Các Giáo Lý Cơ Bản
Các Giáo Lý Cơ Bản cần được nhấn mạnh trong lớp giáo lý lẫn viện giáo lý. Các giảng viên phải giúp các học sinh nhận ra, hiểu biết, tin tưởng, giải thích và áp dụng các giáo lý cơ bản này của phúc âm. Việc làm như thế sẽ giúp các học sinh củng cố chứng ngôn của họ và gia tăng lòng biết ơn của họ đối với phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Việc nghiên cứu Các Giáo Lý Cơ Bản cũng sẽ giúp họ chuẩn bị kỹ hơn để giảng dạy các lẽ thật quan trọng này cho những người khác.
Các Lớp Giáo Lý và Viện Giáo Lý Tôn Giáo đã chọn ra 100 đoạn thánh thư thông thạo để giúp các học sinh hiểu biết về Các Giáo Lý Cơ Bản. Hầu hết các phần tham khảo thánh thư được liệt kê dưới đây đề cập đến các đoạn thánh thư thông thạo. Các đoạn đó đã được gồm vào để cho thấy các đoạn đó liên quan đến Các Giáo Lý Cơ Bản như thế nào.
1. Thiên Chủ Đoàn
Có ba Đấng riêng biệt trong Thiên Chủ Đoàn: Thượng Đế, Đức Chúa Cha Vĩnh Cửu; Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô; và Đức Thánh Linh (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–20). Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử có thể xác hữu hình bằng xương bằng thịt, và Đức Thánh Linh là một Đấng linh hồn (xin xem GLGƯ 130:22–23). Các Ngài hiệp một trong mục đích và giáo lý. Các Ngài thống nhất hoàn toàn trong việc mang lại kế hoạch cứu rỗi thiêng liêng của Cha Thiên Thượng.
Thượng Đế Đức Chúa Cha
Thượng Đế Đức Chúa Cha là Đấng Trị Vì Tối Cao của vũ trụ. Ngài là Cha linh hồn của chúng ta (xin xem Hê Bơ Rơ 12:9). Ngài là Đấng hoàn hảo, có tất cả quyền năng, và biết tất cả mọi điều. Ngài cũng là một Thượng Đế với lòng thương xót, nhân từ và bác ái hoàn toàn.
Chúa Giê Su Ky Tô
Chúa Giê Su Ky Tô là Con Đầu Sinh của Đức Chúa Cha trong thể linh và là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha trong thể xác. Ngài là Đức Giê Hô Va của thời Cựu Ước và Đấng Mê Si của thời Tân Ước.
Chúa Giê Su Ky Tô đã sống một cuộc đời vô tội và thực hiện một Sự Chuộc Tội hoàn hảo cho tội lỗi của tất cả nhân loại (xin xem An Ma 7:11–13). Cuộc đời của Ngài là tấm gương hoàn hảo về cách tất cả nhân loại phải sống (xin xem Giăng 14:6; 3 Nê Phi 12:48). Ngài là người đầu tiên trên trái đất này được phục sinh (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:20–22). Ngài sẽ trở lại trong quyền năng và vinh quang và sẽ ngự trị trên trái đất trong Thời Kỳ Ngàn Năm.
Tất cả những lời cầu nguyện, các phước lành và các giáo lễ chức tư tế nên được thực hiện trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem 3 Nê Phi 18:15, 20–21).
Các phần tham khảo liên quan: Hê La Man 5:12; GLGƯ 19:23; GLGƯ 76:22–24
Đức Thánh Linh
Đức Thánh Linh là Đấng thứ ba trong Thiên Chủ Đoàn. Ngài là Đấng linh hồn không có một thể xác bằng xương bằng thịt. Ngài thường được nói đến là Thánh Linh, Đức Thánh Linh, Thánh Linh của Thượng Đế, Thánh Linh của Chúa, và Đấng An Ủi.
Đức Thánh Linh làm chứng về Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử, mặc khải lẽ thật của tất cả mọi sự việc cùng thánh hóa những người nào hối cải và chịu phép báp têm (xin xem Mô Rô Ni 10:4–5).
Các phần tham khảo liên quan: Ga La Ti 5:22–23; GLGƯ 8:2–3
2. Kế Hoạch Cứu Rỗi
Trong cuộc sống tiền dương thế, Cha Thiên Thượng đã giới thiệu một kế hoạch để cho chúng ta có thể trở thành giống như Ngài, được bất tử và nhận được cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Môi Se 1:39). Thánh thư gọi kế hoạch này là kế hoạch cứu rỗi, kế hoạch hạnh phúc vĩ đại, kế hoạch cứu chuộc, và kế hoạch thương xót.
Kế hoạch cứu rỗi gồm có Sự Sáng Tạo, Sự Sa Ngã, Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, và tất cả các luật pháp, giáo lệnh, và giáo lý của phúc âm. Quyền tự quyết về mặt đạo đức—khả năng lựa chọn và tự mình hành động—cũng là điều cần thiết trong kế hoạch của Cha Thiên Thượng (xin xem 2 Nê Phi 2:27). Nhờ kế hoạch này, chúng ta có thể được hoàn hảo qua Sự Chuộc Tội, nhận được niềm vui trọn vẹn, và sống mãi mãi nơi hiện diện của Thượng Đế (xin xem 3 Nê Phi 12:48). Các mối quan hệ gia đình của chúng ta có thể kéo dài trong suốt thời vĩnh cửu.
Các phần tham khảo liên quan: Giăng 17:3; GLGƯ 58:27
Cuộc Sống Tiền Dương Thế
Trước khi được sinh ra trên thế gian, chúng ta sống nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng với tư cách là con linh hồn của Ngài (xin xem Áp Ra Ham 3:22–23). Trong cuộc sống tiền dương thế này, chúng ta đã tham dự vào một đại hội với những con cái linh hồn khác của Cha Thiên Thượng. Trong đại hội đó, Cha Thiên Thượng trình bày kế hoạch của Ngài và Chúa Giê Su Ky Tô trong tiền dương thế đã giao ước sẽ là Đấng Cứu Rỗi.
Chúng ta đã sử dụng quyền tự quyết của mình để tuân theo kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Chúng ta đã sẵn sàng để đến thế gian, là nơi chúng ta có thể tiếp tục tiến triển.
Những người nào tuân theo Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô đều được phép đến thế gian để trải nghiệm sự hữu diệt và tiến đến cuộc sống vĩnh cửu. Lu Xi Phe, một đứa con linh hồn khác của Thượng Đế, phản nghịch chống lại kế hoạch đó. Nó trở thành Sa Tan và cùng những người theo nó bị đuổi ra khỏi thiên thượng rồi bị bác bỏ đặc ân tiếp nhận một thể xác và trải qua sự hữu diệt.
Phần tham khảo liên quan: Giê Rê Mi 1:4–5
Sự Sáng Tạo
Chúa Giê Su Ky Tô đã tạo dựng trời và đất dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Cha. Thế gian không được sáng tạo ra từ hư không mà đã được tổ chức từ vật chất hiện hữu. Chúa Giê Su Ky Tô đã tạo ra các thế giới không kể xiết (xin xem GLGƯ 76:22–24).
Sự Sáng Tạo trái đất là thiết yếu cho kế hoạch của Thượng Đế. Trái đất cung cấp một chỗ để chúng ta có thể nhận được một thể xác, được thử thách, và phát triển các thuộc tính thiêng liêng.
Chúng ta cần phải sử dụng các nguồn tài nguyên của trái đất với sự khôn ngoan, óc xét đoán, và lòng cảm tạ (xin xem GLGƯ 78:19).
A Đam là người đầu tiên được sáng tạo trên trái đất. Thượng Đế sáng tạo A Đam và Ê Va theo hình ảnh của Ngài. Tất cả mọi người—nam lẫn nữ—được tạo ra theo hình ảnh của Thượng Đế (xin xem Sáng Thế Ký 1:26–27).
Sự Sa Ngã
Trong Vườn Ê Đen, Thượng Đế truyền lệnh cho A Đam và Ê Va không được ăn trái của cây hiểu biết điều tốt và điều xấu; hậu quả của việc làm điều đó sẽ là cái chết thuộc linh và thể xác. Cái chết thuộc linh là sự tách rời khỏi Thượng Đế. Cái chết thể xác là sự tách rời linh hồn khỏi thể xác hữu diệt. Vì A Đam và Ê Va vi phạm lệnh truyền của Thượng Đế nên họ bị đuổi ra khỏi nơi hiện diện của Ngài và trở nên hữu diệt. Sự phạm giới của A Đam và Ê Va cùng những thay đổi do hậu quả đó mà họ đã trải qua, kể cả cái chết thuộc linh và thể xác đều được gọi là Sự Sa Ngã.
Do Sự Sa Ngã, A Đam và Ê Va và con cháu của họ có thể trải qua niềm vui và nỗi buồn, biết được điều tốt, điều xấu và có con cái (xin xem 2 Nê Phi 2:25). Là con cháu của A Đam và Ê Va, chúng ta thừa hưởng một tình trạng sa ngã trong cuộc sống hữu diệt. Chúng ta bị tách rời khỏi nơi hiện diện của Chúa và chịu cái chết thể xác. Chúng ta cũng bị thử thách với những khó khăn của cuộc sống và những cám dỗ của kẻ nghịch thù. (Xin xem Mô Si A 3:19).
Sự Sa Ngã là một phần trọn vẹn của kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng. Kế hoạch này có chiều hướng bao gồm hai phần—đi xuống nhưng lại đi lên nữa. Ngoài việc mang lại cái chết thể xác cũng như thuộc linh, nó còn mang đến cho chúng ta cơ hội được sinh ra trên thế gian và học hỏi cùng tiến triển.
Cuộc Sống Trần Thế
Cuộc sống trần thế là thời gian học tập khi chúng ta có thể chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu và chứng tỏ rằng chúng ta sẽ sử dụng quyền tự quyết của mình để làm tất cả những gì Chúa đã truyền lệnh. Trong cuộc sống trần thế này, chúng ta phải yêu thương và phục vụ người khác (xin xem Mô Si A 2:17; Mô Rô Ni 7:45, 47–48).
Trên trần thế, linh hồn của chúng ta được kết hợp với thể xác, cho chúng ta cơ hội để tăng trưởng và phát triển theo những cách mà không thể thực hiện được trong cuộc sống tiền dương thế. Thể xác của chúng ta là một phần quan trọng của kế hoạch cứu rỗi và cần phải được tôn trọng như là một ân tứ từ Cha Thiên Thượng của chúng ta (xin xem 1 Cô Rinh Tô 6:19–20).
Các phần tham khảo liên quan: Giô Suê 24:15; Ma Thi Ơ 22:36–39; 2 Nê Phi 28:7–9; An Ma 41:10; GLGƯ 58:27
Cuộc Sống sau khi Chết
Khi chúng ta chết, linh hồn của chúng ta đi vào thế giới linh hồn và chờ đợi Sự Phục Sinh. Linh hồn của người ngay chính được tiếp nhận vào một trạng thái hạnh phúc, được gọi là thiên đường. Nhiều người trung tín sẽ thuyết giảng phúc âm cho những người ở trong ngục tù linh hồn.
Ngục tù linh hồn là một chỗ tạm thời trong thế giới sau khi chết dành cho những người chết mà không biết lẽ thật và những người không vâng lời trên trần thế. Ở đó, các linh hồn được giảng dạy phúc âm và có cơ hội để hối cải và chấp nhận các giáo lễ cứu rỗi mà được thực hiện cho họ trong các đền thờ (xin xem 1 Phi E Rơ 4:6). Những người chấp nhận phúc âm sẽ ở trong thiên đường cho đến Ngày Phục Sinh.
Sự Phục Sinh là sự tái hợp của thể linh của chúng ta với thể xác hoàn hảo bằng xương và bằng thịt của chúng ta (xin xem Lu Ca 24:36–39). Sau khi phục sinh, linh hồn và thể xác sẽ không bao giờ bị tách rời nữa và chúng ta sẽ được bất tử. Mỗi người sinh ra trên thế gian sẽ được phục sinh nhờ vào Chúa Giê Su Ky Tô đã khắc phục được cái chết (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:20–22). Người ngay chính sẽ được phục sinh trước kẻ tà ác và sẽ bước ra trong Ngày Phục Sinh Đầu Tiên.
Ngày Phán Xét Cuối Cùng sẽ xảy ra sau Ngày Phục Sinh. Chúa Giê Su Ky Tô sẽ phán xét mỗi người để xác định vinh quang vĩnh cửu mà người ấy sẽ nhận được. Sự phán xét này sẽ được dựa trên sự vâng lời của mỗi người với các lệnh truyền của Thượng Đế (xin xem Khải Huyền 20:12; Mô Si A 4:30).
Có ba vương quốc vinh quang (xin xem 1 Cô Rinh Tô 15:40–42). Vương quốc cao nhất trong số các vương quốc này là thượng thiên giới. Những người dũng cảm trong chứng ngôn của Chúa Giê Su và vâng theo các nguyên tắc phúc âm sẽ ở trong thượng thiên giới trong chốn hiện diện của Thượng Đế là Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem GLGƯ 131:1–4).
Vương quốc thứ hai trong số ba vương quốc vinh quang này là trung thiên giới. Những người ở trong vương quốc này sẽ là những người đàn ông và phụ nữ đáng kính của thế gian nhưng không dũng cảm trong chứng ngôn về Chúa Giê Su.
Hạ thiên giới là vương quốc thấp nhất trong số ba vương quốc vinh quang này. Những người thừa kế vương quốc này sẽ là những người đã chọn sự tà ác thay vì ngay chính trong cuộc sống hữu diệt của họ. Những người này sẽ nhận được vinh quang của họ sau khi được cứu chuộc khỏi ngục tù linh hồn.
Phần tham khảo liên quan: Giăng 17:3
4. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô
Chuộc tội là chịu hình phạt cho tội lỗi, do đó loại bỏ những hậu quả của tội lỗi từ người phạm tội đã hối cải và cho phép người này được hòa giải với Thượng Đế. Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng duy nhất có khả năng thực hiện một sự chuộc tội hoàn hảo cho tất cả nhân loại. Sự Chuộc Tội của Ngài gồm có nỗi thống khổ của Ngài vì tội lỗi của nhân loại trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, sự đổ máu của Ngài, nỗi thống khổ và cái chết của Ngài trên thập tự giá, và Sự Phục Sinh của Ngài từ mộ phần (xin xem Lu Ca 24:36–39; GLGƯ 19:16–19). Đấng Cứu Rỗi đã có thể thực hiện Sự Chuộc Tội vì Ngài đã giữ cho mình thoát khỏi tội lỗi và có quyền năng đối với cái chết. Từ người mẹ trần thế của Ngài, Ngài đã thừa hưởng khả năng chết. Từ Đức Chúa Cha bất diệt của Ngài, Ngài thừa hưởng quyền năng lấy lại sự sống của Ngài.
Qua ân điển có sẵn nhờ vào sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi, tất cả mọi người sẽ được phục sinh và bất tử. Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô cũng làm cho chúng ta có thể nhận được cuộc sống vĩnh cửu (xin xem Mô Rô Ni 7:41). Để nhận được ân tứ này, chúng ta phải sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, bao gồm việc có đức tin nơi Ngài, hối cải tội lỗi của chúng ta, chịu phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì trung tín đến cùng (xin xem Giăng 3:5).
Là một phần của Sự Chuộc Tội của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô không những chịu thống khổ vì tội lỗi của chúng ta mà còn mang lấy những nỗi đau đớn, bệnh tật, và yếu đuối của tất cả mọi người (xin xem An Ma 7:11–13). Ngài hiểu nỗi đau khổ của chúng ta vì Ngài đã trải qua rồi. Ân điển của Ngài, hay quyền năng làm cho có khả năng, củng cố chúng ta để mang gánh nặng và hoàn thành nhiệm vụ mà chúng ta không thể nào tự mình làm được (xin xem Ma Thi Ơ 11:28–30; Phi Líp 4:13; Ê The 12:27).
Các phần tham khao liên quan: Giăng 3:5; Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19–21
Đức Tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô
Đức tin là “hy vọng những gì không trông thấy được mà có thật” (An Ma 32:21; xin xem thêm Ê The 12:6). Đức tin là một ân tứ từ Thượng Đế.
Đức tin phải được tập trung vào Chúa Giê Su Ky Tô để đức tin đó dẫn dắt một người đến sự cứu rỗi. Việc có đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô có nghĩa là trông cậy hoàn toàn vào Ngài và tin cậy vào Sự Chuộc Tội vô hạn, quyền năng, và tình yêu thương của Ngài. Đức tin này gồm có việc tin nơi những lời dạy của Ngài và tin rằng mặc dù chúng ta không hiểu tất cả mọi sự việc, nhưng Ngài hiểu (xin xem Châm Ngôn 3:5–6; GLGƯ 6:36).
Hơn cả sự tin tưởng thụ động, đức tin được bày tỏ qua lối sống của chúng ta (xin xem Gia Cơ 2:17–18). Đức tin có thể gia tăng khi chúng ta cầu nguyện, học thánh thư và tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế.
Các Thánh Hữu Ngày Sau cũng có đức tin nơi Thượng Đế Đức Chúa Cha, Đức Thánh Linh, quyền năng chức tư tế cũng như các khía cạnh quan trọng khác của phúc âm phục hồi. Đức tin giúp chúng ta nhận được sự chữa lành phần thuộc linh và thể xác cùng sức mạnh để tiến bước, đối phó với những khó khăn của chúng ta, và vượt qua sự cám dỗ (xin xem 2 Nê Phi 31:19–20). Chúa sẽ làm các phép lạ vĩ đại trong cuộc sống của chúng ta tùy theo đức tin của chúng ta.
Nhờ vào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, nên một người có thể nhận được một sự xá miễn tội lỗi và cuối cùng có thể sống nơi hiện diện của Thượng Đế.
Phần tham khảo liên quan: Ma Thi Ơ 11:28–30
Sự Hối Cải
Sự hối cải là thay đổi cách suy nghĩ nhằm mang đến cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ về Thượng Đế, về bản thân mình và về thế gian. Điều đó gồm có từ bỏ tội lỗi và tìm đến Thượng Đế để nhận được sự tha thứ. Điều đó được thúc đẩy bởi tình yêu mến Thượng Đế và ước muốn chân thành để tuân theo các lệnh truyền của Ngài.
Tội lỗi làm cho chúng ta ô uế —không xứng đáng để trở về và ở nơi hiện diện của Cha Thiên Thượng. Nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Cha Thiên Thượng đã cung cấp cách duy nhất để chúng ta được tha thứ các tội lỗi của mình (xin xem Ê Sai 1:18).
Sự hối cải gồm có việc cảm thấy buồn rầu vì phạm tội, thú tội với Cha Thiên Thượng và với những người khác nếu cần thiết, từ bỏ tội lỗi, tìm cách phục hồi càng nhiều càng tốt tất cả những gì đã bị thiệt hại vì tội lỗi của mình cùng sống một cuộc sống tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế (xin xem GLGƯ 58:42–43).
Các phần tham khảo liên quan: Ê Sai 53:3–5; Giăng 14:6; 2 Nê Phi 25:23, 26; GLGƯ 18:10–11; GLGƯ 19:23; GLGƯ 76:40–41
5. Gian Kỳ, Sự Bội Giáo và Sự Phục Hồi
Gian Kỳ
Một gian kỳ là một khoảng thời gian mà Chúa mặc khải các giáo lý, giáo lễ và chức tư tế của Ngài. Đó là một thời kỳ trong đó Chúa có ít nhất một người tôi tớ có thẩm quyền trên thế gian, là người mang thánh chức tư tế và có một nhiệm vụ thiêng liêng phải rao giảng phúc âm và thực hiện các giáo lễ của phúc âm đó. Ngày nay chúng ta đang sống trong gian kỳ sau cùng—gian kỳ của thời kỳ trọn vẹn bắt đầu với sự mặc khải về phúc âm cho Joseph Smith.
Các gian kỳ trước đó được nhận ra với A Đam, Ế Nót, Nô Ê, Áp Ra Ham, Môi Se, và Chúa Giê Su Ky Tô. Ngoài ra, có những gian kỳ khác, kể cả những gian kỳ ở giữa dân Nê Phi và dân Gia Rết. Kế hoạch cứu rỗi và phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được mặc khải và giảng dạy trong mỗi gian kỳ.
Sự Bội Giáo
Khi người ta xa rời các nguyên tắc phúc âm và không có các chìa khóa của chức tư tế thì họ đang ở trong tình trạng bội giáo.
Những thời kỳ bội giáo chung đã xảy ra trong suốt lịch sử của thế giới. Một ví dụ là Sự Đại Bội Giáo đã xảy ra sau khi Đấng Cứu Rỗi thành lập Giáo Hội của Ngài (xin xem 2 Tê Sa Lô Ni Ca 2:1–3). Sau cái chết của Các Sứ Đồ của Đấng Cứu Rỗi, thì các nguyên tắc phúc âm đã bị làm cho sai lạc và những thay đổi trái phép đã được thực hiện trong tổ chức Giáo Hội và các giáo lễ chức tư tế. Bởi vì sự tà ác tràn lan này, nên Chúa đã rút lại thẩm quyền và các chìa khóa của chức tư tế khỏi thế gian.
Trong lúc có Sự Đại Bội Giáo, con người đã không có sự hướng dẫn thiêng liêng từ các vị tiên tri tại thế. Nhiều giáo hội đã được thành lập, nhưng không có thẩm quyền để truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh hoặc thực hiện các giáo lễ khác của chức tư tế. Các phần của thánh thư đã bị làm cho sai lạc hoặc bị mất, và con người không còn có một sự hiểu biết chính xác về Thượng Đế nữa.
Sự bội giáo này kéo dài cho đến khi Cha Thiên Thượng cùng Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài hiện đến với Joseph Smith và khai mở Sự Phục Hồi phúc âm trọn vẹn.
Sự Phục Hồi
Sự Phục Hồi là việc Thượng Đế thiết lập lại các lẽ thật và giáo lễ của phúc âm của Ngài ở giữa các con cái của Ngài trên thế gian (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 3:19–21).
Để chuẩn bị cho Sự Phục Hồi, Chúa đã dựng lên những người cao quý trong thời kỳ được gọi là Thời Kỳ Cải Cách. Họ đã cố gắng mang trở lại giáo lý, những thực hành, và các tổ chức tôn giáo giống như cách mà Đấng Cứu Rỗi đã thiết lập. Tuy nhiên, họ đã không có chức tư tế hay phúc âm trọn vẹn.
Sự Phục Hồi bắt đầu vào năm 1820 khi Thượng Đế Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hiện đến cùng Joseph Smith để đáp lại lời cầu nguyện của ông (xin xem Joseph Smith—Lịch Sử 1:15–20). Một số sự kiện then chốt của Sự Phục Hồi là bản dịch Sách Mặc Môn, sự phục hồi Chức Tư Tế A Rôn và Mên Chi Xê Đéc và việc tổ chức Giáo Hội vào ngày 6 tháng Tư năm 1830.
Chức Tư Tế A Rôn đã được Giăng Báp Tít phục hồi cho Joseph Smith và Oliver Cowdery vào ngày 15 tháng Năm năm 1829. Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc và các chìa khóa của vương quốc cũng đã được phục hồi vào năm 1829, khi Các Sứ Đồ Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng truyền giao chức tư tế và các chìa khóa này cho Joseph Smith và Oliver Cowdery.
Phúc âm trọn vẹn đã được phục hồi và Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là “giáo hội hằng sống và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này” (GLGƯ 1:30). Cuối cùng Giáo Hội sẽ tràn ngập thế gian và đứng vững mãi mãi (xin xem Đa Ni Ên 2:44–45).
Các phần tham khảo liên quan: Ê Sai 29:13–14; Ê Xê Chi Ên 37:15–17; Ê Phê Sô 4:11–14; Gia Cơ 1:5–6
5. Các Vị Tiên Tri và Sự Mặc Khải
Vị tiên tri là người được Thượng Đế kêu gọi để nói thay cho Ngài (xin xem A Mốt 3:7). Các vị tiên tri làm chứng về Chúa Giê su Ky Tô và giảng dạy phúc âm của Ngài. Họ tiết lộ ý muốn và đặc tính thật của Thượng Đế. Họ lên án tội lỗi và cảnh cáo về hậu quả của tội lỗi. Đôi khi, họ tiên tri về các sự kiện tương lai. Đôi khi, họ nói tiên tri về các sự kiện trong tương lai (xin xem GLGƯ 1:37–38). Nhiều lời giảng dạy của các vị tiên tri được tìm thấy trong thánh thư. Khi học những lời của các vị tiên tri, chúng ta có thể học lẽ thật và nhận được sự hướng dẫn (xin xem 2 Nê Phi 32:3).
Chúng ta tán trợ Vị Chủ Tịch của Giáo Hội là vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải và là người duy nhất trên thế gian nhận được sự mặc khải để hướng dẫn toàn thể Giáo Hội. Chúng ta cũng tán trợ các cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và các thành sinh của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ là các vị tiên tri, tiên kiến và mặc khải.
Sự Mặc Khải là sự giao tiếp từ Thượng Đế đến con cái của Ngài. Khi Chúa mặc khải ý muốn của Ngài cho Giáo Hội, Ngài nói qua các vị tiên tri của Ngài. Thánh thư—Kinh Thánh, Sách Mặc Môn, Giáo Lý và Giao Ước, và Trân Châu Vô Giá—chứa đựng những điều mặc khải được ban qua các vị tiên tri thời xưa và ngày sau. Vị Chủ Tịch của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vị tiên tri của Thượng Đế trên thế gian ngày nay.
Các cá nhân có thể nhận được sự mặc khải để giúp họ về các nhu cầu cụ thể, trách nhiệm, và những thắc mắc và giúp củng cố các chứng ngôn của họ. Hầu hết những mặc khải cho các vị lãnh đạo và các tín hữu của Giáo Hội đến qua những ấn tượng và ý nghĩ từ Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh nói vào tâm trí của chúng ta trong một giọng nói êm dịu nhỏ nhẹ (xin xem GLGƯ 8:2–3). Sự mặc khải cũng có thể đến qua những khải tượng, giấc mơ, và sự hiện đến của các thiên sứ.
Các phần tham khảo liên quan: Thi Thiên 119:105; Ê Phê Sô 4:11–14; 2 Ti Mô Thê 3:15–17; Gia Cơ 1:5–6; Mô Rô Ni 10:4–5
6. Chức Tư Tế và Các Chìa Khóa của Chức Tư Tế
Chức tư tế là quyền năng và thẩm quyền vĩnh cửu của Thượng Đế. Qua chức tư tế, Thượng Đế đã tạo ra và chi phối trời và đất. Qua quyền năng của Ngài, Ngài cứu chuộc và tôn cao con cái của Ngài, mang lại “sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39).
Thượng Đế ban thẩm quyền chức tư tế cho các nam tín hữu xứng đáng của Giáo Hội để họ có thể hành động trong danh của Ngài vì sự cứu rỗi của con cái Ngài. Các chìa khóa của chức tư tế là quyền hạn của chủ tịch đoàn, hoặc quyền năng được Thượng Đế ban cho con người để lãnh đạo và hướng dẫn vương quốc của Thượng Đế trên thế gian (xin xem Ma Thi Ơ 16:15–19). Qua các chìa khóa này, những người nắm giữ chức tư tế có thể được phép để thuyết giảng phúc âm và thực hiện các giáo lễ cứu rỗi. Tất cả những người phục vụ trong Giáo Hội đều được kêu gọi dưới sự hướng dẫn của một người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế. Do đó, họ có quyền có được quyền năng cần thiết để phục vụ và làm tròn các trách nhiệm của chức vụ kêu gọi của họ.
Phần tham khảo liên quan: GLGƯ 121:36, 41–42
Chức Tư Tế A Rôn
Chức Tư Tế A Rôn thường được gọi là chức tư tế dự bị. Các chức phẩm của Chức Tư Tế A Rôn là thầy trợ tế, thầy giảng, thầy tư tế và vị giám trợ. Trong Giáo Hội ngày nay, các nam tín hữu xứng đáng có thể nhận được Chức Tư Tế A Rôn bắt đầu vào lúc 12 tuổi.
Chức Tư Tế A Rôn “nắm giữ các chìa khóa phù trợ của các thiên sứ và của phúc âm về sự hối cải và của phép báp têm” (GLGƯ 13:1).
Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc
Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là chức tư tế cao hơn, hoặc lớn hơn, và thực hiện những sự việc thuộc linh (xin xem (GLGƯ 107:8). Chức tư tế lớn hơn này được ban cho A Đam và đã có trên thế gian bất cứ khi nào Chúa mặc khải phúc âm của Ngài.
Lúc đầu, chức tư tế này được gọi là “Thánh Chức Tư Tế theo Ban của Vị Nam Tử của Thượng Đế” GLGƯ 107:3). Về sau chức tư tế này được biết là Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc, đặt theo tên của thầy tư tế thượng phẩm sống trong thời kỳ của tiên tri Áp Ra Ham.
Trong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là các chức phẩm anh cả, thầy tư tế thượng phẩm, tộc trưởng, Thầy Bảy Mươi và Sứ Đồ. Chủ Tịch của Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc là Chủ Tịch của Giáo Hội.
Phần tham khảo liên quan: Ê Phê Sô 4:11–14
7. Các Giáo Lễ và Giao Ước
Các giáo lễ
Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, một giáo lễ là một hành động thiêng liêng, long trọng có ý nghĩa thuộc linh. Mỗi giáo lễ được Thượng Đế thiết kế để giảng dạy các lẽ thật thuộc linh. Các giáo lễ cứu rỗi được thực hiện qua thẩm quyền của chức tư tế và dưới sự hướng dẫn của những người nắm giữ các chìa khóa chức tư tế. Một số giáo lễ là cần thiết cho sự tôn cao và được gọi là các giáo lễ cứu rỗi.
Giáo lễ cứu rỗi đầu tiên của phúc âm là phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước bởi một người có thẩm quyền. Phép báp têm là cần thiết cho một cá nhân để trở thành tín hữu của Giáo Hội và để bước vào vương quốc (xin xem Giăng 3:5).
Từ phép báp têm xuất phát từ một từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là dìm hoặc ngâm vào. Sự dìm mình tượng trưng cho cái chết của cuộc sống tội lỗi của một người và sự sinh lại của người đó vào một cuộc sống thuộc linh, tận tụy phục vụ Thượng Đế và con cái của Ngài. Sự dìm mình cũng tượng trưng cho cái chết và sự phục sinh.
Sau khi một người chịu phép báp têm, một hoặc nhiều người nắm giữ Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc đặt tay lên đầu của người ấy và xác nhận người ấy là tín hữu của Giáo Hội. Là một phần của giáo lễ này, được gọi là lễ xác nhận, người ấy được ban cho ân tứ Đức Thánh Linh.
Ân tứ Đức Thánh Linh khác với ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Trước khi chịu phép báp têm, một người có thể thỉnh thoảng cảm nhận được ảnh hưởng của Đức Thánh Linh và qua ảnh hưởng đó có thể nhận được chứng ngôn về lẽ thật (xin xem Mô Rô Ni 10:4–5). Sau khi nhận được ân tứ Đức Thánh Linh, một người có quyền có được sự đồng hành liên tục của Ngài nếu người này tuân giữ các giáo lệnh.
Các giáo lễ cứu rỗi khác gồm có lễ sắc phong Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc (cho nam giới), lễ thiên ân trong đền thờ, và lễ gắn bó hôn phối (xin xem GLGƯ 131:1–4). Tất cả các giáo lễ cứu rỗi của chức tư tế đều được đi kèm với các giao ước. Trong đền thờ, các giáo lễ cứu rỗi này cũng có thể được thực hiện thay cho người chết. Các giáo lễ làm thay cho người chết chỉ trở thành hiệu lực khi người chết chấp nhận trong thế giới linh hồn và tôn trọng các giao ước liên quan.
Các giáo lễ khác, chẳng hạn như ban phước cho người bệnh và làm lễ đặt tên và ban phước cho trẻ em, cũng rất quan trọng cho sự phát triển thuộc linh của chúng ta.
Phần tham khảo liên quan: Công Vụ Các Sứ Đồ 2:36–38
Các giao ước
Một giao ước là sự thỏa thuận thiêng liêng giữa Thượng Đế và con người. Thượng Đế ban ra các điều kiện cho giao ước và chúng ta đồng ý làm điều mà Ngài bảo chúng ta phải làm; rồi Thượng Đế hứa với chúng ta một số phước lành vì sự vâng lời của chúng ta (xin xem GLGƯ 82:10).
Tất cả các giáo lễ cứu rỗi của chức tư tế đều được đi kèm theo các giao ước. Chúng ta giao ước với Chúa tại lễ báp têm và tái lập các giao ước đó bằng cách dự phần Tiệc Thánh. Các anh em nào nhận được Chức Tư Tế Mên Chi Xê Đéc sẽ bước vào lời thề và giao ước của chức tư tế. Chúng ta lập thêm các giao ước khác trong đền thờ.
Các phần tham khảo liên quan: Xuất Ê Díp Tô Ký 19:5–6; Thi Thiên 24:3–4; 2 Nê Phi 31:19–20; GLGƯ 25:13
8. Hôn Nhân và Gia Đình
Hôn nhân giữa một người nam và một người nữ đã được Thượng Đế quy định sẵn và gia đình là trọng tâm của kế hoạch cứu rỗi và hạnh phúc của Ngài. Hạnh phúc trong cuộc sống gia đình hầu như có thể đạt được khi được đặt trên những lời giảng dạy của Chúa Giê Su Ky Tô.
Những khả năng thiêng liêng về sự sinh sản chỉ có thể được sử dụng giữa người nam và người nữ đã cưới hỏi hợp pháp với tư cách là chồng và vợ. Cha mẹ phải sinh sôi nẩy nở và làm đầy dẫy trái đất, nuôi nấng con cái của họ trong tình yêu thương và sự ngay chính, và cung cấp những nhu cầu vật chất và tinh thần của con cái họ.
Vợ chồng có một trách nhiệm trọng đại là phải yêu thương và chăm sóc lẫn nhau. Những người cha phải chủ tọa gia đình mình trong tình thương yêu và sự ngay chính cũng như cung cấp cho những nhu cầu cần thiết của cuộc sống. Những người mẹ có trách nhiệm chính yếu để nuôi dưỡng con cái mình. Trong các trách nhiệm thiêng liêng này, những người cha và người mẹ có bổn phận giúp đỡ lẫn nhau với tư cách là những người bạn đời bình đẳng.
Kế hoạch hạnh phúc thiêng liêng giúp mối liên hệ gia đình có thể được tồn tại sau cái chết. Thế gian được sáng tạo và phúc âm được mặc khải để gia đình có thể được hình thành, được làm lễ gắn bó, và được tôn cao vĩnh viễn. (Phỏng theo “Gia Đình: Bản Tuyên Ngôn cùng Thế Giới,” Ensign, tháng Mười Một năm 2010, 129).
Các phần tham khảo liên quan: Sáng Thế Ký 2:24; Thi Thiên 127:3; Ma La Chi 4:5–6; GLGƯ 131:1–4
9. Các Giáo Lệnh
Các giáo lệnh là luật pháp và những đòi hỏi mà Thượng Đế ban cho nhân loại. Chúng ta bày tỏ tình yêu mến của mình lên Ngài bằng cách tuân giữ các giáo lệnh của Ngài (xin xem Giăng 14:15). Việc tuân giữ các giáo lệnh sẽ mang lại các phước lành từ Chúa (xin xem GLGƯ 82:10).
Hai giáo lệnh cơ bản nhất là “hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. … Hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma Thi Ơ 22:36–39).
Mười Điều Giáo Lệnh là một phần thiết yếu của phúc âm và là những nguyên tắc vĩnh cửu cần thiết cho sự tôn cao của chúng ta (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:3–17). Chúa mặc khải các giáo lệnh này cho Môi Se trong thời xưa, và Ngài đã tuyên phán lại những giáo lệnh này trong những điều mặc khải ngày sau.
Các giáo lệnh khác gồm có cầu nguyện hàng ngày (xin xem 2 Nê Phi 32:8–9), giảng dạy phúc âm cho những người khác (xin xem Ma Thi Ơ 28:19–20), tuân giữ luật trinh khiết (xin xem GLGƯ 46:33), đóng tiền thập phân đầy đủ (xin xem Ma La Chi 3:8–10), nhịn ăn (xin xem Ê Sai 58:6–7), tha thứ cho những người khác (xin xem GLGƯ 64:9–11), có một tinh thần biết ơn (xin xem GLGƯ 78:19), và tuân giữ Lời Thông Sáng (xin xem GLGƯ 89:18–21).
Các phần tham khảo liên quan: Sáng Thế Ký 39:9; Ê Sai 58:13–14; 1 Nê Phi 3:7; Mô Si A 4:30; An Ma 37:35; An Ma 39:9; GLGƯ 18:15–16; GLGƯ 88:124
Để biết thêm chi tiết về những đề tài này, hãy vào lds.org, Teachings, Gospel Topics; hoặc xem Trung Thành cùng Đức Tin: Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm (2004).