Thư Viện
Bài Học 4: Trang Tựa, Lời Giới Thiệu và Chứng Ngôn của Các Nhân Chứng


Bài Học 4

Trang Tựa, Lời Giới Thiệu và Chứng Ngôn của Các Nhân Chứng

Lời Giới Thiệu

Trong khi giảng dạy Sách Mặc Môn, các anh chị em sẽ giúp các học sinh khám phá ra các lẽ thật mà sẽ mang họ đến gần Thượng Đế hơn. Từ phần mở đầu của sách này, rõ ràng các tác giả Sách Mặc Môn đều có ý định làm chứng rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Sách cũng tái xác nhận giao ước của Thượng Đế với gia tộc Y Sơ Ra Ên và cho thấy rằng tất cả con cái của Thượng Đế cần lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng. Trong khi các học sinh thành tâm học Sách Mặc Môn, họ sẽ đạt được một chứng ngôn quan trọng hơn về phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và về Sự Phục Hồi Giáo Hội của Ngài trong những ngày sau. Họ cũng sẽ học cách sử dụng đức tin lớn lao hơn nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài.

Đề Nghị Cách Giảng Dạy

Những đề nghị để giảng dạy bài học này có thể mất nhiều thời gian để giảng dạy hơn thời gian được quy định cho lớp học của các anh chị em. Hãy thành tâm cân nhắc những phần nào mà lớp học của các anh chị em cần nhất.

Trang Tựa

Mời các học sinh giở đến trang tựa của Sách Mặc Môn. Trang này bắt đầu với câu “Sách Mặc Môn, truyện ký do chính tay Mặc Môn viết trên các bảng khắc lấy từ các bảng khắc Nê Phi.” Tiên Tri Joseph Smith giải thích nguồn gốc của trang tựa:

“Trang tựa của Sách Mặc Môn là một bản dịch nguyên văn, được trích ra từ trang cuối cùng, ở bên phía tay trái của … sách các bảng khắc, mà chứa đựng biên sử đã được phiên dịch, … và … nói rằng trang tựa không phải là một tác phẩm hiện đại bằng bất cứ cách nào, không phải của tôi hoặc của bất cứ người nào đã sống hoặc thật sự sống trong thế hệ này” (trong History of the Church, 1:71).

Mời các học sinh đọc thầm trang tựa của Sách Mặc Môn. Yêu cầu họ tìm kiếm các cụm từ nói về các mục đích của Sách Mặc Môn. (Các anh chị em có thể muốn đưa cho các học sinh một lời gợi ý rằng các mục đích này đã được bày tỏ như những điều mà Sách Mặc Môn sẽ “cho” những người đọc sách này “thấy”). Mời một vài học sinh viết những điều họ tìm ra lên trên bảng. Khi họ đã viết xong rồi, hãy yêu cầu các học sinh tự mình đọc lại đoạn thứ hai, thay tên của họ vào chỗ của “dòng dõi còn sót lại của gia tộc Y Sơ Ra Ên.”

  • Trong khi các em đã đọc xong Sách Mặc Môn, mục đích nào trong số các mục đích của sách đã được làm tròn trong cuộc sống của các em? Các mục đích này đã được làm tròn như thế nào?

  • Bằng cách nào điều này giúp cho các em biết rằng những người lập giao ước với Chúa sẽ “không bị khai trừ mãi mãi”?

Nói cho các học sinh biết rằng có thể có những lúc họ cảm thấy cô đơn hoặc họ đã bị “khai trừ.”

  • Tại sao là điều quan trọng để biết rằng trong những lúc này các em không “bị khai trừ mãi mãi”?

  • Lời hứa này là cách biểu lộ tình thương yêu của Thượng Đế dành cho các em như thế nào?

Để giúp các học sinh biết ơn mục đích chính của Sách Mặc Môn, hãy yêu cầu một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson:

Chủ Tịch Ezra Taft Benson

“Sứ điệp chính của Sách Mặc Môn, như đã được ghi trong trang tựa của sách, là ‘để thuyết phục cho người Do Thái và người Dân Ngoại tin rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế Vĩnh Cửu, đã biểu hiện cho tất cả quốc gia biết.’

“Người chân thành tìm kiếm lẽ thật có thể nhận được chứng ngôn rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô nếu người ấy thành tâm suy ngẫm về những lời đầy soi dẫn của Sách Mặc Môn.

“Hơn một nửa tất cả các câu trong Sách Mặc Môn nói về Chúa của chúng ta. Một hình thức nào đó của danh xưng Đấng Ky Tô được đề cập thường xuyên trong mỗi câu trong Sách Mặc Môn hơn ngay cả trong Kinh Tân Ước.

“Ngài có hơn một trăm danh xưng khác nhau trong Sách Mặc Môn. Các danh xưng đó có một ý nghĩa đặc biệt trong việc mô tả thiên tính của Ngài” (“Come unto Christ,” Ensign, tháng Mười Một năm 1987, 83).

Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em rằng Sách Mặc Môn là một chứng thư rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.

Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn

Vẽ lên trên bảng một hình cung (xin xem hình minh họa kèm theo đây), hoặc làm một mô hình cung bằng gỗ hoặc bằng các vật liệu khác.

hình cung bằng đá

Yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu của Joseph Smith trong lời giới thiệu Sách Mặc Môn (xin xem đoạn sáu). Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng các học sinh nên đánh dấu lời phát biểu đó trong thánh thư của họ.

  • Mục đích của sinh đá đỉnh vòm là gì?

Giải thích rằng sinh đá đỉnh vòm là sinh đá chính ở trên đỉnh của một khung vòm cung. Khi một đỉnh khung vòm cung được xây lên, hai bên đều được xây lên với những cột chống để giữ cho chắc. Khoảng trống ở trên đỉnh vòm cung được đo kỹ lưỡng và sinh đá đỉnh vòm được cắt để vừa khít với khoảng trống đó. Khi sinh đá đỉnh vòm được đặt vào chỗ, vòm cung có thể đứng một mình không cần các cột chống giữ.

  • Điều gì xảy ra cho vòm cung nếu sinh đá đỉnh vòm bị lấy ra? (Nếu các anh chị em đang sử dụng một mô hình, thì hãy cho thấy bằng cách lấy ra sinh đá đỉnh vòm).

  • Chức năng của Sách Mặc Môn giống với một sinh đá đỉnh vòm như thế nào khi liên quan đến phúc âm phục hồi?

Mời một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Ezra Taft Benson. (Các anh chị em có thể muốn chuẩn bị lời phát biểu trên tờ giấy phân phát cho các học sinh để chèn vào thánh thư của họ. Ngoài ra, các anh chị em có thể muốn mời các học sinh viết lời phát biểu của Chủ Tịch Benson trong thánh thư của họ, ở trên đầu hay cuối trang đầu tiên của lời giới thiệu).

“Sách Mặc Môn là nền tảng của tôn giáo chúng ta trong ba cách. Sách là nền tảng trong việc làm chứng của chúng ta về Đấng Ky Tô. Sách là nền tảng của giáo lý của chúng ta. Sách là nền tảng của chứng ngôn” (“The Book of Mormon—Keystone of Our Religion,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 5).

Để giúp các học sinh hiểu làm thế nào Sách Mặc Môn là nền tảng của chứng ngôn, hãy mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Chủ Tịch Benson:

“Sách Mặc Môn là nền tảng của chứng ngôn chúng ta. Cũng giống như cái vòm sẽ sụp đổ nếu lấy đi sinh đá đỉnh vòm, thì toàn thể Giáo Hội sẽ đứng vững hoặc sụp đổ với lẽ trung thực của Sách Mặc Môn. … Nếu Sách Mặc Môn là chân chính … thì người ta phải chấp nhận những lời xác nhận về Sự Phục Hồi và tất cả những điều gì đi kèm theo Sự Phục Hồi” (“The Book of Mormon—Keystone of Our Religion,” 6).

  • Chứng ngôn của các anh chị em về Sách Mặc Môn đã ảnh hưởng đến chứng ngôn của các anh chị em về các giáo lý và nguyên tắc phúc âm như thế nào?

  • Sách Mặc Môn đã mang các anh chị em đến gần Thượng Đế hơn bằng cách nào?

Các anh chị em có thể muốn cho biết về việc các anh chị em học Sách Mặc Môn đã củng cố chứng ngôn của các anh chị em và mang các anh chị em đến gần Thượng Đế hơn như thế nào.

Mời các học sinh tham dự vào việc đóng diễn vai. Yêu cầu họ tưởng tượng rằng họ đang tặng một quyển Sách Mặc Môn cho một người nào đó không phải là tín hữu của Giáo Hội. Giúp họ chuẩn bị đóng diễn vai bằng cách chia họ ra thành hai nhóm. Yêu cầu nhóm thứ nhất đọc các đoạn 2–4 của lời giới thiệu Sách Mặc Môn. Yêu cầu nhóm thứ hai đọc các đoạn 5–8. Bảo cả hai nhóm tìm kiếm thông tin họ cảm thấy là quan trọng để chia sẻ khi giảng dạy về Sách Mặc Môn.

Sau khi cho các học sinh thời giờ để học và chuẩn bị, hãy mời một học sinh ra đứng trước lớp học để đóng diễn vai của một người không phải là tín hữu của Giáo Hội. Cũng yêu cầu một học sinh từ mỗi nhóm trong số hai nhóm đó ra đứng trước lớp học. Giải thích rằng hai học sinh này sẽ đóng diễn với tư cách là hai người bạn đồng hành truyền giáo. Họ sẽ sử dụng tài liệu mà nhóm họ đã khám phá ra trong lời giới thiệu để giảng dạy cho người học sinh thứ nhất về Sách Mặc Môn.

Khi các học sinh đã hoàn tất việc đóng diễn, các anh chị em có thể muốn hỏi các học sinh khác xem có thêm những điều nào từ lời giới thiệu mà họ có lẽ đã chia sẻ nếu họ đã được chọn để giảng dạy.

Các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng Sách Mặc Môn không tự cho là đưa ra một lịch sử của tất cả những người sống thời xưa ở Tây Bán Cầu. Đó là một biên sử chỉ nói về con cháu của Lê Hi (dân Nê Phi và dân La Man) cùng dân Gia Rết mà thôi. Có lẽ đã có những người khác ở trên các lục địa Tây Bán Cầu trước khi, trong khi và sau khi các sự kiện đã được ghi chép trong Sách Mặc Môn.

Mời các học sinh đọc thầm Mô Rô Ni 10:3–5.

  • Theo như Mô Rô Ni, làm thế nào chúng ta có thể biết rằng Sách Mặc Môn là chân chính?

Mời các học sinh đọc các đoạn 8–9 trong lời giới thiệu Sách Mặc Môn. Yêu cầu họ nhận ra thêm ba lẽ thật qua đó họ sẽ đạt được sự làm chứng nếu họ chấp nhận lời yêu cầu của Mô Rô Ni.

Làm chứng với các học sinh rằng khi chúng ta đọc, suy ngẫm, và cầu nguyện về Sách Mặc Môn, thì Đức Thánh Linh sẽ làm chứng rằng sách ấy là chân chính, rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, rằng Joseph Smith là vị tiên tri của Thượng Đế, và Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vương quốc của Chúa trên thế gian.

Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng và Tám Nhân Chứng

Yêu cầu các học sinh tưởng tượng rằng họ đã chứng kiến một người nào đó lấy một món đồ có giá trị từ nhà của người hàng xóm của họ.

  • Khi giải quyết một tội ác, tại sao việc có một nhân chứng là có giá trị?

  • Tại sao là điều hữu ích để có nhiều hơn một nhân chứng?

Yêu cầu các học sinh đọc thầm “Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng”. Mời họ tìm kiếm các cụm từ có ý nghĩa đối với họ một cách đặc biệt. Các anh chị em có thể muốn đề nghị rằng họ nên đánh dấu những cụm từ này.

  • Các em đã đánh dấu các cụm từ nào? Tại sao các cụm từ này có ý nghĩa đối với các em? (Các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng tiếng nói của Thượng Đế phán bảo cùng Ba Nhân Chứng rằng các bảng khắc đã được phiên dịch bởi ân tứ và quyền năng của Thượng Đế).

Yêu cầu một học sinh đọc to “Chứng Ngôn của Tám Nhân Chứng”. Mời các học sinh khác của lớp học lắng nghe và tìm ra những điểm khác biệt giữa các chứng ngôn của Ba Nhân Chứng và Tám Nhân Chứng.

  • Các em đã thấy có những khác biệt nào?

Mời các học sinh viết lời chứng hoặc cảm nghĩ riêng của họ về Sách Mặc Môn. Họ có thể muốn viết trong nhật ký ghi chép về việc học thánh thư của họ hoặc trên một trang để trống trong thánh thư của họ. Một số học sinh có thể cảm thấy rằng họ chưa biết được rằng Sách Mặc Môn là chân chính. Khuyến khích họ tìm cách đạt được một chứng ngôn trong năm nay.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

Trang Tựa

Những định nghĩa sau đây có thể hữu ích khi nghiên cứu trang tựa Sách Mặc Môn.

Gia Tộc Y Sơ Ra Ên ám chỉ con cháu của Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp. Cháu nội của Áp Ra Ham là Gia Cốp, mà tên của ông được đổi thành Y Sơ Ra Ên, có mười hai con trai. Hậu duệ của họ được biết là mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên. Với tư cách là hậu duệ của Áp Ra Ham, gia tộc Y Sơ Ra Ên cũng là dân giao ước của Chúa. Ngày nay, gia tộc Y Sơ Ra Ên bao gồm những người đã lập giao ước với Chúa và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. “Do đó danh hiệu Y Sơ Ra Ên được sử dụng nhiều cách khác nhau để bao hàm (1) người đàn ông tên Gia Cốp, (2) con cháu thật sự của Gia Cốp, và (3) những người thật sự tin nơi Đấng Ky Tô, dù dòng dõi hoặc vị trí địa lý của họ là gì đi nữa” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Y Sơ Ra Ên”).

Người Do Thái lúc đầu ám chỉ bất cứ người nào từ chi tộc Giu Đa (một trong số mười hai chi tộc Y Sơ Ra Ên). Từ này đã trở nên có nghĩa là bất cứ người nào từ vương quốc Giu Đa (trong thời Cựu Ước, miền nam của vương quốc Y Sơ Ra Ên bị chia cắt), cho dù họ không thuộc vào chi tộc Giu Đa. Từ này cũng ám chỉ “những người sống theo tôn giáo, nếp sống và truyền thống của Đạo Do Thái nhưng có thể hoặc không phải là dòng dõi người Do Thái” (Sách Hướng Dẫn Thánh Thư, “Do Thái, Dân,” scriptures.lds.org).

Dân Ngoại có nghĩa là “các dân tộc.” Từ này ám chỉ (1) những người không thuộc vào gia tộc Y Sơ Ra Ên, (2) những người không tin nơi Thượng Đế của Y Sơ Ra Ên hoặc không có phúc âm, dù dòng dõi của họ là gì, và (3) những người không đến từ xứ Giu Đa hoặc không sống trong đó. Ví dụ, những người hành hương và đi khai hoang được gọi là dân Ngoại trong 1 Nê Phi 13:3–13. Những người phổ biến Sách Mặc Môn được gọi là dân Ngoại trong 1 Nê Phi 13:34. Sách Giáo Lý và Giao Ước và Trân Châu Vô Giá cũng được dân Ngoại phổ biến (xin xem 1 Nê Phi 13:39). Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ được gọi là quốc gia dân Ngoại trong 1 Nê Phi 13:34, 39.

Phần tóm lược là một phiên bản rút gọn của một bài nào đó.

Một phần còn sót lại là một phần còn lại. Ở trên trang tựa của Sách Mặc Môn, cụm từ “dân còn sót lại của Gia Tộc Y Sơ Ra Ên” ám chỉ những người dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán và hậu duệ của họ. Khi Mô Rô Ni sắp kết thúc biên sử của mình và niêm phong các bảng khắc bằng vàng để ra đời vào những ngày sau, ông đã đặc biệt quan tâm đến dân La Man còn sống sót và con cháu của họ, là người mà có cha đã nói “những người còn sót lại của gia tộc Y Sơ Ra Ên” (Mặc Môn 7:1). Mô Rô Ni trông chờ cái ngày dân La Man sẽ một lần nữa biết và chấp nhận phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 1:4).

Lời Giới Thiệu. Con cháu thời cận đại của dân La Man

Dân La Man nằm trong số các tổ tiên của dân Da Đỏ Châu Mỹ. Tuy nhiên, Sách Mặc môn không khẳng định rằng tất cả dân Da Đỏ Châu Mỹ đều là con cháu của dân La Man. Chủ Tịch Anthony W. Ivins thuộc Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói:

“Chúng ta phải cẩn thận trong những kết luận mà chúng ta có được. Sách Mặc Môn dạy về lịch sử của ba dân tộc riêng biệt … là những người đã đến lục địa này từ cựu thế giới. Sách không cho chúng ta biết rằng không có ai ở đây trước khi họ đến. Sách không cho chúng ta biết rằng có những người đã không đến sau họ. Và do đó, nếu có những khám phá mà cho rằng có những khác biệt về nguồn gốc chủng tộc, thì điều đó có thể giải thích rất dễ dàng và hợp lý, vì chúng ta tin rằng những người khác đã đến lục địa này” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1929, 15).

Chứng Ngôn của Ba Nhân Chứng. “Đã phiên dịch nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế”

Anh Cả Neal A. Maxwell thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nhìn nhận rằng mặc dù Sách Mặc Môn được phiên dịch nhờ ân tứ và quyền năng của Thượng Đế, nhưng chúng ta không biết được những chi tiết của tiến trình phiên dịch đó:

“Chúng ta có thể hiểu được việc nhiều người đọc Sách Mặc Môn đã mong muốn biết thêm về sự ra đời của sách, kể cả tiến trình phiên dịch thật sự. Điều này chắc chắn là như vậy đối với Hyrum Smith, một người trung tín và trung thành. Khi hỏi, Hyrum được Tiên Tri Joseph cho biết rằng ‛ông không có ý định cho thế gian biết tất cả những chi tiết về sự ra đời của Sách Mặc Môn’ và rằng ‛không thích hợp cho ông để chia sẻ những điều này’ (History of the Church, 1:220). Do đó, điều chúng ta biết được về sự ra đời thật sự của Sách Mặc Môn là đầy đủ nhưng không bao quát. …

“Chỉ một mình Tiên Tri Joseph biết tiến trình trọn vẹn, và ông đã miễn cưỡng một cách thận trọng để mô tả các chi tiết. Chúng ta ghi nhận lời của David Whitmer, Joseph Knight, và Martin Harris, là những người quan sát chứ không phải là người phiên dịch. David Whitmer cho biết rằng khi Vị Tiên Tri sử dụng các dụng cụ thiêng liêng được ban cho để giúp đỡ ông, thì ‛những chữ viết tượng hình cũng như bản dịch bằng tiếng Anh hiện lên … thành những chữ cái rõ ràng. ’ Rồi Joseph sẽ đọc những chữ đó cho Oliver (được trích dẫn trong James H. Hart, “About the Book of Mormon,” Deseret Evening News, ngày 25 tháng Ba năm 1884, 2). Martin Harris kể về viên đá dùng để xem: ‛Các câu sẽ hiện ra và được Vị Tiên Tri đọc và Martin viết’ (được trích dẫn trong Edward Stevenson, “One of the Three Witnesses: Incidents in the Life of Martin Harris,” Latter-day Saints’ Millennial Star, ngày 6 tháng Hai năm 1882, 86–87). Joseph Knight cũng đưa ra những lời nhận xét tương tự (xin xem Dean Jessee, “Joseph Knight’s Recollection of Early Mormon History,” BYU Studies 17 [Mùa thu năm 1976 1976]: 35).

“Người ta kể lại là Oliver Cowdery đã làm chứng tại tòa rằng U Rim và Thum Mim đã có thể ‘giúp cho Joseph đọc bằng tiếng Anh những chữ Ai Cập cải cách được khắc lên trên các tấm bảng khắc’ (“Mormonites,” Evangelical Magazine and Gospel Advocate, ngày 9 tháng Tư năm 1831). Nếu những lời tường thuật này là chính xác, thì nó đã gợi ý ra một tiến trình cho thấy việc Thượng Đế đã ban cho Joseph ‛khả năng nhìn thấy và quyền năng phiên dịch’ (GLGƯ 3:12). …

“Tiến trình mặc khải dĩ nhiên không đòi hỏi Vị Tiên Tri trở thành chuyên gia về ngôn ngữ cổ xưa. Sự mặc khải bất biến thiết yếu hơn là việc các bảng khắc đã được mở ra là hiện hữu liên tục, mà theo lời chỉ dẫn phải được giữ kín không cho những người không được phép nhìn thấy.

“Mặc dù việc sử dụng các dụng cụ thiêng liêng cũng có thể hữu ích cho tốc độ phiên dịch nhanh, nhưng đôi khi Vị Tiên Tri cũng có thể đã sử dụng một phương pháp kém máy móc hơn. Chúng ta hoàn toàn không biết các chi tiết.

“Tuy nhiên, chúng ta quả thật biết rằng tiến trình đòi hỏi đức tin này không phải là dễ dàng. Sự kiện này được cho thấy rõ ràng trong cố gắng của Oliver Cowdery để phiên dịch. Oliver thất bại vì ông ‛không tiếp tục như [ông] đã bắt đầu,’ và vì thiếu đức tin và việc làm, nên ông ‛không suy nghĩ về việc ấy mà chỉ biết cầu xin’ (GLGƯ 9:5, 7). Ông đã không chuẩn bị đúng để làm điều ấy. …

“Bất cứ chi tiết nào của tiến trình này là gì đi nữa thì cũng cần phải có các nỗ lực riêng đầy nhiệt huyết của Joseph cùng với sự giúp đỡ của các dụng cụ mặc khải. Tiến trình này có thể khác biệt khi Joseph có nhiều khả năng hơn, có liên quan đến U Rim và Thum Mim nhưng có lẽ phụ thuộc ít hơn vào những dụng cụ như vậy trong công việc phiên dịch về sau của Vị Tiên Tri. Anh Cả Orson Pratt thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ nói rằng Joseph Smith cho ông biết là Joseph đã sử dụng U Rim và Thum Mim khi Joseph không có kinh nghiệm phiên dịch, nhưng về sau Joseph đã không cần đến hai viên đá đó nữa, đó là trường hợp mà Joseph phiên dịch nhiều câu trong Kinh Thánh (xin xem Latter-day Saints’ Millennial Star, ngày 11 tháng Tám năm 1874, 498–99)” (“By the Gift and Power of God,” Ensign, tháng Giêng năm 1997, 39).