Thư Viện
Bài Học 21: 1 Nê Phi 20–22


Bài Học 21

1 Nê Phi 20–22

Lời Giới Thiệu

Khi Nê Phi giảng dạy cho những người trong gia đình mình, ông đọc từ các bảng khắc bằng đồng, tập trung vào những lời tiên tri của Ê Sai về sự phân tán và quy tụ của Y Sơ Ra Ên. Sau đó ông trả lời những câu hỏi của các anh ông về những lời tiên tri đó. Ông giải thích rằng những lời tiên tri áp dụng trực tiếp cho gia đình họ. Khi lặp lại những lời của Ê Sai, Nê Phi làm chứng rằng Chúa sẽ quy tụ dân giao ước của Ngài—cho dù dân này đã không sống theo giao ước của họ, nhưng Chúa vẫn yêu thương họ và mời họ hối cải và trở lại cùng Ngài.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

1 Nê Phi 20

Chúa khiển trách dân Ngài và mời họ trở lại cùng Ngài

Ê Sai Viết về Sự Giáng Sinh của Đấng Ky Tô

Hãy cho các học sinh thấy tấm hình Ê Sai Viết về Sự Giáng Sinh của Đấng Ky Tô (62339; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 22). Giải thích rằng bức tranh này mô tả tiên tri Ê Sai đang viết một lời tiên tri về sự giáng sinh của Chúa Giê Su Ky Tô. Hỏi có bao nhiêu người trong số họ đã nghe nói về Ê Sai.

Giải thích rằng Ê Sai là một vị tiên tri sống ở Giê Ru Sa Lem và đã nói tiên tri cho dân chúng vào giữa năm 740 Trước Công Nguyên và năm 701 Trước Công Nguyên, không bao lâu trước khi Lê Hi và gia đình ông ra đi đến vùng đất hứa. Nê Phi hân hoan về những lời của Ê Sai và dùng những lời của Ê Sai để giảng dạy cho gia đình của mình (xin xem 1 Nê Phi 19:23; 2 Nê Phi 25:5). Vì những lời của Ê Sai viết bằng thơ và chứa đầy những biểu tượng, nên đôi khi người ta thấy rằng những điều giảng dạy của ông rất khó hiểu. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận được các phước lành khi chúng ta nghiên cứu và tìm cách hiểu những lời của ông.

Giải thích rằng khi giảng dạy cho gia đình của mình, Nê Phi đã đọc một số những lời của Ê Sai đã được gồm vào trong các bảng khắc bằng đồng. Ông làm như vậy để ông ″có thể thuyết phục họ tin nhiều hơn về Chúa, Đấng Cứu Chuộc của họ” (1 Nê Phi 19:23; xin xem thêm câu 24).

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 20:1–2. Trước khi người ấy đọc, hãy giải thích rằng trong đoạn này, Ê Sai nói với những người chịu phép báp têm nhưng không trung tín với các giao ước của họ. Các anh chị em có thể muốn giải thích cụm từ ″gia tộc Y Sơ Ra Ên″ bằng cách kể lại điều sau đây: Kinh Cựu Ước ghi chép lịch sử của Gia Cốp, là con trai của Y Sác và cháu nội của Áp Ra Ham. Chúa ban cho Gia Cốp tên Y Sơ Ra Ên (xin xem Sáng Thế Ký 32:28). Từ ″gia tộc Y Sơ Ra Ên″ ám chỉ con cháu của Gia Cốp và dân giao ước của Chúa (xin xem Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, ″Y Sơ Ra Ên″).

Mời các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 20:3–4, 8. Yêu cầu họ tìm kiếm những từ và cụm từ cho thấy rằng gia tộc Y Sơ Ra Ên đã không trung tín với Chúa. Khuyến khích các học sinh chia sẻ điều họ tìm được.

Trưng bày một mẫu kim khí khó uốn cong. Hỏi các học sinh họ nghĩ cổ của một người nào đó ″là gân sắt″ thì có nghĩa là gì (1 Nê Phi 20:4). Giải thích rằng gân là dây chằng ở đầu cơ. Cũng giống như sắt không dễ uốn cong, một người kiêu ngạo sẽ không cúi xuống trong sự khiêm nhường. Cụm từ ″gân sắt″ chỉ rằng nhiều người trong gia tộc Y Sơ Ra Ên lòng đầy kiêu ngạo.

Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 20:22.

  • Các em nghĩ tại sao người tà ác không có sự bình an?

Nhắc các học sinh nhớ rằng khi Nê Phi chia sẻ những lời tiên tri của Ê Sai, ông đã khuyên nhủ các anh của ông: ″Hãy tự mình áp dụng những lời ấy” (1 Nê Phi 19:24).

  • Một số người trong gia đình của Nê Phi cũng giống như thế nào với những người mà Ê Sai kêu gọi phải hối cải?

Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 20:14, 16, 20.

  • Chúa muốn dân giao ước của Ngài phải làm và nói gì? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng việc rời bỏ Ba Bi Lôn và Người Canh Đê là tượng trưng cho việc bỏ lại vật chất thế gian và đến cùng Chúa).

Mời các học sinh chia sẻ những tấm gương họ đã thấy về những người đến cùng Chúa và bỏ lại vật chất thế gian. Yêu cầu các học sinh tra cứu 1 Nê Phi 20:18, tìm kiếm các phước lành mà Chúa ban cho những người đến cùng Ngài và lưu tâm đến các lệnh truyền của Ngài.

  • Làm thế nào sự bình an có thể giống như một dòng sông? Làm thế nào sự ngay chính có thể giống như những đợt sóng biển?

Mời một vài học sinh tóm lược các lẽ thật họ đã học được từ 1 Nê Phi 20. Mặc dù họ có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng hãy chắc chắn họ hiểu rằng Chúa mời những người đã bất tuân hãy hối cải và trở lại cùng Ngài.

Yêu cầu một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Mời các học sinh suy ngẫm về lời phát biểu đó liên quan đến 1 Nê Phi 20 như thế nào.

″Sa Tan … muốn chúng ta cảm thấy rằng chúng ta không thể còn được tha thứ nữa (xin xem Khải Huyền 12:10). Sa Tan muốn chúng ta nghĩ rằng khi chúng ta phạm tội thì chúng ta đã vượt qua ′điểm không thể trở về′—rằng đã quá trễ để thay đổi hướng đi của chúng ta. …

“… Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô là ân tứ của Thượng Đế cho các con cái của Ngài để sửa đổi và khắc phục những hậu quả của tội lỗi. Thượng Đế yêu thương tất cả con cái của Ngài, và Ngài sẽ không bao giờ ngừng yêu thương và hy vọng cho chúng ta. …

″Đấng Ky Tô đến để cứu rỗi chúng ta. Nếu chúng ta đi sai đường, thì Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô có thể cho chúng ta sự bảo đảm rằng tội lỗi không phải là điểm không thể trở về. Có thể có một sự trở về an toàn nếu chúng ta chịu tuân theo kế hoạch của Thượng Đế dành cho sự cứu rỗi của mình.

“… luôn luôn có một điểm trở về an toàn; luôn luôn có hy vọng” (“Điểm Trở Về An Toàn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2007, 99, 101).

  • Sứ điệp của Chủ Tịch Uchtdorf giống với sứ điệp của Ê Sai như thế nào?

Làm chứng rằng Chúa mời những người bất tuân hãy hối cải và trở lại cùng Ngài. Cam đoan với các học sinh rằng Chúa yêu thương từng người chúng ta và luôn luôn mời chúng ta đến cùng Ngài. Mời họ suy ngẫm điều Chúa sẽ mời họ bỏ lại để họ có thể đến cùng Ngài một cách trọn vẹn hơn.

1 Nê Phi 21:1–17

Ê Sai nói tiên tri rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ không quên dân giao ước của Ngài

Vắn tắt tóm lược 1 Nê Phi 21:1–13 bằng cách thu hút sự chú ý của các học sinh vào hai câu nói đầu tiên trong phần tóm lược chương: ″Đấng Mê Si sẽ là ánh sáng cho Dân Ngoại và sẽ giải thoát những kẻ ngục tù″ và ″Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ lại với sức mạnh vào những ngày sau cùng.″ Giải thích rằng trong các câu 1–13, những lời của Chúa cho thấy tình yêu thương của Ngài dành cho dân Ngài—ngay cả những người đã đi lạc đường và đã quên Ngài.

Viết lên trên bảng Chúa yêu thương chúng ta, và Ngài sẽ không bao giờ quên chúng ta. Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 21:14.

  • Các em nghĩ tại sao người ta đôi khi cảm thấy rằng Chúa đã quên họ?

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 21:15–16. Sau đó hỏi một số hoặc tất cả những câu hỏi sau đây:

  • Ê Sai giảng dạy điều gì khi so sánh Đấng Cứu Rỗi với một người mẹ của một trẻ sơ sinh?

  • Từ chạm có nghĩa là gì? (Các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng chúng ta thường nghĩ về việc chạm trổ trên đá hay kim loại theo cách để sẽ được vĩnh viễn).

  • Được chạm ″trong lòng bàn tay của [Đấng Cứu Rỗi]″ có nghĩa là gì?

  • Những kinh nghiệm nào đã giúp các em biết rằng Chúa đã không quên các em?

Khi các học sinh suy nghĩ về những câu hỏi này và lắng nghe những câu trả lời của nhau, họ sẽ được chuẩn bị để cảm nhận được Đức Thánh Linh làm chứng về Đấng Cứu Rỗi. Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi. Nhắc các học sinh nhớ rằng Nê Phi đã chia sẻ những lời tiên tri của Ê Sai để thuyết phục chúng ta tin vào Đấng Cứu Chuộc và giúp chúng ta có được hy vọng.

1 Nê Phi 21:18–26; 22:1–22

Nê Phi giải thích lời tiên tri của Ê Sai về sự phân tán và quy tụ của Y Sơ Ra Ên

Đặt vài đồ vật (chẳng hạn như mấy cái ly) chung với nhau lên trên một cái bàn hay ghế. Nói cho các học sinh biết rằng những đồ vật này tượng trưng cho các nhóm người. Giải thích rằng Nê Phi đã dạy rằng Y Sơ Ra Ên sẽ bị phân tán khắp các nước vì họ cứng lòng chống lại Đấng Cứu Rỗi (xin xem 1 Nê Phi 22:1–5). Trong khi các anh chị em đang nói, hãy di chuyển các đồ vật đó đến những chỗ khác nhau trong phòng. Giải thích rằng đây là một đề tài quan trọng đối với Nê Phi. Gia đình của ông là một phần của sự phân tán. Họ đã bị phân tán khỏi Giê Ru Sa Lem, quê hương của họ, vì sự tà ác của những người sống trong khu vực đó.

Mời các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 21:22–23 và 22:6–8. Trước khi họ đọc, hãy giải thích rằng 1 Nê Phi 21 gồm có một lời tiên tri của Ê Sai về sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên và rằng 1 Nê Phi 22 gồm có những lời giảng dạy của Nê Phi về lời tiên tri của Ê Sai.

  • ″Một công việc vĩ đại và kỳ diệu″ được đề cập trong 1 Nê Phi 22:7–8là gì? (Sự Phục Hồi phúc âm).

  • Làm thế nào việc chia sẻ phúc âm có thể giống như việc bồng những người khác trong tay hoặc vác trên vai chúng ta?

Để giúp các học sinh hiểu sự phân tán và quy tụ của Y Sơ Ra Ên, các anh chị em có thể muốn đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

″Tại sao Y Sơ Ra Ên bị phân tán? Câu trả lời rất rõ ràng; câu trả lời rất minh bạch; không có nghi ngờ gì đối với câu trả lời đó. Tổ phụ của dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán vì họ chối bỏ phúc âm, làm ô uế chức tư tế, từ bỏ giáo hội, và rời bỏ vương quốc. …

″Vậy thì điều gì cần phải có trong sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên? Sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên gồm có việc tin tưởng và chấp nhận cùng sống phù hợp với tất cả những gì Chúa đã có lần ban cho dân chọn lọc thời xưa của Ngài. … Điều này gồm có việc tin tưởng phúc âm, gia nhập Giáo Hội và vào vương quốc. … Điều này cũng có thể gồm có việc quy tụ vào một nơi đã được chỉ định hoặc xứ thờ phượng” (A New Witness for the Articles of Faith [1985], 515).

Đọc 1 Nê Phi 22:9–12. Giải thích rằng khi nói rằng Chúa ″tỏ trần cánh tay Ngài,″ thì thánh thư ám chỉ rằng Chúa cho thấy quyền năng của Ngài.

  • Trong 1 Nê Phi 22:11, Nê Phi nói Chúa sẽ làm gì trong những ngày sau cùng để cho thấy quyền năng của Ngài?

  • Làm thế nào sự quy tụ dân chúng vào Giáo Hội lại mang họ ra khỏi cảnh tù đày và tối tăm?

Yêu cầu các học sinh thu góp các đồ vật ở khắp nơi trong phòng và mang chúng về lại với nhau một chỗ. Giải thích rằng việc quy tụ có thể là về mặt thuộc linh cũng như về mặt thể chất. Khi chúng ta chia sẻ phúc âm với những người khác và họ chịu phép báp têm và tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, thì họ đã được quy tụ thật sự vào Giáo Hội của Chúa. Trong những thời kỳ đầu tiên của Giáo Hội, những người mới cải đạo được yêu cầu quy tụ lại thật sự vào một địa điểm (ví dụ như Kirtland, Ohio; Nauvoo, Illinois; và Salt Lake City, Utah). Ngày nay, những người cải đạo được khuyến khích xây dựng Giáo Hội bất cứ nơi đâu họ đang ở và quy tụ vào các chi nhánh, tiểu giáo khu và giáo khu ở địa phương của họ.

  • Theo như 1 Nê Phi 22:25, các phước lành nào đến với những người được Chúa quy tụ? ″Có một đàn chiên″ có nghĩa là gì? (Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng một đàn chiên là một nơi mà các con chiên được bảo vệ). Các em nghĩ ″tìm thấy đồng cỏ″ có nghĩa là gì?

Trong thời kỳ chúng ta, Thượng Đế phán bảo rằng tất cả các tín hữu Giáo Hội phụ giúp trong việc quy tụ ″con cái Ngài từ bốn phương trời của thế gian” (1 Nê Phi 22:25). Làm chứng rằng Chúa đã hứa sẽ phục hồi phúc âm và quy tụ Y Sơ Ra Ên trong những ngày sau.

  • Các em nghĩ những người được quy tụ (những người cải đạo) sẽ cảm thấy như thế nào về những người đã quy tụ họ lại (những người đã chia sẻ phúc âm với họ)?

  • Các em có thể làm gì để chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô với những người khác?

Hãy nhắc các học sinh nhớ rằng Nê Phi đã trích dẫn Ê Sai để giúp những người trong gia đình ông có được niềm tin tưởng và hy vọng lớn lao hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Những lời tiên tri của Ê Sai và chứng ngôn của Nê Phi có thể giúp đỡ chúng ta trong cùng một cách thức. Hãy làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô sẽ không quên chúng ta và rằng Ngài đang tích cực tìm cách quy tụ chúng ta lại.

Ôn Lại 1 Nê Phi

Dành ra một số thời giờ để ôn lại 1 Nê Phi bằng cách yêu cầu các học sinh nhớ lại điều họ đã học trong lớp giáo lý và việc học tập riêng của họ cho tới bây giờ năm nay. Các anh chị em có thể khuyến khích họ ôn lại các phần tóm lược của chương trong 1 Nê Phi. Yêu cầu họ chuẩn bị chia sẻ một số điều nào đó từ sách 1 Nê Phi mà đã soi dẫn họ hoặc củng cố đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô. Sau khi có đủ thời giờ, hãy yêu cầu vài học sinh chia sẻ những ý nghĩ và cảm nghĩ của họ. Hãy cân nhắc việc chia sẻ một trong số các kinh nghiệm của mình về cách mà những điều giảng dạy trong 1 Nê Phi đã ban phước cho cuộc sống của các anh chị em.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

1 Nê Phi 21:15–16. Chúa Giê Su Ky Tô sẽ không quên

Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã chia sẻ chứng ngôn của ông về các lẽ thật trong 1 Nê Phi 21:15–16:

″Đoạn thơ này cung ứng thêm một điều nhắc nhở nữa về vai trò cứu rỗi của Đấng Ky Tô, vai trò của một người cha bảo vệ, cứu chuộc con cái của Si Ôn. Ngài an ủi dân Ngài và cho thấy lòng thương xót khi họ bị khổ sở, cũng như bất cứ người cha hay người mẹ đầy lòng nhân từ sẽ làm như vậy đối với đứa con của mình, nhưng còn nhiều hơn là bất cứ người cha hay người mẹ trần thế nào có thể làm được, như Nê Phi đã nhắc nhở chúng ta ở đây qua Ê Sai. Mặc dù một người mẹ có thể quên đứa con còn bú của mình (điều này khó có thể xảy ra vì không có bất cứ người cha hay người mẹ nào có thể nghĩ như vậy), nhưng Đấng Ky Tô sẽ không quên con cái mà Ngài đã cứu chuộc hoặc đã giao ước với họ để cứu rỗi vào Si Ôn” (Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 84).

1 Nê Phi 22:6–9. ″Một quốc gia hùng mạnh″ và ″một công việc kỳ diệu″

Anh Cả Mark E. Petersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã dạy rằng trong 1 Nê Phi 22:7, cụm từ “một quốc gia hùng mạnh giữa Dân Ngoại” là ám chỉ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ (xin xem “The Great Prologue” [bài nói chuyện được đưa ra tại trường Brigham Young University, ngày 29 tháng Chín năm 1974], 4, speeches.byu.edu).

Trong 1 Nê Phi 22:8, Nê Phi nói đến ″một công việc kỳ diệu giữa Dân Ngoại″ trong những ngày sau. Công việc vĩ đại này gồm có Sự Phục Hồi phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và các chìa khóa của chức tư tế cần thiết để mang các giao ước của Thượng Đế đến cho ″mọi dân trên thế gian” (1 Nê Phi 22:9).

Các sự kiện được mô tả trong 1 Nê Phi 22:7 phải đi trước những sự kiện được mô tả trong 1 Nê Phi 22:8–9. Đầu thập niên 1800, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều bắt buộc theo tôn giáo của quốc gia. Phúc âm chỉ có thể được phục hồi trong một quốc gia nơi tự do tôn giáo đã được luật pháp thiết lập và được tự do thực hành. Tu Chính Án Đầu Tiên của Hiến Pháp Hoa Kỳ gồm có một bản tuyên ngôn về tự do tôn giáo. Tu chính án này và các tu chính án khác đã được thông qua vào ngày 15 tháng Mười Hai năm 1791, cho phép tự do tôn giáo được bén rễ trong thế giới hiện đại. Joseph Smith sinh vào tháng Mười Hai năm 1805, chỉ 14 năm sau khi những tu chính án này của Hiến Pháp Hoa Kỳ được thông qua.