Phần Giới Thiệu Sách Nê Phi Thứ Nhất
Tại sao chúng ta phải học sách này?
Khi học sách 1 Nê Phi, các học sinh sẽ khám phá ra rằng “tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa được dành cho tất cả những người được Ngài chọn lựa, nhờ đức tin của họ, để làm cho họ hùng mạnh” (1 Nê Phi 1:20). Họ cũng sẽ học biết rằng Thượng Đế muốn ban phước cho con cái của Ngài. Lê Hi và dân của ông đã cảm nhận được lòng thương xót và các phước lành của Thượng Đế khi họ tuân theo các giáo lệnh của Ngài. Lê Hi và Nê Phi tìm kiếm sự hướng dẫn từ Thượng Đế và nhận được sự hướng dẫn này qua những giấc mơ, khải tượng, cái la bàn Liahona và sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh. Nê Phi nhận được khải tượng và đã ghi lại toàn cảnh khải tượng về lịch sử của thế gian cho ông thấy về khả năng toàn trí toàn thức của Thượng Đế; phép báp têm, giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô, và việc Ngài bị đóng đinh; sự hủy diệt của dân Nê Phi; và những ngày sau. Thượng Đế đã giúp Nê Phi và các anh của ông lấy được các bảng khắc bằng đồng để họ có thể có được thánh thư. Ngài cũng cứu Lê Hi và dân của ông khỏi nạn đói trong vùng hoang dã và sự hủy diệt trên đại dương, an toàn mang họ đến đất hứa. Khi học những kinh nghiệm của Nê Phi và Lê Hi trong sách này, các học sinh có thể học cách tìm kiếm và nhận được các phước lành của thiên thượng.
Ai viết sách này?
Nê Phi, con trai của Lê Hi, đã viết sách này để đáp ứng lệnh truyền của Chúa là ông phải lưu giữ một biên sử của dân ông. Nê Phi có thể đã sinh ra tại Giê Ru Sa Lem hoặc gần đó. Ông đã sống ở đó trong thời gian giáo vụ của tiên tri Giê Rê Mi và thời gian trị vì của Vua Sê Đê Kia. Nê Phi tìm kiếm sự làm chứng riêng của mình về những lời của cha ông về sự hủy diệt Giê Ru Sa Lem và việc gia đình của họ cần phải ra đi. Trong khi tiếp tục tìm kiếm và tuân theo lời phán dạy của Chúa, Nê Phi đã trở thành một công cụ trong tay của Thượng Đế. Ông đã vâng lời trở lại Giê Ru Sa Lem với các anh của mình hai lần—lần thứ nhất để lấy các bảng khắc bằng đồng và lần sau để thuyết phục gia đình của Ích Ma Ên đi theo họ vào vùng hoang dã. Với sự giúp đỡ của Chúa, Nê Phi đóng tàu để mang gia đình ông và những người khác vượt đại dương đến vùng đất hứa. Khi Lê Hi chết, Chúa đã chọn Nê Phi làm người lãnh đạo của dân ông.
Sách này viết cho ai và tại sao?
Nê Phi có ý định viết sách này cho ba nhóm độc giả: các con cháu của cha ông, dân giao ước của Chúa trong những ngày sau cùng, và tất cả những người trên thế gian (xin xem 2 Nê Phi 33:3, 13). Ông viết sách này để thuyết phục tất cả mọi người đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô và được cứu (xin xem 1 Nê Phi 6:4).
Sách này được viết ra khi nào và ở đâu?
Nê Phi viết câu chuyện về sau trở thành 1 Nê Phi vào khoảng năm 570 trước Công Nguyên—30 năm sau khi ông và gia đình ông rời bỏ Giê Ru Sa Lem (xin xem 2 Nê Phi 5:30). Ông viết sách này khi đang ở trong xứ Nê Phi.
Một số đặc điểm nổi bật của sách này là gì?
1 Nê Phi bao gồm một số câu chuyện về những biểu hiện của thiên thượng trong giấc mơ, khải tượng và mặc khải trực tiếp. Những biểu hiện này cho thấy rằng Thượng Đế chỉ dạy, hướng dẫn và bảo vệ những người tìm kiếm Ngài:
-
Trong khi Lê Hi cầu nguyện, một cột lửa xuất hiện, và ông nghe thấy nhiều điều làm cho ông run sợ (xin xem 1 Nê Phi 1:6–7).
-
Lê Hi nhận được một khải tượng mà trong đó ông thấy Thượng Đế và đọc từ một quyển sách có tiên tri về sự hủy diệt Giê Ru Sa Lem và sự tù đày của dân cư trong xứ đó (xin xem 1 Nê Phi 1:8–14).
-
Chúa truyền lệnh cho Lê Hi cùng đi với gia đình ông vào vùng hoang dã (xin xem 1 Nê Phi 2:1–2).
-
Chúa chỉ thị cho Lê Hi sai các con trai của ông trở lại Giê Ru Sa Lem để lấy các bảng khắc bằng đồng (xin xem 1 Nê Phi 3:2–4).
-
Một thiên sứ can thiệp khi La Man và Lê Mu Ên đánh đập Nê Phi và Sam (xin xem 1 Nê Phi 3:29).
-
Chúa truyền lệnh cho Nê Phi và các anh của mình trở lại Giê Ru Sa Lem để tìm Ích Ma Ên và gia đình của ông (xin xem 1 Nê Phi 7:1–2).
-
Lê Hi và Nê Phi nhận được các khải tượng gồm có cây sự sống; sự giáng sinh, giáo vụ, và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô; lịch sử của đất hứa; Sự Phục Hồi của phúc âm; và sự xung đột giữa các lực lượng của quỷ dữ và giáo hội của Chiên Con của Thượng Đế (xin xem 1 Nê Phi 8; 11–14).
-
Nê Phi được cho thấy cách đóng một chiếc tàu mà sẽ chở dân của ông đến vùng đất hứa (xin xem 1 Nê Phi 18:1).
Sách 1 Nê Phi gồm có câu chuyện trực tiếp về một dân tộc hành trình đến vùng đất hứa. Về sau Sách Mặc Môn kể về hai nhóm khác đi đến vùng đất hứa: Dân Mu Léc (xin xem Ôm Ni 1:14–17) và dân Gia Rét (xin xem Ê The 6:4–12).
Sách 1 Nê Phi cũng giới thiệu hai đồ vật quan trọng: lưỡi gươm của La Ban và một cái la bàn, hay vật chỉ hướng, được gọi là Liahona (xin xem 1 Nê Phi 18:12; An Ma 37:38). Qua Liahona, Chúa đã hướng dẫn gia đình của Lê Hi qua vùng hoang dã và vượt đại dương. Lưỡi gươm của La Ban được chuyền lại qua các thế hệ cho đến cuối nền văn minh của dân Nê Phi. Cái la bàn Liahona lẫn lưỡi gươm của La Ban đều được chôn giấu với các bảng khắc bằng vàng, và chúng được cho Joseph Smith và Ba Nhân Chứng thấy (xin xem GLGƯ 17:1–2).
Đại Cương
1 Nê Phi 1–7 Lê Hi dẫn gia đình mình vào vùng hoang dã. Các con trai của ông đã tuân theo lệnh truyền của Chúa để trở lại Giê Ru Sa Lem và lấy các bảng khắc bằng đồng và trở lại một lần nữa để thuyết phục Ích Ma Ên và gia đình của ông cùng đi theo họ vào vùng hoang dã.
1 Nê Phi 8–15 Lê Hi và Nê Phi đều nhận được một khải tượng về cây sự sống. Nê Phi thuật lại khải tượng của mình về giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi và các sự kiện lịch sử dẫn đến Sự Phục Hồi phúc âm trong những ngày sau.
1 Nê Phi 16–18 Chúa hướng dẫn Lê Hi và gia đình của ông trong cuộc hành trình của họ ngang qua vùng hoang dã và vượt đại dương đến vùng đất hứa.
1 Nê Phi 19–22 Nê Phi tiên tri về Chúa Giê Su Ky Tô và sự phân tán cùng sự quy tụ của dân Y Sơ Ra Ên.