Lời Giới Thiệu Sách Ê The
Tại sao chúng ta phải học sách này?
Khi các học sinh nghiên cứu sách Ê The, họ sẽ học về dân Gia Rết—một nhóm người đã hành trình đến Tây Bán Cầu và sống ở đó trong nhiều thế kỷ trước khi dân của Lê Hi đến đó. Các học sinh sẽ học các nguyên tắc quan trọng về sự cầu nguyện, sự mặc khải, và mối quan hệ giữa việc sử dụng đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và nhận được sự hiểu biết thuộc linh. Họ cũng sẽ học về vai trò của các vị tiên tri trong việc thuyết phục mọi người hối cải và về những hậu quả đến với những người chối bỏ Chúa Giê Su Ky Tô và các vị tiên tri của Ngài.
Ai viết sách này?
Mô Rô Ni tóm lược cuốn sách này từ 24 bảng khắc bằng vàng được gọi là các bảng khắc Ê The. Cuốn sách này được đặt tên theo tiên tri Ê The là vị tiên tri cuối cùng của Dân Gia Rết và là người đã viết ra một biên sử về lịch sử của họ (xin xem Ê The 15:33–34). Khoảng 500 năm trước khi Mô Rô Ni tóm lược các biên sử thiêng liêng, một số người dân Lim Hi khám phá ra các bảng khắc Ê The khi họ đang tìm kiếm vùng đất Gia Ra Hem La (xin xem Mô Si A 8:7–11; Ê The 1:2). Các vị tiên tri và những người Nê Phi lưu giữ biên sử đã chuyền các bảng khắc Ê The xuống cho đến khi các bảng khắc này được Mô Rô Ni sở hữu. Mô Rô Ni nói rằng ông đã không chép lại hết được dù chỉ ″một phần trăm″ của biên sử đó trong phần tóm lược của ông (Ê The 15:33).
Sách này viết cho ai và tại sao?
Vì Mô Rô Ni tóm luợc các bảng khắc của Ê The sau khi dân Gia Rết và dân của ông đã bị hủy diệt, nên ông dự định viết sách này cho những người trong thời kỳ của chúng ta. Mô Rô Ni khuyên nhủ dân Ngoại ngày sau nên hối cải, phục vụ Thượng Đế, và chấm dứt các tập đoàn bí mật (xin xem Ê The 2:11–12; 8:23). Ông cũng ghi lại những lời của Chúa Giê Su Ky Tô, mời gọi “các ngươi ở các nơi tận cùng của trái đất” để hối cải, đến cùng Ngài, chịu phép báp têm, và tiếp nhận sự hiểu biết mà đã bị giữ lại khỏi thế gian vì sự vô tín ngưỡng (xin xem Ê The 4:13–18).
Sách này được viết ra khi nào và ở đâu?
Ê The hoàn tất biên sử về dân của ông trong thời gian và sau trận đại chiến cuối cùng mà đã giết chết tất cả mọi người ngoại trừ hai người trong số dân Gia Rết—chính là ông và Cô Ri An Tum Rơ (xin xem Ê The 13:13–14; 15:32–33). Sau đó ông đã chôn giấu các bài viết của mình “bằng một cách thức mà dân Lim Hi đã có thể tìm thấy được” (Ê The 15:33; xin xem thêm Mô Si A 8:7–9). Mô Rô Ni tóm tắt biên sử của Ê The giữa năm 400 và 421 Sau Công Nguyên (xin xem Mặc Môn 8:3–6; Mô Rô Ni 10:1). Mô Rô Ni viết rằng dân Gia Rết đã bị hủy diệt ở “xứ miền bắc này” (Ê The 1:1), cho thấy ông có thể ở nơi xứ mà họ đã bị hủy diệt khi ông tóm lược biên sử của họ.
Một số đặc điểm nổi bật của sách này là gì?
Không giống như các sách khác trong Sách Mặc Môn, sách Ê The không liên quan đến lịch sử của con cháu Lê Hi. Sách này kể lại việc dân Gia Rết đã ra đi từ Tháp Ba Bên và đi đến vùng đất hứa, nơi mà cuối cùng họ đã bị hủy diệt như thế nào. Sách Ê The là một chứng thư thứ hai về biên sử của dân Nê Phi minh họa rằng “bất cứ dân nào chiếm hữu [đất hứa này] đều phải phục vụ Thượng Đế, bằng không, họ sẽ bị quét sạch … khi họ đã chín muồi trong sự bất chính” (Ê The 2:9).
Sự hiện đến của Chúa Giê Su Ky Tô trong trạng thái tiền dương thế cùng anh của Gia Rết “được xếp vào hàng những thời điểm quan trọng nhất trong lịch sử được ghi lại.” Sự kiện này “đã lập anh của Gia Rết trong số các vị tiên tri trọng đại nhất của Thượng Đế mãi mãi” (Jeffrey R. Holland, Christ and the New Covenant: The Messianic Message of the Book of Mormon [1997], 17). Truyện ký của Mô Rô Ni về tầm nhìn xa cung cấp một bằng chứng mạnh mẽ về Chúa Giê Su Ky Tô và trình bày những lời giảng dạy đặc biệt về tính chất của các thể linh (xin xem Ê The 3:4–17).
Đại Cương
Ê The 1–3 Chúa gìn giữ ngôn ngữ của dân Gia Rết tại Tháp Ba Bên và hứa sẽ dẫn họ đến một vùng đất chọn lọc và làm cho họ thành một dân tộc vĩ đại. Ngài dẫn họ tới bờ biển và chỉ dẫn họ đóng thuyền cho cuộc hành trình của họ vượt đại dương. Chúa cho anh của Gia Rết thấy Ngài và “mọi điều” (Ê The 3:26)
Ê The 4–5 Mô Rô Ni niêm phong các bài viết của anh của Gia Rết. Ông ghi lại lời giải thích của Chúa Giê Su Ky Tô rằng những bài viết này sẽ được mặc khải cho những người sử dụng đức tin nơi Ngài. Mô Rô Ni dạy rằng ba nhân chứng ngày sau sẽ cùng với Đức Chúa Cha, Vị Nam Tử, và Đức Thánh Linh làm chứng về Sách Mặc Môn.
Ê The 6–11 Dân Gia Rết đi đến vùng đất hứa. Dân chúng sinh sôi nẩy nở và bắt đầu lan tràn trong xứ. Sự nối ngôi của các nhà vua ngay chính và tà ác cai trị trong nhiều thế hệ. Dân Gia Rết gần như bị hủy diệt vì các tập đoàn bí mật. Nhiều vị tiên tri cảnh báo dân chúng phải hối cải, nhưng dân chúng chối bỏ họ.
Ê The 12 Mô Rô Ni dạy rằng cần có đức tin trước khi một người có thể nhận được một sự làm chứng của Thánh Linh. Ông bày tỏ cùng Chúa mối quan tâm của ông rằng dân Ngoại trong tương lai sẽ nhạo báng sự yếu kém của ông trong việc viết biên sử thiêng liêng, và ông ghi lại câu trả lời của Chúa cho ông. Mô Rô Ni khuyên nhủ các độc giả ngày sau nên tìm kiếm Chúa Giê Su Ky Tô.
Ê The 13–15 Mô Rô Ni thảo luận lời tiên tri của Ê The về Tân Giê Ru Sa Lem. Sau khi dân Gia Rết chối bỏ Ê The, ông chứng kiến và ghi lại sự hủy diệt hoàn toàn của họ.