Bài Học 105
An Ma 59–63
Lời Giới Thiệu
Lãnh Binh Mô Rô Ni vui mừng trước sự thành công của Hê La Man trong việc lấy lại một số thành phố Nê Phi đã bị mất vào tay quân La Man. Tuy nhiên, khi ông biết được rằng thành phố Nê Phi Ha đã bị quân La Man chiếm cứ, ông đã tức giận vì chính quyền đã thờ ơ không gửi quân tiếp viện. Trong một bức thư gửi cho Pha Hô Ran, vị trưởng phán quan, ông than thở về nỗi khổ sở của người ngay chính và trách Pha Hô Ran đã không ủng hộ chính nghĩa tự do. Mô Rô Ni đã không biết là Pha Hô Ran đã chạy trốn khỏi xứ Ghi Đê Ôn vì sự phản nghịch của những người dân Nê Phi bảo hoàng. Pha Hô Ran không phật lòng trước lời trách móc của Mô Rô Ni; thay vì thế, ông vui mừng vì thấy Mô Rô Ni yêu tự do. Chúa đã củng cố dân Nê Phi, và Mô Rô Ni, Pha Hô Ran, và dân của họ cùng nhau đánh bại những người bảo hoàng và dân La Man. Sau nhiều năm chiến tranh, dân Nê Phi vui hưởng hòa bình một lần nữa, và Hê La Man tái lập Giáo Hội.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
An Ma 59
Dân Nê Phi mất một đồn lũy, và Lãnh Binh Mô Rô Ni đau buồn vì sự tà ác của dân chúng
Trước khi lớp học bắt đầu, hãy viết lên trên bảng lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson (từ The Teachings of Ezra Taft Benson [1988], 285):
Các anh chị em có thể trích dẫn lời phát biểu này như là một phần của bài học về An Ma 49–51. Nếu các anh chị em đã làm điều này thì hãy cân nhắc việc chừa lại khoảng trống thay cho một số từ khi các anh chị em viết chúng lên trên bảng. Yêu cầu học sinh điền vào chỗ trống.
Mời học sinh cho biết về những lúc trong cuộc sống của họ hoặc trong cuộc sống của một người nào đó họ biết mà sự chuẩn bị đã giúp ngăn chặn nỗi thất vọng hay nỗi buồn.
Nhắc nhở học sinh rằng trong những bài học gần đây, họ đã nghiên cứu các chương về các trận chiến giữa dân Nê Phi và dân La Man. Mời học sinh im lặng đọc An Ma 59:5–11 cùng suy nghĩ về lời phát biểu ở trên bảng liên quan như thế nào đến tình huống được mô tả trong các câu này.
-
Điều gì dường như làm cho dân La Man có thể đánh bại thành phố Nê Phi Ha? (Sự tà ác của dân Nê Phi Ha).
-
Các anh chị em đã tìm thấy điều gì trong những câu này có liên quan với lời phát biểu được viết ở trên bảng?
Nếu học sinh không đề cập đến lời phát biểu sau đây trong An Ma 59:9, thì hãy nêu ra cho họ biết rằng: “Việc giữ cho thành phố không rơi vào tay của quân La Man thì dễ dàng hơn là tái chiếm thành phố đó từ tay chúng.” Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh tô đậm lời phát biểu này trong thánh thư của họ. Để giúp học sinh suy nghĩ về cách mà lẽ thật này áp dụng trong cuộc sống của họ, hãy yêu cầu họ so sánh các thành phố trong thiên ký thuật này với chính họ và những trận chiến thuộc linh mà họ gặp phải. Sau đó hỏi một hoặc hơn một câu hỏi trong số những câu hỏi sau đây:
-
Lẽ thật này liên quan đến chúng ta như thế nào? (Giúp học sinh thấy việc luôn luôn trung tín là điều dễ dàng và tốt hơn là việc trở về với đức tin sau khi đi lạc lối).
-
Tại sao việc luôn luôn trung tín trong Giáo Hội là dễ dàng hơn việc trở về với Giáo Hội sau một thời gian kém tích cực?
-
Tại sao việc duy trì một chứng ngôn là điều dễ dàng hơn là việc nhận lại một chứng ngôn sau khi đã rời xa phúc âm?
Mời học sinh suy ngẫm về những cách mà kẻ nghịch thù và những người theo nó có thể tấn công họ. Khuyến khích họ viết trong sổ tay ghi chép hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về điều họ sẽ làm để chuẩn bị cho những cuộc chiến thuộc linh.
An Ma 60–62
Mô Rô Ni vu cáo Pha Hô Ran, là người đáp lại bằng tình yêu thương và sự kính trọng
Đọc to An Ma 59:13. Hãy chắc chắn là học sinh hiểu rằng Mô Rô Ni đã tức giận vì ông nghĩ rằng chính quyền đã thờ ơ, hoặc không quan tâm, đến sự tự do của dân chúng. Trong cơn tức giận của mình, ông đã viết thư cho Pha Hô Ran, vị trưởng phán quan ở Gia Ra Hem La. Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 60:6–11.
-
Lãnh Binh Mô Rô Ni cáo buộc Pha Hô Ran về điều gì?
-
Các em có cảm nghĩ gì về những lời cáo buộc của Mô Rô Ni?
Viết lên trên bảng đoạn tham khảo thánh thư sau đây: An Ma 60:17–20, 23–24. Mời học sinh im lặng đọc những câu này. Khuyến khích họ tưởng tượng ra họ sẽ cảm thấy như thế nào nếu họ là Pha Hô Ran.
-
Trong những phương diện nào những lời cáo buộc của Lãnh Binh Mô Rô Ni đã gây tổn thương cho Pha Hô Ran?
Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to từ An Ma 60:33–36. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm điều mà Lãnh Binh Mô Rô Ni đã sẵn sàng để làm nếu Pha Hô Ran không đáp ứng thuận lợi cho lời yêu cầu của ông. Sau khi để cho học sinh báo cáo điều họ đã tìm thấy, hãy yêu cầu họ nhận ra các từ hoặc cụm từ trong các câu này mà cho thấy lý do hoặc động cơ mà Mô Rô Ni đã đưa ra lời yêu cầu.
Mời học sinh im lặng đọc An Ma 61:1–5 để khám phá ra lý do tại sao Mô Rô Ni đã không nhận được quân tiếp viện.
-
Pha Hô Ran đã chia sẻ thông tin nào với Mô Rô Ni?
-
Người ta phản ứng bằng một số cách nào khi bị vu cáo về một điều gì đó?
-
Các em đã bao giờ bị vu cáo về một điều gì chưa? Các em cảm thấy như thế nào về những lời buộc tội và người buộc tội?
Mời học sinh im lặng đọc An Ma 61:9–10, 15–18 cùng tìm kiếm bất cứ điều gì tiết lộ cá tính cao quý của Pha Hô Ran. Sau khi có đủ thời gian rồi, hãy gọi một vài học sinh chia sẻ điều họ đã tìm thấy.
-
Chúng ta có thể học được bài học nào từ cách Pha Hô Ran đáp lại lời cáo buộc của Mô Rô Ni? (Giúp học sinh nhận ra nguyên tắc sau đây: Chúng ta có thể chọn để không bị xúc phạm bởi những lời nói và hành động của người khác. Các lẽ thật khác mà học sinh có thể nhận ra gồm có chúng ta nên tránh đưa ra những lời phê phán không tử tế về người khác và rằng khi đoàn kết trong sự ngay chính với những người khác, chúng ta sẽ vững mạnh hơn trong cuộc chiến chống lại điều ác. Các chị em có thể muốn viết lên trên bảng các lẽ thật này).
-
Làm thế nào chúng ta có thể chọn không để bị xúc phạm?
Hãy cân nhắc việc yêu cầu học sinh xem họ có sẵn lòng chia sẻ bất cứ kinh nghiệm nào họ đã có trong việc chọn không để bị xúc phạm khi người khác nói những điều không tử tế hoặc không đúng sự thật về họ. Các anh chị em cũng có thể cân nhắc việc nói về một kinh nghiệm của mình. Làm chứng về tầm quan trọng của việc tha thứ cho người khác về những lời nói hay hành động chống lại chúng ta. Khuyến khích học sinh noi theo gương của Pha Hô Ran.
Mời một học sinh đọc to An Ma 62:1. Yêu cầu lớp học nhận ra cảm nghĩ của Mô Rô Ni khi ông nhận được thư trả lời của Pha Hô Ran.
Giải thích rằng mặc dù Lãnh Binh Mô Rô Ni đã sai lầm trong những lời cáo buộc của ông đối với Pha Hô Ran, nhưng ông đã giảng dạy các nguyên tắc chân chính mà chúng ta có thể áp dụng trong cuộc sống của mình. Mời một học sinh đọc to An Ma 60:23. Hãy nêu ra rằng những lời của Mô Rô Ni về việc tẩy sạch “mặt trong của bình” có thể áp dụng cho bất cứ người nào cần phải hối cải. Giải thích rằng một cái bình là một vật đựng, chẳng hạn như một cái tách hoặc cái chén. Cho đất hay bùn vào bên trong và bên ngoài của một cái tách (nếu có sẵn một cái tách trong suốt là tốt nhất). Hỏi học sinh xem họ có muốn uống từ cái tách đó không. Rửa sạch mặt ngoài cái tách và hỏi học sinh xem bây giờ họ có cảm thấy thoải mái để uống từ cái tách đó không.
-
Nếu chúng ta nghĩ về bản thân mình giống như cái bình chứa, thì việc tẩy sạch mặt trong của cái bình có thể có nghĩa là gì?
Đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:
“Chúng ta phải tẩy sạch mặt trong của bình chứa (xin xem An Ma 60:23), bắt đầu trước hết với bản thân mình, rồi sau đó với gia đình của chúng ta, và cuối cùng với Giáo Hội” (“Cleansing the Inner Vessel,” Ensign, tháng Năm năm 1986, 4).
-
Tại sao là điều quan trọng để chúng ta được trong sạch ở bên trong (điều mà người khác không thể nhìn thấy) cũng như ở bên ngoài (điều mà người khác có thể nhìn thấy)?
-
Tại sao là điều quan trọng để tẩy sạch mặt trong cái bình chứa của cuộc sống chúng ta trước khi chúng ta có thể hoàn toàn được hữu hiệu trong vương quốc của Chúa?
Tóm lược An Ma 62:1–38 bằng cách giải thích rằng Lãnh Binh Mô Rô Ni đã mang một phần quân đội của mình đến giúp Pha Hô Ran lật đổ những người bảo hoàng trong Gia Ra Hem La. Sau đó, với quân đội đoàn kết của họ và sự giúp đỡ của các lực lượng Nê Phi khác, Mô Rô Ni và Pha Hô Ran tái chiếm các thành phố còn lại đã bị mất vào tay quân La Man. Họ đuổi dân La Man ra khỏi xứ và thiết lập hòa bình ở giữa dân chúng.
-
Các cá nhân và gia đình có thể gặp phải một số thử thách nào sau thời chiến?
Mời học sinh im lặng đọc An Ma 62:39–41 để xem dân Nê Phi bị ảnh hưởng như thế nào bởi những thử thách của chiến tranh.
-
Các em có thể nhận ra các nguyên tắc nào trong An Ma 62:40–41?
Khi học sinh thảo luận câu hỏi này, họ có thể đáp ứng với các câu trả lời như sau:
Những lời cầu nguyện ngay chính của chúng ta có thể có một ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng chúng ta.
Trong những thời gian gặp nghịch cảnh, một số người hạ mình xuống trước mặt Thượng Đế, trong khi những người khác trở nên cứng lòng.
-
Các em nghĩ tại sao một số người trở nên gần gũi hơn với Chúa khi họ gặp phải thử thách? Tại sao một số người quay lưng lại với Chúa khi họ gặp phải thử thách? (Giúp học sinh hiểu rằng trong những lúc nghịch cảnh, những lựa chọn của chúng ta xác định xem chúng ta sẽ trở nên gần gũi với Chúa hơn không).
-
Khi các em đã đọc xong các chương Sách Mặc Môn về chiến tranh, thì các chương này đã dạy điều gì cho các em về vai trò của một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô trong thời gian chiến tranh hoặc tranh chấp?
An Ma 63
Nhiều người dân Nê Phi hành trình đi lên xứ phía bắc
Tóm lược những lời của Mặc Môn trong chương này bằng cách giải thích rằng nhiều dân Nê Phi bắt đầu di chuyển lên phía bắc, bằng đường bộ và đường biển. Síp Lân trao các biên sử thiêng liêng cho Hê La Man. Lãnh Binh Mô Rô Ni qua đời, và con trai của ông là Mô Rô Ni Ha dẫn một đạo quân đẩy lui một cuộc tấn công khác của quân La Man.
Các anh chị em có thể muốn kết thúc bài học này bằng cách nói về một người nào đó đã gặp phải nghịch cảnh và hoạn nạn và đã chọn để mềm lòng và gia tăng sự tin cậy nơi Thượng Đế. Hãy cân nhắc việc chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân.
Ôn Lại Sách An Ma
Hãy dành ra một chút thời gian để giúp học sinh ôn lại sách An Ma. Yêu cầu họ suy nghĩ về điều họ đã học được từ sách này, trong lớp giáo lý lẫn trong việc học hỏi thánh thư riêng của họ. Nếu cần, hãy mời họ ôn lại một số phần tóm lược chương trong An Ma để giúp họ ghi nhớ. Sau khi đã có đủ thời gian, hãy mời một vài học sinh chia sẻ những ý nghĩ và cảm nghĩ của họ về một điều gì đó trong sách này đã để lại ấn tượng cho họ.