sự phán xét của Thượng Đế đối với kẻ tà ác

Trái cây

Cuộc sống hay việc làm của dân chúng

Yêu cầu một học sinh đọc to Gia Cốp 5:7, 9–10, và bảo lớp học tìm kiếm điều mà người chủ vườn nho đã làm sau khi giữ lại cây ô liu lành. Bảo các học sinh báo cáo điều họ tìm thấy. (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng việc ghép cây là ráp một cái cành từ một cái cây vào một cái cây khác. Việc ghép cây trong những câu này tượng trưng cho các nỗ lực của Chúa để giúp dân Ngoại trở thành một phần của dân giao ước của Ngài qua phép báp têm và sự cải đạo. Việc đốt một số cành tượng trưng cho những sự phán xét của Chúa đối với những người tà ác nhất của gia tộc Y Sơ Ra Ên).

Mời một học sinh đọc to Gia Cốp 5:11. Yêu cầu lớp học tìm kiếm bằng chứng về mối quan tâm của người chủ vườn về rễ của cây ô liu lành. Yêu cầu các học sinh báo cáo điều họ tìm thấy.

Nhắc các học sinh nhớ rằng Gia Cốp 5:6 nói rằng cây ô liu lành đã bắt đầu mọc lên những nhánh non và mềm mại. Yêu cầu một học sinh đọc to Gia Cốp 5:8, 13–14. Yêu cầu lớp học nhận ra điều mà người chủ vườn đã làm với những nhánh cây này. Các anh chị em cũng có thể yêu cầu họ xem xét về cuộc hành trình của gia đình Lê Hi cho thấy một tấm gương về hành động của người chủ vườn như thế nào trong Gia Cốp 5:8, 13–14.

Gia Cốp 5:15–40

Người chủ vườn nho và tôi tớ của ông lao nhọc để giúp vườn nho sinh ra trái tốt

Chia lớp học ra thành hai nhóm. Chỉ định nhóm thứ nhất nghiên cứu Gia Cốp 5:15–28 và nhóm thứ hai nghiên cứu Gia Cốp 5:29–40. Yêu cầu các học sinh làm điều sau đây khi họ nghiên cứu (các anh chị em có thể muốn viết những chỉ dẫn này lên trên bảng):

  1. Tóm lược điều đã xảy ra trong vườn nho và điều đó có thể tượng trưng cho điều gì.

  2. Nhận ra các cụm từ cho thấy các nỗ lực của chủ vườn nho để giữ gìn cây ô liu lành (hay thiên nhiên) và các cành của nó.

Sau khi các học sinh đã có đủ thời giờ nghiên cứu những câu đã được chỉ định của họ, hãy yêu cầu họ tóm lược điều đã xảy ra trong vườn nho và giải thích điều đó có thể tượng trưng cho điều gì. Bắt đầu với các học sinh đã nghiên cứu Gia Cốp 5:15–28. Dưới đây là những phần tóm lược và giải thích mẫu.

Gia Cốp 5:15–28. Điều đã xảy ra: Tất cả các cành đã được ghép đều sinh ra trái tốt. Tuy nhiên, có một cành, mặc dù đã được trồng ở chỗ tốt của vườn nho, lại sinh ra trái lành lẫn trái dại. Điều này có thể tượng trưng là: Trái tốt hay trái lành trong hầu hết khắp vườn nho tượng trưng cho sự ngay chính trên thế gian trong thời kỳ của Đấng Ky Tô và Các Sứ Đồ của Ngài. Cái cành đã sinh ra một số trái tốt và một số trái dại tượng trưng cho con cháu ngay chính và tà ác của Lê Hi.

Gia Cốp 5:29–40. Điều đã xảy ra: Tất cả trái trong khắp vườn nho trở nên hư thối. Điều này có thể tượng trưng: Việc tất cả các trái đều hư thối tượng trưng cho Sự Đại Bội Giáo, mà trong thời gian đó phúc âm trọn vẹn của Chúa Giê Su Ky Tô bị mất khỏi thế gian tiếp theo giáo vụ trần thế của Các Sứ Đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.

Sau khi cả hai nhóm đều đã chia sẻ những phần tóm lược này, hãy hỏi:

  • Các cụm từ nào cho thấy các nỗ lực của người chủ vườn để giữ gìn cây ô liu lành và các cành của nó? Điều này minh họa gì về những cảm nghĩ của Chúa đối với dân giao ước của Ngài?

  • Trong khi chúng ta đã thảo luận về câu chuyện ngụ ngôn này, các em đã học được gì về Chúa Giê Su Ky Tô, chủ vườn nho? (Trong số nhiều lẽ thật đã được giảng dạy trong những câu này, các học sinh nên hiểu rằng Chúa yêu thương chúng ta và lao nhọc siêng năng vì sự cứu rỗi của chúng ta).

  • Câu chuyện ngụ ngôn này liên quan như thế nào đến những ví dụ vào lúc bắt đầu bài học về hai người trẻ tuổi đang muốn biết về sự sẵn lòng của Chúa để tha thứ tội lỗi của họ?

Gia Cốp 5:41–51

Người chủ vườn buồn rầu vì vườn nho của ông

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ Gia Cốp 5:41–42, 46–50. (Các anh chị em có thể muốn nêu lên rằng cụm từ ″cây trong vườn mọc cao quá″ trong Gia Cốp 5:48 có thể ám chỉ tính kiêu ngạo). Yêu cầu lớp học tìm kiếm những cụm từ cho thấy tình yêu thương và mối quan tâm của người chủ vườn đối với vườn nho của ông và nỗi buồn của ông khi cây đã không sinh ra trái tốt. Mời các học sinh chia sẻ những cụm từ trong các câu đặc biệt có ý nghĩa này đối với họ và giải thích lý do tại sao các cụm từ này có ý nghĩa. Sau khi các học sinh đã chia sẻ rồi, hãy hỏi lớp học:

  • Sự chăm sóc của người chủ vườn đối với vườn nho của ông tượng trưng cho tình yêu thương của Chúa đối với chúng ta như thế nào?

  • Một số ví dụ nào, từ thánh thư hoặc từ cuộc sống của các em, minh họa rằng Chúa tiếp tục yêu thương và chăm sóc dân chúng ngay cả sau khi họ đã rời bỏ Ngài?

Để kết thúc, hãy nhắc các học sinh nhớ rằng người chủ vườn cân nhắc việc đốn hết tất cả các cây vì trái của chúng đã trở nên hư thối mặc dù người chủ vườn đã hết sức chăm sóc (xin xem Gia Cốp 5:49).

  • Các em có nghĩ rằng người chủ vườn sẽ bỏ vườn nho của ông chăng? Tại sao có hoặc tại sao không?

Sau khi các học sinh đã chia sẻ những câu trả lời của họ, hãy đọc cho lớp học nghe Gia Cốp 5:51. Làm chứng rằng Chúa yêu thương chúng ta và cho thấy lòng thương xót và kiên nhẫn bao la khi Ngài lao nhọc để giúp chúng ta đến cùng Ngài và mang đến những việc làm ngay chính. Giải thích rằng bài học sắp tới sẽ gồm có phần thảo luận về các nỗ lực cuối cùng của người chủ vườn để giữ lại vườn nho của ông.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Gia Cốp 5:1. Giê Nốt là ai?

Giê Nốt là một vị tiên tri người Hê Bơ Rơ, ông có những bài viết ở trên các bảng khắc bằng đồng nhưng đã không được đề cập tới trong Kinh Cựu Ước. Ông đã sống sau thời tiên tri Áp Ra Ham và trước thời tiên tri Ê Sai (xin xem Hê La Man 8:19–20). Ông đã tiên tri và làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 1 Nê Phi 19:10–12; Hê La Man 8:19). Giê Nốt được biết tới nhiều nhất về câu chuyện ngụ ngôn của ông về cây ô liu. Nếu muốn đọc thêm về những lời tiên tri của Giê Nốt, các học sinh có thể tham khảo bản mục lục trong Sách Mặc Môn hoặc trong bộ ba quyển thánh thư tổng hợp.