Thư Viện
Bài Học 15: 1 Nê Phi 14


Bài Học 15

1 Nê Phi 14

Lời Giới Thiệu

1 Nê Phi 14 kết thúc câu chuyện về khải tượng của Nê Phi. Trong phần khải tượng này, Nê Phi được cho biết về các phước lành đã được hứa cho những người hối cải và biết nghe theo lời Chúa, và những điều nguyền rủa sẽ đến với những kẻ tà ác cứng lòng chống lại Chúa. Nê Phi cũng được cho thấy rằng Chúa sẽ giúp và bảo vệ những người sống ngay chính và tuân giữ các giao ước của họ và rằng Ngài sẽ hủy diệt giáo hội vĩ đại và khả ố của quỷ dữ.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

1 Nê Phi 14:1–7

Nê Phi thấy những kết quả đối với các thế hệ mai sau biết vâng lời hoặc không vâng lời Chúa

Mời các học sinh mở thánh thư của họ đến 1 Nê Phi 14. Giải thích rằng ngày hôm nay họ sẽ tiếp tục học về khải tượng của Nê Phi. Yêu cầu các học sinh suy ngẫm cách họ sẽ hoàn tất các câu sau đây:

  • Nếu tôi tuân theo Chúa, thì …

  • Nếu tôi từ chối không tuân theo Chúa, thì …

Một khi các học sinh đã chia sẻ những câu trả lời của họ rồi, thì hãy nêu lên rằng từ nếu ám chỉ sự lựa chọn. Tùy theo điều mình chọn, chúng ta có được những kết quả khác nhau. Giải thích rằng Nê Phi đã nhìn thấy các thế hệ mai sau và nhận thấy rằng nếu họ ngay chính thì họ sẽ được ban phước; hoặc nếu họ chọn sự tà ác thì họ sẽ bị nguyền rủa. Mời lớp học cân nhắc trong suốt bài học việc chọn để vâng lời Chúa đã mang đến cho họ các phước lành như thế nào.

Vẽ biểu đồ sau đây lên trên bảng:

If Then Diagram

Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 14:1–2. Yêu cầu lớp học nhận ra (1) điều Nê Phi đã cho biết dân Ngoại có thể chọn, và (2) các phước lành Nê Phi đã thấy là sẽ đến với dân Ngoại nếu họ chọn điều đó. Trong khi các học sinh chia sẻ điều họ tìm ra, hãy điền vào những chỗ trống trên bảng để trông giống như sau đây:

If Then Diagram 2

Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng trong thánh thư, cụm từ ″những chướng ngại vật” (1 Nê Phi 14:1) thường ám chỉ những trở ngại ngăn cản con người đi theo Chúa. ″Được kể chung vào gia tộc Y Sơ Ra Ên″ (1 Nê Phi 14:2) có nghĩa là được tính vào dân giao ước của Chúa.

  • Tại sao là điều quan trọng khi được kể chung với dân giao ước của Chúa? (Để nhận được các phước lành của giao ước Áp Ra Ham [xin xem GLGƯ 132:30–31]).

  • ″Biết nghe theo lời Chiên Con của Thượng Đế″ có nghĩa là gì?

  • Trong số các phần thưởng cho sự vâng lời được liệt kê trên bảng, thì các phần thưởng nào có ý nghĩa nhất đối với các em? Tại sao?

  • Các em đã biết nghe theo lời Chúa và thấy được các phước lành của Ngài trong cuộc sống của mình vào lúc nào? (Nhắc các học sinh nhớ rằng họ không cần phải chia sẻ những kinh nghiệm quá riêng tư).

Ở trên một phần khác của tấm bảng, hãy vẽ biểu đồ sau đây:

If Arrows

Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 14:5–7. Yêu cầu lớp học tìm kiếm (1) các phước lành đến với những người hối cải(2) những hậu quả xấu đến với những người cứng lòng. Hoàn tất sơ đồ đó như các anh chị em đã làm trong bài tập trước. (Nếu con người biết hối cải, ″thì mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp đối với họ” [1 Nê Phi 14:5] và họ sẽ nhận được “sự bình an và cuộc sống vĩnh cửu” [1 Nê Phi 14:7]. Nếu lòng dạ chai đá, thì con người sẽ ″bị diệt vong″ [1 Nê Phi 14:5] và “rơi vào vòng tù đày” và “sự hủy diệt” [1 Nê Phi 14:7]).

Trong khi các học sinh trả lời, các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng ″công việc vĩ đại và kỳ diệu″ được đề cập trong 1 Nê Phi 14:7 ám chỉ sự phục hồi của chức tư tế, phúc âm và Giáo hội của Chúa trong những ngày sau.

  • Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là ″vĩ đại và kỳ diệu″ như thế nào đối với các em? Làm thế nào Giáo Hội này mang đến cho các em bình an? Làm thế nào Giáo Hội này mang đến cho các em hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu?

Hãy cân nhắc việc cho các học sinh thời giờ để im lặng suy ngẫm họ đang theo đuổi con đường nào được vẽ ở trên bảng. Làm chứng rằng việc vâng lời Chúa và hối cải các tội lỗi của mình dẫn đến nhiều phước lành lớn lao. Các anh chị em cũng có thể làm chứng rằng việc chai đá trong lòng chống lại Chúa và Giáo Hội của Ngài dẫn đến cảnh tù đày và sự hủy diệt thuộc linh.

1 Nê Phi 14:8–17

Nê Phi trông thấy cuộc chiến giữa Giáo Hội Chiên Con của Thượng Đế với giáo hội vĩ đại và khả ố

Mời các học sinh tưởng tượng rằng họ mới vừa được tuyển mộ để đi đánh trận.

  • Các em sẽ làm gì để chuẩn bị cho cuộc chiến này?

Giải thích rằng vị thiên sứ dạy Nê Phi về một cuộc đại chiến sẽ xảy ra vào những ngày sau.

Mời ba học sinh thay phiên nhau đọc to từ 1 Nê Phi 14:9–11. Yêu cầu những người khác trong lớp học nhận ra hai nhóm đang xung đột. (Các anh chị em có thể muốn nhắc các học sinh rằng giáo hội vĩ đại và khả ố có nghĩa là bất cứu người nào hay nhóm nào dẫn dắt những người khác xa rời Thượng Đế và luật pháp của Ngài).

  • Các từ và cụm từ nào được sử dụng để mô tả ″giáo hội vĩ đại và khả ố”?

  • Theo như khải tượng của Nê Phi, giáo hội vĩ đại và khả ố sẽ được tìm thấy ở đâu trong những ngày sau cùng?

Yêu cầu thêm ba học sinh thay phiên nhau đọc to từ 1 Nê Phi 14:12–14. Mời lớp học tìm kiếm những lý do tại sao chúng ta có thể có được hy vọng về tương lai.

  • Theo như 1 Nê Phi 14:12, giáo hội nào sẽ có nhiều người hơn?

  • Tại sao Giáo Hội của Chiên Con sẽ có ít người hơn giáo hội vĩ đại và khả ố?

  • Theo như 1 Nê Phi 14:13, giáo hội vĩ đại và khả ố quy tụ rất đông người vì mục đích gì?

Làm chứng rằng chúng ta tham dự vào trận chiến như Nê Phi mô tả—một trận chiến thuộc linh ngày sau chống lại điều ác. Là tín hữu của Giáo Hội Chiên Con, chúng ta ít hơn quân địch, và chúng ta cần giúp đỡ nếu muốn chiến thắng các lực lượng của quỷ dữ.

  • Các em đọc điều gì trong 1 Nê Phi 14:14 mà mang đến hy vọng cho các em?

Hãy nhấn mạnh rằng những lời hứa được ban cho trong các câu thánh thư này áp dụng một cách cụ thể cho những người lập và tuân giữ các giao ước với Chúa. Nhắc các học sinh nhớ rằng họ đã bước vào một giao ước báp têm với Chúa. Hướng sự chú ý của các học sinh đến cụm từ ″được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế” trong 1 Nê Phi 14:14.

  • Cụm từ ″được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế” có ý nghĩa gì đối với các em?

  • Trong các phương diện nào việc ″được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế” có thể giống như việc có được áo giáp và vũ khí trong trận chiến của chúng ta chống lại điều ác?

  • Các em đã cảm thấy rằng mình ″được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế” vào lúc nào? Các em cảm thấy như thế nào?

Hỏi các học sinh họ sẽ tóm lược sứ điệp trong 1 Nê Phi 14:1–14 như thế nào. Hãy chắc chắn họ hiểu rằng nếu chúng ta sống ngay chính và tuân giữ các giao ước của mình, thì quyền năng của Thượng Đế sẽ giúp chúng ta chiến thắng điều ác.

Mời các học sinh đánh giá cuộc sống của họ và cân nhắc điều họ có thể làm để được trang bị kỹ hơn bằng sự ngay chính. Khuyến khích họ hành động theo bất cứ sự thúc giục nào nhận được. Hãy cam đoan với họ rằng khi họ vẫn luôn trung tín thì họ sẽ có cơ hội để vào các đền thờ thiêng liêng và lập thêm các giao ước với Chúa. Các lời hứa và giao ước họ lập ở nơi đó sẽ mang đến quyền năng và sự bảo vệ lớn lao vào cuộc sống của họ.

Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 14:3–4. Yêu cầu một học sinh khác đọc to 1 Nê Phi 14:15–17.

  • Điều gì sẽ xảy ra cho Giáo Hội vĩ đại và khả ố?

  • Điều gì sẽ là kết quả cuối cùng của trận chiến giữa Giáo Hội của Chiên Con (vương quốc của Thượng Đế) và các lực lượng của quỷ dữ?

  • Việc biết được kết quả của trận chiến này có thể giúp đỡ các em như thế nào?

Đọc cho lớp học nghe lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

″Chúng ta [các tín hữu của Giáo Hội] chỉ là một phần rất nhỏ khi so với hằng tỉ người trên thế giới. Nhưng chúng ta là chúng ta, và chúng ta biết điều mình biết, và chúng ta phải đi ra rao giảng phúc âm.

Chủ Tịch Boyd K. Packer

″Sách Mặc Môn nói rõ rằng chúng ta sẽ không bao giờ trội hơn về con số. Nhưng chúng ta có quyền năng của chức tư tế [xin xem 1 Nê Phi 14:14]. …

″Chúng ta có thể và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tất cả nhân loại vào kỳ định. Rồi thế gian sẽ biết chúng ta là ai và tại sao chúng ta làm như vậy. Dường như đó là điều vô vọng; vô cùng khó khăn; nhưng không những có thể mà còn chắc chắn rằng chúng ta sẽ thắng trận đánh với Sa Tan” (“Quyền Năng của Chức Tư Tế,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2010, 7).

Cam đoan với các học sinh rằng vương quốc của Thượng Đế sẽ chiến thắng trong những ngày sau cùng. Hãy bày tỏ sự tin tưởng rằng họ có thể tin cậy nơi Thượng Đế và rằng quyền năng của Ngài sẽ khắc phục tất cả điều ác. Khuyến khích họ nên là một lực lượng tốt trong việc ảnh hưởng đến những người khác.

1 Nê Phi 14:18–27

Nê Phi thấy Giăng Đấng Mặc Khải

Viết những câu hỏi sau đây lên trên bảng:

Nê Phi đã thấy trong khải tượng Vị Sứ Đồ nào trong số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Đấng Cứu Rỗi?

Vị Sứ Đồ này viết về điều gì?

Tại sao Nê Phi được truyền lệnh không được viết những phần còn lại của khải tượng của ông?

Mời các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 14:18–27. Rồi thảo luận vắn tắt những câu trả lời cho những câu hỏi ở trên bảng.

Giải thích rằng những câu này ám chỉ ít nhất một phần những bài viết của Giăng trong sách Khải Huyền. Một đề tài trọng đại của sách ấy là Thượng Đế sẽ chiến thắng các lực lượng của quỷ dữ. Giống như Giăng, Nê Phi cũng thấy một khải tượng về ngày tận thế, nhưng ông được truyền lệnh không được ghi lại vì Giăng đã được ban cho trách nhiệm để làm như vậy. Nếu thời giờ cho phép, các anh chị em có thể kết thúc bài học với một cuộc thảo luận ngắn về cách Kinh Thánh và Sách Mặc Môn cùng ″chứng nhận sự xác thực″ của nhau và cả hai sách này sẽ lập thành ″một″ (1 Nê Phi 13:40–41) như thế nào.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

1 Nê Phi 14:7. ″Một công việc vĩ đại và kỳ diệu″

Thánh thư mô tả Sự Phục Hồi phúc âm và việc tổ chức Giáo Hội là ″một công việc vĩ đại và kỳ diệu″ (1 Nê Phi 14:7; 3 Nê Phi 21:9). Trong văn cảnh này, từ vĩ đại có nghĩa là quan trọng và đầy ý nghĩa, trong khi kỳ diệu có nghĩa là tuyệt vời và đầy kinh ngạc. Công việc nói về một hành động hay thành quả.

1 Nê Phi 14:14. ″Được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế″

Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã giải thích cách chúng ta có thể ″được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế″ (1 Nê Phi 14:14):

″Vậy nên chúng ta hãy nhìn bản thân mình. Đối với Giáo Hội, thánh thư cho thấy một sự chọn lọc gia tăng lẫn sự phát triển gia tăng về mặt thuộc linh và số người—với tất cả những điều này trước thời gian mà dân của Thượng Đế sẽ ′được trang bị bằng sự ngay chính′—chứ không phải vũ khí—và vinh quang của Chúa sẽ trút xuống họ (1 Nê Phi 14:14; xin xem thêm 1 Phi E Rơ 4:17; GLGƯ 112:25). Chúa nhất định phải có một dân tộc được thử thách, thanh khiết và tự chứng tỏ (xin xem GLGƯ 100:16; 101:4; 136:31), và ‘chẳng có điều gì Chúa, Thượng Đế của ngươi, quyết định để làm ngoại trừ Ngài sẽ làm việc đó’ (Áp Ra Ham 3:17)” (“For I Will Lead You Along,” Ensign, tháng Năm năm 1988, 8).

″Thưa các anh chị em, các tín hữu Giáo Hội có một nơi đặc biệt để đến. Nê Phi đã thấy điều đó. Ông nói: một ngày trong tương lai, dân giao ước của Chúa Giê Su ′đã bị phân tán khắp mặt đất,′ sẽ được ′trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại.′ (2 Nê Phi 14:14.) Điều này sẽ xảy ra, nhưng chỉ sau khi có thêm nhiều tín hữu trở nên thánh thiện hơn và thánh hóa hơn trong hành vi” (“Repentance,” Ensign, tháng Mười Một năm 1991, 32).