Thư Viện
Bài Học 75: An Ma 9–10


Bài Học 75

An Ma 9–10

Lời Giới Thiệu

An Ma và A Mu Léc đã không thành công nhiều trong việc thuyết giảng cho dân Am Mô Ni Ha vì Sa Tan “đã chiếm được lòng dân” (xin xem An Ma 8:9). Nhiều người trong số họ đã cứng lòng đối với phúc âm, và họ chống lại lời mời gọi phải hối cải của An Ma và A Mu Léc. Tuy nhiên, An Ma và A Mu Léc đã kiên trì kêu gọi họ hối cải, và làm chứng rằng vì họ đã được giảng dạy lẽ thật và có kinh nghiệm về quyền năng của Thượng Đế, nên Chúa trông mong họ sống ngay chính hơn dân La Man, là những người đã không được giảng dạy lẽ thật. An Ma và A Mu Léc đã dạy rằng nếu dân Am Mô Ni Ha không chịu hối cải thì họ sẽ phải bị hủy diệt. Họ cũng dạy cho dân chúng rằng sự cứu chuộc chỉ có thể có được qua Chúa Giê Su Ky Tô mà thôi.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

An Ma 9

An Ma cảnh cáo dân Am Mô Ni Ha phải hối cải và chuẩn bị cho sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô

Trình bày tình huống sau đây: Hai học sinh đến trường, và giáo viên của họ thông báo rằng họ phải làm một bài thi trắc nghiệm bất ngờ. Học sinh đầu tiên đã đến lớp mỗi ngày, nhưng học sinh thứ hai đã không đi học hai tuần qua vì bị bệnh.

  • Các em nghĩ là em học sinh nào làm bài thi giỏi hơn?

Mời học sinh đọc lướt qua An Ma 9:1–7 cùng tìm kiếm các từ và cụm từ cho thấy rằng dân Am Mô Ni Ha đã hiểu rõ như thế nào về phúc âm và quyền năng của Thượng Đế. Yêu cầu họ báo cáo điều họ khám phá.

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 9:8–13. Yêu cầu lớp học tìm kiếm các từ và cụm từ cho thấy rằng những người này đã được giảng dạy phúc âm hoặc đã có sự hiểu biết về quyền năng của Thượng Đế hay không. (Các câu trả lời nên gồm có “các người đã chóng quên” và “các người không nhớ.”)

  • Dân Am Mô Ni Ha có bao giờ học được phúc âm hoặc được giảng dạy về quyền năng của Thượng Đế không?

  • Vì những lý do nào dân chúng đã được giảng dạy phúc âm lại có thể quên điều họ đã học được hoặc không hiểu điều họ đã được giảng dạy?

Mời học sinh đọc lướt qua An Ma 8:9, 11; 9:5, 30; và 12:10–11 cùng tìm kiếm các từ và cụm từ giải thích vì sao dân Am Mô Ni Ha đã quên hoặc đã không hiểu những điều họ đã được giảng dạy. (“Sa Tan đã chiếm được lòng [họ]”; “họ đã chai đá trong lòng”; “họ là những người có trái tim chai đá và cứng cổ”; “lòng [họ] quá chai đá đối với lời Thượng Đế.”)

Sao chép lên trên bảng biểu đồ sau đây, và yêu cầu học sinh chép vào sổ tay ghi chép hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư. (Hãy chắc chắn chừa lại nhiều khoảng trống để viết).

Quá trình thuộc linh của dân chúng

Chúa đã kỳ vọng điều gì ở dân chúng, và Chúa đã hứa gì với dân chúng

Dân La Man (An Ma 9:14–17)

Dân Am Mô Ni Ha (An Ma 9:18–24)

Chia học sinh ra thành từng cặp. Mời mỗi cặp hoàn tất biểu đồ bằng cách sử dụng phần tham khảo thánh thư. Sau khi họ đã hoàn tất biểu đồ, yêu cầu học sinh viết một câu dưới các biểu đồ của họ tóm lược điều họ đã học. Mời một vài người trong số họ chia sẻ điều họ đã viết. Học sinh có thể sử dụng những lời khác nhau, nhưng câu trả lời của họ nên phản ảnh lẽ thật sau đây: Chúa kỳ vọng sự vâng lời nhiều hơn từ những người đã nhận được sự hiểu biết và các phước lành của phúc âm. Để giúp học sinh thấy được nguyên tắc này được áp dụng như thế nào trong cuộc sống của họ, hãy hỏi những câu hỏi sau đây:

  • Các em nghĩ tại sao Chúa đã có những kỳ vọng cao hơn đối với dân Am Mô Ni Ha?

  • Tại sao là điều công bằng đối với Chúa để có những kỳ vọng cao hơn đối với những người đã nhận được sự hiểu biết và các phước lành của phúc âm?

Hãy nêu lên rằng cụm từ ″một dân tộc được rất nhiều ưu đãi của Chúa” trong An Ma 9:20. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm cụm từ này).

  • Trong những phương diện nào các tín hữu của Giáo Hội ngày nay là “một dân tộc được rất nhiều ưu đãi của Chúa”?

  • Theo như An Ma 9:19–23, dân Nê Phi (kể cả dân Am Mô Ni Ha) đã có được các ân tứ và phước lành nào vì họ là những dân giao ước của Chúa?

  • Các em đã có được các ân tứ và phước lành nào vì các em là một tín hữu của Giáo Hội của Chúa?

  • Chúa kỳ vọng một số điều nào ở chúng ta vì các ân tứ và phước lành chúng ta đã nhận được từ Ngài?

Chỉ định từng người trong một nửa lớp học nghiên cứu An Ma 9:24–27 và từng người trong nửa lớp học còn lại nghiên cứu An Ma 9:28–30. Yêu cầu học sinh chuẩn bị tóm lược các đoạn đã được chỉ định bằng lời riêng của họ. Viết lên trên bảng các câu hỏi sau đây để hướng dẫn họ khi họ chuẩn bị phần tóm lược:

Các em thấy bằng chứng nào trong những câu này cho thấy rằng Chúa kỳ vọng sự vâng lời nhiều hơn từ những người có được sự hiểu biết lớn lao hơn về phúc âm?

An Ma đã nhắc nhở dân chúng về các phước lành nào họ có thể nhận được?

An Ma đã nói dân chúng cần phải làm gì để nhận được các phước lành này?

Sau khi học sinh đã có đủ thời gian để đọc, hãy gọi một học sinh trong mỗi nửa lớp học để tóm lược các đoạn đã được chỉ định. Sau đó hỏi lớp học:

  • Một số cách nào chúng ta có thể vẫn luôn luôn trung thành cùng ánh sáng và sự hiểu biết chúng ta đã nhận được? (Học sinh có thể đề nghị việc nghiên cứu thánh thư, bày tỏ lòng biết ơn đối với Thượng Đế về các phước lành của chúng ta, thường xuyên làm chứng, tham dự các buổi họp hàng tuần của Giáo Hội, viết nhật ký, và v.v.)

An Ma 10:1–12

A Mu Léc tuân theo lời kêu gọi của Chúa và khẳng định sự kêu gọi thiêng liêng của An Ma

Giải thích rằng sau khi An Ma ngỏ lời cùng dân chúng, họ tức giận và muốn ném ông vào tù. A Mu Léc đã mạnh dạn ngỏ lời cùng dân chúng và thêm lời chứng của mình vào với lời chứng của An Ma. (Xin xem An Ma 9:31–34). Tóm lược An Ma 10:1–4 bằng cách giải thích rằng A Mu Léc là con cháu của Nê Phi. Ông là một người làm việc siêng năng và đã tạo ra nhiều của cải đáng kể. Ông cũng được biết đến và “không phải là một người ít tiếng tăm” đối với nhiều người trong gia đình và bạn bè của ông (xin xem An Ma 10:4). Tuy nhiên, ông hiện không sống theo các lẽ thật phúc âm mà ông đã được giảng dạy.

  • Các em nghĩ tại sao là điều hữu ích để A Mu Léc, là người đã nổi tiếng trong cộng đồng, đi cùng với An Ma?

Hỏi học sinh xem họ đã thức dậy như thế nào sáng nay. (Ví dụ, họ đã được đánh thức bởi đồng hồ báo thức, hay là một người khác trong gia đình đã đánh thức họ dậy? Nếu các anh chị em có một cái đồng hồ báo thức hay hình của một đồng hồ báo thức, thì hãy cân nhắc việc trưng bày nó). Hỏi học sinh có bao nhiêu người trong số họ đã được “gọi” nhiều hơn một lần để thức dậy.

Mời một học sinh đọc to An Ma 10:5–6. Yêu cầu lớp học tìm kiếm phản ứng của A Mu Léc đối với “các cú gọi đánh thức”, ông đã nhận được từ Chúa.

  • Các em nghĩ A Mu Léc có ý nói gì khi nói: “Tôi không chịu nghe” và “Tôi đã không muốn biết”?

  • Chúa kêu gọi chúng ta trong những cách nào? (Các câu trả lời có thể gồm có những thúc giục từ Đức Thánh Linh, chỉ dẫn từ cha mẹ và các vị lãnh đạo Giáo Hội, và những sự kêu gọi của Giáo Hội).

Mời học sinh im lặng đọc An Ma 10:7–10, cùng tìm kiếm những điểm chính yếu của chứng ngôn mở đầu của A Mu Léc cho dân của ông.

  • Những kinh nghiệm của A Mu Léc đã chuẩn bị cho ông như thế nào để làm một nhân chứng thứ hai về sứ điệp của An Ma cho dân Am Mô Ni Ha?

  • Các em nghĩ quyết định của A Mu Léc để vâng lời đã tạo ra một sự khác biệt như thế nào trong cuộc sống của ông?

Mời một học sinh đọc to An Ma 10:11–12, và yêu cầu lớp học tìm kiếm những cách mà những người khác đã được ảnh hưởng bởi quyết định của A Mu Léc để lưu tâm đến lời kêu gọi của Chúa. Mời họ chia sẻ điều họ tìm được.

Viết lên trên bảng nguyên tắc sau đây: Khi chúng ta nghe và vâng theo tiếng gọi của Chúa, thì các phước lành sẽ đến với chúng ta và những người khác. (Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh viết nguyên tắc này trong quyển thánh thư của họ bên cạnh An Ma 10:11–12). Để giúp học sinh cảm nhận được lẽ thật và tầm quan trọng của nguyên tắc này, hãy hỏi:

  • Có khi nào các em cảm thấy rằng mình được ban phước vì đã tuân theo một lời kêu gọi từ Chúa không?

  • Các em đã thấy các phước lành đến với người khác như thế nào vì các em hoặc một người nào khác đã đáp ứng tiếng gọi của Chúa?

  • Những kinh nghiệm này ảnh hưởng như thế nào đến ước muốn của các em để lắng nghe và tuân theo những lời kêu gọi của Chúa?

An Ma 10:13–32

A Mu Léc trả lời những người phản đối ông và khuyên nhủ mọi người nên hối cải

Viết lên trên bảng các cụm từ sau đây:

  1. Trở nên tức giận và phòng thủ

  2. Nghi ngờ tầm quan trọng của lời khuyên bảo

  3. Chỉ trích người đã đưa ra lời khuyên bảo

  4. Nghi ngờ hay tranh luận với lời khuyên bảo

  5. Khiêm tốn lắng nghe và vâng lời

Yêu cầu học sinh im lặng cân nhắc cụm từ nào ở trên bảng giống nhất với cách họ có thể đáp ứng nếu một người cha hay mẹ hoặc vị lãnh đạo Giáo Hội sửa chỉnh họ hoặc yêu cầu họ thay đổi một điều gì đó mà họ đang làm.

  • Một số lý do tại sao dân chúng có thể phản ứng đối với sự sửa chỉnh theo những cách này là gì?

Viết lên trên bảng các phần tham khảo thánh thư sau đây: An Ma 9:2–3; An Ma 9:4–5; An Ma 10:13, 16–17; An Ma 10:24, 28–30

Mời mỗi học sinh chọn một trong những đoạn ở trên bảng để nghiên cứu riêng. Yêu cầu họ tìm kiếm cách mà đoạn thánh thư mô tả dân Am Mô Ni Ha đáp ứng với sứ điệp của An Ma và A Mu Léc. Cũng yêu cầu họ chọn cụm từ ở trên bảng mà phản ảnh rõ nhất phản ứng của dân chúng. Sau khi đã có đủ thời gian rồi, hãy yêu cầu học sinh giải thích một phản ứng nào trong số năm phản ứng ở trên bảng phù hợp nhất với đoạn thánh thư mà họ nghiên cứu.

  • Tại sao bốn phản ứng đầu tiên ở trên bảng là nguy hiểm về mặt thuộc linh?

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 10:19–23. Khuyến khích họ tìm kiếm điều A Mu Léc đã dạy về những hậu quả của tội lỗi và việc xua đuổi người ngay chính.

Để giúp học sinh xem xét các hậu quả đầy sức hủy diệt của việc không hối cải tội lỗi của chúng ta, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Gordon B. Hinckley:

Chủ Tịch Gordon B. Hinckley

“Có quá nhiều điều ác ở khắp mọi nơi. Với tất cả những ảnh hưởng kích động, sự cám dỗ có ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta. Rủi thay, chúng ta mất một số người cho các lực lượng đầy phá hoại này. Chúng ta buồn bã khi mỗi một người bị thất lạc. Chúng ta tìm đến giúp đỡ họ, giải cứu họ, nhưng trong rất nhiều trường hợp các nỗ lực của chúng ta bị khước từ. Họ đang đi theo hướng đi đầy bi thảm. Đó là cách dẫn xuống sự hủy diệt” (“My Testimony,” Ensign, tháng Năm năm 2000, 69).

  • Một số hậu quả phá hoại nào đến với các cá nhân hoặc nhóm người khi họ không tuân theo các giáo lệnh của Thượng Đế?

Nếu có thời gian, hãy mời học sinh viết câu trả lời cho câu hỏi sau đây:

  • Các lẽ thật mà các em đã học được từ bài học ngày hôm nay có thể ban phước cho các em như thế nào?

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

An Ma 9:19–23. ″Sau khi họ đã nhận được biết bao nhiêu sự sáng và sự hiểu biết″

Dân Am Mô Ni Ha đã gặp phải những hậu quả lớn hơn vì sự tà ác của họ so với dân La Man vì dân Am Mô Ni Ha đã nhận được sự hiểu biết nhiều hơn về phúc âm. Lời phát biểu sau đây của Chị Sheri L. Dew, là người đã phục vụ với tư cách là một thành viên trong chủ tịch đoàn trung ương Hội Phụ Nữ, đề cập đến các phụ nữ của Giáo Hội, nhưng lại áp dụng cho tất cả các tín hữu trong Giáo Hội:

Chúng ta là độc nhất vô nhị. Chúng ta là độc nhất vô nhị nhờ vào các giao ước, các đặc ân thuộc linh của chúng ta, và trách nhiệm gắn liền với cả hai điều đó. Chúng ta được ban cho quyền năng và ân tứ Đức Thánh Linh. Chúng ta có một vị tiên tri tại thế để hướng dẫn chúng ta, các giáo lễ ràng buộc chúng ta với Chúa và với lẫn nhau, và quyền năng của chức tư tế ở giữa chúng ta. Chúng ta hiểu nơi nào mình đang đứng trong kế hoạch hạnh phúc vĩ đại. Và chúng ta biết rằng Thượng Đế là Đức Chúa Cha của chúng ta, và rằng Vị Nam Tử của Ngài là Đấng Biện Hộ bền bỉ của chúng ta.

“Trách nhiệm lớn đi kèm theo các đặc ân này, vì ‘kẻ nào được ban cho nhiều thì sẽ được đòi hỏi nhiều’ (GLGƯ 82:3)” (“We Are Women of God,” Ensign, tháng Mười Một năm 1999, 98).

An Ma 10:6–11. Việc lưu tâm đến tiếng gọi của Chúa mang đến phước lành cho người khác

Chủ Tịch Thomas S. Monson đã chia sẻ một câu chuyện cho thấy tầm quan trọng của việc tuân theo sự soi dẫn của Đức Thánh Linh:

“Vào một buổi trưa nọ tôi đang bơi ở phòng tập thể dục Deseret Gym, và mắt nhìn lên trần nhà trong khi bơi ngửa theo bề ngang của hồ bơi. Một ý nghĩ lặng lẽ nhưng rất rõ ràng đến với tâm trí của tôi: ′Ngươi bơi lội ở đây một cách dễ dàng trong khi người bạn tên Stan của ngươi đang mòn mỏi trong giường bệnh, không thể đi được.′ Tôi cảm thấy được thúc giục: ‘Hãy đến bệnh viện và ban cho anh ta một phước lành.’

“Tôi ngừng bơi, mặc quần áo vào, và vội vã đến phòng của Stan ở bệnh viện. Chiếc giường của anh ta trống không. Một y tá nói là anh ta đang ngồi trong xe lăn của anh ta tại hồ bơi, chuẩn bị cho việc điều trị. Tôi vội vã đi đến khu vực này, và thấy Stan, ở đó một mình, ở cạnh phần sâu hơn của hồ bơi. Chúng tôi chào hỏi nhau và trở về phòng của anh ta nơi mà một phước lành của chức tư tế đã được ban cho.

“Đôi chân của Stan khỏe mạnh lại và cử động được, chậm nhưng chắc chắn.

“Stan thường nói chuyện trong các buổi họp Giáo Hội và kể về lòng nhân từ của Chúa dành cho mình. Anh tiết lộ với một số người về những ý nghĩ đen tối của bệnh trầm cảm mà ngập tràn lòng anh vào buổi trưa hôm đó khi anh ngồi trong chiếc xe lăn của mình cạnh hồ bơi, dường như bị tuyên án với một cuộc sống đầy tuyệt vọng. Anh ta nói mình đã suy ngẫm như thế nào về một giải pháp thay thế. Thật là dễ dàng biết bao để đẩy chiếc xe lăn đáng ghét vào trong nước lắng đọng của hồ bơi sâu. Rồi mạng sống sẽ được kết liễu. Nhưng ngay thời điểm đó, anh ta đã thấy tôi, người bạn của anh ta. Ngày hôm đó Stan đã thật sự biết được rằng chúng ta không cô đơn một mình. Tôi cũng học được một bài học ngày hôm đó: Không bao giờ, đừng bao giờ trì hoãn việc tuân theo một sự thúc giục” (“The Spirit Giveth Life,” Ensign, tháng Năm năm 1985, 70).

An Ma 10:22–23. “Những lời cầu nguyện của người ngay chính”

Hãy lưu ý đến hiệu quả mà những lời cầu nguyện của người ngay chính đã có đối với dân Am Mô Ni Ha. Về sau, những lời cầu nguyện của người ngay chính cũng giữ cho dân Nê Phi không bị hủy diệt trong thời kỳ của Lãnh Binh Mô Rô Ni và Sa Mu Ên người La Man (xin xem An Ma 62:40; Hê La Man 13:12–14).

Chủ Tịch Spencer W. Kimball nói như sau về những lời cầu nguyện được dâng lên trong thời kỳ chúng ta:

“Có rất nhiều người ngay thẳng và trung tín sống theo các giáo lệnh và cuộc sống cùng những lời cầu nguyện của họ giữ cho thế gian khỏi bị hủy diệt” (“Voices of the Past, of the Present, of the Future,” Ensign,, tháng Sáu năm 1971, 16).

Một khi người ngay chính bị hủy diệt hoặc loại bỏ khỏi Am Mô Ni Ha, thì những lời cầu nguyện của người ngay chính ngừng bảo vệ thành phố đó, và “dân Am Mô Ni Ha bị tận diệt không còn một người nào” bởi dân La Man (An Ma 16:9).