Thư Viện
Bài Học 89: An Ma 31


Bài Học 89

An Ma 31

Lời Giới Thiệu

An Ma biết được rằng một nhóm dân Nê Phi ly khai được gọi là dân Giô Ram đã thất lạc khỏi lẽ thật của phúc âm và sa vào những lối thực hành sai lạc. Buồn rầu trước những báo cáo này về sự tà ác, An Ma dẫn một nhóm người truyền giáo đi giảng dạy lời của Thượng Đế cho dân Giô Ram. An Ma và những người bạn đồng hành của ông quan sát dân Giô Ram bội giáo trong việc thờ phượng, vật chất, và tính kiêu ngạo. An Ma khẩn thiết cầu nguyện rằng Chúa sẽ an ủi ông và những người bạn đồng hành của ông khi họ đối phó với thử thách này và họ sẽ được thành công trong việc mang dân Giô Ram trở lại với Chúa.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

An Ma 31:1–7

An Ma và những người bạn đồng hành của ông rời Gia Ra Hem La để thuyết giảng lời của Thượng Đế cho dân Giô Ram bội giáo

Yêu cầu học sinh suy nghĩ về điều họ sẽ làm nếu một người bạn hoặc một người trong gia đình bắt đầu đi lạc khỏi việc sống theo phúc âm.

  • Các em có thể làm gì để giúp người này trở lại với Giáo Hội? Làm thế nào các em có thể làm người này thức tỉnh một ước muốn để tuân giữ các giáo lệnh? Các em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ ai để làm việc với người trong gia đình hoặc người bạn của các em?

Nói cho học sinh biết rằng bài học hôm nay nhấn mạnh đến cách An Ma và vài người khác đã cố gắng giúp đỡ một nhóm người đã đi lạc khỏi phúc âm. Mời một học sinh đọc to An Ma 31:1–4. Yêu cầu lớp học tìm kiếm những mối quan tâm mà An Ma và những người khác đã có về dân Giô Ram.

  • An Ma có những cảm nghĩ gì khi nghe nói về sự gian ác của dân Giô Ram?

  • Tại sao dân Nê Phi bắt đầu lo sợ vì dân Giô Ram?

Yêu cầu học sinh tưởng tượng rằng họ có cơ hội để khuyên bảo An Ma về cách giải quyết các mối quan tâm của ông về dân Giô Ram. Hỏi học sinh là họ sẽ đề nghị điều gì ông nên làm. Mời một học sinh đọc to An Ma 31:5. Yêu cầu lớp học tìm kiếm điều mà An Ma đã biết sẽ là cách hữu hiệu nhất để giúp đỡ dân Giô Ram.

  • An Ma quyết định phải làm gì để giúp dân Giô Ram?

  • Trong nỗ lực để giúp dân chúng thay đổi, các em nghĩ tại sao lời của Thượng Đế mạnh mẽ hơn lực lượng hay các kỹ thuật khác?

Dựa trên An Ma 31:5, chúng ta có thể học được điều gì về quyền năng của lời của Thượng Đế trong cuộc sống của mình? (Học sinh có thể sử dụng những từ khác nhau, nhưng hãy chắc chắn là họ nhận ra lẽ thật sau đây: Khi chúng ta học lời của Thượng Đế thì lời đó sẽ dẫn dắt chúng ta làm điều đúng. Các anh chị em có thể muốn viết lẽ thật này lên trên bảng).

Để giúp học sinh hiểu rõ hơn về quyền năng của lời Thượng Đế trong việc giúp chúng ta làm điều đúng, hãy chia sẻ lời phát biểu của Chủ Tịch Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ. (Các anh chị em có thể muốn viết lời phát biểu này lên trên bảng hoặc chuẩn bị một tờ giấy phát tay).

Chủ Tịch Boyd K. Packer

“Giáo lý chân chính, nếu hiểu rõ, sẽ thay đổi thái độ và hành vi.

“Việc nghiên cứu các giáo lý phúc âm sẽ cải thiện hành vi nhanh hơn việc nghiên cứu hành vi sẽ cải thiện hành vi. … Đó là lý do tại sao chúng ta nhấn mạnh như vậy về việc nghiên cứu các giáo lý của phúc âm” (“Các Trẻ Nhỏ,” Ensign, tháng Mười Một năm 1986, 17).

Mời học sinh nói về một thời gian mà họ hoặc một người nào đó họ biết đã đạt được một ước muốn lớn lao hơn để làm điều gì là đúng nhờ vào thánh thư hoặc những lời giảng dạy của các vị lãnh đạo Giáo Hội.

Tóm lược An Ma 31:6–7 bằng cách nói với học sinh rằng vì sự tin tưởng của An Ma nơi quyền năng của lời của Thượng Đế, nên ông và bảy người khác đã đi thuyết giảng cho dân Giô Ram.

An Ma 31:8–23

Dân Giô Ram cầu nguyện và thờ phượng một cách sai lạc

Cho học sinh biết rằng khi An Ma và những người bạn đồng hành của ông ở giữa dân Giô Ram, họ quan sát dân chúng thờ phượng Thượng Đế một cách đáng kinh ngạc.

Mời học sinh im lặng đọc An Ma 31:8–11, cùng nhận ra các từ và cụm từ mà mô tả sự thờ phượng của dân Giô Ram. Hãy nêu ra rằng cước chú 10a gợi ý rằng cụm từ “các nghi thức của giáo hội” có liên quan đến các giáo lễ cũng như “cầu nguyện và khẩn cầu Thượng Đế mỗi ngày.”

  • Theo câu 10, dân Giô Ram đã làm điều gì mà làm cho họ dễ bị cám dỗ?

  • Chúng ta có thể học được điều gì từ việc dân Giô Ram không “liên tục cầu nguyện và khẩn cầu Thượng Đế mỗi ngày”? (Câu trả lời của học sinh có thể thay đổi, nhưng họ cần phải bày tỏ rằng các nỗ lực hàng ngày của chúng ta để cầu nguyện và tuân giữ các giáo lệnh củng cố chúng ta chống lại sự cám dỗ. Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng. Các anh chị em có thể đề nghị học sinh viết nguyên tắc này trong quyển thánh thư của họ bên cạnh An Ma 31:9–11).

  • Có khi nào các em thấy rằng lời cầu nguyện hàng ngày có thể giúp chúng ta chống lại cám dỗ không?

Là một phần của cuộc thảo luận của học sinh về câu hỏi này, hãy đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Rulon G. Craven thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi:

“Trong những năm qua, đôi khi tôi được Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương yêu cầu họp với các tín hữu hối cải của Giáo Hội và phỏng vấn họ về sự phục hồi các phước lành đền thờ của họ. Đây là một kinh nghiệm thuộc linh đầy cảm động để phục hồi lại các phước lành của những người tuyệt vời đó, là những người đã hối cải. Tôi đã hỏi một số người trong số họ câu hỏi sau đây: ‘Điều gì đã xảy ra trong cuộc sống của các anh chị em làm cho các anh chị em tạm thời mất đi tư cách tín hữu trong Giáo Hội?” Với mắt nhòa lệ họ đã trả lời: “Tôi đã không tuân theo các nguyên tắc cơ bản của phúc âm: cầu nguyện, đi nhà thờ thường xuyên, phục vụ trong giáo hội và học hỏi phúc âm. Sau đó tôi đã đầu hàng cám dỗ và mất đi sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh’” (“Temptation,” Ensign, tháng Năm năm 1996, 76).

Mời một học sinh đọc to An Ma 31:12–14. Sau đó, mời một học sinh khác đọc to An Ma 31:15–18. Trước khi học sinh thứ hai đọc, hãy yêu cầu lớp học suy nghĩ về cách phản ứng của họ nếu đã nghe một người nào đó cầu nguyện theo cách này.

  • Các em sẽ có những mối quan tâm nào nếu đã nghe một người nào đó cầu nguyện theo cách này?

  • Dân Giô Ram đọc thuộc lòng một số giáo lý sai lạc nào trong lời cầu nguyện của họ?

  • Dân Giô Ram có thái độ như thế nào đối với người khác? (Các anh chị em có thể muốn hướng sự chú ý của học sinhbao nhiêu lần chúng ta thấy các từ chúng con trong lời cầu nguyện của dân Giô Ram).

Mời một học sinh đọc to An Ma 31:19–23. Yêu cầu lớp học dò theo và tìm kiếm các vấn đề bổ sung với mẫu mực thờ phượng của dân Giô Ram. Yêu cầu học sinh báo cáo điều họ tìm thấy.

  • Các em nghĩ những thay đổi nào dân Giô Ram sẽ cần có để sự thờ phượng của họ được nghiêm trang và làm đẹp lòng Chúa?

Giải thích rằng chúng ta thờ phượng Thượng Đế bằng cách dâng lên Ngài tình yêu thương, sự tôn kính và tận tâm. (Các anh chị em có thể muốn liệt kê các yếu tố thờ phượng này lên trên bảng). Chúng ta nên tôn thờ không những trong thái độ và hành động của mình khi cầu nguyện, nhịn ăn, và tham dự Giáo Hội mà còn trong thái độ và hành động của chúng ta suốt ngày. Khuyến khích học sinh đánh giá sự tập trung và lòng chân thành của họ trong sự thờ phượng của họ.

Yêu cầu học sinh nhận ra nhiều cách khác nhau chúng ta có thể thờ phượng Thượng Đế theo đúng cách. Cho phép họ đủ thời gian để chia sẻ ý kiến. Các anh chị em có thể muốn có một học sinh viết những ý kiến này lên trên bảng.

  • Chúng ta cần phải có thái độ nào khi thờ phượng? Bằng cách nào chúng ta có thể giữ thái độ đó suốt ngày?

Để giúp học sinh hiểu thái độ của chúng ta ảnh hưởng như thế nào đến sự thờ phượng của mình, hãy mời một học sinh đọc lời phát biểu sau đây của Anh Cả Dallin H. Oaks thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ:

Anh Cả Dallin H. Oaks

“Sự thờ phượng thường gồm có các hành động, nhưng sự thờ phượng chân thật luôn luôn gồm có một thái độ đặc biệt của tâm trí.

“Thái độ thờ phượng gợi lên những cảm xúc sâu thẳm nhất của lòng trung thành, sự tôn thờ, và kính sợ. Sự thờ phượng kết hợp tình yêu thương và sự tôn kính trong một trạng thái tận tâm nhằm mang tinh thần của chúng ta đến gần Thượng Đế hơn” (Pure in Heart [1988], 125).

Mời học sinh viết trong sổ tay ghi chép hoặc nhật ký ghi chép việc học thánh thư một phần đánh giá ngắn gọn về mẫu mực thờ phượng cá nhân hiện tại của họ và thái độ thờ phượng của họ trong các thể loại sau đây: cầu nguyện riêng hàng ngày, học hỏi thánh thư riêng hàng ngày, tuân theo các giáo lệnh, và đi nhà thờ và dự phần Tiệc Thánh hàng tuần. Yêu cầu học sinh đặt mục tiêu để cải thiện sự thờ phượng cá nhân hàng ngày của họ.

An Ma 31:24–38

An Ma cầu nguyện để có được sức mạnh và sự thành công trong việc mang dân Giô Ram trở lại với Chúa

Mời học sinh im lặng đọc An Ma 31:24–25 cùng tìm kiếm những thái độ và hành vi đi kèm theo sự bội giáo của dân Giô Ram. Yêu cầu học sinh báo cáo điều họ tìm thấy.

Giải thích rằng khi An Ma thấy sự tà ác của dân Giô Ram, thì ông cầu nguyện. Yêu cầu học sinh chia ra thành từng cặp. Yêu cầu các cặp học sinh nghiên cứu An Ma 31:26–35 và thảo luận các câu hỏi sau đây. (Các anh chị em có thể muốn cung cấp những câu hỏi này trên một tờ giấy phát tay hoặc viết những câu hỏi này lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu).

  • Trọng tâm của lời cầu nguyện của dân Giô Ram là gì? (Họ tập trung vào bản thân mình).

  • Trọng tâm của lời cầu nguyện của An Ma là gì? (Ông tập trung vào việc giúp đỡ những người khác. Ngay cả khi cầu nguyện cho mình và những người đồng hành của mình, ông cũng cầu xin có được sức mạnh để phục vụ dân Giô Ram).

  • Các em muốn kết hợp những yếu tố nào trong lời cầu nguyện của An Ma vào những lời cầu nguyện riêng của mình?

Viết câu sau đây lên trên bảng:

Nếu chúng ta cầu nguyện và hành động theo đức tin, …

Giải thích rằng sau khi An Ma cầu nguyện để xin được giúp đỡ trong việc tìm đến dân Giô Ram, thì ông và những người bạn đồng hành của ông đã bắt đầu phục vụ, “lòng chẳng bận nghĩ đến bản thân họ ” (An Ma 31:37). Yêu cầu học sinh im lặng đọc An Ma 31:36–38 cùng tìm kiếm các phước lành đến với An Ma và những người bạn đồng hành của ông khi họ nhận được các phước lành của chức tư tế và thuyết giảng phúc âm. (Các anh chị em có thể muốn giải thích rằng trong An Ma 31:36, cụm từ “đặt tay lên người họ” ám chỉ phép đặt tay. Xem cước chú 36b.)

  • Các phước lành nào đã đến với An Ma và những người bạn đồng hành của ông nhờ vào những lời cầu nguyện và hành động của họ?

Dựa vào điều các em đã học được từ tấm gương của An Ma và những người bạn đồng hành của ông, các em sẽ hoàn tất lời phát biểu ở trên bảng như thế nào? (Học sinh có thể đưa ra vài câu trả lời đúng khác nhau. Tóm lược câu trả lời của họ bằng cách hoàn tất lời phát biểu ở trên bảng: Nếu chúng ta cầu nguyện và hành động theo đức tin, thì Chúa sẽ củng cố chúng ta trong những thử thách của chúng ta).

Giải thích rằng tiếp theo lời cầu nguyện của mình, An Ma và những người bạn đồng hành của ông đã cho thấy đức tin của họ bằng cách đi làm việc và tin cậy rằng Chúa sẽ lo liệu cho họ khi họ phục vụ Ngài. Mời các học sinh noi theo tấm gương cầu nguyện trong đức tin của An Ma.

Chú Thích Dẫn Giải và Thông Tin về Quá Trình

An Ma 31:22. “Lời cầu nguyện lặp lại giống nhau”

Anh Cả Joseph B. Wirthlin thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã thảo luận về tầm quan trọng của việc cầu nguyện chân thành:

“Những lời cầu nguyện của các anh chị em có đôi khi nghe và cảm thấy giống nhau không? Các anh chị em có từng bao giờ dâng lên một lời cầu nguyện một cách máy móc, lời nói thốt ra thể như cùng một khuôn rập từ một cái máy không? Các anh chị em có cảm thấy đôi khi mình nhàm chán trong khi cầu nguyện không?

“Những lời cầu nguyện mà không đòi hỏi nhiều ý nghĩ của các anh chị em sẽ xứng đáng được Cha Thiên Thượng lưu ý tới nhiều không? Khi các anh chị em thấy mình đang rơi vào một thói quen với những lời cầu nguyện của mình, thì hãy ngừng lại và suy nghĩ. Suy ngẫm một lát về những điều mà các anh chị em thực sự biết ơn. Tìm kiếm các điều này. Các điều này không lớn lao hay vinh quang. Đôi khi chúng ta nên bày tỏ lòng biết ơn đối với những điều nhỏ nhặt tầm thường như hương thơm của mưa, mùi vị của món ăn ưa thích, hoặc tiếng nói của một thân nhân” (“Improving Our Prayers,” Ensign, tháng Ba năm 2004, 26).

An Ma 31:26–35. Cầu nguyện cho người khác

Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ làm chứng về các phước lành đến khi chúng ta cầu nguyện cho những người khác:

“Việc cầu xin Cha Thiên Thượng các phước lành mà chúng ta mong muốn trong cuộc sống cá nhân của mình là tốt và thích đáng để làm. Tuy nhiên, cầu nguyện khẩn thiết cho những người khác, cả những người chúng ta yêu thương lẫn những người bắt bớ chúng ta, cũng là một yếu tố quan trọng của lời cầu nguyện có ý nghĩa. Việc cầu nguyện cho những người khác với tất cả tấm lòng nhiệt thành của chúng ta cũng làm gia tăng khả năng của chúng ta để lắng nghe và lưu ý đến tiếng nói của Chúa” (“Phải Cầu Nguyện Luôn Luôn,” Ensign hoặc Liahona, tháng Mười Một năm 2008, 43).