Lời Giới Thiệu Sách Nê Phi thứ Tư: Sách Nê Phi
Tại sao chúng ta phải học sách này?
Khi học sinh nghiên cứu sách 4 Nê Phi thì họ sẽ học về các phước lành đến với những người đoàn kết trong việc sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Tiếp theo giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi ở giữa con cháu của Lê Hi, tất cả mọi người trên khắp xứ đều được cải đạo. Khi họ tuân theo các giáo lệnh, thì họ có được hòa bình, thịnh vượng và các phước lành thiêng liêng kỳ diệu. Mặc Môn nói: “Quả thật, chẳng có một dân tộc nào trong tất cả những dân tộc do bàn tay Thượng Đế tạo ra mà được hạnh phúc hơn dân này” (4 Nê Phi 1:16). Học sinh cũng sẽ học được những bài học quan trọng từ việc dân chúng bị suy tàn dần dần và rơi vào một trạng thái tà ác.
Ai viết sách này?
Mặc Môn biên soạn và tóm lược các biên sử của bốn tác giả để tạo thành sách 4 Nê Phi. Tác giả đầu tiên trong số các tác giả này là Nê Phi, mà sách được đặt theo tên của ông. Nê Phi là con trai của Nê Phi, là một trong mười hai môn đồ được Chúa chọn trong thời gian giáo vụ của Ngài ở giữa các con cháu của Lê Hi (xin xem 3 Nê Phi 11:18–22; 12:1). Ba tác giả kia là con trai của Nê Phi là A Mốt và của A Mốt là A Mốt và Am Ma Rôn (xin xem 4 Nê Phi 1:19, 21, 47).
Sách này viết cho ai và tại sao?
Mặc Môn đã không viết sách 4 Nê Phi cho một nhóm độc giả cụ thể, và ông đã không nói rõ lý do tại sao ông đã viết sách này. Tuy nhiên, cuốn sách này góp phần vào các mục đích tối quan trọng của Sách Mặc Môn—để làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, và làm cho các giao ước của Chúa được mọi người biết đến (xin xem trang tựa của Sách Mặc Môn). Sách làm như vậy bằng cách cho thấy các phước lành có được khi người ta hối cải, đến cùng Chúa Giê Su Ky Tô, và lập giao ước với Ngài. Sách cũng cho thấy những hậu quả tàn khốc xảy ra khi người ta chối bỏ Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài và từ bỏ các giao ước của họ.
Sách này được viết ra khi nào và ở đâu?
Các biên sử gốc mà được sử dụng như là các nguồn gốc cho sách 4 Nê Phi đã có thể được viết giữa năm 34 Sau Công Nguyên và năm 321 Sau Công Nguyên. Mặc Môn tóm lược các biên sử đó vào khoảng năm 345 Sau Công Nguyên và năm 385 Sau Công Nguyên. Mặc Môn không nói là ông đang ở đâu khi biên soạn sách này.
Một số đặc điểm nổi bật của sách này là gì?
Chỉ trong 49 câu, sách 4 Nê Phi kể lại khoảng gần 300 năm—gần một phần ba toàn bộ lịch sử của dân Nê Phi chứa đựng trong Sách Mặc Môn. Tính ngắn gọn của sách 4 Nê Phi góp phần vào quyền năng của sách. Sách làm nổi bật một cách ngắn gọn sự tương phản giữa sự ngay chính của dân chúng ngay tiếp theo sau giáo vụ của Đấng Cứu Rỗi ở giữa họ và sự tà ác của họ trong bốn thế hệ sau này. 18 câu đầu tiên của sách minh họa các phước lành được một xã hội vui hưởng mà được xây dựng trên phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Các câu sau cung cấp một bằng chứng về sự hủy diệt của tính kiêu ngạo, cho thấy xã hội này dần dần suy yếu như thế nào cho đến khi gần như hoàn toàn bị hủy diệt trong tội lỗi.
Đại Cương
4 Nê Phi 1:1–18 Sau giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô, tất cả mọi người trên khắp xứ được cải đạo và chịu phép báp têm. Họ không còn phân chia mình là dân Nê Phi và dân La Man nữa. Họ “xem mọi vật là của chung” (4 Nê Phi 1:3), họ có được kinh nghiệm về nhiều phép lạ, họ được thịnh vượng và sống trong tình đoàn kết và hạnh phúc trong 110 năm.
4 Nê Phi 1:19–34 Nê Phi qua đời, và con trai A Mốt của ông lưu giữ các biên sử. Về sau, A Mốt chuyển giao các biên sử cho con trai của ông là A Mốt. Nhiều người cho phép Sa Tan “nắm … trái tim của họ” (4 Nê Phi 1:28). Cảnh chia rẽ, tính kiêu ngạo, và giáo hội giả phát sinh ở giữa dân chúng. Kẻ tà ác bắt đầu ngược đãi các tín hữu của Giáo Hội chân chính và các “môn đồ của Chúa Giê Su đang còn lưu lại với chúng” (4 Nê Phi 1:30).
4 Nê Phi 1:35–49 Dân chúng lại phân chia ra là dân Nê Phi và dân La Man. Dân La Man cố tình nổi loạn chống lại phúc âm và xây dựng các tập đoàn bí mật của Ga Đi An Tôn. Cuối cùng, dân Nê Phi cũng trở nên tà ác. A Mốt qua đời, và em của ông là Am Ma Rôn lưu giữ các biên sử trong một thời gian trước khi bị Đức Thánh Linh bắt buộc phải cất giấu các biên sử này.