Bài Học 6
1 Nê Phi 1
Lời Giới Thiệu
Sách Mặc Môn bắt đầu với việc Lê Hi làm tròn vai trò của mình với tư cách là vị tiên tri một cách trung tín. Lê Hi là một trong số “nhiều vị tiên tri đến và nói những lời tiên tri cho dân chúng biết rằng họ phải hối cải” (1 Nê Phi 1:4). Khi ông tiên tri về sự hủy diệt Giê Ru Sa Lem và làm chứng về sự cứu chuộc nhờ vào Đấng Mê Si, nhiều người đã chế nhạo ông và muốn giết ông. Tuy nhiên, Lê Hi đã hân hoan đối với lòng thương xót, quyền năng giải thoát của Chúa. Khi học hỏi về giáo vụ của Lê Hi, các học sinh có thể phát triển trong sự hiểu biết của họ về vai trò của các vị tiên tri ngày nay. Khi họ tìm kiếm sự thể hiện về lòng thương xót và mối quan tâm của Thượng Đế trong cuộc sống của mình, mối quan hệ của họ với Ngài sẽ phát triển.
Những Đề Nghị về Cách Giảng Dạy
1 Nê Phi 1:1–3
Nê Phi bắt đầu biên sử của ông
Mời các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 1:1–3. Yêu cầu họ nhận ra lý do tại sao Nê Phi đã viết biên sử của ông.
-
Nê Phi đã đưa ra những lý do nào để làm một biên sử về những kinh nghiệm của ông?
-
Các em nghĩ tại sao Nê Phi đã cảm thấy rằng ông “được Chúa dành cho nhiều ưu đãi” mặc dù ông đã trải qua nhiều “nỗi thống khổ” ?
1 Nê Phi 1:4–20
Lê Hi nhận được một khải tượng và báo trước cho dân chúng biết rằng Giê Ru Sa Lem sẽ bị hủy diệt
Mời các học sinh nghĩ về một thời gian mà cha mẹ của họ đã báo trước cho họ biết về điều nguy hiểm.
-
Tại sao cha mẹ các em báo trước cho các em biết về điều nguy hiểm?
-
Trong những phương diện nào Cha Thiên Thượng cảnh báo cho con cái của Ngài?
Giải thích rằng câu chuyện đầu tiên trong Sách Mặc Môn bắt đầu vào lúc có nhiều người ở Giê Ru Sa Lem rất tà ác. Mời một học sinh đọc 1 Nê Phi 1:4. Yêu cầu lớp học tìm ra cách mà Chúa đã cảnh báo những người dân ở Giê Ru Sa Lem.
Giải thích rằng cha của Nê Phi, là Lê Hi, đã cùng với “nhiều vị tiên tri” được đề cập trong câu này. Ông cảnh báo cho dân chúng biết rằng họ cần phải hối cải. Để giúp các học sinh khám phá ra những lời cảnh báo và giảng dạy của Lê Hi, hãy sắp xếp các học sinh thành từng cặp và yêu cầu mỗi cặp đọc 1 Nê Phi 1:5–13. Yêu cầu họ nhận ra điều Lê Hi đã thấy trong khải tượng, hoặc là bằng cách đánh dấu thánh thư của họ hoặc là bằng cách lập một bản liệt kê trên giấy. Cho các cặp học sinh đó một vài phút để thảo luận câu hỏi sau đây. (Các anh chị em có thể muốn viết câu hỏi này lên trên bảng).
-
Các em cảm thấy như thế nào nếu thấy trong một khải tượng rằng thành phố của mình sẽ bị hủy diệt?
Tiếp theo sinh hoạt này, mời các học sinh im lặng đọc 1 Nê Phi 1:15, và tìm ra những cảm nghĩ của Lê Hi sau khải tượng này.
-
Lê Hi phản ứng như thế nào với những sự việc ông đã thấy?
Mời một học sinh đọc to 1 Nê Phi 1:14–15. Khuyến khích lớp học tìm ra những lý do tại sao Lê Hi đã vui mừng. (Các anh chị em có thể cần phải giải thích rằng mặc dù Lê Hi biết được Giê Ru Sa Lem sẽ bị hủy diệt, nhưng ông cũng thấy rằng những người tin cậy nơi Thượng Đế sẽ không bị diệt vong).
-
Các em đã có thể ngợi khen Thượng Đế lúc nào, ngay cả trong những thời gian khó khăn trong cuộc sống của mình không?
-
Một số phước lành của việc nhận ra “tấm lòng nhân từ và thương xót” của Chúa trong thời gian khó khăn là gì?
Yêu cầu một học sinh đọc to lời phát biểu sau đây:
“Giống như các vị tiên tri thời xưa, các vị tiên tri thời nay làm chứng về Chúa Giê Su Ky Tô và giảng dạy phúc âm của Ngài. Họ cho biết về ý muốn và thiên tính đích thực của Thượng Đế. Họ nói một cách mạnh dạn và rõ ràng, lên án tội lỗi và cảnh cáo về những hậu quả của tội lỗi. Đôi khi, họ có thể được soi dẫn để nói lời tiên tri về những sự kiện tương lại vì lợi ích của chúng ta” (Trung Thành cùng Đức Tin: Một Tài Liệu Tham Khảo Phúc Âm [2004], 129).
Hãy nhấn mạnh rằng Lê Hi là một tấm gương về lẽ thật rằng các vị tiên tri cảnh cáo về tội lỗi và giảng dạy sự cứu rỗi qua Chúa Giê Su Ky Tô. (Các anh chị em có thể muốn viết lẽ thật này lên trên bảng).
Mời các học sinh đọc 1 Nê Phi 1:19–20.
-
Lê Hi giảng dạy điều gì?
-
Dân chúng đáp ứng như thế nào với những lời giảng dạy của Lê Hi?
-
Tại sao một số người trong thời kỳ chúng ta chối bỏ các sứ điệp từ các vị tiên tri của Chúa?
-
Các em đã được ban phước hoặc bảo vệ lúc nào vì đã tuân theo vị tiên tri?
1 Nê Phi 1:20
Nê Phi làm chứng về tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa
Hãy nêu lên rằng trong câu thứ hai của 1 Nê Phi 1:20, Nê Phi đã ngắt câu chuyện đang kể của mình để chia sẻ một sứ điệp với những người đọc lời ông. Yêu cầu các học sinh đọc riêng 1 Nê Phi 1:20 và tìm kiếm sứ điệp mà Nê Phi muốn chúng ta thấy. Khi cần thiết, hãy hướng sự chú ý của họ đến cụm từ mà Nê Phi đã sử dụng để giới thiệu sứ điệp đó (“Tôi, Nê Phi, sẽ cho các người thấy rằng …”).
-
Làm thế nào việc lưu ý kỹ đến loại cụm từ này có thể giúp các em trong việc học Sách Mặc Môn của mình?
-
Nê Phi muốn chỉ cho chúng ta thấy điều gì?
Yêu cầu một học sinh đọc to 1 Nê Phi 1:20. Mời một học sinh khác đọc Mô Rô Ni 10:3. Yêu cầu lớp học tìm ra những điểm tương tự trong cả hai câu này.
-
Nê Phi và Mô Rô Ni muốn các độc giả Sách Mặc Môn nên lưu ý đến ý kiến tương tự nào?
Giúp các học sinh nhận ra nguyên tắc này: Tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa đã được ban cho những người sử dụng đức tin nơi Ngài. (Các anh chị em có thể muốn viết nguyên tắc này lên trên bảng).
Để giúp các học sinh hiểu tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa là gì và cách nhận ra tấm lòng đó trong cuộc sống của họ, hãy chia sẻ lời phát biểu sau đây của Anh Cả David A. Bednar thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ.
“Tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa là các phước lành, sức mạnh, sự bảo vệ, đảm bảo, hướng dẫn, lòng nhân từ yêu thương, an ủi, hỗ trợ rất riêng tư cho mỗi cá nhân, và các ân tứ thuộc linh mà chúng ta nhận được từ Chúa Giê Su Ky Tô và nhờ vào Ngài. …
“… Tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa không tình cờ xảy ra hay chỉ là ngẫu nhiên. Sự trung tín và vâng lời làm cho chúng ta có thể nhận được các ân tứ quan trọng này và, thường thường kỳ định của Chúa giúp chúng ta nhận ra các ân tứ này.
“Chúng ta đừng nên đánh giá thấp hoặc không chú ý tới quyền năng của tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa” (“Tấm Lòng Thương Xót Dịu Dàng của Chúa,” Ensign hay Liahona, tháng Năm năm 2005, 99–100).
-
Anh Cả Bednar đã giải thích cụm từ “tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa” như thế nào?
-
Các em đã thấy những ví dụ nào về tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa đối với các em hoặc một người nào đó mà mình biết không?
Sau khi các học sinh đã có thời giờ để trả lời cho những câu hỏi này, thì hãy mời họ cân nhắc cách họ có thể nhận ra dễ dàng hơn tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa trong cuộc sống của họ. Khuyến khích họ có ý thức hơn về tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa dành cho họ. Các anh chị em có thể muốn đề nghị họ ghi lại kinh nghiệm của mình về tấm lòng thương xót dịu dàng trong nhật ký của họ. Cân nhắc việc cho họ thời giờ để viết trong nhật ký ghi chép việc học thánh thư của họ hoặc các sổ tay ghi chép trong lớp học về một hoặc hai cách mà gần đây Chúa đã dành tấm lòng thương xót dịu dàng của Ngài cho họ như thế nào.
Kết thúc bằng cách lặp lại chứng ngôn của Nê Phi trong 1 Nê Phi 1:20 về tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa. Chia sẻ chứng ngôn của các anh chị em về sự xác thật của các phước lành và mối quan tâm của Chúa dành cho mỗi người. Khuyến khích các học sinh tìm kiếm những ví dụ về tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa trong cuộc sống của họ và trong suốt Sách Mặc Môn.