Thư Viện
Bài Học 48: Gia Cốp 7


Bài Học 48

Gia Cốp 7

Lời Giới Thiệu

Gia Cốp trông cậy vào Chúa và chứng ngôn vững vàng của mình để khắc phục ý nghĩ sai lầm và những lập luận của Sê Rem, kẻ chống lại Đấng Ky Tô. Đặc biệt, ông đã thu hết sức mạnh từ những kinh nghiệm trước đây là điều đã củng cố đức tin của ông nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Ông cũng trông cậy vào sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, sự hiểu biết về thánh thư và những lời của các vị tiên tri, cùng chứng ngôn của ông về Chúa Giê Su Ky Tô. Khi Sê Rem đòi cho thấy một điềm triệu chứng minh cho những lời của Gia Cốp, thì hắn bị Thượng Đế đánh phạt. Gia Cốp kết luận biên sử của ông bằng cách mô tả việc dân Nê Phi đã tin cậy nơi Chúa như thế nào khi họ tự củng cố mình chống lại dân La Man. Trước khi chết, Gia Cốp giao phó các bảng khắc nhỏ cho con trai của mình là Ê Nót.

Những Đề Nghị Cách Giảng Dạy

Gia Cốp 7:1–14

Gia Cốp trông cậy vào Chúa khi ông đương đầu với Sê Rem, kẻ chống lại Đấng Ky Tô

Trước khi lớp học bắt đầu, hãy viết lên trên bảng lời phát biểu sau đây của Anh Cả Robert D. Hales thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ (được trích dẫn từ “Sự Can Đảm của Ky Tô Hữu: Cái Giá để Làm Môn Đồ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 72):

″Một trong những thử thách gay go của cuộc sống trần thế đến với chúng ta khi tín ngưỡng của chúng ta bị chất vấn hoặc chỉ trích” (Anh Cả Robert D. Hales).

Yêu cầu các học sinh suy nghĩ về thời gian mà một người nào đó chất vấn hay chỉ trích tín ngưỡng của họ. Mời vài người trong số họ chia sẻ cảm nghĩ của họ khi điều đó xảy ra. Các anh chị em có thể muốn chia sẻ vắn tắt một kinh nghiệm từ cuộc sống của mình.

Giải thích rằng Gia Cốp 7 thuật lại kinh nghiệm của Gia Cốp với Sê Rem, kẻ chống lại Đấng Ky Tô. (Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng kẻ chống lại Đấng Ky Tô là ″bất cứ người nào hay bất cứ điều gì làm giả mạo phúc âm chân chính hoặc kế hoạch cứu rỗi và công khai hoặc kín đáo chống đối Đấng Ky Tô″ [Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, ″Kẻ Chống Lại Đấng Ky Tô″]). Sê Rem tìm kiếm Gia Cốp để thách thức đức tin của ông.

Mời các học sinh im lặng đọc Gia Cốp 7:1–5. Yêu cầu họ nhận ra (1) điều Sê Rem đã cố gắng làm và (2) cách hắn tìm kiếm để hoàn tất các mục tiêu của hắn. Sau khi các học sinh đã đọc xong, hãy yêu cầu họ mô tả điều họ đã học biết được về Sê Rem. Các anh chị em có thể muốn đặt ra một số câu hỏi sau đây để làm nổi bật cuộc thảo luận:

  • Sê Rêm có ảnh hưởng nào trên những người khác?

  • Các em thấy điều gì trong Gia Cốp 7:1–5 đã nhắc các em nhớ về những lúc khi những người khác chất vấn hoặc chỉ trích đức tin của các em? (Trong khi thảo luận câu hỏi này, các anh chị em có thể cần phải giúp các học sinh hiểu rằng không phải tất cả những người nào chất vấn hoặc chỉ trích đức tin của chúng ta đều có cùng những động cơ như Sê Rem. Trong khi một số người như Sê Rem cố tình tìm cách tiêu diệt đức tin, thì những người khác có thể chất vấn đức tin của chúng ta vì họ tò mò hoặc vì họ đã có thông tin sai lạc về niềm tin của chúng ta).

  • Tại sao đôi khi là điều khó khăn để bảo vệ đức tin của chúng ta đối với những người như Sê Rem?

Chép lại những đoạn tham khảo thánh thư và những lời phát biểu sau đây lên trên bảng. (Để không mất thời giờ, các anh chị em có thể muốn chép lại những đoạn và những lời phát biểu này lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu. Các anh chị em cũng có thể muốn chuẩn bị những đoạn và những lời phát biểu này như là tờ giấy phân phát).

1. Gia Cốp 7:5

a. Làm chứng về thánh thư và những lời của các vị tiên tri.

2. Gia Cốp 7:8

b. Để kết quả vào tay Thượng Đế định đoạt.

3. Gia Cốp 7:10–11

c. Trông cậy vào sự hướng dẫn và sức mạnh từ Đức Thánh Linh.

4. Gia Cốp 7:12

d. Nhớ lại những kinh nghiệm đã qua mà đã củng cố đức tin của ông.

5. Gia Cốp 7:13–14

e. Chia sẻ chứng ngôn mà ông đã nhận được qua Đức Thánh Linh.

Giải thích rằng các câu trong bản liệt kê này mô tả những câu trả lời của Gia Cốp khi Sê Rem thách thức niềm tin của ông. Những lời phát biểu ở bên phải tượng trưng cho những câu trả lời của Gia Cốp, nhưng được liệt kê không theo thứ tự và cần phải được so sao cho đúng với các câu tương ứng. Mời vài học sinh thay phiên đọc to từ Gia Cốp 7:5–14. Khi họ đọc, hãy cho họ ngừng lại sau mỗi đoạn đã được liệt kê trên bảng. Yêu cầu các học sinh so sao cho mỗi đoạn tương ứng với lời phát biểu. Các anh chị em có thể muốn mời một học sinh lên bảng và vẽ những hàng từ các đoạn tham khảo thánh thư dẫn tới những lời phát biểu tương ứng. (Câu trả lời: 1-d; 2-c; 3-a; 4-e; 5-b).

Khi các học sinh đã hoàn tất sinh hoạt so sao cho giống rồi, thì hãy hỏi:

  • Các em thấy những nguyên tắc nào đã được giảng dạy trong các câu mà chúng ta vừa đọc?

Nếu không có một người nào trả lời, thì hãy chắc chắn là các học sinh hiểu rằng khi trông cậy vào Chúa, chúng ta có thể khắc phục những thử thách đối với đức tin của chúng ta. (Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng).

Giải thích rằng những câu trả lời của Gia Cốp cho Sê Rem đưa ra một ví dụ cho chúng ta khi chúng ta trả lời cho những người chất vấn hoặc chỉ trích đức tin chúng ta.

Các câu hỏi tiếp theo được liệt kê dưới đây là nhằm giúp học sinh suy nghĩ sâu sắc hơn về điều mà Gia Cốp đã làm để trông cậy vào Chúa. Việc trả lời những câu hỏi này sẽ cho các học sinh cơ hội để minh họa và làm chứng về các hành động tương tự đã giúp họ như thế nào khi những người khác đã thách thức đức tin của họ. Cơ hội này cũng sẽ giúp họ học biết cách đáp ứng thích hợp với những thử thách tương lai đối với đức tin của họ. Vì dưới đây có nhiều câu hỏi hơn là các anh chị em có thể có thời giờ để sử dụng trong lớp học, nên hãy chỉ chọn một vài câu hỏi để sử dụng trong cuộc thảo luận của các anh chị em. Khi làm như vậy, hãy tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh, và ghi nhớ những kinh nghiệm mà các học sinh đã chia sẻ vào lúc bắt đầu học. Các anh chị em cũng có thể cân nhắc việc hỏi các học sinh xem họ sẽ thích thảo luận thêm về hành động nào của Gia Cốp.

  • Điều gì đã xảy ra cho Gia Cốp trước đây mà đã làm cho đức tin của ông không lay chuyển? (Xin xem Gia Cốp 7:5).

  • Một số kinh nghiệm nào đã củng cố đức tin của các em? (Các anh chị em có thể cho các học sinh thời giờ để suy nghĩ câu hỏi này trước khi yêu cầu họ trả lời. Hãy chắc chắn rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư). Việc ghi nhớ những kinh nghiệm này có thể giúp đỡ các em như thế nào khi có một người nào đó chất vấn hoặc chỉ trích đức tin của các em?

  • Đức Thánh Linh đã giúp đỡ các em trả lời những câu hỏi chất vấn hoặc lời chỉ trích về đức tin của các em vào lúc nào? (Xin xem Gia Cốp 7:8).

  • Một thói quen hằng ngày để học thánh thư và những lời của các vị tiên tri ngày sau có thể giúp các em như thế nào khi những người khác chất vấn hoặc chỉ trích đức tin của các em? (Xin xem Gia Cốp 7:10–11).

  • Các em đã chia sẻ chứng ngôn của mình vào lúc nào với một người nào đó đã chất vấn hoặc chỉ trích đức tin của các em? (Xin xem Gia Cốp 7:12). Kết quả là gì?

  • Khi Sê Rem đòi cho thấy một điềm triệu, thì tại sao việc Gia Cốp để cho Chúa định đoạt kết quả thay vì tìm cách chứng minh lẽ trung thực của chính chứng ngôn của ông là điều khôn ngoan để làm? (Xin xem Gia Cốp 7:14). Điều này giúp các em biết rằng các em không cần phải chứng minh lẽ trung thực của chứng ngôn của mình cho những người thách thức đức tin của các em?

Gia Cốp 7:15–27

Sau khi bị đánh phạt, Sê Rem thú nhận các tội lỗi của mình, làm chứng về lẽ thật, và rồi chết, dẫn dắt đám đông dân Nê Phi trở lại cùng Chúa

Hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Robert D. Hales:

″Qua nhiều năm tháng, chúng ta học biết rằng những thử thách đối với đức tin của mình thì không mới mẻ gì và chúng hầu như không nhanh chóng biến mất. Nhưng các môn đồ chân chính của Đấng Ky Tô thấy được cơ hội ở giữa sự chống đối. …

“… May mắn thay, Chúa biết tấm lòng của những kẻ chỉ trích chúng ta và cách chúng ta có thể trả lời họ một cách hữu hiệu nhất. Khi các môn đồ chân chính tìm kiếm sự hướng dẫn từ Thánh Linh, thì họ nhận được sự soi dẫn phù hợp đối với mỗi trường hợp. Và trong mỗi trường hợp, các môn đồ chân chính đáp ứng theo cách làm mời gọi Thánh Linh của Chúa” (“Sự Can Đảm của Ky Tô Hữu: Cái Giá để Làm Môn Đồ,” 72–73; chữ nghiêng trong bản chính).

  • Các em nghĩ ″thấy được cơ hội ở giữa sự chống đối″ có nghĩa là gì? (Khi các học sinh trả lời cho câu hỏi này, hãy giúp họ hiểu rằng điều tốt lành có thể đến khi chúng ta trả lời cho những thách thức về đức tin của chúng ta theo cách mà mời gọi Thánh Linh của Chúa).

Chia các học sinh ra từng cặp. Yêu cầu mỗi cặp học sinh đọc Gia Cốp 7:15–23, tìm kiếm bất cứ điều gì tốt lành đến từ sự đụng độ của Gia Cốp với Sê Rem. Sau khi các học sinh đã đọc xong, hãy mời một vài học sinh giải thích điều họ đã tìm thấy. Hãy cân nhắc việc sử dụng một số câu hỏi sau đây để giúp các học sinh phân tích các câu này:

  • Các em thấy bằng chứng nào về việc Gia Cốp hy vọng rằng sự đụng độ của ông với Sê Rem sẽ giúp đỡ những người khác? (Xin xem Gia Cốp 7:22. Giúp các học sinh thấy rằng Gia Cốp đã cầu nguyện cho đám đông dân Nê Phi là những người chứng kiến sự thú tội và cái chết của Sê Rem).

  • Theo như Gia Cốp 7:23, sự đụng độ của Gia Cốp với Sê Rem cuối cùng đã ảnh hưởng đến đám đông như thế nào?

  • Chúng ta có thể học được các lẽ thật nào từ kết quả của sự đụng độ của Gia Cốp với Sê Rem? (Các học sinh có thể nhận ra nhiều câu trả lời cho câu hỏi này. Một số người có thể đề nghị các nguyên tắc được liệt kê dưới đây).

  • Tất cả các vị tiên tri làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô.

  • Khi trả lời cho những câu chất vấn hoặc những lời chỉ trích về đức tin của chúng ta theo cách làm mời gọi Thánh Linh, thì chúng ta có thể giúp những người khác trở lại cùng Chúa.

  • Các vị tiên tri giúp chúng ta nhận ra và khắc phục những điều lừa gạt của Sa Tan.

  • Những người chống lại Thượng Đế và tích cực thuyết giảng chống lại lẽ thật thì sẽ gặp những hậu quả nghiêm trọng từ Chúa.

  • Việc tra cứu thánh thư sẽ giúp chúng ta tránh bị lừa gạt.

Trong khi các học sinh nhận ra các nguyên tắc như các nguyên tắc đã được liệt kê ở trên, hãy cân nhắc việc đặt ra những câu hỏi tiếp theo để giúp họ áp dụng các nguyên tắc vào cuộc sống của họ.

  • Việc sống theo nguyên tắc này có thể giúp các em như thế nào?

  • Việc biết được nguyên tắc này có thể giúp các em giúp đỡ những người khác như thế nào?

  • Các em có thể tìm cách áp dụng nguyên tắc này trong cuộc sống của mình như thế nào?

Mời các học sinh trả lời cho câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ:

  • Một điều mà các em sẽ bắt đầu làm (hoặc tiếp tục làm) là gì để giúp các em chuẩn bị cho thời gian một người nào đó thách thức đức tin của các em?

Hãy chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng chúng ta có thể khắc phục được những thách thức đối với đức tin của mình một cách thành công nếu chúng ta noi theo gương của Gia Cốp là trông cậy vào Chúa.

Ôn Lại Sách Gia Cốp

Dành ra một số thời gian để giúp các học sinh ôn lại sách Gia Cốp. Yêu cầu họ nghĩ về điều họ đã học được từ sách này, trong lớp giáo lý lẫn trong việc học thánh thư riêng một mình. Nếu cần, hãy mời họ xem lướt qua bảy chương của sách Gia Cốp để giúp họ nhớ lại. Yêu cầu họ chuẩn bị chia sẻ một điều gì đó về Gia Cốp hoặc những bài viết của ông mà đã gây ấn tượng cho họ. Các anh chị em có thể nhắc họ nhớ rằng Gia Cốp sinh ra trong vùng hoang dã ở xứ Phong Phú (gần Biển Đỏ) và ông đã chết ở xứ Nê Phi. Ông cũng đã được Lê Hi ban phước (xin xem 2 Nê Phi 2:1–4), và ông đã nhìn thấy Đấng Cứu Rỗi (xin xem 2 Nê Phi 11:3). Anh của ông là Nê Phi đã gồm một số bài giảng của ông vào các bảng khắc nhỏ (xin xem 2 Nê Phi 6–10). Sau khi có đủ thời giờ, hãy mời một vài học sinh chia sẻ những ý nghĩ và cảm nghĩ của họ. Hãy cân nhắc việc chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về tấm gương và những lời giảng dạy của Gia Cốp đã ban phước cho cuộc sống của các anh chị em như thế nào.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Gia Cốp 7:5. ″Và hắn hy vọng có thể lay chuyển được đức tin của tôi″

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã đưa ra lời khuyên dạy mà có thể giúp chúng ta biết điều phải làm khi những câu hỏi chất vấn, mối quan tâm, hoặc những sự kiện đe dọa lay chuyển đức tin của chúng ta:

″Còn những nỗi nghi ngờ và thắc mắc thì sao? Làm thế nào các em biết rằng phúc âm là chân chính? Có câu hỏi về Giáo Hội hoặc giáo lý của Giáo Hội được không? Các bạn trẻ thân mến, chúng ta là những người thích đặt câu hỏi, vì chúng ta biết rằng câu hỏi đưa đến lẽ thật. Đó là cách mà Giáo Hội bắt đầu―từ một thiếu niên có những câu hỏi. Thật ra, tôi không chắc một người có thể khám phá ra lẽ thật như thế nào nếu không đặt ra câu hỏi. Trong thánh thư, các em sẽ hiếm khi khám phá ra một điều mặc khải mà đã không đến, để trả lời cho một câu hỏi. Bất cứ khi nào Joseph Smith có một câu hỏi và không biết chắc câu trả lời thì ông cầu vấn Chúa, và kết quả là những điều mặc khải tuyệt diệu trong sách Giáo Lý và Giao Ước. Thường thì sự hiểu biết Joseph nhận được đều vượt quá câu hỏi đầu tiên. Đó là vì không những Chúa có thể trả lời cho những câu hỏi mà chúng ta hỏi mà còn quan trọng hơn nữa, Ngài có thể ban cho chúng ta câu trả lời cho những câu hỏi mà chúng ta cần phải hỏi. Chúng ta hãy lắng nghe các câu trả lời đó.

“Nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội được đặt trên những người tầm đạo chân thật đặt ra những câu hỏi thành tâm. Việc đặt ra câu hỏi là điểm khởi đầu của chứng ngôn. Một số người có thể cảm thấy bối rối hoặc không xứng đáng vì họ tìm kiếm những câu hỏi nghiêm chỉnh về phúc âm nhưng họ không cần phải cảm thấy như thế. Việc đặt ra câu hỏi không phải là một dấu hiệu non kém mà là tiền thân của sự tăng trưởng.

“Thượng Đế truyền lệnh cho chúng ta tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi của mình (xin xem Gia Cơ 1:5–6) và chỉ hỏi điều mà chúng ta tìm kiếm ′với tấm lòng chân thành, với chủ ý thật sự cùng có đức tin nơi Đấng Ky Tô′ (Mô Rô Ni 10:4). Khi chúng ta làm như vậy thì lẽ thật của mọi sự việc đều có thể được biểu hiện cho chúng ta “bởi quyền năng của Đức Thánh Linh” (Mô Rô Ni 10:5).

″Đừng sợ hãi; hãy cứ hỏi. Hãy tò mò nhưng đừng nghi ngờ! Hãy thường xuyên giữ vững đức tin và ánh sáng các em đã nhận được. Vì chúng ta nhìn sự việc một cách không hoàn hảo trên trần thế nên không phải mọi việc đều hợp lý ngay bây giờ. Quả thật, tôi nên nghĩ rằng nếu mọi việc đều hợp lý đối với chúng ta thì đó sẽ là bằng chứng rằng mọi điều đều được tạo ra bởi trí óc của người trần thế. Hãy nhớ rằng Thượng Đế đã phán:

“‘Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta.

“‘Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu′ (Ê Sai 55:8–9).

″Tuy nhiên, các em biết rằng một trong các mục đích của cuộc sống trần thế là trở thành giống như Cha Thiên Thượng hơn trong ý nghĩ và đường lối của chúng ta. Nhìn từ quan điểm này, việc tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi của các em có thể mang các em đến gần Thượng Đế hơn, củng cố thay vì làm lay chuyển chứng ngôn của mình. Quả thật ′đức tin không phải là sự hiểu biết hoàn toàn′ (An Ma 32:21), nhưng khi các em sử dụng đức tin của mình, áp dụng các nguyên tắc phúc âm hằng ngày trong bất cứ hoàn cảnh nào, thì các em sẽ nếm được trái ngọt của phúc âm, và qua trái này các em sẽ biết được lẽ thật của phúc âm (xin xem Ma Thi Ơ 7:16–20; Giăng 7:17; An Ma 32:41–43)” (“Hình Ảnh Phản Chiếu trong Nước” Buổi họp đặc biệt fireside của Hệ Thống Giáo Dục của Giáo Hội dành cho các thành niên trẻ tuổi, ngày 1 tháng Mười Một năm 2009).

Để giúp các học sinh trả lời những câu chất vấn hay lời chỉ trích về đức tin của họ, các anh chị em có thể chỉ dẫn họ tìm đến nguồn tài liệu sau đây:

  • Robert D. Hales, “Sự Can Đảm của Ky Tô Hữu: Cái Giá để Làm Môn Đồ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 72–75.

    Trong bài nói chuyện tại đại hội trung ương này, Anh Cả Hales đã dạy về cách chúng ta có thể trả lời cho những lời chỉ trích hoặc ngược đãi với lòng can đảm, khoan dung và bác ái.

  • Trung Thành với Đức Tin: Sách Tham Khảo Phúc Âm (2004).

    Sách này gồm có một bản liệt kê bằng chữ cái các đề tài và lời chú thích dẫn giải về phúc âm. Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn viết rằng một mục đích của sách này là giúp các tín hữu của Giáo Hội ″trả lời những câu hỏi về Giáo Hội” (Trung Thành với Đức Tin, 1).

  • www.lds.org/study/topics

    Trang mạng chính thức của Giáo Hội gồm có một bản liệt kê bằng chữ cái các đề tài và lời chú thích dẫn giải về phúc âm, với những đường kết nối với các tài liệu học có liên quan, và các bài nói chuyện, bài báo và những lời phát biểu của các vị lãnh đạo Giáo Hội.