Bài Học Tự Học ở Nhà
3 Nê Phi 23–30 (Đơn Vị 27)
Lời Giới Thiệu
Trong khi có rất nhiều nguyên tắc có giá trị được tìm thấy trong 3 Nê Phi 23–30, nửa đầu của bài học này tập trung vào những điều học sinh có thể học trong 3 Nê Phi 24–25 về việc chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nửa sau của bài học tập trung vào các nguyên tắc trong 3 Nê Phi 27 mà có thể giúp học sinh phản ảnh về ý nghĩa của việc làm môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô và làm thế nào họ có thể được giống như Ngài.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
3 Nê Phi 23–26
Chúa Giê Su Ky Tô phục sinh giải thích thánh thư cho dân Nê Phi
Mời học sinh đưa ra các ví dụ về các sự kiện mà đòi hỏi phải chuẩn bị cẩn thận trong một khoảng thời gian. (Các ví dụ có thể bao gồm một cuộc chạy đua đường dài, một buổi hòa nhạc, hay một vở kịch hấp dẫn). Yêu cầu học sinh mô tả điều có thể xảy ra cho một người đã cố gắng để tham gia vào những sinh hoạt này mà không có sự chuẩn bị cần thiết.
Mời một học sinh đọc 3 Nê Phi 24:2, và sau đó yêu cầu lớp học nghĩ xem tiên tri Ma La Chi đã báo trước sự kiện nào. Khi học sinh đã nhận ra “ngày Ngài đến” là Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô, hãy mời họ đánh dấu câu hỏi mà Ma La Chi đã hỏi: “Ai sẽ đương nổi được ngày Ngài đến, và ai sẽ đứng được khi Ngài hiện ra?”
Hỏi: Tại sao đây là một câu hỏi quan trọng cho những người sống trong những ngày sau cùng để suy ngẫm?
Mời một học sinh đọc to lời giải thích sau đây của Chủ Tịch Henry B. Eyring thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn về việc đóng tiền thập phân có thể giúp chúng ta được chuẩn bị như thế nào cho Ngày Tái Lâm của Đấng Cứu Rỗi:
“Bởi quyết định của chúng ta bây giờ để làm người đóng tiền thập phân trọn vẹn và các nỗ lực kiên định để vâng lời, chúng ta sẽ được củng cố đức tin và sẽ đến lúc, được mềm lòng. Chính sự thay đổi đó trong lòng chúng ta qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, vượt quá sự dâng hiến tiền bạc hay tài sản, là điều làm cho Chúa có thể hứa với những người đóng tiền thập phân trọn vẹn sự bảo vệ trong những ngày sau cùng. Chúng ta có thể tin tưởng rằng chúng ta sẽ hội đủ điều kiện cho phước lành của sự bảo vệ đó nếu chúng ta cam kết từ bây giờ sẽ đóng tiền thập phân trọn vẹn và kiên định để làm điều đó” (“Sự Chuẩn Bị Thuộc Linh: Bắt Đầu Sớm và Hãy Kiên Định,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2005, 40).
Hỏi: Theo Chủ tịch Eyring, làm thế nào việc đóng tiền thập phân có thể giúp chúng ta chuẩn bị để gặp Đấng Cứu Rỗi?
Mời một học sinh đọc to lời tiên tri của Ma La Chi về sự hiện đến của Ê Li trong 3 Nê Phi 25:5–6. Để giúp họ hiểu rõ hơn về việc làm tròn lời tiên tri này có thể ảnh hưởng đến họ như thế nào, hãy mời một học sinh đọc lời mời sau đây từ Anh Cả David A. Bednar của Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:
“Tôi xin mời gọi những người trẻ tuổi của Giáo Hội học hỏi và cảm nhận Thần Ê Li. …
“Khi các em đáp ứng trong đức tin lời mời gọi này, lòng của các em sẽ trở lại cùng tổ phụ của mình. Những lời hứa lập với Áp Ra ham, Y Sác và Gia Cốp sẽ được gieo vào lòng của các em. … Tình yêu thương và lòng biết ơn đối với các tổ tiên của các em sẽ gia tăng. Chứng ngôn của các em về Đấng Cứu Rỗi cũng như sự cải đạo đến với Ngài sẽ trở nên sâu sắc và tồn tại mãi mãi. Và tôi hứa rằng các em sẽ được bảo vệ chống lại ảnh hưởng dữ dội của kẻ nghịch thù. Khi tham gia và yêu thích công việc thiêng liêng này, các em sẽ được giữ gìn trong tuổi trẻ và trong suốt cuộc sống của mình” (“Lòng Con Cái Sẽ Trở Lại,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2011, 26–27).
Hỏi: Các em đã có những kinh nghiệm nào khi làm lịch sử gia đình và công việc đền thờ mà đã củng cố phần thuộc linh của các em?
3 Nê Phi 27–30
Chúa Giê Su Ky Tô mặc khải tên và những đặc điểm chính của Giáo Hội Ngài và chấp thuận những ước muốn ngay chính của các môn đồ của Ngài; Mặc Môn kết thúc biên sử của ông về giáo vụ của Chúa Cứu Rỗi ở giữa dân Nê Phi
Viết lời phát biểu sau đây của Tiên Tri Joseph Smith ở trên bảng (các anh chị em có thể muốn làm điều này trước khi lớp học bắt đầu và che lại cho đến lúc này trong bài học). Yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu này. (Lời phát biểu này được tìm thấy trong Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch của Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 49).
Giải thích rằng cũng giống như Tiên Tri Joseph Smith đã tuyên bố, Đấng Cứu Rỗi dạy cho dân Nê Phi rằng trọng tâm của phúc âm Ngài là sự hy sinh chuộc tội của Ngài. Viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Nền tảng phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là Ngài đã làm theo ý muốn của Cha Ngài trong việc hoàn thành Sự Chuộc Tội.
Mời các học sinh đọc lướt qua 3 Nê Phi 27 và nhận ra các cụm từ trong đó Đấng Cứu Rỗi dạy giáo lý này. Yêu cầu học sinh chia sẻ những đoạn họ đã tìm ra.
Giải thích rằng 3 Nê Phi 27:16–20 chứa đựng những lời dạy của Đấng Cứu Rỗi về cách chúng ta có thể mời quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài vào trong cuộc sống của chúng ta. Viết lời phát biểu sau đây ở trên bảng: Nếu chúng ta … thì chúng ta. … Mời học sinh đọc thầm 3 Nê Phi 27:20 cùng tìm kiếm các từ hoặc cụm từ mà họ có thể sử dụng để điền vào chỗ trống ở trên bảng. Hỏi: Làm thế nào việc tuân theo nguyên tắc này giúp chúng ta làm môn đồ chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô?
Giải thích cho lớp học biết rằng thử thách cuối cùng và tột bậc của vai trò làm môn đồ của chúng ta được tìm thấy trong 3 Nê Phi 27:21, 27. Mời học sinh đọc thầm những câu này. Trong khi họ đọc, hãy viết lời phát biểu sau đây lên trên bảng: Chúa Giê Su Ky Tô kỳ vọng các môn đồ của Ngài làm công việc của Ngài và trở thành. …
Hỏi học sinh xem họ sẽ hoàn tất lời phát biểu này như thế nào, dựa trên điều họ đọc trong 3 Nê Phi 27:27. (Khi học sinh trả lời, hãy hoàn tất lời phát biểu ở trên bảng để đọc như sau: Chúa Giê Su Ky Tô kỳ vọng các môn đồ của Ngài phải làm những công việc của Ngài và trở nên giống như Ngài). Đọc to lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch James E. Faust thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn:
“Chúng ta hãy suy nghĩ về một số điều mà Chúa Giê Su đã làm để tất cả chúng ta đều có thể làm theo.
“1. Chúa Giê Su ‘đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước.’ [Công Vụ Các Sứ Đồ 10:38.] Tất cả chúng ta đều có thể làm một điều tốt mỗi ngày—cho một người trong gia đình, một người bạn, hoặc ngay cả một người lạ—nếu chúng ta chịu tìm kiếm các cơ hội ấy.
“2. Chúa Giê Su là một Đấng Chăn Hiền Lành, là Đấng chăm sóc đàn chiên của Ngài và lo lắng cho những con chiên thất lạc. Chúng ta có thể đi tìm kiếm những người cô đơn hoặc những người kém tích cực và làm bạn với họ.
“3. Chúa Giê Su có lòng trắc ẩn đối với nhiều người, kể cả những người bị bệnh phong nghèo khó. Chúng ta cũng có thể có lòng trắc ẩn. Chúng ta được nhắc nhở trong Sách Mặc Môn là phải ‘ẵn sàng than khóc với những ai than khóc.’ [Mô Si A 18:9].
“4. Chúa Giê Su đã làm chứng về giáo vụ thiêng liêng của Ngài và công việc vĩ đại của Cha Ngài. Về phần mình, tất cả chúng ta đều có thể ‘đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào.’ [Mô Si A 18:9.]” (“Vai Trò Môn Đồ,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2006, 21).
Chia học sinh thành từng cặp hoặc nhóm nhỏ. Mời từng cặp hoặc nhóm viết xuống hai hoặc ba cách họ có thể thi hành bốn đề nghị của Chủ Tịch Faust trong cuộc sống của họ.
Sau khi họ đã hoàn tất, mời từng cặp hoặc nhóm chia sẻ từng ý kiến một từ bản liệt kê của họ. Hãy viết ý kiến của họ lên trên bảng về cách chúng ta có thể làm những công việc của Đấng Cứu Rỗi và trở thành giống như Ngài. Mời học sinh thầm cam kết hành động theo một hoặc hai ý kiến này trong tuần tới. Hãy làm chứng rằng tất cả chúng ta đều có thể trở nên giống như Đấng Cứu Rỗi nếu chúng ta thực hành đức tin nơi Ngài.
Đơn Vị Tiếp Theo (4 Nê Phi 1–Mặc Môn 8)
Khuyến khích học sinh tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi sau đây khi họ học đơn vị kế tiếp: Làm thế nào việc một người có thể từ người hiền lành và thịnh vượng trở thành người tà ác? Làm thế nào Dân Nê Phi từ những người thịnh vượng và hạnh phúc nhất từng sống trên thế gian lại trở nên hoàn toàn tà ác? Những lời sau cùng của Mặc Môn là gì?