Lời Giới Thiệu Sách Gia Cốp
Tại sao chúng ta học sách này?
Bằng cách học sách Gia Cốp, các học sinh có thể học các bài học quan trọng từ một người có đức tin không lay chuyển nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Gia Cốp đã nhiều lần làm chứng về Đấng Cứu Rỗi và mời dân của ông cùng những người sẽ đọc những lời của ông hối cải. Ông đã giảng dạy và cho thấy tầm quan trọng của việc siêng năng làm tròn những sự kêu gọi từ Chúa. Ông cảnh cáo dân ông về những nguy cơ của tính kiêu ngạo, của cải và sự vô luân. Gia Cốp cũng trích dẫn và nhận xét về chuyện ngụ ngôn của Giê Nốt về cây ô liu, trong đó có minh họa nỗ lực không ngừng của Đấng Cứu Rỗi để mang lại sự cứu rỗi cho tất cả con cái của Thượng Đế, và mang lại một cái nhìn khái quát về những giao tiếp của Thượng Đế với gia tộc Y Sơ Ra Ên. Trong một cuộc đụng độ của mình với Sê Rem, một kẻ chống Đấng Ky Tô, Gia Cốp đã cho thấy cách phản ứng ngay chính đối với những người chất vấn hoặc chỉ trích đức tin của chúng ta.
Ai viết sách này?
Gia Cốp, con trai thứ năm của Sa Ri A và Lê Hi, đã viết sách này. Ông sinh ra trong vùng hoang dã trong khi gia đình ông hành trình đến vùng đất hứa. Trong thời niên thiếu của mình, Gia Cốp ″đã từng chịu nhiều nỗi khổ đau và phiền muộn vì tính tình lỗ mãng của các anh [của ông]″ (2 Nê Phi 2:1). Tuy nhiên, Lê Hi đã hứa với Gia Cốp rằng Thượng Đế sẽ ″biệt riêng sự đau khổ của [ông] thành lợi ích cho [ông]″ và rằng ông sẽ dành những ngày còn lại của mình ″để phụng sự Thượng Đế của [ông]″ (2 Nê Phi 2:2–3). Trong thời niên thiếu của mình, Gia Cốp đã thấy được sự vinh quang của Đấng Cứu Rỗi (xin xem 2 Nê Phi 2:3–4). Nê Phi đã lập Gia Cốp làm thầy tư tế và thầy giảng của dân Nê Phi (xin xem 2 Nê Phi 5:26) và về sau giao cho ông các bảng khắc nhỏ của Nê Phi (xin xem Gia Cốp 1:1–4). Là một vị lãnh đạo chức tư tế và thầy giảng trung tín, Gia Cốp đã siêng năng lao nhọc để thuyết phục dân của ông tin nơi Đấng Ky Tô (xin xem Gia Cốp 1:7). Ông đã nhận được những điều mặc khải về Đấng Cứu Rỗi, kinh nghiệm sự thuyết giảng của các thiên sứ, nghe được tiếng nói của Chúa (xin xem Gia Cốp 7:5), và nhìn thấy Đấng Cứu Chuộc (xin xem 2 Nê Phi 11:2–3). Gia Cốp là cha của Ế Nót, ông đã trao cho Ê Nót các bảng khắc trước khi ông qua đời.
Sách này được viết cho ai và tại sao?
Nê Phi đã chỉ dẫn Gia Cốp phải ghi lại những điều giảng dạy thiêng liêng, sự mặc khải và những lời tiên tri ″vì lợi ích của Đấng Ky Tô và cũng vì lợi ích cho dân của chúng tôi nữa” (Gia Cốp 1:4). Gia Cốp tuân theo lời chỉ dẫn này và bảo tồn các bài viết mà ông ″xem là quý báu nhất” (Gia Cốp 1:2). Ông viết: ″Chúng tôi đã cần mẫn làm việc để ghi khắc những chữ này trên các bảng khắc, với hy vọng rằng các đồng bào yêu dấu của chúng tôi và các con cháu chúng tôi sẽ nhận được những lời này với lòng biết ơn. … Vì mục đích ấy nên chúng tôi mới viết ra những điều này, để họ hiểu rằng, chúng tôi đã biết về Đấng Ky Tô, và chúng tôi đã từng hy vọng trông đợi vinh quang của Ngài hằng bao thế kỷ trước khi Ngài đến” (Gia Cốp 4:3–4). Gia Cốp giải thích về một chủ đề chính của những bài viết của ông khi ông nhận xét: ″Tại sao không nói tới sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, và thu hoạch được một sự hiểu biết tường tận về Ngài … ?” (Gia Cốp 4:12).
Sách này được viết khi nào và ở đâu?
Sách Gia Cốp bắt đầu khoảng 544 Trước Công Nguyên, khi Nê Phi trao cho Gia Cốp các bảng khắc nhỏ. Sách này kết thúc gần cuối đời của Gia Cốp, khi ông truyền lại các bảng khắc cho con trai của ông là Ê Nót. Gia Cốp viết biên sử này trong khi sống trong xứ Nê Phi.
Một số điểm đặc trưng của sách này là gì?
Sách Gia Cốp cung cấp chi tiết về chính quyền Nê Phi tiếp theo cái chết của Nê Phi. Nê Phi xức dầu cho một người để kế vị ông làm vua và người cai trị dân chúng, trong khi Gia Cốp và em của ông là Giô Sép tiếp tục làm các vị lãnh đạo tinh thần của dân Nê Phi. Một điểm đặc trưng khác của sách này là việc Gia Cốp lên án việc thực hành chế độ đa hôn trái phép. Phần đề cập duy nhất về đề tài này trong Sách Mặc Môn được tìm thấy trong Gia Cốp 2. Sách Gia Cốp cũng gồm có một chương dài nhất trong Sách Mặc Môn, Gia Cốp 5, ghi lại chuyện ngụ ngôn của Giê Nốt về cây ô liu. Ngoài ra, sách Gia Cốp ghi lại trường hợp đầu tiên về một vị tiên tri trong Sách Mặc Môn đã cảnh cáo thẳng dân Nê Phi về tính kiêu ngạo—tội lỗi mà sẽ gây ra sự hủy diệt cuối cùng của họ (xin xem Gia Cốp 2:12–22; Mô Rô Ni 8:27). Sách cũng ghi lại sự xuất hiện đầu tiên của một kẻ chống Đấng Ky Tô ở giữa dân Nê Phi.
Đại cương
Gia Cốp 1 Gia Cốp tuân theo lệnh của Nê Phi để gìn giữ một biên sử thiêng liêng. Nê Phi chết. Gia Cốp và Giô Sép phục sự dân chúng, giảng dạy cho họ lời của Thượng Đế.
Gia Cốp 2–3 Khi ngỏ lời tại đền thờ, Gia Cốp cảnh cáo dân Nê Phi về tính kiêu ngạo, lòng yêu thích của cải và sự vô luân.
Gia Cốp 4–6 Gia Cốp làm chứng về Đấng Ky Tô và trích dẫn câu chuyện ngụ ngôn của Giê Nốt về cây ô liu. Ông khuyến khích dân ông nên hối cải, tiếp nhận lòng thương xót của Chúa và chuẩn bị để được phán xét.
Gia Cốp 7 Với sự giúp đỡ của Chúa, Gia Cốp đã làm cho một kẻ chống lại Đấng Ky Tô là Sê Rem phải bối rối. Ông đề cập đến những xung đột giữa dân Nê Phi và dân La Man và truyền lại các bảng khắc nhỏ cho Ê Nót.