Bài Học 52
Mô Si A 2
Lời Giới Thiệu
Vào lúc gần cuối đời, Vua Bên Gia Min mong muốn đưa ra một bài giảng cuối cùng cho dân của ông. Bài giảng của ông, được ghi lại trong Mô Si A 2–5, là chủ đề của bài học này và các bài học 53–55. Vào lúc bắt đầu bài giảng, ông nói về giáo vụ của ông ở giữa dân chúng, nhấn mạnh rằng chúng ta phục vụ Thượng Đế khi chúng ta phục vụ người khác. Ông cũng làm chứng về trạng thái hạnh phúc của những người tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
Ghi chú: Phần tóm lược sau đây có thể hữu ích nếu các anh chị em chọn đưa ra một cái nhìn khái quát về bài giảng của Vua Bên Gia Min ở đầu bài học này.
Vào cuối cuộc đời mình, Vua Bên Gia Min ngỏ lời cùng dân chúng trong vương quốc của ông gần ngôi đền thờ ở Gia Ra Hem La. Ông đã giải thích về sự phục vụ của ông cho dân chúng và lương tâm trong sáng của ông trước mặt Thượng Đế, và ông đã đề cử con trai của ông là Mô Si A với tư cách là nhà vua mới của dân chúng. Trong bài giảng cuối cùng này, được tìm thấy trong Mô Si A 2–5, Vua Bên Gia Min chia sẻ sứ điệp về một số vấn đề, kể cả tầm quan trọng của sự phục vụ người khác, việc chúng ta vĩnh viễn mắc nợ Cha Thiên Thượng, giáo vụ trên trần thế và Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, sự cần thiết phải cởi bỏ con người thiên nhiên, tin nơi Thượng Đế để được cứu rỗi, san sẻ của cải để cứu trợ người nghèo khó, giữ lại sự xá miễn tội lỗi, và trở thành các con trai và con gái của Đấng Ky Tô qua đức tin và các công việc thiện một cách kiên định. Đặc biệt, Mô Si A 3 chứa đựng một sứ điệp mà Vua Bên Gia Min đã nhận được từ một thiên sứ.
Mô Si A 2:1–9
Các gia đình quy tụ lại và chuẩn bị đón nhận những lời của Vua Bên Gia Min
Viết các câu hỏi sau đây ở trên cùng theo bề ngang tấm bảng: Ai? Ở đâu? Điều gì? Tại sao?
Yêu cầu học sinh im lặng tra cứu Mô Si A 2:1–6, tìm kiếm các chi tiết mà sẽ trả lời các câu hỏi ở trên bảng. Sau khi họ đã đọc xong, hãy mời vài học sinh ghi lại trên bảng càng nhiều chi tiết càng tốt dưới mỗi câu hỏi. (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng dân chúng chuẩn bị để đón nhận những lời của Vua Bên Gia Min bằng cách dâng lễ vật hy sinh liên quan đến luật Môi Se. Khi dâng lên lễ vật hy sinh này, dân chúng bày tỏ lòng biết ơn đối với Thượng Đế và hiến dâng bản thân mình lên Ngài).
Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 2:9, tìm kiếm các từ và cụm từ cho biết điều Vua Bên Gia Min muốn dân chúng phải làm khi họ lắng nghe lời ông.
-
Từ những từ và cụm từ mà các em đã tìm ra thì các em nghĩ Vua Bên Gia Min đã cảm thấy như thế nào về sứ điệp của ông?
-
Theo như phần cuối của Mô Si A 2:9, Vua Bên Gia Min tin điều gì sẽ xảy ra nếu dân chúng lắng tai và mở tâm hồn của họ ra để đón nhận sứ điệp của ông?
-
Các em nghĩ việc lắng tai và mở tâm hồn của mình ra có nghĩa gì đối với những người được kêu gọi để giảng dạy?
Khuyến khích học sinh ghi nhớ lời mời của Vua Bên Gia Min khi họ học sứ điệp của ông và khi họ lắng nghe những lời của các vị tiên tri ngày sau.
Mô Si A 2:10–28
Vua Bên Gia Min dạy về tầm quan trọng của việc phục vụ Thượng Đế và phục vụ lẫn nhau và về việc chúng ta vĩnh viễn mắc nợ Thượng Đế
Cho học sinh thấy hình Vua Bên Gia Min Ngỏ Lời cùng Dân của Ông (62298; Sách Họa Phẩm Phúc Âm [2009], số 74). Nhắc nhở học sinh rằng Vua Bên Gia Min đã kêu gọi dân của ông quy tụ lại để tuyên bố rằng con trai của ông là Mô Si A sẽ thay ông làm vua và ban cho họ một ″danh hiệu, để họ được phân biệt với tất cả những dân khác mà Đức Chúa Trời đã đem ra khỏi xứ Giê Ru Sa Lem” (xin xem Mô Si A 1:9–12).
Đọc to Mô Si A 2:10–15 cho lớp học nghe. Yêu cầu học sinh nhận ra các cụm từ mà cho thấy mối quan tâm của Vua Bên Gia Min về việc phục vụ dân chúng, chứ không phải về địa vị hoặc sự thừa nhận của ông. Mời họ giơ tay lên bất cứ khi nào họ nghe một trong các cụm từ này. Khi họ giơ tay lên, hãy ngừng đọc và yêu cầu họ giải thích điều gì họ đã nhận ra và điều gì tiết lộ về Vua Bên Gia Min.
Là một phần của phần thảo luận này, hãy chia sẻ lời phát biểu sau đây của Chủ tịch Howard W. Hunter:
“Đừng quá quan tâm đến địa vị. … Thật là quan trọng để được biết ơn. Nhưng chúng ta nên tập trung vào sự ngay chính chứ không phải sự công nhận; vào sự phục vụ, chứ không phải địa vị” (“To the Women of the Church,” Ensign, tháng Mười Một năm 1992, 96).
Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 2:16–17 và nhận ra điều mà Vua Bên Gia Min muốn dân của ông học hỏi. Giúp họ thấy rằng khi chúng ta phục vụ người khác thì chúng ta phục vụ Thượng Đế. Viết lời tuyên bố này lên trên bảng. Nêu ra rằng Mô Si A 2:17 là một đoạn thánh thư thông thạo. Các anh chị em có thể muốn khuyến khích học sinh tô đậm đoạn thánh thư này trong một cách đặc biệt để họ sẽ có thể tìm ra đoạn đó dễ dàng.
Mời học sinh nghĩ về thời gian mà họ đã phục vụ người khác.
-
Khi các em đưa ra sự phục vụ này cho những người khác thì các em cũng đang phục vụ Thượng Đế như thế nào?
-
Khi nào những người khác đã ban phước cho cuộc sống của các em qua sự phục vụ? Khi họ phục vụ các em, thì làm thế nào họ cũng phục vụ Thượng Đế?
Mời một vài học sinh thay phiên đọc to từ Mô Si A 2:18–24, 34.
-
Tại sao Vua Bên Gia Min nói rằng bản thân ông và dân của ông là ″những tôi tớ vô dụng″? (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng có những người được lợi ích khi họ nhận được nhiều hơn họ ban phát. Chúng ta là những tôi tớ vô dụng đối với Cha Thiên Thượng bởi vì giá trị của các phước lành Ngài ban cho chúng ta sẽ luôn luôn vượt quá giá trị của sự phục vụ mà Ngài nhận được từ chúng ta).
-
Các em đã nhận được các phước lành nào mà các em cảm thấy mang ơn Thượng Đế không?
-
Tại sao là điều quan trọng để nhận biết rằng chúng ta ″mắc nợ″ Thượng Đế vĩnh viễn? (Các câu trả lời có thể gồm có khi chúng ta nhận biết rằng chúng ta đang mắc nợ Thượng Đế, thì lòng biết ơn của chúng ta gia tăng, chúng ta mong muốn tuân giữ các giáo lệnh, và chúng ta muốn phục vụ người khác nhiều hơn).
Giải thích rằng trong Mô Si A 2:34, từ trả ơn có nghĩa là dâng lên. Mời học sinh suy ngẫm về việc họ có thể “trả ơn [Cha Thiên Thượng] những gì [họ] có và tình trạng của [họ] ngày nay.″ Làm chứng rằng khi chúng ta tuân giữ các giáo lệnh của Thượng Đế và tìm cách phục vụ chân thành, thì Ngài ban phước cho chúng ta.
Mô Si A 2:29–41
Vua Bên Gia Min khuyên nhủ dân của ông phải tuân theo Thượng Đế
Viết HÃY ĐỀ PHÒNG lên trên bảng. Yêu cầu học sinh cho biết về những lúc mà họ đã thấy một dấu hiệu có sử dụng từ này hay truyền đạt ý nghĩ này. Nêu ra rằng những lời cảnh báo như vậy có thể bảo vệ chúng ta hay cứu mạng sống chúng ta.
Mời học sinh im lặng đọc Mô Si A 2:32–33, 36–38, tìm kiếm điều mà Vua Bên Gia Min nói với dân của ông phải đề phòng. Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng trong Mô Si A 2:33, từ nguyền rủa ám chỉ nỗi buồn phiền và đau khổ.
-
Vua Bên Gia Min đã đưa ra những lời cảnh cáo nào cho dân của ông?
-
Làm thế nào chúng ta có thể biết là chúng ta đang bắt đầu đi theo quỷ dữ? Tại sao là điều quan trọng để sớm nhận ra điều này?
-
Theo Mô Si A 2:38, những hậu quả nào đến với những người chết trong tội lỗi của họ?
Các anh chị em có thể muốn nhấn mạnh đến điều giảng dạy trong Mô Si A 2:36 rằng một cá nhân, qua hành vi của người ấy, có thể tự lánh xa khỏi Thánh Linh của Chúa. Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Đồ nhận xét về tầm quan trọng của việc nhận ra được khi nào chúng ta có thể đang tự lánh xa khỏi Thánh Linh:
″Chúng ta nên … cố gắng phân biệt khi nào chúng ta ′tự lánh xa khỏi Thánh Linh của Chúa, khiến Ngài không còn chỗ đứng trong [chúng ta] để hướng dẫn [chúng ta] vào những nẻo đường của sự khôn ngoan, ngõ hầu [chúng ta] được phước, được thịnh vượng, và được bảo tồn’ (Mô Si A 2:36). …
“… Nếu một điều gì mà chúng ta suy nghĩ, nhìn thấy, lắng nghe hoặc dẫn mình xa lánh khỏi Đức Thánh Linh thì chúng ta chỉ cần ngừng suy nghĩ, ngừng nhìn, ngừng lắng nghe hoặc ngừng làm điều đó. Ví dụ, nếu có một điều nào nhằm để giải trí, lại làm chúng ta xa lánh khỏi Đức Thánh Linh, thì chắc chắn chúng ta không nên dự phần vào loại giải trí đó. Vì Thánh Linh không thể ngự với điều gì thô tục, thô bỉ hoặc khiếm nhã, thì dĩ nhiên chúng ta không nên làm những điều đó. Bởi vì chúng ta xa lánh Thánh Linh của Chúa khi chúng ta tham gia vào những sinh hoạt mà chúng ta biết rằng mình nên xa lánh, cho nên chúng ta dứt khoát không làm những điều đó.” (“Để Chúng Ta Có Thể Luôn Được Thánh Linh của Ngài Ở cùng Chúng Ta,” Ensign hoặc Liahona, tháng Năm năm 2006, 30).
-
Anh Cả Bednar nói điều gì sẽ làm cho chúng ta xa lánh Đức Thánh Linh?
-
Bằng cách nào chúng ta có thể biết khi nào chúng ta đã tự mình xa lánh Đức Thánh Linh?
Viết GHI NHỚ và SUY XÉT lên trên bảng bên cạnh HÃY ĐỀ PHÒNG.
Mời một học sinh đọc to Mô Si A 2:40–41. Yêu cầu lớp học nhận ra điều Vua Bên Gia Min muốn dân của ông suy xét và điều ông muốn họ ghi nhớ. Khi học sinh trả lời, các anh chị em có thể nhấn mạnh lời giảng dạy của Vua Bên Gia Min bằng cách viết lẽ thật sau đây lên trên bảng: Nếu chúng ta tuân giữ các giáo lệnh thì chúng ta sẽ được ban phước về mặt vật chất và về phần thuộc linh.
-
Khi nào các em đã chứng kiến hoặc cảm nhận được niềm hạnh phúc đến từ việc tuân theo các giáo lệnh của Chúa?
Làm chứng về lẽ trung thực của những điều học sinh đã thảo luận ngày hôm nay. Kết thúc bằng cách khuyến khích học sinh đặt ra các mục tiêu cụ thể để vâng lời hơn trong một lãnh vực rất khó đối với họ hoặc tìm cách cải thiện trong một lãnh vực được liệt kê trong Chương Trình Sự Tiến Triển Cá Nhân (dành cho các thiếu nữ) hoặc Bổn Phận đối với Thượng Đế (dành cho các thiếu niên).