Thư Viện
Bài Học 55: Mô Si A 5–6


Bài Học 55

Mô Si A 5–6

Lời Giới Thiệu

Mô Si A chứa đựng phần kết thúc bài nói chuyện của Vua Bên Gia Min đưa ra cho dân của ông, biên sử về bài nói chuyện đó bắt đầu trong Mô Si A. Vì đức tin của họ nơi những lời của Vua Bên Gia Min, dân chúng đã trải qua một sự thay đổi lớn lao trong lòng. Họ lập một giao ước với Thượng Đế và mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Như được ghi trong Mô Si A 6, Vua Bên Gia Min truyền giao vương quốc của ông cho con trai của ông là Mô Si A, là người đã trị vì theo tấm gương mà cha của ông đã nêu ra.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Mô Si A 5:1–4

Dân của Vua Bên Gia Min mô tả sự thay đổi lớn lao mà họ đã cảm nhận nhờ vào Thánh Linh

Trước khi học, hãy viết lên trên bảng các câu hỏi sau đây:

Có bao giờ các em cảm thấy rằng mình cần phải thay đổi phần thuộc linh không?

Các em đã làm gì về điều đó?

Nếu các em đã có kinh nghiệm về một sự thay đổi, thì các em có duy trì sự thay đổi đó cho đến ngày nay không?

Yêu cầu học sinh trả lời cho những câu hỏi này trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ tay ghi chép trong lớp của họ. Sau đó đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Tính chất của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi một sự thay đổi cơ bản và thường xuyên trong bản tính của chúng ta mà có thể thực hiện được qua sự trông cậy của chúng ta vào ‘công lao, lòng thương xót, và ân điển của Đấng Mê Si Thánh’ (2 Nê Phi 2:8). Khi chọn noi theo Đức Thầy, chúng ta chọn để được thay đổi—để được Thượng Đế sinh ra trong phần thuộc linh” (“Các Ngươi Phải Được Tái Sinh,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2007, 20).

Các anh chị em có thể đề nghị học sinh viết lời trích dẫn sau đây trong quyển thánh thư của họ bên cạnh Mô Si A 5:2 hoặc trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ: “Khi chọn noi theo Đức Thầy, chúng ta chọn để được thay đổi” (Anh Cả David A. Bednar).

  • Chúng ta chọn để được thay đổi về những phương diện nào khi chúng ta chọn noi theo Chúa Giê Su Ky Tô?

Cho học sinh một vài phút để xem lại Mô Si A 2–4. Các anh chị em có thể đề nghị họ đọc các phần tóm lược chương. Hãy hỏi họ rằng họ nhớ gì về nội dung của các chương này. Sau đó mời họ im lặng đọc Mô Si A 5:1.

  • Vua Bên Gia Min mong muốn biết điều gì từ dân của mình?

Yêu cầu học sinh im lặng đọc Mô Si A 5:2–5, tìm kiếm câu trả lời của dân chúng cho câu hỏi của Vua Bên Gia Min. Trước khi học sinh đọc, các anh chị em có thể muốn giải thích rằng trong câu 2, từ ý muốn ám chỉ bản tính của một cá nhân ước muốn và tính tình của người ấy. Sau khi họ đã đọc rồi, hãy hỏi những câu hỏi sau đây để giúp họ phân tích những câu đó:

  • Dân chúng đã nói gì về ý muốn của họ?

  • Điều gì đã mang đến sự thay đổi này trong ý muốn của họ? (Họ tin tưởng vào những lời dạy của Vua Bên Gia Min về Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội, và Thánh Linh đã thay đổi tấm lòng của họ).

Nhấn mạnh rằng một sự thay đổi trong lòng còn nhiều hơn là chỉ một sự thay đổi trong hành vi. Khi trải qua một sự thay đổi trong lòng thì chúng ta trở thành những người mới, được thay đổi nhờ vào quyền năng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi. Để giúp học sinh hiểu được lẽ thật này, mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

“Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô bao gồm nhiều điều hơn là việc tránh xa, khắc phục và được thanh tẩy tội lỗi và các ảnh hưởng xấu trong cuộc sống của chúng ta, mà về cơ bản, nó còn đòi hỏi việc làm điều thiện, sống thiện lành và trở nên tốt hơn. … Sự thay đổi lớn lao này không phải chỉ là kết quả của việc cố gắng nhiều hơn hoặc phát triển kỷ luật tự giác cá nhân nhiều hơn. Đúng hơn, đó là kết quả của một sự thay đổi cơ bản trong ước muốn, động cơ và bản tính của chúng ta mà có thể làm cho trở thành hiện thực nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Ky Tô. Mục đích thuộc linh của chúng ta là khắc phục cả tội lỗi lẫn ước muốn phạm tội, cả sự đồi bại lẫn sức chi phối của tội lỗi” (“Tay Trong Sạch và Lòng Thanh Khiết,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2007, 81–82).

  •  Các em nghĩ tại sao chúng ta cần Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô để thực sự thay đổi?

Hướng sự chú ý của học sinh đến cụm từ “vì Thánh Linh của Chúa Vạn Năng” trong Mô Si A 5:2. Các anh chị em có thể cần phải định nghĩa từ vạn năng, có nghĩa là có quyền năng vô hạn.

  • Chúng ta có thể học được gì từ Mô Si A 5:2–4 về cách chúng ta có thể có được một sự thay đổi lớn lao trong cuộc sống?

Khi học sinh thảo luận câu hỏi này, hãy chắc chắn là họ hiểu rằng khi chúng ta thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nhận được Đức Thánh Linh, chúng ta có thể có được một sự thay đổi lớn lao trong lòng.

Giải thích rằng việc có được một sự thay đổi lớn lao trong lòng là một tiến trình xảy ra trong suốt cuộc đời chúng ta, chứ không phải là một sự kiện duy nhất. Chia sẻ lời phát biểu của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:

“Việc trở nên giống như Đấng Ky Tô là một sự theo đuổi suốt đời và rất thường gồm có sự tăng trưởng và thay đổi rất là chậm, hầu như không thể nhận thấy được. …

“… Sự hối cải chân thành gồm có một sự thay đổi trong lòng chứ không phải chỉ là một sự thay đổi hành vi. … Hầu hết sự hối cải không gồm có những thay đổi phi thường hoặc bi thảm mà thay vì thế là một hành động từng bước một, vững vàng, và kiên định hướng tới sự tin kính” (“A Mighty Change of Heart,” Ensign, tháng Mười năm 1989, 5).

Để giúp học sinh áp dụng nguyên tắc này và đánh giá sự tiến bộ của họ trong việc có được một sự thay đổi lớn lao trong lòng họ, hãy yêu cầu họ trả lời trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ cho những câu hỏi sau đây. (Các anh chị em có thể muốn viết lên trên bảng những câu hỏi này trước khi bắt đầu học, hãy chuẩn bị một tờ giấy phát tay với các câu hỏi, hoặc đọc các câu hỏi từ từ để học sinh có thể viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ).

  • Ý muốn của các em đã thay đổi như thế nào khi các em đã noi theo Đấng Cứu Rỗi?

  • Các em cần phải làm gì để Chúa sẽ tiếp tục giúp các em có được sự thay đổi này?

Cho một hoặc hai học sinh cơ hội để chia sẻ câu trả lời của họ cho những câu hỏi này. Hãy chắc chắn rằng họ hiểu là họ không nên cảm thấy bắt buộc phải chia sẻ những kinh nghiệm hay ý nghĩ quá riêng tư.

Mô Si A 5:5–15

Dân của Vua Bên Gia Min lập một giao ước với Thượng Đế và được đặt cho một cái tên mới

Mời một học sinh đọc to Mô Si A 5:5. Yêu cầu lớp học tìm kiếm điều mà dân của Vua Bên Gia Min đã sẵn lòng làm vì lòng họ đã được thay đổi.

  • Dân chúng đã sẵn lòng làm điều gì bây giờ để ý muốn của họ đã thay đổi qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô?

Để giúp học sinh gia tăng sự hiểu biết của họ về các giao ước, hãy cho họ một vài phút để mỗi người nghiên cứu riêng đề tài này. Anh chị em có thể đề nghị họ nghiên cứu đề tài này trong Sách Hướng Dẫn Thánh Thư hoặc sách Trung Thành cùng Đức Tin hoặc là họ tìm kiếm các câu thánh thư về đề tài này trong chỉ mục Sách Mặc Môn hoặc bộ ba quyển thánh thư tổng hợp. Sau khi đã cho học sinh đủ thời gian rồi, yêu cầu học sinh chia thành từng cặp và giải thích các giao ước cho nhau nghe bằng lời riêng của họ.

  • Những từ hoặc cụm từ nào trong Mô Si A 5:5 cho thấy ước muốn chân thành của dân chúng để lập và tuân giữ một giao ước với Thượng Đế? (Các câu trả lời có thể gồm có “làm theo ý Ngài”, “trong mọi điều,” và “suốt quãng đời còn lại của mình.”)

  • Những từ hoặc cụm từ nào trong Mô Si A 5:5 nhắc nhở các em về những lời hứa mà chúng ta lập lại mỗi lần chúng ta dự phần Tiệc Thánh?

  • Các em nghĩ làm thế nào việc lập và tuân giữ các giao ước giúp chúng ta tiếp tục trong tiến trình có được một sự thay đổi trong lòng?

Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 1:11. Yêu cầu họ tìm kiếm một lý do mà Vua Bên Gia Min đã quy tụ dân chúng lại. (Để đặt cho họ một cái tên). Giải thích rằng Mô Si A 5:7–15 ghi lại lời giải thích của Vua Bên Gia Min về cái tên ông đã hứa sẽ đặt cho dân của ông. Cho học sinh một vài phút để đọc lướt qua Mô Si A 5:7–14, tìm kiếm các từ tên bị gọi. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm những từ này mỗi khi thấy những từ này.

Mời một vài học sinh cho biết lý do tại sao họ đã được đặt tên của họ. Ví dụ, các anh chị em có thể yêu cầu họ nói về cách cha mẹ của họ đã quyết định đặt tên cho họ, hoặc các anh chị em có thể hỏi xem tên của họ có ý nghĩa đặc biệt nào không. Sau đó hỏi lớp học:

  • Tầm quan trọng của của một cái tên là gì? (Tóm lược ở trên bảng những câu trả lời của học sinh cho câu hỏi này. Những câu trả lời có thể gồm có việc có một cái tên là cách chúng ta được biết đến, cái tên được gắn với nguồn gốc của chúng ta, đó là một cách chúng ta được phân biệt với những người khác, và cái tên đó thường mang theo mình một danh tiếng và những kỳ vọng vì gia đình đã gắn liền với cái tên đó).

Mời một học sinh đọc to Mô Si A 5:7–8. Yêu cầu lớp học tìm cái tên mà Vua Bên Gia Min đã đặt cho dân của ông. Cũng yêu cầu họ tìm các từ và cụm từ chỉ ra tầm quan trọng của tên đó. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích họ tô đậm những từ và cụm từ này.

  • Vua Bên Gia Min đã đặt tên gì cho dân của ông?

  • Các em đã thấy các từ và cụm từ nào? Các từ và cụm từ đó dạy điều gì cho các em về danh của Đấng Ky Tô?

  • Khi nào chúng ta mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô? (Hãy chắc chắn rằng học sinh hiểu là chúng ta mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô khi chúng ta lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng).

Khi học sinh thảo luận những câu này, họ có thể cần giúp đỡ để hiểu giáo lý rằng chúng ta có thể trở thành “con cái của Đấng Ky Tô” (Mô Si A 5:7). Các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng một người cha cho một đứa con sự sống. Chúng ta đều là con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng. Chúng ta cũng là con cái của người cha trần thế, mà cùng với mẹ của chúng ta, cung cấp cho chúng ta cơ hội để sống trên thế gian trong thể xác. Khi đề cập đến Mô Si A 5:7, Chủ Tịch Joseph Fielding Smith đã dạy rằng Chúa Giê Su Ky Tô cũng “trở thành Cha chúng ta” vì Ngài “ban cho chúng ta sự sống, cuộc sống vĩnh cửu, nhờ vào sự chuộc tội mà Ngài đã thực hiện cho chúng ta.” Chủ Tịch Smith giải thích: “Chúng ta trở thành con cái, con trai và con gái của Chúa Giê Su Ky Tô, qua các giao ước của chúng ta về sự vâng lời Ngài” (Doctrines of Salvation, do Bruce R. McConkie biên soạn, 3 tập [1954–56], 1:29).

Bảo học sinh xem các từ ở trên bảng mô tả tầm quan trọng của một cái tên.

  • Làm thế nào các từ ở trên bảng có thể giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc chúng ta mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô?

Yêu cầu học sinh im lặng đọc Mô Si A 5:9–13, tìm kiếm nhiều lời khuyên dạy thêm từ Vua Bên Gia Min về việc chúng ta mang lấy danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đọc những câu này thể như Vua Bên Gia Min đang nói riêng với họ. Chia học sinh ra thành từng cặp, và yêu cầu họ thảo luận các câu hỏi sau đây dựa vào điều họ đã đọc. (Các anh chị em có thể muốn viết lên trên bảng những câu hỏi này hoặc cung cấp một tờ giấy phát tay cho họ).

  • Hãy nghĩ về tầm quan trọng của việc chúng ta mang lấy danh của Đấng Ky Tô. Các em nghĩ việc ghi khắc danh của Đấng Ky Tô vào tim các em có nghĩa là gì? Các phước lành nào đến với những người ghi khắc danh của Đấng Ky Tô vào tim của họ?

  • Hãy nghĩ về những người mà các anh chị em biết đã tôn vinh danh của Đấng Ky Tô. Những người này làm gì để cho thấy sự tôn kính và tình yêu thương mà họ dành cho danh của Đấng Ky Tô?

Yêu cầu một học sinh đọc to Mô Si A 5:15. Mời lớp học tìm kiếm các hành động mà nhận ra những người tuân giữ các giao ước của họ.

  • Một số câu hỏi nào chúng ta có thể tự hỏi để đánh giá xem chúng ta đã mang lấy danh Đấng Ky Tô một cách xuất sắc như thế nào?

Chia sẻ những cảm nghĩ của các anh chị em về tầm quan trọng của việc mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Làm chứng về tầm quan trọng của việc này trong cuộc sống của các anh chị em.

Mô Si A 6:1–7

Mô Si A bắt đầu triều đại của ông làm vua

Yêu cầu học sinh im lặng đọc Mô Si A 6:1–3, nhận ra điều mà Vua Bên Gia Min đã làm trước khi ông cho giải tán đám đông.

  • Các em nghĩ tại sao là điều quan trọng để ghi chép tên của tất cả những người đã lập giao ước? Tại sao Vua Bên Gia Min chỉ định các thầy tư tế ở giữa dân chúng?

Giải thích rằng sau khi ngỏ lời với dân chúng, Vua Bên Gia Min trao vương quốc cho con trai của ông là Mô Si A. Ba năm sau, Vua Bên Gia Min qua đời. Mời một học sinh đọc to Mô Si A 6:6–7. Yêu cầu lớp học tìm kiếm các từ và cụm từ cho thấy rằng Mô Si A noi theo gương của cha ông và đã giúp dân của ông tiếp tục có được một sự thay đổi lớn lao trong lòng của họ.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Mô Si A 5:15. “Vững vàng và cương quyết”

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích về ý nghĩa của sự “vững vàng và cương quyết”:

“Từ ‘vững vàng’ được sử dụng để chỉ việc được cố định trong vị trí, chắc chắn và bền vững, không lay chuyển và kiên định (Oxford English Dictionary Online, xuất bản lần thứ 2. [1989], “Steadfast”). Từ ‘cương quyết’ được sử dụng để chỉ một người hay một vật là bất di bất dịch, vững chắc một cách an toàn, và không thể thay đổi. Từ này cũng có nghĩa là đặc tính của việc kiên cường và không để bị chuyển hướng khỏi mục đích của một người (Oxford English Dictionary Online, “Immovable”). Như vậy, một người vững vàng và cương quyết là người luôn chắc chắn và bền vững, không lay chuyển và kiên định, hoàn toàn vững chắc, và không để bị chuyển hướng khỏi mục đích hay sứ mệnh chính” (“Steadfast and Immovable, Always Abounding in Good Works,” New Era, tháng Giêng năm 2008, 2).