Bài Học 7
1 Nê Phi 2
Lời Giới Thiệu
Câu chuyện trong 1 Nê Phi 2 cho thấy những phản ứng khác nhau đối với các lệnh truyền từ Chúa. Lê Hi tuân theo lệnh truyền của Chúa để dẫn gia đình ông vào vùng hoang dã. Khi đương đầu với sự khó khăn của lệnh truyền này, La Man và Lê Mu Ên đã chống đối. Trái lại, Nê Phi đã tìm kiếm một sự làm chứng xác nhận.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
1 Nê Phi 2:1–7
Thượng Đế truyền lệnh cho Lê Hi phải đi vào vùng hoang dã
Yêu cầu các học sinh tưởng tượng rằng cha mẹ của họ bảo họ rằng gia đình của họ phải rời nhà của họ ngày mai, bỏ lại hầu hết tất cả của cải của họ. Họ sẽ đi vào vùng hoang dã, chỉ mang theo những lương thực họ cần để sống sót.
-
Các em có thể đáp ứng như thế nào?
-
Sự đáp ứng của các em sẽ thay đổi như thế nào nếu các em biết rằng lệnh truyền đi vào vùng hoang dã đến từ Chúa?
Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 2:1–6. Yêu cầu lớp học tìm kiếm lý do tại sao Lê Hi đã dẫn gia đình của ông vào vùng hoang dã.
-
Lê Hi đã nhận được lệnh truyền nào từ Chúa? (Xin xem 1 Nê Phi 2:2).
-
Các em có thể học được gì từ quyết định của Lê Hi về việc mang theo thứ gì và bỏ lại thứ gì?
Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 2:7.
-
Lê Hi dâng lên Chúa lời cảm tạ ngay sau khi bỏ lại nhà cửa và của cải của ông. Chúng ta có thể học được gì từ câu chuyện này?
-
Lê Hi đã cảm tạ về điều gì?
Viết câu sau đây lên trên bảng: Khi chúng ta trung tín và vâng lời, Chúa sẽ giúp chúng ta trong lúc thử thách.
-
Các em đã cảm thấy Chúa giúp các em trong những lúc thử thách vào lúc nào? (Khuyến khích các học sinh tìm kiếm sự hướng dẫn của Thánh Linh trong việc trả lời câu hỏi này. Giúp họ hiểu rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư).
1 Nê Phi 2:8–15
La Man và Lê Mu Ên ta thán cha họ
Yêu cầu các học sinh im lặng tự hỏi họ đã có từng than vãn, hoặc bằng lời nói hoặc trong lòng, về một lệnh truyền từ Chúa hoặc về một lời yêu cầu từ một người cha hay mẹ hoặc một vị lãnh đạo Giáo Hội không. Cho họ một giây lát để suy ngẫm về những kinh nghiệm của họ.
-
Đôi khi tại sao chúng ta than vãn khi được hướng dẫn?
Viết Dòng Sông và Thung Lũng lên trên bảng. Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 2:8–10.
-
Trong phương diện nào Lê Hi muốn La Man giống như một dòng sông? Trong phương diện nào ông muốn Lê Mu Ên giống như một thung lũng? (Các anh chị em có thể muốn yêu cầu các học sinh viết câu trả lời của họ lên trên bảng bên cạnh hai từ Dòng Sông và Thung Lũng.)
-
Lê Hi đang cố gắng dạy La Man và Lê Mu Ên điều gì?
Yêu cầu các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 2:11–14.
-
La Man và Lê Mu Ên ta thán cha của họ vì một số lý do nào?
-
Trong 1 Nê Phi 2:11, từ tính ương ngạnh ám chỉ tính kiêu ngạo hoặc cứng đầu. Tại sao những cảm nghĩ kiêu ngạo đôi khi đưa người ta đến việc ta thán?
-
Các em nghĩ tại sao việc ta thán đôi khi là do người ta không hiểu những sự việc của Thượng Đế?
Giải thích rằng một lý do tại sao Sa Tan muốn chúng ta ta thán là điều đó sẽ ngăn cản chúng ta không tuân theo các vị tiên tri tại thế, các vị lãnh đạo đầy soi dẫn và cha mẹ chúng ta. Là một phần cuộc thảo luận của mình, các anh chị em có thể muốn chia sẻ điều sau đây dựa vào lời phát biểu của Anh Cả H. Ross Workman thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:
“Sự ta thán gồm có ba bước, mỗi một bước dẫn đến bước kế tiếp trong con đường đưa xuống sự bất tuân.” Trước hết, người ta bắt đầu thắc mắc. Họ đặt câu hỏi “trong tâm trí của mình trước hết,” và rồi họ gieo thắc mắc “vào tâm trí của những người khác.” Thứ hai, những người ta thán bắt đầu “lý luận và tự bào chữa để khỏi làm điều mà họ đã được chỉ thị để làm. … Như thế, họ đã bào chữa cho sự bất tuân.” Những lời bào chữa của họ dẫn đến bước thứ ba: “Sự biếng nhác trong việc làm theo lệnh truyền của Đấng Chủ Tể. …
“Tôi xin mời các anh chị em nên chú trọng đến mệnh lệnh của các vị tiên tri tại thế là điều làm cho các anh chị em khó chịu nhất. Các anh chị em có thắc mắc là mệnh lệnh đó có áp dụng cho mình không? Các anh chị em có tìm ra những lời bào chữa sẵn sàng cho lý do tại sao các anh chị em không thể tuân theo mệnh lệnh đó bây giờ không? Các anh chị em có cảm thấy khó chịu hay bực bội với những người nhắc nhở mệnh lệnh đó không? Các anh chị em có tỏ ra biếng nhác trong việc tuân thủ mệnh lệnh đó không? Hãy coi chừng sự lừa gạt của kẻ nghịch thù. Hãy coi chừng sự ta thán” (“Hãy Coi Chừng Sự Ta Thán,” Liahona, tháng Giêng năm 2002, 98–100).
Mời các học sinh trả lời câu hỏi sau đây trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư hoặc sổ tay ghi chép trong lớp học của họ:
-
Các em có thể làm gì nếu tự thấy mình ta thán về các vị tiên tri và các lệnh truyền của Chúa?
1 Nê Phi 2:16–19
Nê Phi tìm kiếm sự hiểu biết từ Chúa
Yêu cầu các học sinh im lặng đọc và suy ngẫm 1 Nê Phi 2:16, 19.
-
Nê Phi đã đáp ứng như thế nào đối với sứ điệp của cha ông?
-
Các em đã kêu cầu Thượng Đế và cảm thấy mềm lòng vào lúc nào?
Cho các học sinh cơ hội để kể về những lúc Chúa đã làm mềm lòng họ (nhưng hãy nhắc họ nhớ rằng họ đừng cảm thấy bị bắt buộc phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư). Ngoài ra, các anh chị em cũng có thể muốn kể về thời gian Chúa đã làm mềm lòng các anh chị em. Hãy bảo đảm với các học sinh rằng khi chúng ta kêu cầu Thượng Đế, thì Ngài có thể làm mềm lòng chúng ta để tin lời Ngài.
Đọc to 1 Nê Phi 2:19. Yêu cầu các học sinh giải thích bằng lời riêng của họ ý nghĩa của những từ “chuyên tâm” và “sự khiêm tốn trong lòng.” Khuyến khích họ tìm kiếm Chúa như Nê Phi đã làm.
Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 2:17–18.
-
Chúng ta có thể học được các nguyên tắc nào từ những câu trả lời khác nhau của Nê Phi, Sam, La Man và Lê Mu Ên?
-
Khi nào những lời nói của một người trong gia đình hay người bạn củng cố đức tin của các em cũng giống như những lời nói của Nê Phi đã củng cố đức tin của Sam?
1 Nê Phi 2:20–24
Những người tuân giữ các lệnh truyền sẽ được thịnh vượng
Yêu cầu các học sinh đọc 1 Nê Phi 2:20–21. Mời họ nhận ra hoặc đánh dấu lời hứa rằng “chừng nào con còn tuân giữ các lệnh truyền của ta, con sẽ được thịnh vượng.” Giải thích rằng khi học Sách Mặc Môn, họ sẽ đọc về nhiều trường hợp mà lời hứa này đã được ứng nghiệm.
Hãy cân nhắc việc chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả Bruce R. McConkie thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
“Sự vâng lời là luật pháp đầu tiên của thiên thượng. Tất cả sự tiến triển, tất cả sự hoàn hảo, tất cả sự cứu rỗi, tất cả sự tin kính, tất cả những điều gì là đúng, công bình và chân chính, tất cả những điều tốt lành đều đến với những người sống theo luật pháp của Ngài là Đấng Vĩnh Cửu. Không có điều gì trong suốt vĩnh cửu lại quan trọng hơn việc tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế” (The Promised Messiah: The First Coming of Christ [1978], 126).
Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng Thượng Đế ban phước cho những người biết vâng lời và trung tín. Giống như Nê Phi, các học sinh có thể phát triển lòng tin tưởng trong việc tiếp nhận sự hướng dẫn từ Chúa. Khuyến khích họ cố gắng trở nên biết vâng lời hơn và tuân theo sự hướng dẫn họ nhận được từ Đức Thánh Linh.