Thư Viện
Bài Học 150: Ê The 12:23–41


Bài Học 150

Ê The 12:23–41

Lời Giới Thiệu

Trong lời cầu nguyện khiêm nhường, Mô Rô Ni đã bày tỏ một mối quan tâm. Ông lo lắng về sự yếu kém ông đã nhận thấy trong văn viết của mình và trong văn viết của các vị tiên tri khác trong Sách Mặc Môn. Chúa đã đáp ứng với một lời hứa sẽ củng cố những người biết hạ mình và có đức tin nơi Ngài.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Ê The 12:23–41

Mô Rô Ni dạy rằng đức tin, hy vọng, và lòng bác ái là cần thiết cho sự cứu rỗi

Viết từ mạnh mẽ ở một bên bảng và từ yếu kém ở phía bên kia bảng. Cho học sinh thời gian để suy ngẫm điều gì họ nghĩ là những điều mạnh mẽ của họ. Sau đó mời họ suy nghĩ về một vài yếu kém hoặc thiếu sót của họ. Yêu cầu họ giơ tay lên nếu họ muốn những yếu kém của họ đổi thành những điều mạnh mẽ. Giải thích rằng Mô Rô Ni dạy về lý do tại sao chúng ta có những yếu kém và làm thế nào chúng ta có thể khắc phục được chúng.

Mời một học sinh đọc to Ê The 12:23–25. Yêu cầu lớp học dò theo cùng nhận ra sự yếu kém mà Mô Rô Ni cảm thấy rằng ông và các tác giả khác của Sách Mặc Môn đã có. Trước khi học sinh đọc, các anh chị em có thể muốn giải thích rằng từ dân Ngoại trong các câu này ám chỉ những người sống ở các quốc gia dân Ngoại trong những ngày sau.

  • Mô Rô Ni đã lo lắng điều gì sẽ xảy ra vì sự yếu kém của những người viết Sách Mặc Môn?

Mời học sinh đọc thầm câu trả lời của Chúa đối với mối bận tâm của Mô Rô Ni trong Ê The 12:26–27. Yêu cầu họ tìm kiếm một lý do tại sao Thượng Đế ban cho chúng ta những yếu kém. Hãy nêu lên rằng Ê The 12:27 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể khuyến khích học sinh đánh dấu đoạn này trong một cách đặc biệt để họ sẽ có thể tìm thấy đoạn đó dễ dàng.

Để giúp học sinh hiểu rõ hơn từ yếu kém như khi từ đó được sử dụng trong các câu này, hãy yêu cầu một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Trước khi đọc lời phát biểu này, hãy yêu cầu lớp học lắng nghe kỹ hai loại yếu kém mà Anh Cả Maxwell đã nhận ra.

Anh Cả  Neal A. Maxwell

“Khi chúng ta đọc trong thánh thư về sự ‘yếu kém của con người,’ từ này gồm có sự yếu kém cố hữu trong tình trạng con người nói chung mà trong đó xác thịt có một ảnh hưởng không ngừng [hoặc liên tục] đến linh hồn (xin xem Ê The 12:28–29). Tuy nhiên, sự yếu kém tương tự như vậy gồm có những yếu kém cụ thể, riêng của chúng ta, mà chúng ta được kỳ vọng sẽ khắc phục được (xin xem GLGƯ 66:3; Gia Cốp 4:7). Cuộc sống có cách để phơi bày những yếu kém này” (Lord, Increase Our Faith [1994], 84).

  • Theo như Anh Cả Maxwell, chúng ta đọc trong thánh thư về hai loại yếu kém nào của con người? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng cụm từ “tình trạng con người nói chung” ám chỉ sự yếu kém do Sự Sa Ngã của A Đam và Ê Va hay nói cách khác, những yếu kém liên quan đến “con người thiên nhiên” được nói đến trong Mô Si A 3:19).

Nhắc các học sinh nhớ rằng đôi khi thánh thư cho biết một nguyên tắc bằng cách sử dụng các từ nếuthì. Từ nếu giới thiệu một điều chúng ta phải làm, và thì giới thiệu một lời giải thích về điều sẽ xảy ra do hành động của chúng ta. Mời học sinh yên lặng xem lại Ê The 12:27 cùng tìm kiếm các nguyên tắc “nếu-thì” được giảng dạy trong câu này. Học sinh cần nhận ra các nguyên tắc sau đây (viết các nguyên tắc này lên trên bảng):

Nếu chúng ta đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô, thì Ngài sẽ cho chúng ta thấy sự yếu kém của chúng ta.

Nếu chúng ta hạ mình và thực hành đức tin nơi Chúa, thì Ngài sẽ làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với chúng ta.

  • Tại sao các em nghĩ rằng điều quan trọng là chúng ta phải nhận ra những yếu kém của mình?

  • Chỉ ra cụm từ “hãy đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô” trong nguyên tắc đầu tiên. Chúng ta có thể làm một số điều gì để “đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô”? (Các câu trả lời có thể gồm có việc chúng ta có thể cầu nguyện, nhịn ăn, hối cải, học thánh thư, tham gia vào sự thờ phượng trong đền thờ, phục vụ người khác, và tìm cách phát triển các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô. Các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng trong hầu hết các trường hợp, việc khắc phục một sự yếu kém có nghĩa rằng ngoài việc tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa ra, chúng ta còn phải làm phần vụ của mình nữa).

  • Nguyên tắc thứ hai ám chỉ điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chọn không hạ mình và thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô? (Những yếu kém của chúng ta sẽ vẫn tồn tại vì chúng ta đã từ chối ân điển của Chúa để giúp chúng ta khắc phục chúng)

  • Các em nghĩ “ân điển của ta cũng đủ để ban cho tất cả những ai biết hạ mình trước mặt ta” có nghĩa là gì? (Để giúp học sinh trả lời câu hỏi này, các anh chị em có thể cần phải giải thích ân điển là một “phương tiện thiêng liêng của sự giúp đỡ hay sức mạnh, được ban cho qua lòng thương xót dồi dào và tình yêu thương của Chúa Giê Su Ky Tô” và có thể được thực hiện bởi Sự Chuộc Tội [Bible Dictionary, “Grace”] Quyền năng cho phép này, hoặc sự phụ giúp, sẽ không bao giờ cạn kiệt—cho dù có bao nhiêu người nhờ tới quyền năng đó)

Mời các học sinh chia sẻ những kinh nghiệm mà họ đã có khi Chúa đã giúp họ (hoặc người mà họ quen biết) khắc phục được một sự yếu kém. (Nhắc các học sinh nhớ rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư). Các anh chị em cũng có thể muốn chia sẻ một kinh nghiệm của riêng mình.

Để khuyến khích việc áp dụng các nguyên tắc được giảng dạy trong Ê The 12:27, hãy viết các cụm từ sau đây lên trên bảng:

1. Công nhận sự yếu kém của tôi 2. Hạ mình 3. Thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô

Mời học sinh viết những cụm từ này trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư. Dưới các cụm từ thích hợp, hãy mời họ viết (1) một sự yếu kém mà họ cảm thấy họ có, (2) một cách mà họ có thể hạ mình, và (3) một cách mà họ có thể thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để họ có thể nhận được sự giúp đỡ, hoặc ân điển, của Ngài để khắc phục sự yếu kém mà họ đã liệt kê. Hãy bảo đảm với các học sinh rằng khi họ theo đuổi đến cùng điều họ đã viết ra, Chúa sẽ “làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với họ” (Ê The 12:27).

Mời học sinh đọc thầm Ê The 12:26, 28 cùng tìm kiếm cách Chúa đã trả lời thêm cho mối bận tâm của Mô Rô Ni về sự yếu kém của ông.

Nêu ra rằng lời phát biểu “Những kẻ điên rồ sẽ nhạo báng, nhưng rồi chúng sẽ than khóc” (Ê The 12:26).

  • Dựa trên điều chúng ta đã học ngày hôm nay, các em nghĩ tại sao là điều điên rồ để nhạo báng những yếu kém của người khác?

Nêu ra rằng Ê The 12:26 đề cập đến tính nhu mì. (Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng nhu mì là khiêm nhường và dễ dạy và phải kiên nhẫn trong những lúc đau khổ).

  • Tại sao các em nghĩ rằng chúng ta cần phải nhu mì để bỏ qua những yếu kém của người khác?

Trước khi tiếp tục, hãy nhấn mạnh rằng nếu chúng ta nhu mì, thì chúng ta có thể nhận được ân điển của Chúa để giúp chúng ta bỏ qua những yếu kém của người khác.

Tóm lược Ê The 12:29–32 bằng cách giải thích rằng Mô Rô Ni đã dạy về tầm quan trọng của việc thực hành đức tin cùng có được hy vọng và lòng bác ái. Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng “lòng bác ái là tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:47).

Mời học sinh đọc thầm Ê The 12:33–35 cùng tìm kiếm lý do tại sao là điều quan trọng để thực hành lòng bác ái khi đối phó với những yếu kém của người khác.

  • Theo Ê The 12:34, một hậu quả chúng ta sẽ gặp nếu chúng ta không có lòng bác ái là gì?

Để kết thúc, hãy mời học sinh đọc thầm Ê The 12:38–41. Yêu cầu họ viết trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về điều họ đang làm để đáp ứng lời mời được ghi trong Ê The 12:41—”Hãy tìm kiếm Chúa Giê Su này, tức là Đấng mà các tiên tri và các sứ đồ đã từng viết đến.”

Làm chứng rằng khi chúng ta hạ mình và thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, Ngài sẽ “làm cho những điều yếu kém trở nên mạnh mẽ đối với [chúng ta]” (Ê The 12:27). Khuyến khích học sinh theo đuổi đến cùng những kế hoạch mà họ đã viết ra. Các anh chị em cũng có thể khuyến khích họ tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa trong việc thực hành lòng bác ái khi họ đối phó với những yếu kém của người khác.

biểu tượng thông thạo thánh thưThông Thạo Thánh Thư—Ê The 12:27

Để giúp học sinh thuộc lòng Ê The 12:27, hãy viết các từ sau đây lên trên bảng và mời các học sinh chép lại trên một tờ giấy:

Nếu … đến … sẽ chỉ thấy … sự yếu kém … ban … sự yếu kém … biết khiêm nhường … và ân điển … tất cả những ai … hạ mình … nếu họ … hạ mình … đức tin … yếu kém … mạnh mẽ.

Yêu cầu học sinh đọc thầm Ê The 12:27 cùng lưu ý đến những từ này. Sau đó mời họ đọc thuộc lòng càng nhiều càng tốt những từ trong câu đó mà chỉ nhìn vào những từ trên tờ giấy của họ. Khuyến khích học sinh để tờ giấy ở chỗ nào mà họ sẽ tìm thấy về sau trong ngày hôm nay hoặc ngày mai (ví dụ, trong túi hoặc trong quyển thánh thư của họ). Mời họ xem lại Ê The 12:27 bất cứ khi nào họ thấy tờ giấy đó cho đến khi họ thuộc lòng đoạn đó.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Ê The 12:27. “Ta sẽ chỉ cho họ thấy sự yếu kém của họ”

Anh Cả Bruce C. Hafen thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi cho biết rằng nỗi khó khăn của chúng ta để khắc phục sự yếu kém là chính yếu cho mục đích của chúng ta trên thế gian này:

“Kế hoạch của Đức Chúa Cha bắt chúng ta phải trải qua sự cám dỗ và nỗi khổ sở trong thế giới sa ngã này. …

“Vậy nên, nếu các anh chị em có những vấn đề khó khăn trong cuộc sống của mình, thì chớ cho rằng có một điều gì đó sai trái nơi các anh chị em. Việc phấn đấu với những vấn đề đó là trung tâm điểm của mục đích cuộc sống. Khi chúng ta đến gần Thượng Đế, Ngài sẽ cho chúng ta thấy những yếu kém của chúng ta, và qua những yếu kém này, Ngài sẽ làm cho chúng ta khôn ngoan, mạnh mẽ hơn. Nếu các anh chị em thấy rõ hơn những yếu kém của mình, thì điều đó chỉ có thể có nghĩa là các anh chị em đang tiến dần đến gần Thượng Đế hơn, chứ không phải xa hơn” (“Sự Chuộc Tội: Toàn Bộ cho Tất Cả,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2004, 97).

Câu chuyện sau đây là về một thiếu niên đã có được kinh nghiệm về việc làm tròn lời hứa của Chúa trong Ê The 12:27:

Tất cả các thiếu niên trong Giáo Hội được khuyến khích phải hoàn thành các mục tiêu qua chương trình Bổn Phận đối với Thượng Đế và chương trình Hướng Đạo trong một số khu vực. Cha mẹ của Jonathan Perez bận rộn nuôi nấng lo liệu cho gia đình đông con của họ, và bạn bè của em ấy chế nhạo các nỗ lực của em để đạt được cấp Đại Bàng trong chương trình Hướng Đạo. Bất chấp những khó khăn này, Jonathan vẫn đặt ra mục tiêu và cố gắng làm. Theo thời gian, với sự giúp đỡ và hỗ trợ của những người lãnh đạo Hội Thiếu Niên, em ấy đã đạt được mục tiêu của mình. Em ấy viết: “Kinh nghiệm này đã dạy tôi biết rằng bất kể những trở ngại hay thử thách nào đến với tôi, thì Chúa cũng sẽ giúp tôi khắc phục những thiếu sót và yếu kém của tôi (Ê The 12:27). Dù chúng ta có gia cảnh ra sao hoặc giàu hay nghèo thì điều đó cũng không quan trọng. Chúng ta có thể đạt được mục tiêu của mình vì chúng ta có Chúa ở bên cạnh” (Jonathan Perez, “An Honor Earned,” New Era, tháng Mười Một năm 2007, 45).