Thư Viện
Bài Học 58: Mô Si A 11–12:17


Bài Học 58

Mô Si A 11–12:17

Lời Giới Thiệu

Vì tính kiêu ngạo và cuộc sống bừa bãi của Vua Nô Ê dẫn dắt nhiều người dân của ông đến sự tà ác, nên Chúa gửi tiên tri A Bi Na Đi đến để cảnh cáo Nô Ê và dân của ông. A Bi Na Đi cảnh cáo họ rằng họ sẽ bị đặt dưới vòng nô lệ nếu không hối cải. Dân chúng đã chọn không lưu tâm đến những lời cảnh cáo đó, và Vua Nô Ê đã ra lệnh rằng A Bi Na Đi phải bị ném vào tù.

Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy

Mô Si A 11:1–19

Vua Nô Ê dẫn dắt dân của ông vào sự tà ác

Viết các câu hỏi sau đây lên bảng trước khi lớp bắt đầu học:

Các em sẽ phản ứng như thế nào nếu cha mẹ của các em nghĩ rằng một số bạn bè của các em đang có một ảnh hưởng xấu đến các em?

Các em sẽ phản ứng như thế nào nếu một vị lãnh đạo Giáo Hội nói rằng một trong những sinh hoạt ưa thích của các em đang ngăn cản sự phát triển phần thuộc linh của các em?

Các em sẽ phản ứng như thế nào nếu vị tiên tri lên tiếng chống lại một loại trò chơi giải trí nào đó mà các em thích?

Mời học sinh im lặng suy ngẫm về những câu hỏi này. Sau đó hỏi:

  • Tại sao những tình huống này đầy thử thách?

  • Các em có thể làm gì để tuân theo lời khuyên dạy của cha mẹ hoặc người lãnh đạo của mình trong những tình huống như vậy?

  • Tại sao những người ngay chính sẵn lòng tuân theo lời khuyên dạy cho dù điều này đòi hỏi một sự thay đổi khó khăn trong cuộc sống của họ?

Giải thích rằng trong bài học này, học sinh sẽ được học về một nhóm người không sẵn lòng tuân theo lời khuyên dạy từ một vị tiên tri.

Để cung cấp bối cảnh cho bài học, hãy nhắc nhở học sinh rằng Giê Níp đã dẫn một nhóm người đến xứ Nê Phi, nơi đó họ đã bị dân La Man bắt làm nô lệ. Mặc dù việc Giê Níp đã quá nồng nhiệt khát khao đã dẫn ông đến chỗ bị dân La Man đánh lừa nhưng ông là một người tốt, và ông đã dạy dân của ông phải đặt niềm tin cậy của họ vào Chúa. Trước khi Giê Níp qua đời, ông đã truyền giao vương quốc cho con trai của ông là Nô Ê. (Xin xem Mô Si A 9–10).

Giải thích rằng Nô Ê là một người tà ác. Để cho thấy sự tà ác của ông đã ảnh hưởng đến dân của ông như thế nào, hãy chia lớp học ra thành hai nhóm. Yêu cầu nhóm thứ nhất đọc Mô Si A 11:1–2, 5–7, và yêu cầu nhóm thứ hai đọc Mô Si A 11:14–19. Mời cả hai nhóm tìm kiếm những chi tiết về sự tà ác của Vua Nô Ê đã ảnh hưởng đến dân chúng như thế nào. Giúp học sinh phân tích các câu này bằng cách đặt những câu hỏi như sau:

  • Các em nghĩ tại sao dân chúng sẵn lòng hỗ trợ Nô Ê trong sự tà ác của ông?

  • Tại sao “những lời phù phiếm và tâng bốc” có thể dẫn người ta đến việc bị lừa dối? (Khi học sinh thảo luận câu hỏi này, các anh chị em có thể muốn nêu ra rằng lời tâng bốc là lời khen ngợi giả tạo, thường được đưa ra để lôi kéo người được khen).

  • Từ câu chuyện này về dân của Nô Ê, chúng ta có thể học được điều gì về cách chúng ta sẽ đáp ứng với những lời phù phiếm và tâng bốc? (Khi tin vào những lời phù phiếm và tâng bốc của người khác, thì chúng ta sẵn lòng để bị lừa dối).

  • Chúng ta có thể làm gì khi những người xung quanh mình đang sống không ngay chính?

Mô Si A 11:20–12:17

A Bi Na Đi cảnh cáo dân chúng rằng họ sẽ bị đưa vào vòng nô lệ nếu họ không hối cải

Mời một học sinh đọc to Mô Si A 11:20.

  • Chúa đã làm gì để giúp đỡ dân của Nô Ê? (Ngài đã gửi một vị tiên tri đến để kêu gọi họ hối cải.)

Viết nguyên tắc sau đây lên trên bảng: Thượng Đế gửi các vị tiên tri đến để giúp chúng ta hối cải và tránh đau khổ. Giải thích rằng Chúa đã gửi A Bi Na Đi đến hai lần để cảnh cáo dân chúng.

Sao chép biểu đồ sau đây lên trên bảng. Chừa đủ chỗ trống để viết một phần tóm lược theo mỗi câu tham khảo thánh thư.

Sứ Điệp của A Bi Na Đi

Phản Ứng của Dân Chúng

Lời Cảnh Cáo Thứ Nhất

Mô Si A 11:20–25

Mô Si A 11:26–29

Lời Cảnh Cáo Thứ Hai

Mô Si A 12:1–8

Mô Si A 12:9–17

Để giúp học sinh hiểu sứ điệp của A Bi Na Đi, hãy yêu cầu một nửa trong số họ đọc Mô Si A 11:20–25, trong đó có nói về lời cảnh cáo đầu tiên của A Bi Na Đi, và yêu cầu một nửa kia đọc Mô Si A 12:1–8, mà nói về lời cảnh cáo thứ hai của ông. Mời các học sinh trong mỗi nhóm tóm lược các sứ điệp của A Bi Na Đi trong khi một học sinh viết phần tóm lược của họ lên trên bảng dưới các câu tham khảo thích hợp.

  • Các em thấy có gì khác biệt giữa hai lời cảnh cáo của A Bi Na Đi?

Để giúp học sinh thấy được những khác biệt này, hãy cân nhắc việc thu hút sự chú ý của họ đến Mô Si A 11:20–25 và các cụm từ lặp đi lặp lại “nếu chúng không biết hối cải” và “nếu dân này không biết hối cải.” Các anh chị em có thể muốn khuyến khích họ tô đậm các cụm từ này. Sau đó khuyến khích họ tìm kiếm sự khác biệt giữa cách diễn đạt trong các cụm từ này và cách diễn đạt trong Mô Si A 12:1–8. Các anh chị em có thể đề nghị học sinh chú ý đặc biệt đến từ sẽ trong các câu này. (Giúp học sinh thấy rằng dân chúng có thể thoát khỏi những hậu quả này nếu họ đã hối cải sau lời cảnh cáo đầu tiên. Vì dân chúng không chịu hối cải nên những hậu quả đã trở nên tất yếu và nghiêm trọng hơn trong lời cảnh cáo thứ hai của A Bi Na Đi).

  • Những khác biệt này dạy cho các em biết gì về những hậu quả của việc không lưu ý đến lời cảnh cáo của một vị tiên tri?

  • Những nguy hiểm của việc khăng khăng sống trong tội lỗi của chúng ta và không hối cải là gì?

Để giúp học sinh hiểu được phản ứng của dân chúng đối với các sứ điệp của A Bi Na Đi, hãy yêu cầu một nửa số học sinh đọc Mô Si A 11:26–29, và lưu ý phản ứng của dân chúng và vua của họ đối với sứ điệp đầu tiên của A Bi Na Đi. Yêu cầu một nửa khác của học sinh đọc Mô Si A 12:9–17, cùng lưu ý đến phản ứng đối với sứ điệp thứ hai của A Bi Na Đi. Yêu cầu học sinh trong mỗi nhóm tóm lược các phản ứng khi một học sinh viết phần tóm lược trong biểu đồ.

  • Các em nghĩ tại sao dân chúng đã phản ứng giận dữ với A Bi Na Đi, là người đang cố gắng để giúp đỡ họ? Các em nghĩ tại sao họ đã bênh vực cho Vua Nô Ê, là người đã dẫn họ tới cảnh đau khổ?

  • Trong Mô Si A 11:29, chúng ta đọc “con mắt của dân chúng đều mù quáng hết.” Những người này đã trở nên mù quáng như thế nào đối với lẽ thật?

Khi học sinh thảo luận các câu hỏi này, hãy giúp họ nhận ra nguyên tắc sau đây: Tội lỗi có thể làm cho chúng ta mù quáng đến mức không nhận ra lẽ thật của lời nói của các vị tiên tri. Giải thích rằng, trong sự mù quáng của họ, dân chúng nghĩ rằng Nô Ê là bạn của họ và A Bi Na Đi là kẻ thù của họ, khi sự thật là ngược lại. Yêu cầu học sinh im lặng suy ngẫm về những câu hỏi sau đây:

  • Các em có bao giờ trở nên tức giận hoặc bênh vực cho những sai lầm của mình khi có người sửa chỉnh các em, mặc dù các em biết rằng họ đã nói đúng?

  • Các em có thể làm gì để chấp nhận lời khuyên bảo của những người trong gia đình, các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương, và các vị tiên tri khi họ khuyên bảo các em về cách tuân theo lời của Thượng Đế?

Hãy nêu lên rằng nhiều người khuyến khích chúng ta sống theo lời của Thượng Đế. Để giúp học sinh suy nghĩ thêm về cách phản ứng thích hợp với những người khuyên bảo chúng ta phải thay đổi hoặc hối cải, hãy trở lại với ba câu hỏi mà các anh chị em đã viết lên trên bảng trước khi lớp học bắt đầu. Yêu cầu học sinh trả lời cho một trong những câu hỏi đó trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ hoặc sổ tay ghi chép trong lớp của họ. Khi họ đã có đủ thời gian để viết xong rồi, hãy mời một vài người trong số họ nói về thời điểm mà họ đã được ban phước vì đã tuân theo lời khuyên bảo của cha mẹ hoặc các vị lãnh đạo. Khuyến khích họ tìm kiếm và tuân theo lời khuyên bảo của cha mẹ, các vị lãnh đạo Giáo Hội địa phương, và các vị tiên tri.

biểu tượng thông thạo thánh thưÔn Lại Phần Thông Thạo Thánh Thư

Sự hiểu biết của học sinh về những đoạn thánh thư sẽ gia tăng khi họ tự đặt ra những câu hỏi của họ về các đoạn thánh thư này. Mời các học sinh cùng làm việc với nhau chung một lớp học hoặc trong các nhóm nhỏ, để viết những manh mối cho thấy các đoạn thánh thư thông thạo cụ thể. (Các anh chị em có thể muốn chọn ra một nhóm các đoạn văn mà các anh chị em muốn học sinh học hoặc xem lại). Rồi yêu cầu họ đọc những manh mối của họ cho các anh chị em nghe. Các anh chị em sẽ được tính điểm nếu các anh chị em đoán đúng một đoạn thánh thư thông thạo. Lớp học sẽ nhận được điểm nếu các anh chị em không thể đoán đúng.

Xin Lưu Ý: Nếu không có thời gian để sử dụng sinh hoạt này như là một phần của bài học này, thì các anh chị em có thể sử dụng nó vào một ngày khác. Đối với các sinh hoạt để xem lại khác, xin xem phần phụ lục ở cuối sách học này.