Thư Viện
An Ma


Lời Giới Thiệu Sách An Ma

Tại sao chúng ta phải học sách này?

Bằng cách nghiên cứu sách An Ma, học sinh sẽ học được về Chúa Giê Su Ky Tô và sự cần thiết đối với Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Ngài trong kế hoạch cứu rỗi. Họ cũng sẽ học về quyền năng của lời Chúa để khắc phục mưu chước tăng tế, giáo lý sai lầm, tội lỗi, nỗi hận thù, và sự bội giáo cùng dẫn dắt các cá nhân đến một sự thay đổi lớn lao trong lòng. Học sinh có thể được gây dựng và soi dẫn khi họ đọc về những nỗ lực truyền giáo của An Ma, A Mu Léc, và các con trai của Mô Si A, cũng như việc cải đạo và lòng trung tín của dân An Ti-Nê Phi-Lê Hi (dân Am Môn). Khi học sinh học các chương mô tả chi tiết về chiến tranh giữa dân Nê Phi và dân La Man, họ có thể tìm hiểu các nguyên tắc mà sẽ hướng dẫn họ trong thời kỳ hỗn loạn mà họ sống và giúp họ chiến thắng trong trận chiến cá nhân chống lại kẻ nghịch thù.

Ai viết sách này?

Mặc Môn biên soạn và tóm lược các biên sử từ các bảng khắc lớn của Nê Phi để làm ra sách An Ma. Sách này được đặt tên theo An Ma, là con trai của An Ma, thường được gọi là An Ma Con. Khi Vua Mô Si A lập triều đại các phán quan ở giữa dân Nê Phi, thì An Ma Con trở thành vị trưởng phán quan đầu tiên và kế nhiệm cha của ông với tư cách là thầy tư tế thượng phẩm trong Giáo Hội (xin xem Mô Si A 29:42). Cuối cùng, ông đã từ chức trưởng phán quan để tự dâng “trọn đời mình cho chức tư tế thượng phẩm” và “rao truyền lời của Thượng Đế cho dân chúng” ở khắp xứ Nê Phi (An Ma 4:20; 5:1). Mặc Môn sử dụng các biên sử về giáo vụ của An Ma (xin xem An Ma 1–44) và các tác phẩm của các con trai của An Ma là Hê La Man (xin xem An Ma 45-62) và Síp Lân (xin xem An Ma 63) để soạn sách An Ma.

Sách này viết cho ai và tại sao?

Mặc Môn đã không viết sách An Ma cho một nhóm độc giả cụ thể hoặc giải thích lý do tại sao ông đã viết sách này. Tuy nhiên, nhiều điều giảng dạy của sách về sứ mệnh cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô đóng góp cho một mục đích chính yếu của Sách Mặc Môn, tức là để làm chứng “rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế Vĩnh Cửu” (trang tựa của Sách Mặc Môn; xin xem thêm An Ma 5; 7; 13; 32–34; 36; 39–42).

Sách này được viết ra khi nào và ở đâu?

Các biên sử gốc được sử dụng như là nguồn gốc cho sách An Ma mà có lẽ đã được viết giữa năm 91 Trước Công Nguyên và năm 52 Trước Công Nguyên. Mặc Môn tóm lược các biên sử đó khoảng giữa năm 345 Sau Công Nguyên và năm 385 Sau Công Nguyên. Mặc Môn đã không ghi lại nơi ông đang ở khi biên soạn cuốn sách này.

Một số đặc điểm nổi bật của sách này là gì?

Mặc dù sách An Ma dài nhất trong Sách Mặc Môn, nhưng sách bao gồm một khoảng thời gian chỉ có 39 năm—khoảng năm 91 Trước Công Nguyên đến năm 52 Trước Công Nguyên. Sách này kể lại giai đoạn đầu tiên về những công việc lao nhọc của người truyền giáo thành công ở giữa dân La Man. Sách cũng nhấn mạnh đến lòng trung tín của dân La Man đã được cải đạo trong việc tuân giữ các giao ước của họ (xin xem An Ma 23:6–7; 24). Ngoài ra, sách An Ma bao gồm những lời giảng dạy về giáo lý về sự tiền sắc phong và giáo vụ của Mên Chi Xê Đéc (xin xem An Ma 13); quyền năng về lời của Thượng Đế (xin xem An Ma 31); cách phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem An Ma 32–34); mức độ nghiêm trọng của việc vi phạm luật trinh khiết (xin xem An Ma 39); trạng thái của linh hồn chúng ta sau khi chết (xin xem An Ma 40); các giáo lý về sự phục sinh và sự phục hồi (xin xem An Ma 40–41); cũng như vai trò của công lý và lòng thương xót trong kế hoạch cứu chuộc của Cha Thiên Thượng (xin xem An Ma 42). Sách này cũng chứa đựng những lời chỉ dẫn của Chúa về sự tự vệ và biện minh cho chiến tranh (xin xem An Ma 43:45–47).

Đại Cương

An Ma 1–3 Nê Hô đưa vào mưu chước tư tế ở giữa dân Nê Phi. An Ma lãnh đạo dân Nê Phi ngay chính trong việc tự vệ chống lại Am Li Si và những người theo hắn, là những người đã kết hợp với một đạo quân La Man. Sau khi phá hỏng nỗ lực của Am Li Si để trở thành vua và phá hoại Giáo Hội, dân Nê Phi đánh bại một đạo quân La Man khác.

An Ma 4–16 An Ma từ chức trưởng phán quan. Ông đi khắp xứ Nê Phi để chống lại tính kiêu ngạo và sự tà ác bằng cách thuyết giảng lời của Thượng Đế. A Mu Léc đã đi cùng với An Ma, và họ giảng dạy về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, Sự Phục Sinh, và sự cần thiết phải có đức tin nơi Chúa và sự hối cải. Giê Rôm được cải đạo và chịu phép báp têm.

An Ma 17–28 Các con trai của Mô Si A và những người khác thuyết giảng lời của Thượng Đế ở giữa dân La Man trong xứ Nê Phi. Hàng ngàn người được cải đạo theo Chúa. Những người cải đạo từ bỏ vũ khí chiến tranh của họ và đi đến sống ở giữa dân Nê Phi. Nhiều người chết trong một trận đại chiến giữa dân Nê Phi và dân La Man.

An Ma 29–42 An Ma mong muốn mang những người khác đến sự hối cải. Ông làm bối rối Cô Ri Ho, một kẻ chống báng Đấng Ky Tô. Trong khi giảng dạy dân Giô Ram, một nhóm dân Nê Phi ly khai, An Ma so sánh lời của Thượng Đế với một hạt giống mà cần phải được nuôi dưỡng bằng đức tin. A Mu Léc làm chứng về Sự Chuộc Tội và dạy dân Giô Ram phải thực hành đức tin đưa đến sự hối cải. An Ma đưa ra lời khuyên bảo riêng và chứng ngôn cho các con trai của ông là Hê La Man, Síp Lân, và Cô Ri An Tôn. An Ma giao phó các biên sử thiêng liêng cho Hê La Man. Ông giảng dạy về thế giới linh hồn sau khi chết, sự phục sinh, và vai trò của công lý và lòng thương xót trong kế hoạch của Thượng Đế.

An Ma 43–45 Bị dân Nê Phi ly khai khích động lòng tức giận, dân La Man lâm chiến với dân Nê Phi. Mô Rô Ni lãnh đạo dân Nê Phi chiến thắng đạo quân của Giê Ra Hem Na. An Ma phỏng vấn và ban phước cho Hê La Man, nói tiên tri về sự hủy diệt của dân Nê Phi, và rời khỏi xứ.

An Ma 46–63 Mô Rô Ni, Lê Hi, Tê An Cum, Hê La Man, và Pha Hô Ran lãnh đạo dân Nê Phi chiến thắng các đạo quân La Man do A Ma Lịch Gia và Am Mô Rôn chỉ huy. Mô Rô Ni và Pha Hô Ran cũng dập tắt cuộc nổi loạn của những người Nê Phi ly khai được gọi là những người bảo hoàng. Síp Lân nhận các biên sử của Nê Phi và sau đó trao các bản khắc đó cho con trai của Hê La Man là Hê La Man. Quân đội của Mô Rô Ni Ha đánh bại dân La Man trong một trận chiến khác.