Thư Viện
Bài Học 136: 4 Nê Phi 1


Bài Học 136

4 Nê Phi

Lời Giới Thiệu

Sau khi giáo vụ của Chúa Giê Su Ky Tô ở giữa con cháu của Lê Hi, dân chúng đã áp dụng những lời dạy của Ngài và vui hưởng hơn 100 năm đoàn kết, thịnh vượng và hạnh phúc. Họ đoàn kết với tư cách là “con cái của Đấng Ky Tô” và không còn tự coi mình là dân Nê Phi hay dân La Man nữa (4 Nê Phi 1:17). Tuy nhiên, cuối cùng họ đã trở nên kiêu ngạo và càng ngày càng tà ác, họ lại tự phân biệt mình là dân Nê Phi và dân La Man. Khoảng 300 năm sau khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến, gần như tất cả dân chúng đã trở nên tà ác.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

4 Nê Phi 1:1–18

Tất cả mọi người đều được cải đạo và có được kinh nghiệm được sự bình an và hạnh phúc.

Trước khi lớp học bắt đầu, chuẩn bị hai mảnh giấy để trống cho mỗi học sinh—nếu có thể, một mảnh màu trắng và mảnh kia có màu khác (nửa tờ giấy là đủ). Đặt mảnh giấy để trống lên trên bàn hoặc ghế của học sinh trước khi họ đến lớp. Để qua một bên những tờ giấy màu để sử dụng sau này trong bài học. Viết câu hỏi sau đây lên trên bảng: Điều gì khiến các em thực sự hạnh phúc? Khi học sinh đến lớp, mời họ viết lên trên bảng các câu trả lời của họ cho câu hỏi.

Bắt đầu lớp học bằng cách thảo luận các câu trả lời mà họ đã viết lên trên bảng. Hỏi học sinh câu hỏi sau đây:

  • Sự khác biệt giữa những điều làm cho chúng ta hạnh phúc tạm thời và những điều dẫn đến hạnh phúc lâu dài là gì? (Khi học sinh trả lời, các anh chị em có thể muốn nhấn mạnh rằng hạnh phúc đích thực không thể được tìm thấy trong những điều như là sự nổi tiếng, giàu có, và của cải vật chất).

Giải thích rằng 4 Nê Phi là một biên sử về nhiều thế hệ con cháu của Lê Hi đã sống sau khi Chúa Giê Su Ky Tô hiện đến. Mời học sinh đọc thầm 4 Nê Phi 1:16, để tìm kiếm cách Mặc Môn mô tả những người sống khoảng 100 năm sau khi Đấng Cứu Rỗi hiện đến. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đánh dấu cụm từ “quả thật chẳng có một dân tộc nào … được hạnh phúc hơn dân này.” Yêu cầu học sinh viết Chẳng Có Một Dân Tộc Nào Được Hạnh Phúc Hơn ở phía trên cùng của tờ giấy màu trắng mà các anh chị em đã đưa cho họ. Sau đó yêu cầu họ vẽ một vòng tròn lớn ở giữa tờ giấy của họ.

vòng tròn

Yêu cầu học sinh đọc 4 Nê Phi 1:1–2, tìm kiếm điều mà dân chúng đã làm để có thể được hạnh phúc như vậy. Mời họ liệt kê những điều họ tìm thấy ở bên trong vòng tròn. (Các câu trả lời nên gồm có những người hối cải, chịu phép báp têm, nhận được Đức Thánh Linh, và “đều được cải đạo theo Chúa.”)

  • Được cải đạo có nghĩa là gì?

Để giúp học sinh hiểu rằng sự cải đạo còn có ý nghĩa nhiều hơn là chỉ có một chứng ngôn hoặc là một tín hữu của Giáo Hội, mời một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Anh Cả Richard G. Scott thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. Nếu có thể, đưa cho học sinh bản sao của lời phát biểu này, và khuyến khích họ nhận ra các từ và cụm từ nào định nghĩa sự cải đạo.

“Hạnh phúc của các anh chị em hiện giờ và mãi mãi tùy thuộc vào mức độ cải đạo và sự thay đổi mà mang đến cho cuộc sống của các anh chị em. Vậy thì làm thế nào các anh chị em có thể trở nên thực sự được cải đạo? Chủ Tịch [Marion G.] Romney mô tả những bước mà các anh chị em phải đi theo:

Anh Cả Richard G. Scott

“‘Vài trò tín hữu trong Giáo Hội và sự cải đạo không nhất thiết phải đồng nghĩa. Việc được cải đạo và có được một chứng ngôn cũng không nhất thiết phải cùng là một. Một chứng ngôn đến khi Đức Thánh Linh ban cho người thiết tha tìm kiếm một lời chứng về lẽ thật. Một chứng ngôn đầy cảm động sẽ củng cố đức tin. Tức là nó gồm có sự hối cải và tuân theo các giáo lệnh. Sự cải đạo là kết quả hay phần thưởng cho sự hối cải và vâng lời.’ [Trong Conference Report, Guatemala Area Conference 1977, 8–9.]

“Nói một cách đơn giản, sự cải đạo thực sự là kết quả của đức tin, sự hối cảisự vâng lời liên tục. …

“Sự cải đạo thực sự sinh ra kết quả của hạnh phúc lâu dài mà có thể được thụ hưởng ngay cả trong thế giới đang hỗn loạn và đa số đều có bất cứ điều gì chỉ trừ hạnh phúc” (“Sự Cải Đạo Trọn Vẹn Mang Đến Hạnh Phúc,” Liahona, tháng Năm năm 2002, 25, 26).

  • Các em đã nghe những từ và cụm từ nào định nghĩa sự cải đạo?

  • Các em nghĩ nếu mọi người xung quanh các em đều được cải đạo theo Chúa thì sẽ như thế nào?

Viết phần tham khảo thánh thư sau đây lên trên bảng: 4 Nê Phi 1:2–3, 5, 7, 10–13, 15–18. Mời một vài học sinh lần lượt đọc to những câu này. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm những từ và cụm từ mô tả điều dân chúng đã kinh nghiệm được vì họ đều đã được cải đạo theo Chúa. Mời học sinh viết những từ và cụm từ này ở xung quanh vòng tròn trên tờ giấy của họ. (Các câu trả lời có thể gồm có điều sau đây: không có sự bất hòa hay tranh luận nào, họ đối xử với nhau rất công bình, họ xem mọi vật là của chung, nhiều phép lạ được thực hiện trong danh Chúa Giê Su Ky Tô, Chúa đã làm cho dân chúng thịnh vượng, họ xây cất lại các thành phố mà đã bị phá hủy, họ kết hôn và tạo lập gia đình, họ sinh sôi nẩy nở và trở nên mạnh mẽ, tình yêu mến Thượng Đế ở trong lòng họ, và họ được hạnh phúc và hiệp nhất).

Yêu cầu học sinh nhận ra một nguyên tắc về hạnh phúc mà họ đã học được từ nửa phần đầu của 4 Nê Phi 1. Mặc dù học sinh có thể nhận ra vài nguyên tắc, nhưng hãy chắc chắn là họ bày tỏ rằng khi mọi người cùng cố gắng để được cải đạo theo Chúa thì họ trở nên hiệp nhất và có được nhiều hơn kinh nghiệm về hạnh phúc. Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng.

  • Các em nghĩ các phước lành nào sẽ đến với lớp học của chúng ta, nếu chúng ta đều sống như những người này đã sống? Các em nghĩ các phước lành nào sẽ đến với gia đình của các em? Các em nghĩ các phước lành nào sẽ đến với tiểu giáo khu hoặc chi nhánh của các em?

Mời học sinh cho biết về một thời gian mà họ là phần tử của một nhóm đã được hiệp nhất trong sự ngay chính, chẳng hạn như gia đình của họ, một nhóm túc số hoặc lớp học, hay một nhóm bạn bè. Các anh chị em cũng có thể chia sẻ một kinh nghiệm.

  • Các nỗ lực của các em có thể có ảnh hưởng ngay chính đến hạnh phúc và sự an lạc của những người xung quanh mình như thế nào? (Hãy chắc chắn học sinh hiểu được rằng sự cải đạo và những hành động ngay chính của chúng ta không những góp phần vào hạnh phúc của riêng chúng ta mà còn góp phần vào hạnh phúc và sự an lạc của những người khác nữa. Khi các thành viên của một gia đình, nhóm túc số, lớp học, hay một nhóm khác đều hiệp nhất trong sự ngay chính, thì họ có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao hơn là khi họ cảm nhận một mình).

  • Những tội lỗi của một người có thể ảnh hưởng như thế nào đến phần còn lại của một nhóm đang cố gắng để được ngay chính?

Khuyến khích học sinh củng cố sự cải đạo của họ theo Chúa và giúp đỡ những người xung quanh họ cũng làm như vậy. Để giúp học sinh với thử thách này, hãy yêu cầu họ xem lại những từ và cụm từ mà họ đã liệt kê trên tờ giấy của họ. Mời họ chọn một hoặc hai cụm từ mô tả những cách sống họ muốn có. Cho họ một vài phút để viết trong sổ tay hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư về cách họ sẽ cố gắng sống theo những cách này. Làm chứng về niềm hạnh phúc đến từ việc cải đạo thực sự và được đoàn kết trong sự ngay chính.

4 Nê Phi 1:19–49

Dân Nê Phi càng ngày càng trở nên tà ác cho đến khi chỉ còn lại một vài người ngay chính

  • Các em nghĩ điều gì có thể hủy diệt một xã hội giống như một xã hội được mô tả trong 4 Nê Phi1:1–18?

Yêu cầu học sinh đọc thầm 4 Nê Phi 1:20, 23–24 cùng tìm kiếm điều gì đã đe dọa tình đoàn kết và hạnh phúc của dân chúng. Các anh chị em có thể đề nghị họ đánh dấu điều họ tìm thấy. Sau khi họ báo cáo điều họ đã tìm thấy, hãy viết lên trên bảng lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. (Lời phát biểu này được tìm thấy trong “Chúng Ta Đồng Tâm Đoàn Kết,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 70.) Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh chép lại lời phát biểu này trong quyển thánh thư của họ bên cạnh 4 Nê Phi 1:24.

“Tính kiêu ngạo là kẻ đại thù của tình đoàn kết” (Chủ Tịch Henry B. Eyring).

  • Các em nghĩ tính kiêu ngạo là kẻ thù của tình đoàn kết trong những phương diện nào?

Yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn. Yêu cầu lớp học lắng nghe về một cách mà tính kiêu ngạo có thể phá hủy tình đoàn kết.

Chủ Tịch Dieter F. Uchtdorf

“Theo thực chất của nó, tính kiêu ngạo là tội lỗi so sánh, vì nó thường bắt đầu với câu nói ‘Hãy xem tôi tuyệt vời như thế nào và những điều trọng đại mà tôi đã làm,’ nó thường kết thúc với câu ‘Do đó, tôi giỏi hơn mấy người nhiều.’

“Khi lòng tràn đầy kiêu ngạo, chúng ta phạm một tội rất nặng vì chúng ta vi phạm hai lệnh truyền lớn [xin xem Ma Thi Ơ 22:36–40]. Thay vì thờ phượng Thượng Đế và yêu mến người lân cận của mình, chúng ta bộc lộ ra đối tượng thực sự của việc thờ phượng và yêu thương của mình—đó là hình ảnh chúng ta thấy trong gương” (“Tính Kiêu Ngạo và Chức Tư Tế,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 56).

  • Dựa trên lời phát biểu của Chủ Tịch Uchtdorf, tính kiêu ngạo có thể phá hủy tình đoàn kết như thế nào?

Mời một vài học sinh thay phiên nhau đọc to 4 Nê Phi 1:24–35, 38–45. Yêu cầu lớp học dò theo cùng tìm kiếm những ảnh hưởng của tính kiêu ngạo trong dân chúng. Các anh chị em có thể muốn đề nghị học sinh đánh dấu những điều họ tìm thấy. (Các câu trả lời có thể gồm có những điều sau đây: mặc trang phục đắt tiền, phân chia theo các tầng lớp xã hội hoặc các nhóm bạn bè độc quyền, xây cất nhà thờ để có được lợi lộc, chối bỏ giáo hội chân chính, ngược đãi người trung tín, thành lập các tập đoàn bí mật, và sự tà ác).

Yêu cầu từng học sinh một báo cáo một điều mà họ đã tìm thấy. (Các học sinh có thể lặp lại các câu trả lời của nhau). Trong khi mỗi học sinh trả lời, hãy viết câu trả lời của họ lên trên một trong số những tờ giấy màu mà các anh chị em đã để qua một bên trước khi lớp học bắt đầu. Đưa tờ giấy màu cho em học sinh đó để đổi lấy tờ giấy màu trắng của em ấy trong đó có mô tả niềm hạnh phúc và tình đoàn kết của dân chúng. Lặp lại tiến trình này cho đến khi tất cả các học sinh trong lớp đã đổi tờ giấy màu trắng của họ để lấy tờ giấy màu.

Yêu cầu học sinh nhìn xung quanh và thấy rằng mọi người trong lớp đều có một tờ giấy màu, tượng trung cho tính kiêu ngạo. Mời họ suy ngẫm về ba môn đồ của Đấng Ky Tô đã cảm thấy như thế nào khi nhìn thấy tính kiêu ngạo và sự tà ác lan truyền trong một dân tộc đã từng được hạnh phúc và hiệp nhất.

  • Chúng ta có thể học được lẽ thật nào từ các câu này? (Mặc dù học sinh có thể sử dụng các từ khác nhau, nhưng họ cần nhận ra nguyên tắc sau đây: Tội lỗi của tính kiêu ngạo tạo ra sự chia rẽ và dẫn đến sự tà ác. Các anh chị em có thể muốn viết lẽ thật này lên trên bảng).

  • Tính kiêu ngạo của một vài người ảnh hưởng như thế nào đến hạnh phúc của cả một nhóm?

Mời học sinh xem xét tính kiêu ngạo của một người có thể ảnh hưởng như thế nào đến những người khác trong các ví dụ sau đây:

  1. Bất kể lời khuyến khích của gia đình mình, một người anh lớn quyết định theo đuổi sở thích ích kỷ thay vì phục vụ truyền giáo.

  2. Một thành viên của một lớp học Hội Thiếu Nữ hoặc nhóm túc số Chức Tư Tế A Rôn cố ý gây rối, từ chối tham gia vào lớp học, và chống lại việc tuân theo những chỉ dẫn.

  3. Một thiếu niên hoặc thiếu nữ liên tục trêu chọc hoặc xem thường một người khác trong nhóm bạn bè của mình.

Yêu cầu học sinh suy nghĩ về những lúc họ đã thấy tính kiêu ngạo làm nguy hại cho niềm hạnh phúc và tình đoàn kết.

Mời học sinh xem xét vai trò của họ trong các nhóm khác nhau mà họ thuộc vào, chẳng hạn như gia đình, nhóm túc số hoặc lớp học, tiểu giáo khu hoặc chi nhánh, và lớp giáo lý của họ. (Các anh chị em có thể muốn đề cập đến các nhóm khác mà học sinh của các anh chị em thuộc vào). Yêu cầu họ suy ngẫm xem họ đã làm hoặc đang làm bất cứ điều gì biểu lộ tính kiêu ngạo trong mối quan hệ của họ với những người khác trong các nhóm này. Khuyến khích họ hối cải và nghĩ về những cách họ có thể khắc phục được tính kiêu ngạo và thúc đẩy tình đoàn kết và sự ngay chính trong các nhóm này. Cũng khuyến khích họ suy ngẫm về điều họ viết về cách hoạch định để sống giống như con cháu của Lê Hi là những người đã được cải đạo theo Chúa.

Làm chứng rằng khi chúng ta tìm cách trở nên được cải đạo hơn theo Chúa Giê Su Ky Tô và sống với những người khác trong tình đoàn kết, thì chúng ta có thể có được niềm hạnh phúc như được mô tả trong 4 Nê Phi 1:1–18.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

4 Nê Phi 1:1–2. “Tất cả dân chúng khắp nơi trong xứ đều được cải đạo theo Chúa”

Chủ Tịch Marion G. Romney thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn giải thích tiến trình cải đạo:

“Sự cải đạo được tác động bởi sự tha thứ thiêng liêng, là điều xá miễn tội lỗi. Trình tự là một điều gì đó giống như thế này. Một người chân thành tìm kiếm nghe được sứ điệp. Người ấy cầu vấn Chúa trong lời cầu nguyện xem điều đó có phải là sự thật không. Đức Thánh Linh ban cho người ấy một bằng chứng. Đây là một chứng ngôn. Nếu chứng ngôn của một người đủ vững mạnh thì người ấy hối cải và tuân theo các giáo lệnh. Bằng cách tuân theo như vậy, người ấy nhận được sự tha thứ thiêng liêng, là điều xá miễn tội lỗi. Vì thế, người ấy được chuyển đổi theo một cuộc sống mới. Tâm hồn của người ấy được chữa lành” (trong Conference Report, tháng Mười năm 1963, 24)

4 Nê Phi 1:1–18. Sự cần thiết phải hiệp nhất

Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn dạy:

“Các vị tiên tri của Chúa đã luôn luôn kêu gọi tình đoàn kết. Sự cần thiết để có được ân tứ đó ban cho chúng ta và được thử thách để duy trì ân tứ đó sẽ gia tăng nhiều hơn trong những ngày sắp tới, trong đó chúng ta sẽ được chuẩn bị với tư cách là một dân tộc cho vận mệnh vinh quang của chúng ta.

“… Chúng ta biết từ kinh nghiệm rằng niềm vui đến khi chúng ta được ban phước với tình đoàn kết. Với tư cách là con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng chúng ta khao khát niềm vui đó mà chúng ta đã từng có với Ngài trong cuộc sống tiền dương thế. Ước muốn của Ngài là ban cho chúng ta nguyện vọng thiêng liêng đó cho tình đoàn kết vì tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta.

“Ngài không thể ban nó cho chúng ta với tư cách là các cá nhân. Chúng ta không đơn độc trong niềm vui về tình đoàn kết mà Ngài rất muốn ban cho. Chúng ta cần phải tìm kiếm và hội đủ điều kiện để nhận được niềm vui đó với những người khác. Vậy thì cũng không ngạc nhiên gì để thấy rằng Thượng Đế thúc giục chúng ta nhóm lại để Ngài có thể ban phước cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta phải tụ họp gia đình lại. Ngài đã thiết lập các lớp học, các tiểu giáo khu và chi nhánh và truyền lệnh cho chúng ta phải họp mặt với nhau thường xuyên. Chúng ta có cơ hội lớn lao trong những buổi nhóm họp đó, là những nơi mà Thượng Đế đã thiết lập cho chúng ta. Chúng ta có thể cầu nguyện và cố gắng xây đắp tình đoàn kết mà sẽ mang đến cho chúng ta niềm vui và gia tăng khả năng phục vụ của mình” (“Chúng Ta Đồng Tâm Đoàn Kết,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 68, 69).